MỘT LẦN ĐẾN VỚI MẸ MĂNG ĐEN

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Chúa nhật thứ nhất mùa Chay 2023, chúng tôi may mắn được tham dự một chuyến hành hương kết hợp với việc từ thiện tại một điểm truyền giáo thuộc Giáo phận Kon Tum. Nhắc đến Kon Tum, hầu như mọi người đều nhớ ngay đến Đức Mẹ Măng Đen. Địa điểm Măng Đen nằm trong huyện Kon Plông của tỉnh, cách thị xã Kon Tum 52km về hướng đông bắc.

Theo tư liệu của Tòa Giám mục Kon Tum, vào mùa Vọng năm 1971, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất sau Noel năm ấy, Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám mục Kon Tum lúc đó, đã tới cử hành Thánh lễ tại đây. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng.

Sau chiến tranh, bức tượng bị bỏ phế trong một thời gian dài vì không có tuyến giao thông và không có cư dân sinh sống gần đó. Đầu thập niên 1980, do ảnh hưởng từ chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới của chính phủ, một số người dân sinh sống tại lâm trường Măng Cành đã phát hiện ra bức tượng này, nhưng không có sự quan tâm đặc biệt nào.

Năm 2004, khi bắt đầu thi công tuyến đường Quốc lộ 24 kéo dài băng qua địa bàn huyện, những người làm đường khi thấy bản thiết kế vô tình đi qua vị trí tượng này đã điều chỉnh tuyến đường để tránh xâm hại đến bức tượng. Trong số những người làm đường có một tín hữu Công giáo đã bỏ công phục chế phần đầu và đôi tay. Phần đầu được phục chế với gương mặt không còn giống các phiên bản tượng Đức Mẹ Fatima thông thường nữa, nhưng mang dáng dấp phụ nữ Tây Nguyên Việt Nam. Tuy nhiên, không rõ vì sao đôi tay khi phục chế đã bị rơi xuống dưới chân tượng. Vì vậy tượng vẫn mang hình dáng cụt tay cho đến ngày nay.

Ngày 28 tháng 12 năm 2006, một phái đoàn tôn giáo do Giám mục Kon Tum Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu, đã lên viếng bức tượng và Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn đã “tìm được một phần bàn tay và một phần đốt tay trỏ của tượng Mẹ”, hiện đang được cất giữ tại Tòa Giám mục Kon Tum. Có lẽ đây chính là phần còn lại của đôi tay được phục chế. Một năm sau, ngày 9 tháng 12 năm 2007, Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 giáo dân đã tổ chức dâng Thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Từ đó, nơi đây trở thành một nơi hành hương của các giáo dân vùng Tây Nguyên và ngày 9 tháng 12 hàng năm, trở thành ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo phận Kon Tum.

Đến ngày 10 tháng 9 năm 2011, Sứ thần Tòa Thánh, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã đến viếng và chủ trì Thánh lễ kính Đức Mẹ. Cuối tháng 11, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đã gửi văn bản cho Tòa Giám mục Kon Tum chính thức chấp nhận việc tổ chức hành hương tôn giáo tại Măng Đen. Tòa Giám mục Kon Tum cũng ra thông báo thành lập giáo xứ Kon Xơm Luh, phụ trách việc quản lý linh địa Măng Đen. Ngày 12 tháng 12 năm 2011, một buổi lễ trọng thể được tổ chức tại đây, do chính Giám mục giáo phận chủ trì để mừng sự kiện này.

Nhưng ngay từ năm 2007, đã có nhiều giáo dân đã lên cầu nguyện tại đây, hình thành một điểm hành hương tôn giáo tại Măng Đen. Hàng trăm chiếc ghế đá, những bảng đá nhỏ khắc chữ tạ ơn dưới bệ tượng cho thấy sự linh ứng của niềm tin vào linh tượng Mẹ. Những đoàn người hành hương từ các nơi xa đến cầu nguyện, chiêm bái. Có người là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng cũng nhiều người đến chỉ cốt cầu xin tài lộc, con cái v.v…

Quả thật, khi chúng tôi tới nơi đã thấy rất nhiều loại xe lớn nhỏ với đủ các biển số từ các tỉnh, thành phố phía Bắc, Trung, Nam tại đây. Bước vào nhà thờ, khách hành hương đã ngồi ken kín không những trong nhà thờ mà cả hai bên hiên cánh phía ngoài. Dù ngày hôm nay Măng Đen với mưa rừng, gió núi, ướt lạnh nhưng chắc hẳn mọi người vẫn cảm thấy ấm áp khi được cùng nhau dâng lên Chúa và Mẹ Maria những lời kinh tiếng hát trong Thánh lễ Chúa nhật đầu mùa Chay Thánh.

Tan lễ, men theo lối đi đã được bê tông hóa, chúng tôi rảo bước đến đài Đức Mẹ dưới cơn mưa đại ngàn buốt gió. Mẹ đây rồi, không ai bảo ai, chúng tôi cùng làm dấu thánh và dâng lên Mẹ những lời kinh tiếng hát, những phút giây thinh lặng cầu nguyện của đàn con cái phương xa. Ngước nhìn lên linh tượng, vẫn là đôi tay bị cụt nhưng khuôn mặt đã không còn mang dáng dấp của phụ nữ Tây Nguyện Việt Nam mà là khuôn mặt mới tươi đẹp hơn. Một anh bạn vong niên đã từng đến viếng Mẹ trước đây khẽ thì thầm bên tai tôi: “Tượng Đức Mẹ Măng Đen mới thì đẹp hơn, nhưng khi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cũ tôi thấy vui sướng hơn, bình an hơn…”

Trong cuộc hành hương của phái đoàn Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam ngày 29.03.2007, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kon Tum  đã nói: ”Hãy cầu nguyện với Mẹ, nhất là xin Mẹ được ơn sai đi đến với mọi người chung quanh mình, nhất  là anh chị em dân tộc bằng đời sống yêu thương phục vụ như Thư Chung 2006 của HĐGMVN mời gọi”. Có thể coi đây như sự xác định mục đích và ý nghĩa của Trung tâm hành hương mà ngài muốn lập tại Măng Đen. Đó là định hướng thừa sai, truyền giáo, đem ơn lành và tinh thần của Đức Mẹ Măng Đen đến cho mọi người chung quanh mình, ưu tiên cho anh chị em dân tộc.

Với tinh thần đó, chúng tôi đã “xuống núi” lên xe trở về Tp. Kon Tum sau bữa trưa vội vã để kịp giờ hẹn với cha chánh xứ giáo xứ Võ Lâm Tađêô Võ Xuân Sơn. Tại đây, cha cho biết, giáo xứ có 682 hộ gia đình với 2.615 giáo dân trong 10 xóm giáo và 1 điểm truyền giáo cho đồng bào dân tộc. Nhà thờ đã trải qua 54 năm sử dụng, thời gian và chiến tranh tàn phá, nay xuống cấp và số giáo dân ngày càng tăng nên nhà thờ không còn chỗ đáp ứng đủ nhu cầu phụng vụ của giáo xứ. Vì vậy, cha sở và giáo dân đã quyết định xây dựng ngôi nhà thờ mới. Thêm vào đó cũng xây dựng mới nhà Sinh hoạt – Giáo lý, nhà xứ và các công trình phụ trợ khác.

Sau khi các thành viên trong đoàn xin các ý lễ và tạm biệt cha chánh xứ vì đã đến giờ ngài phải dâng lễ tại nhà thờ tạm. Chúng tôi đến cầu nguyện tại tượng đài Đức Maria (theo khuôn mẫu tượng Đức Mẹ Măng Đen cụt tay cũ). Sau đó, một thành viên HĐMV hướng dẫn đoàn đến thăm, trao quà cho các gia đình và trẻ em đồng bào dân tộc tại giáo điểm thôn Pleirơ Lưng cách nhà thờ khoảng 3 km. Bà con đa số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn do phải nhường đất sản xuất để tỉnh, thành phố thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Đến nơi, chúng tôi đã thấy rất đông đồng bào dân tộc trong thôn và các thôn lân cận đã chờ sẵn tại nhà nguyện thôn. Hội ý nhanh với ban điều hành giáo họ để thống nhất cách thức tiến hành công việc. 50 phần quà gồm quần áo, nón len, bánh kẹo, sữa … do ban tổ chức và các thành viên trong đoàn chuẩn bị từ trước nhanh chóng được trao tận tay đến các hộ gia đình đã có phiếu nhận do giáo xứ phát trước. Những bao quần áo cũ được đổ ra trên chiếu tại sân nhà nguyện nhanh chóng được đồng bào lựa chọn hết. Nhưng vẫn còn những hộ và những trẻ em không có phiếu vẫn nán lại. Một vài thành viên trong đoàn vội chạy đi mua vài “lốc” sữa, thật tội nghiệp khi có những em nhận được hộp sữa mà không biết cách uống ra sao! Rồi sữa cũng hết mà người vẫn còn, thôi thì đành gởi biếu bà con và các em những đồng tiền lẻ như một chút tấm lòng sẻ chia ngoài dự kiến.

Chia tay bà con, ban điều hành giáo họ và đại diện HĐMV giáo xứ Võ Lâm. Trên chuyến xe trở về, chúng tôi nhớ đến lời nhắn nhủ của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong Thư mục vụ Mùa Chay và Phục sinh 2023: “Chúa muốn chúng ta quan tâm chăm sóc nhau. Chia sẻ và giúp đỡ người nghèo khổ là làm cho Chúa. Càng thực thi bác ái thì càng chứng tỏ mình là bạn hữu thật của Chúa. Chúng ta có thể là bạn hữu của Chúa không, khi để trái tim mình trở thành vô cảm dửng dưng, nhắm mắt bịt tai trước các nhu cầu của tha nhân?”. Vâng, chuyến đi đến với Mẹ Măng Đen của chúng con trong mùa Chay Thánh 2023 và sự chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khổ tại điểm truyền giáo thôn Pleirơ Lưng sẽ làm đẹp lòng Chúa và giúp chúng con ngày càng hoàn thiện hơn để trở thành “bạn hữu thật của Chúa”.

Kỷ niệm chuyến Hành hương

Du lịch Tây Nguyên

24-27.02.2023