HẠT MẦM ĐỨC TIN MIỀN SỎI ĐÁ

Phong Trần

Giáo điểm Lộc An, Lộc Ninh, Bình Phước, những ngày tháng 4…

Nơi tôi đến thuộc xã Lộc Tấn, nằm sâu phía trong những cánh rừng cao su ngoằn ngoèo, uốn khúc hình rắn lượn. Đó là vào buổi trưa Chúa nhật Phục sinh. Trời nóng hầm hập như đổ lửa đến thế mà khi tôi đến đã thấy có khá nhiều người đang ngồi đợi. Những phụ nữ dân tộc đen nhẻm, mặc trên người những bộ xà rông xanh có, đỏ có, sọc xanh đen cũng có.

Khuôn mặt của họ hằn lên những đường nét khắc khổ, nghèo nàn nhưng mang đậm vẻ chất phác, hiền lành. Dù được báo trước rằng họ là những người đồng bào dân tộc Stieng, nhưng tôi cũng có phần hơi bất ngờ vì nhìn thấy họ có phần hơi “dơ”. Phụ nữ mà cũng phì phèo khói thuốc, trên tay đầy những hình xăm vẽ như đàn ông vậy. Có người mang theo cả con cháu, lấy nước xối tắm cho nó tại vòi nước ở sân sau giáo điểm. Có người mang theo bao ni lông để nhặt lá sa kê mang về. Có người xách theo một bọc hạt bắp mà về sau tôi biết là họ xách theo rồi để đổi gạo mang về. Họ nói với nhau thật xôn xao bằng tiếng dân tộc rồi cười ngất về một điều gì đó mà tôi không hiểu. Đó là cái nhìn đầu tiên về những người mà tôi sẽ đồng hành với họ mỗi Chúa nhật hàng tuần, trong một nhóm tạm gọi là thuộc phong trào Legio Mariae…

Nhà nguyện vốn dĩ chỉ là một căn nhà mà trước đây cha chánh xứ của giáo xứ Lộc Tấn xây lên để ngài dùng tạm mỗi khi vào dâng lễ và mục vụ tại giáo điểm, nhưng về sau, do nhu cầu cấp thiết nên đã cải tạo lại rồi trở thành nhà nguyện như ngày nay. Khá nhỏ bé, chật hẹp, bên trong chỉ có thể ngồi được khoảng hơn 80 người, nếu tính luôn ca đoàn thì được khoảng thêm 20 người nữa. Giáo dân còn lại phải ngồi bên ngoài. Mái tole thấp, trời lại nắng như thiêu đốt dù đã gần 15g. Dù có mấy cái quạt loại thổi “lúa” được mở hết công suất nhưng cũng không thể xua đi được cái nóng bức ngột ngạt của vùng đất khô cằn này. Vậy mà các hội viên Legio lại có thể đến thật sớm dù chưa đến giờ họp. Người cao niên nhất đã 83 tuổi, những người khác trẻ hơn cũng khoảng trên dưới 60 cả. Họ đi bộ đến đây, vượt qua 3 đoạn dốc, mà tôi không rõ xa bao nhiêu nhưng họ đã đi từ lúc 13g để đến đây trước, ngồi nghỉ cho khỏe trước khi vào họp. Họ đã đều đặn làm việc đó trong hơn 1 năm nay, kể từ khi cha xứ chuyển sinh hoạt của họ về giáo điểm này để phần nào giúp họ đỡ vất vả hơn. Từ gần 20 năm nay, họ vẫn duy trì sinh hoạt hội họp và tham dự Thánh lễ như vậy ở giáo xứ còn xa hơn đến đây nhiều. Về sau, tôi biết thêm rằng, họ chỉ là đi theo những giáo dân người Kinh mà đến với Giáo hội chứ không có cha xứ nào hướng dẫn hay mời gọi họ cả. Ôi, một niềm tin mộc mạc, đơn sơ đến dễ thương mà có lẽ chỉ có Chúa mới có thể nâng đỡ cho những ai yêu mến Người!

Hội Legio ở đây chỉ đơn giản là họp nhau lại để đọc kinh dâng lên Đức Mẹ và dự lễ Chúa nhật mà thôi, ngoài ra không có hoạt động gì khác. Chỉ có người trưởng nhóm người Kinh và là người biết đọc chữ duy nhất, còn lại 20 thành viên người dân tộc bị mù chữ hoàn toàn mặc dù nói tiếng Kinh rất tốt. Trưởng nhóm kiêm luôn vai trò thủ quỹ và tất cả các hoạt động khác, từ việc điều động các thành viên, đi họp với các chi, nhóm khác cho đến việc đi vận động quyên góp, xin nguồn tài trợ… đều một tay chị trông nom. Chị là cánh chim đầu đàn và cũng là nơi nương tựa tinh thần, vật chất cho sự tồn tại của nhóm và chị vẫn miệt mài trong sứ vụ đó từ nhiều năm nay. Chị xem họ như những người chị em, người mẹ của mình vậy; dù rất mệt nhọc vì vừa phải làm lụng nuôi sống gia đình vừa phải làm công tác tông đồ nhưng chị vẫn thấy đầy ắp niềm vui và lòng yêu mến người khác. Nhiều lúc, chị muốn nghỉ ngơi, nhường lại công việc cho người khác nhưng nào có ai gánh vác được việc ấy! Người dân tộc không biết đọc chữ, làm sao đi họp, làm sao phổ biến được tài liệu cho các thành viên rồi còn liên hệ với giáo xứ và các hội đoàn khác nữa… Chị nói người đồng bào rất khó tiếp thu kiến thức, một phần vì họ không đọc được chữ viết, phần khác có lẽ do đầu óc có phần kém năng động nên nhiều lúc cứ phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Tôi đã được kiểm chứng điều này, vì có lần chỉ hướng dẫn câu dạo ngắn của kinh Catena: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận. Bà là ai” nhưng suốt cả buổi mà các bà vẫn chưa thuộc được; kẻ vấp đoạn này, người quên mất chữ kia… Những gì các bà thuộc nhất có lẽ chỉ là Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh thôi.

Nhưng có cần gì chứ, như thánh Tông đồ nói, cao trọng hơn tất cả vẫn là đức mến. Chúa luôn gìn giữ và chúc lành cho những ai hết dạ yêu mến Người.

Đồng hành với người dân tộc chỉ đơn giản là lần hạt Mân Côi và hơn mười phút để gọi là “chia sẻ về đời sống và Tin mừng”, vì có nói nhiều hơn nữa, người ta cũng khó mà nhớ hết được. Họ rất thành kính, nghiêm trang đọc kinh đấy và cũng rất đơn sơ đến lạ lùng. Hầu như hôm nào, đọc được một lúc, y như là sẽ có điều gì đó làm cho một ai bật cười, thế là cả nhóm cười theo dù cho trưởng nhóm hay ai đó có ra hiệu để giữ trật tự nhưng rồi cũng phải cười xoà theo nhóm. Họ nói với nhau điều gì đó rồi ôm miệng cười mà sau này tôi được biết, đó là do một ai đó quên mất hoặc đọc nhầm đoạn kinh mà có thể làm cho cả nhóm vui đến dường ấy. Niềm vui của họ đơn giản là tụ họp lại, đọc kinh, cùng dự Thánh lễ, như thế là đủ rồi, còn lại họ chả quan tâm. Các bà nói niềm vui là được gặp họp nhau, đọc kinh và đi lễ Chúa nhật.

Tôi tưởng chừng như mình đang được nghe lại văng vẳng đâu đây những câu chữ về cộng đoàn các tín hữu đầu tiên mà sách Công vụ Tông đồ đề cập đến, họ “chuyên cần đến Đền Thờ, ca tụng Thiên Chúa” và “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42; 46-47)…

Bất cứ cuộc gặp gỡ nào rồi cũng phải đến lúc chia tay, tiệc vui rồi cũng phải đến lúc tàn.

Hai tháng đồng hành cùng các đồng bào Stieng rồi cũng phải đến kỳ kết thúc. Tiệc chia tay nhưng các bà lại ngại ngùng, đến nơi mà lại không vào. Không thể ngồi cùng bàn với nhau trong phút cuối quả là điều đáng tiếc. Nhưng biết làm sao hơn. Đồng bào thấy ngại, không muốn ngồi ăn chung với người Kinh dù hôm thông báo tiệc thì rất vui vẻ, hào hứng. Các bà chỉ thích cầm ổ bánh mì, ăn chút kẹo hay uống lon Coca ở bên ngoài mái hiên hơn là ngồi vào bàn dùng bữa. Nhưng giọng nói chúc bình an nghẹn ngào, những đôi mắt đỏ hoe, rơm rớm nước mắt đã nói lên tất cả chân tình và lòng quý mến của những con người chất phác, hiền lành ấy. Có người còn làm mặt giận, xô người khác ra để dành cho mình một chỗ đẹp hơn trong khung hình kỷ niệm…

Tạm biệt nhé giáo điểm Lộc An. Tạm biệt những người chị em hiền lành chất phác nhưng có một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Xin chúc cho chị em vẫn mãi luôn đơn sơ, mộc mạc và dễ thương như vậy. Xin cho hạt mầm đức tin ngày càng được phát triển và trổ sinh thêm nhiều hoa trái thánh thiện, tốt lành nơi vùng đất khô cằn đầy nắng gió này….