CHUYẾN ĐÒ MÙA XUÂN

Giuse Huỳnh Bá Song

Việc con Thu nhà mình giờ ông tính sao?

Đang nằm thiu thiu mơ màng trên võng đợi giấc ngủ trưa, ông Ba Lực bật mình ngồi dậy nhìn trân trân bà Ba đang ngồi bên đầu võng, tay phe phảy chiếc quạt nan, khơi ngọn lửa hồng trên chiếc bếp than tìm chút hơi ấm- tháng Chạp cuối Đông năm nay trời se lạnh.

Tính sao là sao? Ông gằn giọng. Tôi đã nói không là không? Mình có một đứa con gái chứ nhiều nhắn gì mà gấp gáp. Thiếu gì chỗ họ đánh tiếng chứ có ế ẩm đâu mà phải lo gả tống gả tháo. Tôi nói bà kêu con Thu về đây, không có dạy diếc gì nữa hết. Không gặp mặt thằng thầy giáo đó nữa, về đây tôi nuôi.

Tâm và Thu là đôi bạn trẻ học chung với nhau từ thuở nhỏ, tuy người đầu cồn, kẻ cuối cù lao. Lớn lên lại học chung một trường sư phạm, ra trường lại được cùng nhau về dạy học ở quê nhà. Quen nhau từ hồi tóc còn để chỏm, xa nhà lại học chung trường, môi trường nghề nghiệp tiếp cận thường xuyên hàng ngày nên tình yêu có đến với họ âu cũng là lẽ thường tình. Khổ nỗi, Tâm lại là người con của xóm đạo – xóm của những con người thuở trước kia dường như sống hơi tách biệt với mọi người nơi đây. Ông Ba biết chuyện hai đứa từ lâu nhưng không quan tâm, chuyện đâu còn có đó, trai gái mới lớn  thì đứa nào chẳng vậy.

Nhưng mới hôm qua, gia đình Tâm đánh tiếng sang giáp mặt thì ông mới vỡ lẽ. À! thì ra chuyện này lại là sự thật đây! Đúng là quá đáng! Áo mặc sao qua khỏi đầu, thế mà nó dám! Mình một tiếng nó cũng không thèm nói mà lại báo cho người sang dạm hỏi. Ông tức con muốn nghẹn họng. Do vậy, khi ông Năm Hải, Chánh bái đình Phước Sơn, một người rất có uy tín trong làng được gia đình Tâm cậy làm mai mối, vừa mở lời được đôi điều đã bị ông chặn ngay.

Anh Năm có lòng, gia đình tôi xin biết ơn, nếu không là anh Năm – nói thật, có lẽ tôi đã không nhận lời tiếp đâu. Tôi biết anh Năm đến đây vì việc gì rồi nhưng xin nói thật, gia đình tôi như anh Năm đã biết là một gia đình gia giáo, thờ kính ông bà tổ tiên truyền thống bao đời nay. Thờ cha, kính mẹ, giữ đạo tổ tiên đã quen nếp, nói thật, con tôi có gả cũng phải gả về cùng chỗ ăn ở nề nếp như mình. Tôi không có ý khen chê gia đình bên kia, nhưng nói thật, cái ngữ không biết thờ lạy ông bà tổ tiên, không giỗ không quải, không biết đến tiền hiền hậu thế thì tôi sợ gả con mình về đó rồi cũng có ngày mất con luôn. Thôi! Anh Năm thông cảm, về nói với họ, còn thiếu gì đám trong làng này, thiết chi một con nhỏ nhà tôi mà phải bận tâm, phiền phức mọi người. Mà nè! Sao anh lại quen được với họ mà đứng ra gánh vụ này vậy? Mà thôi, mời anh Năm uống với tôi ly nước và cho tôi xin kiếu, tôi phải ra chợ huyện kêu người về cân bầy heo vì Tết nhất sắp đến rồi, phải chuẩn bị xuống ghe cho kịp con nước.

Nói xong, ông quày quả bước ra sau hè xuống bến nước, để mặc ông Năm trơ trọi một mình, món quà trong giỏ xách mang theo biếu gia chủ chưa kịp mở ra thì chủ nhà đã biến mất đâu rồi. Cũng may, thím Ba nãy giờ ngồi sau bếp theo dõi, đã biết tình hình, vội vã bước lên rót nước, giọng giả lả an ủi ông Năm:

Xin lỗi anh Năm đừng buồn, nhà tôi tính tình vậy đó, bất ý thì đùng đùng như đạp phải lửa, đã quyết rồi thì khó có đổi. Thôi thì nhờ anh Năm về nói lại với gia đình bên kia giúp, tìm đám khác mà cưới vợ cho con.

Nhấp chén trà nóng từng ngụm nhỏ, ông Năm từ tốn nói:

Cám ơn thím, tôi chỉ xin nói ít lời thôi rồi sẽ về ngay. Hôm nay tôi đến đây cũng có do việc của gia đình thầy giáo Tâm cậy, nhưng cái chính là do việc của cháu Thu nhờ. Con của chú thím rất ngoan hiền, thảo hiếu, không phải muốn qua mặt cha mẹ quyết định chuyện riêng tư đâu, mà cái chính là do chú Ba nhà quá khó, quá câu nệ, khắt khe. Nhiều lần hai cháu muốn thưa chuyện của chúng nó, nhưng chú Ba đây đều gạt bỏ. Tôi là người có vai vế trong làng, được hai đứa nó tin tưởng đến cậy trông nhờ nói giúp cha mẹ đôi bên chuyện của tụi nó. Con gái của chú thím rất buồn và suy sụp tinh thần rất nhiều. Tôi sợ nó đôi lúc nghĩ quẩn, non dạ tính càn thì tội lắm. Mình là người lớn, con cháu tin cậy thì không thể bỏ qua nên tôi phải đến đây. Chú Ba nó nóng thì còn có thím nguội, phải biết cân nhắc, hiểu biết tình cảm tâm tư của con mình kẻo sau này phải ân hận.

Ngưng một lúc, suy nghĩ mông lung ông Năm tiếp lời:

Lúc nãy chú Ba có hỏi tôi sao lại quen được với họ, những người ở xóm đạo,  nên giờ tôi kể cho thím nghe. Chả là từ ngày nhà thờ xóm đạo có ông cha mới đổi về đây, đã đem lại rất nhiều điều mới lạ. Ông cha này còn rất trẻ, ổng lại rất biết người. Nghe nói ổng nhắc nhở bà con bổn đạo phải biết quan tâm, giúp đỡ, yêu thương mọi người, không nên phân biệt lương giáo. Tôi gặp ổng trong đám cúng Kỳ yên năm rồi trên đình; thấy ổng mang hoa quả gửi đến cúng thần làng, bà con ai cũng ngạc nhiên. Ông cha cố mà dám vào nơi cúng kiến của mình sao? Ông cha và mấy anh em bổn đạo có đến chào tôi rất lịch sự, vui vẻ. “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, nên chúng tôi cũng đến đây với chút lòng thành”. Rồi họ cũng ở lại, ăn uống vui vẻ với mọi người. Trước tôi nghĩ họ sống xa cách, cao ngạo, nên lúc đầu cũng còn ấn tượng, giữ kẽ; sau thấy họ đối xử rất hòa nhã, thật lòng, nên giờ thì đã biết rồi, đừng nghĩ xấu cho họ, họ sống cũng như người mình thôi, đôi khi còn tốt hơn không chừng. Nào là việc chung của làng xóm như làm đường, cất trường… đến chăm sóc người già cả, neo đơn, nghèo khó; việc gì họ cũng góp tay vào. Nói đâu xa, ông từ Bốn của đình mình đấy thôi! Sống một mình già nua bệnh tật, không con không cháu, nay ốm mai đau. Trước đây ai có gì cho nấy, miếng được miếng không. Hôm rồi bệnh nặng quá, ông cha hay được ghé thăm, liền hôm sau đã có người ở xóm đạo đến, thay phiên nhau quét dọn, nấu nướng chăm sóc mỗi ngày. Rồi đến lúc ông mất, mọi người trong làng còn phân vân chưa biết tính sao thì họ đạo đã sốt sắng xúm lại hàng rương, ma chay chu tất. Mà hay ở chỗ, bà con trong xóm đạo đã cùng đến viếng ông từ nhà mình như người thân trong gia đình của họ. Từ đó tôi mới thấy, đạo nào cũng đạo, Chúa hay Phật cũng dạy bổn đạo làm điều lành, điều tốt. Đúng hay sai, xấu hay tốt là ở tâm tính của mỗi người tự răn mình, chứ đạo nào dạy biểu điều sai. Tôi và bà con mình sau vụ đó gần gũi, qua lại với bà con xóm đạo là vậy…

Từ trong buồng, Thu khép nép bước ra bên mẹ, tiếp lời ông Năm Hải:

Cũng như bà con xóm đạo, gia đình của anh Tâm rất tốt, rất thương người và nhất là rất thương con, nhưng… lâu nay còn ngại gia đình mình. Tụi con thương nhau lâu rồi nhưng do ba còn khó quá, không ưa người có đạo nên con không dám thưa chuyện. Tụi con nhờ bác Năm đây, giờ con nhờ đến má về năn nỉ ba dùm tụi con, để gia đình anh Tâm được đến gặp mặt với nhà mình nha má.

Bà Ba xem ra cũng hơi xiêu lòng, nhất là khi thấy gương mặt buồn rười rượi của con.

Tôi cám ơn anh Năm đã thương cháu mà đến đây. Gia đình tôi sống khép kín xưa nay, ít để ý đến chuyện hàng xóm láng giềng, chuyện quan tâm con cái, nên còn sơ sót, xin anh Năm thương tình bỏ qua.

Ông Năm Hải vui vẻ từ giã ra về không quên trao lại món quà:

Không có gì đâu, không nghĩ tình gia đình tôi đã không đến. Thím hiểu được việc của con cháu là tốt rồi, về nhớ bàn thêm với chú Ba nó rồi cho tôi hay. Sẵn có rượu mật ong rừng mấy đứa nhỏ đi làm xa đem về, tôi biếu chú thím uống cho vui lấy thảo. Thôi! Tôi xin kiếu! Bác về nghe Thu. Nghe lời bác, chuyện đâu còn có đó nghen cháu.

Ông Ba Lực bước xuống ghe rời chợ huyện ra về thì trời đã chạng vạng tối, chiếc tam bản gắn máy thênh thang lướt mình trên dòng sông phẳng lặng, êm ả trôi về xuôi theo con nước đang bắt đầu chuyển ròng. Để thằng cháu họ cầm lái, ông Ba khoan khoái ngả mình dựa vào khoang thuyền, tay mân mê cọc tiền mới cứng trong túi gút nơi thắt lưng mà chủ vựa mới giao. Gần Tết, thứ gì cũng đắt hàng lại có giá, cả bầy heo gần chục tạ mà chệt Ba thanh toán tiền ngay không thiếu một cắc, chăn nuôi, trồng trọt vậy mới ham. Tiếng máy nổ rì rì, làn gió mát ven sông chẳng mấy lúc ru ông vào giấc ngủ. Chợp mắt một loáng mà đuôi cồn đã hiện ra như một vệt đen mờ mờ với những ánh đèn vàng vọt lung linh trên sóng nước. Xóm đạo đây rồi với ngôi thánh đường cổ kính cao vút nổi bật ven sông. Câu chuyện buổi sáng chợt trở về làm ông bực bội. Tay Năm Hải xưa kia nổi tiếng dị ứng với với dân xóm đạo mà sao nay lại trở bộ vậy cà? Hay ăn phải bùa ngải gì của ông cha cố rồi đây?… Nghĩ vậy, nhưng thực sự trong lòng, ông cũng không biết mặt mũi của ông cha ra làm sao, chỉ nghe thoáng mọi người khen được lắm.

Bỗng, rắc! Rắc! Rào! Rào!… Vừa định với tay vốc nước rửa mặt cho tỉnh, ông Ba chợt thấy đất trời dường như đảo lộn, chưa kịp đoán ra chuyện gì thì đã bị hất xuống dòng nước lạnh giá giữa đêm khuya. Chiếc tam bản lật ngang vì vướng lên dàn đáy lưới ven bờ, hất cả mọi người xuống nước rồi mà nó vẫn còn lồng lộn xoay tròn trong khung dàn đáy. Tiếng thằng cháu họ vừa ngụp lặn vừa hét vang trời:

  • Bớ làng xóm ơi! Cứu với! Chìm ghe rồi! Bớ làng xóm.

Nước chảy băng băng, ông Ba hốt hoảng huơ quanh tìm chỗ bám nhưng tất cả chỉ là mênh mông trời nước, dàn đáy méo mó xiêu vẹo xa dần theo con nước cuồn cuộn chảy giữa đêm đen. Trong lúc sức lực cạn dần, ngụp lặn trong tuyệt vọng; ông còn thấy lấp loáng những ánh đèn rực sáng quét nhanh qua, những tiếng người lao xao kêu gọi và cảm giác được nhấc lên khỏi mặt nước trước khi đầu óc mê man.

Ông thấy trong người thế nào rồi?

Đỡ nhiều rồi, tuy vẫn còn hơi mệt. À này, bà ơi, sắm sửa chút quà, chiều có khỏe tôi đi thăm cám ơn mọi người đã cứu giúp.

Ông khỏi lo, chẳng những cứu ông mà cả xóm đạo còn kéo tới thăm ông tức thì. Tôi có cám ơn nhưng họ gạt đi nói ông bình yên là họ mừng rồi. Mà thiệt! Gẫm lại tôi thấy họ quá tốt, đúng như lời anh Năm nói, người của xóm đạo bây giờ rất tốt lành, biết quan tâm giúp đỡ những người đơn chiếc, nghèo khó, ốm đau, không phân biệt có đạo hay không. Họ cũng thờ cúng ông bà tổ tiên như người mình. Nghe nói ông cha cố nhà thờ còn đi dự cả đám cúng đình, thăm viếng mọi người trong làng, gặp gỡ các thầy trong chùa nữa, nên rất được bà con mình mến mộ. À, mà này! Vụ con Thu nhà mình, bây giờ ông tính sao? Ngay thầy giáo Tâm, tôi thấy nó cũng hiền từ, khiêm tốn, biết chào trên, hỏi dưới, có gì tệ lắm đâu mà ông chê, ông cấm chúng nó.

Tôi không cấm ai hết, mình có một đứa con gái duy nhất, của cải cũng không thiếu thốn gì, nên phải kiếm cho nó chỗ tốt để nương nhờ tấm thân sau này. Gả về đó tôi không yên tâm, lỡ về họ ghét bỏ con mình thì sao?

Nếu họ xấu tâm, ích kỷ, ghét bỏ mọi người thì hôm đó cả xóm của họ không xúm lại ghe thuyền, đèn đuốc tỏa ra tìm ông giữa đêm đen, sóng nước, giờ còn đâu mà nói ghét, nói thương. À mà ông biết ai cứu được ông không?

Ông Ba nằm im lặng. Tỉnh dậy, thằng cháu họ ông đã cho ông biết. Trời xui đất  khiến, chính Tâm, người thầy giáo đeo đuổi con gái ông lại chính là người đã phóng xuống dòng nước, lặn tìm kiếm ông chìm dần trong sóng nước. Đã tìm cách hô hấp cứu ông khi lên bờ, và điều ông xúc động, suy nghĩ miên man từ sớm đến giờ là cái túi gút chứa đầy tiền ông đeo quanh người, đã được Tâm trao lại tận tay thím Ba khi đưa ông về đây. Không thiếu một xu! Thằng tốt đó chứ! Nửa đêm khuya khoắc, nó có lấy thì nào ai hay, nghĩ đến đó ông bật mình ngồi dậy.

Bà nhờ người nhắn anh Năm lên đây!

Đám cưới cô giáo Thu và thầy giáo Tâm đã được hai bên thống nhất tổ chức ngay trước thềm năm mới vì cô dâu đã lén gia đình học đạo từ lâu rồi. Đông đảo bà con trong làng Phước Sơn này và bà con xóm đạo cũng về dự Thánh lễ hôn phối. Lần đầu tiên họ cùng được gặp nhau trong ngôi thánh đường với nhiều bỡ ngỡ và cũng là lần đầu tiên, ông Ba Lực mới được bước vào một chỗ tôn nghiêm của người có đạo, mà trước đây ông thường tưởng tượng chắc phải âm u ghê rợn lắm. Giờ đây, được tận mắt chứng kiến bầu khí trầm mặc, thiêng liêng, trang trọng của nghi thức hôn phối. Đặc biệt sự tôn vinh, quý mến cô dâu của mọi người đã làm cho ông yên tâm, ấm lòng. Họ thực sự yêu thương, trân trọng con gái ông. Cuối lễ, ông cha cố vui vẻ đến bắt tay chúc mừng ông. Nhìn ông cha, ông cảm thấy ngờ ngợ… Trong một chuyến đò sang sông trước đây, có lần khi lên bờ chuẩn bị trả tiền, ông và mọi người chung chuyến đò đã được người lái đò thông báo, không ai phải trả tiền vì ông cha ở nhà thờ Phước Sơn nhân có dịp cùng sang sông, xin mời bà con một chuyến đò miễn phí, được làm quen với mọi người của ông cha. Ông nhớ đã gật đầu cám ơn người thanh niên có nụ cười cởi mở này. Thì ra…

Và hôm ấy, khi trở về nhà, trong lòng ông rất vui vì may mắn có được một chuyến đò sang sông không phải tốn tiền bởi người tốt bụng. Hôm nay gặp lại cố nhân, ông càng vui hơn, vì bây giờ không chỉ riêng ông mà cả gia đình ông đã có được niềm hạnh phúc lớn lao. Con gái ông cũng lại được ân nhân giúp đưa sang sông trên chuyến đò cuộc đời ngập tràn niềm vui với người yêu dấu. Chuyến đò định mệnh, hội ngộ những niềm vui.

Tiếng hát thánh thót của ca đoàn vang lên, bài thánh ca chúc mừng hôn nhân cuối lễ, mở đầu cho một giao ước tình yêu mới đã đưa ông trở về với thực tại. Ngước nhìn một lần nữa tượng ông Chúa đang gục đầu trên thập giá, ông mỉm cười thầm nghĩ. Thì ra người có đạo cũng tốt thật.