CHÚA PHỤC SINH TRONG TÂM HỒN

Phaolô Trang lập Quang
Xứ đoàn Tùng Lâm, GP Đà Lạt

Trên đồi cao tiếng chim ca hót vang lừng, dưới mặt đất những cánh hoa rừng đang tỏa sắc hương và một túp lều tranh giữa chốn mây trời lộng gió.

Sau những giờ lao động mệt nhọc, Duyên thường tựa lưng vào gốc phượng vĩ để nghỉ ngơi giây lát rồi ngắm nhìn quang cảnh xung quanh và lắng nghe tiếng róc rách của con suối nhỏ gần bên túp lều tranh. Cô thấy tâm hồn mình dâng tràn một niềm hạnh phúc trước cảnh hoang vắng nhưng bình yên không phải bon chen giành giựt như ở chốn phồn hoa đô thị. Cách đó không xa, người chồng rất mực yêu thương cô đang cặm cụi cuốc xới để trồng bắp với mồ hôi nhễ nhại. Tuy phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng tấm lòng đôi vợ chồng trẻ lại chất phát phác, thẳng ngay không bị cuộc sống xô bồ làm hoen ố lương tri.

Những năm tháng còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, bạn bè cô cho rằng một mái nhà tranh hai quả tim vàng là điều phi thực tế trong thời đại hiện nay, khi mà mọi người gần như rơi vào vòng xoáy của đồng tiền và bị nó chi phối;nên chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân đã phát triển một cách mạnh mẽ. Vì thế, chẳng bao giờ có một trái tim đến với một trái tim không nhuốm mùi vật chất và sẵn sàng đồng cam cộng khổ để gắn kết yêu thương trong thời đại mà con người luôn tôn vinh những giá trị vật chất.

Nhưng hiện nay, cô và Thanh là một sinh viên cùng khóa đã từ bỏ chốn phồn hoa đô thị, xa rời cảnh bon chen giành giựt để sống một cuộc đời yên bình, thanh đạm trong mái nhà tranh giữa chốn mây trời lộng gió mà chỉ có mình với ta, ta với mình (tiếng “mình”, người miền nam hay dùng để gọi chồng hay vợ). Vì thế, ở bất cứ thời đại nào, nếu con người biết buông bỏ những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, của những bon chen giành giựt để yêu nhau với con tim chân thành đều hiện hữu một túp lều tranh hai trái tim vàng

Nhưng cuộc đời con người đâu phải lúc nào cũng phẳng lặng như mặt nước hồ thu, đôi lúc lại có những trận cuồng phong bão táp. Hôm ấy, hai anh cán bộ lâm trường đến thông báo khu vườn này thuộc đất rừng nằm trong diện giải tỏa và gia hạn cho hai vợ chồng phải trao trả mặt bằng vào đầu tháng sau. Thanh và Duyên rất lo lắng nhưng lại thắc mắc

– Sao chỉ riêng đất nhà em bị giải tỏa, còn những vườn khác cũng ở bìa rừng lại chẳng sao?

– Đất nhà cô nằm trong dự án trồng rừng, còn những vườn kia thuộc đất nông nghiệp. Chúng tôi chỉ là những người thi hành công vụ, nếu thắc mắc gì cô cứ kiến nghị với cấp trên. Nhưng tôi nhắc nhở cô một điều, đây là đất rừng, cứ cách hai mét là một cây thông, diện tích đất của cô bao nhiêu nhà nước sẽ quy số cây mà cô đã chặt phá, chừng đó cũng đủ để cô ở tù mọt gông. Tôi khuyên cô nên chấp hành việc trao trả mặt bằng, chính quyền sẽ không truy cứu. Nếu không hậu quả cô cũng biết rồi đó.

– Trước khi khai hoang ở đây không có thông chỉ toàn là cây tạp!

– Chuyện này cô cứ đối chất với cơ quan có thẩm quyền. Nhưng cô có bằng chứng nào bảo đảm trên mảnh đất này không có thông?

– Em đã khai hoang rồi làm gì còn dấu tích. Nhưng thật sự trên đất này không có thông!

– Nếu đã ra pháp luật thì cô không đủ lý lẽ hay chứng cứ nào có thể chạy tội được. Nhưng không ai triệt đường sống gia đình cô, nếu cô biết cách thì cấp trên có thể châm chước.

– Nếu có cách nào xin hai anh giúp đỡ. Vợ chồng em không quên ơn hai anh đâu

– Để tôi hỏi ý kiến cấp trên và cố gắng hết sức. Ba ngày nữa tôi sẽ trả lời.

Những ngày sau đó, qua cách nói chứa đầy ẩn ý tống tiền nên Thanh và Duyên hiểu rõ đây là hai cán bộ đã biến chất. Tuy những thành phần biến chất trong xã hội rất ít nhưng cũng đủ làm một số người dân khốn khổ, và đó cũng là tình trạng chung của xã hội hiện nay khi đồng tiền đã lên ngôi. Vì thế, trên truyền thông, báo chí thỉnh thoảng vẫn đưa tin ông này, bà kia ra trước vành móng ngựa. Tất cả là do ngày nay con người có xu hướng thiên về chủ nghĩa hưởng thụ, ai cũng muốn cuộc sống mình được thoải mái và có đầy đủ tiện nghi nên đã lao vào vòng xoáy của đồng tiền, ngay cả một số bệnh viện và trường học là nơi cứu chữa và rèn luyện trí đức cho con người cũng “nhuốm mùi tiền”.

Biết hai anh cán bộ là những kẻ biến chất, nhưng Duyên không dám tố giác vì cô cũng là người khai hoang trái phép. Nếu tố giác họ ra trước vành móng ngựa chắc gì vườn đất của cô được yên. Biết đâu “Trạng có chết vua cũng băng hà”.

Suy đi tính lại, cuối cùng Thanh và Duyên quyết định đáp ứng những yêu cầu của hai anh cán bộ, nhưng điều nan giải là kiếm đâu ra tiền. Với cuộc sống của người nông dân làm nương rẫy chỉ trồng cây bắp củ khoai nên thu nhập không cao, nay cần một số tiền lớn chỉ còn cách là đi vay mượn. Khi về đây lập nghiệp, Thanh và Duyên có quen biết ông Hiển là người khá giả và cũng là người có đạo nên hai vợ chồng dắt nhau đến nhà ông trình bày mọi việc rồi nhờ ông giúp đỡ. Ông Hiển trầm ngâm giây lát rồi hỏi.

– Vậy hai cháu làm gì để trả nợ cho tôi và thời hạn bao lâu?

– Vợ chồng cháu sẽ tranh thủ sớm tối chăm sóc vườn tược, còn ban ngày thì đi làm công nhật cho người ta. Cháu xin hứa trong vòng ba tháng vợ chồng cháu sẽ trả hết cho chú cả gốc lẫn lãi.

– Vậy cũng được! À! Tôi đang cần một công nữ để quét dọn nhà cửa và tưới cây cảnh. Không biết bắt đầu ngày mai, Duyên có thể làm cho tôi được không?

– Dạ được!

Hơn một tuần sau, Thanh và Duyên được tin chính quyền đã bắt được hai tên lưu manh chuyên giả danh cán bộ lâm trường đến để hù dọa rồi tống tiền những người dân đang canh tác ở bìa rừng, nhưng Thanh và Duyên không dám hé răng nói lên mình là nạn nhân bị lừa đảo, vì mảnh đất của hai vợ chồng đang canh tác chưa có giấy chứng nhận của phường xã.

Làm cho ông Hiển gần nửa tháng, hôm ấy ông gọi Duyên vào dọn dẹp, lau chùi bàn ghế ở phòng ông. Bất chợt ông khóa cửa phòng lại làm Duyên hốt hoảng. Thì ra gần nửa tháng nay, ông đã rung động trước vẻ đẹp mặn mà của Duyên và hôm nay là cơ hội tốt nhất để ông thực hiện những ham muốn của mình. Duyên sợ hãi chạy vội ra nhưng cửa đã khóa chặt. Còn đang bối rối thì ông đã nhào tới ôm chặt lấy cô.

– Cháu là gái đã có chồng xin tha cho cháu!

– Đã có chồng thì chuyện ấy là chuyện bình thường! Có phải còn con gái đâu mà em e ngại.

– Buông tôi ra! Không buông tôi hét to lên đó.

– Nhà không có ai, chỉ có anh với em thôi! Em có hét to chẳng ai nghe đâu.

Vừa nói ông vừa ôm Duyên vật lên giường. Bỗng Duyên nói.

– Chúa và Đức Mẹ đang nhìn kìa!

Ông giật mình ngước mắt lên bàn thờ rồi buông Duyên ra. Biết ông vẫn còn một chút kính sợ Thiên Chúa nên Duyên nói tiếp.

– Năm nay chú đã ngoài năm mươi. Nếu tính theo năm chú còn vài chục năm nữa. Nhưng tính theo ngày chú chỉ còn vài ngàn ngày để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng trên Thiên quốc. Vài ngàn ngày có đáng là bao vì thời gian khác nào ngựa chạy tên bay. Nếu không hướng thiện thì khi đối mặt với Thiên Chúa, chú sẽ ân hận vì không còn cơ hội nào để chú làm những việc lành phúc đức.

Ông ngồi trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói.

– Chú thành thật xin lỗi cháu vì quá nông nổi. Để bù lại những lỗi lầm, chú cho cháu hết số tiền đã vay. Không phải trả nợ nữa!

– Cháu xin ghi nhận lòng tốt của chú. Nhưng cháu vẫn phải trả nợ cho chú đúng kỳ hạn vì cháu không thể lấy những gì của ai mà không phải bỏ công sức ra.

Có lẽ câu nói: “Chú chỉ còn vài ngàn ngày để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng nơi Thiên quốc và mấy ngàn ngày có đáng là bao vì thời gian khác nào ngựa chạy tên bay” đã tác động đến ông. Vì thế, những ngày sau đó ông nhiệt tình giúp đỡ người nghèo hoặc những kẻ đang lâm vào cảnh cơ cực khốn cùng và đóng góp cho trại mồ côi… Ông đã thay đổi hoàn toàn với phương châm “sống sao cho đáng sống, để chết đi không còn hối hận gì”.

Từ đó, con người cũ của ông đã biến mất và con người mới đang hình thành trong ông. Phải chăng Chúa đã phục sinh trong lòng những con người biết buông bỏ tham sân si để xây đắp nên tình người.

Hằng năm chúng ta đều tham dự lễ Phục Sinh. Nếu trong ta không chút gì biến đổi, không chết đi tính xác thịt để hình thành một con người mới, biết yêu thương, biết cho đi thì ngày lễ Phục Sinh chẳng khác nào một nghi thức được lập lại theo chu kỳ hằng năm và những kinh nguyện của ta chỉ là lời đầu môi chót lưỡi trong một tâm hồn trống rỗng. Chỉ khi nào ta thật lòng ăn năn thống hối và thực thi lời Chúa để đem yêu thương đến cho đời thì Chúa mới thực sự  phục sinh trong cõi lòng ta và mừng ngày Chúa sống lại mới có ý nghĩa thiết thực.