VỢ CHỒNG KHUYÊN BẢO LẪN NHAU

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

“Vợ chồng hãy khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16)

Tháng 11.2004, bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu một ca ngộ độc thuốc trừ sâu từ Long An chuyển lên. Bệnh nhân là chị Lưu Huệ, 56 tuổi, bán tạp hóa. Vợ chồng chị Huệ sinh được 3 con gái. Hai con lớn đã lập gia đình, ra ở riêng. Nhưng hai người con rể lại mắc tật nghiện rượu, nên các con chị cứ vài hôm lại phải về nhà mẹ ruột để lánh nạn. Điều đó khiến cô con gái út ngán ngẩm chuyện lấy chồng ở quê, bèn xin cha mẹ lên thành phố bán cà phê, vừa phụ giúp gia đình vừa có cơ hội tìm chồng học thức.

Thấy con gái đi xa, thoạt đầu, anh Trần Đông, chồng chị Huệ không bằng lòng. Chị Huệ cũng thấy như vậy nhưng thương con, chị tìm mọi cách thuyết phục chồng. Cuối cùng, anh Đông cũng gật đầu với câu thòng: “Con hư tại mẹ, có gì bà đừng trách tui sao nói nhiều”. Con bé đi bán cà phê rồi trở thành bồ nhí của một tay buôn bán xe hơi. Lúc đó, dù con gái rủng rỉnh tiền bạc để phụ giúp gia đình, nhưng linh cảm của người mẹ mách bảo những điều không yên tâm, chị bàn với chồng khuyên con về nhà.

Do đã nhận quá nhiều món quà từ bồ của con gái gửi tặng, anh Đông cắt ngang: “Nó lớn thì biết tự lo, vả lại chuyện tình cảm riêng tư không nên cản trở”. Đáng nói hơn, những lần tranh luận sau đó với vợ, anh còn tự hào:“Con gái nhờ đức cha”, và ra sức kể công. Thế nhưng, từ khi con gái anh bị vợ người đàn ông kia tạt axít, rồi hàng xóm dị nghị dèm pha, anh lại quay sang đổ hết trách nhiệm cho vợ, trách móc sáng chiều, chì chiết đủ tội. Chị Huệ vừa xót con, vừa ức chồng, quẫn trí nốc luôn một chai thuốc trừ sâu!

Anh chị thân mến

Thánh Phaolô dạy: “Vợ chồng hãy khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16). Vậy, để cho êm ấm thuận hòa, mỗi khi gặp khó khăn trở ngại, anh chị hãy cùng nhau giải quyết theo lời dạy của thánh nhân.

  1. Vợ chồng hãy khuyên bảo nhau

Cổ nhân có câu: “Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn”. Câu nói ấy, người nào cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Đời sống vợ chồng buộc cả hai cùng “tát”, để tổ ấm ngày càng ấm. Nhưng sẽ là bi kịch, nếu “tát” xong, vợ chồng lại tranh công của nhau; còn như “tát” không xong, thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Khi thành công, người ta dễ dàng bỏ qua tất cả; thậm chí cả những khuyết điểm lớn; nhưng lúc thất bại, thì một nguyên nhân, cho dù nhỏ nhất cũng được phóng to lên để đổ thừa cho nhau. Đó không chỉ là tính xấu mà còn là một phản ứng trốn trách nhiệm, khỏa lấp khuyết điểm của mình.

  1. Với tất cả sự khôn ngoan

Khi có những điều ngoài ý muốn xảy ra trong gia đình, nếu thiếu bình tĩnh, đùn đẩy trách nhiệm thì rất dễ dẫn đến không khí căng thẳng, ngột ngạt. Khi đó, người khôn ngoan sẽ tự nhận thiếu sót về mình, đó là chìa khóa để giải tỏa nguy cơ đổ vỡ.

Vì thế, anh chị hãy lấy lời dạy của người xưa mà xử sự với chồng mình: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nghĩa là, nếu có sai sót, trước hết phải coi đó là lỗi của mình. Sau đó, việc phê phán, trách móc sẽ khách quan, chừng mực và có tình có lý hơn.

Khi nói “Đồng vợ đồng chồng”, thì không chỉ chung nhau làm việc mà còn bao hàm cả chuyện đồng trách nhiệm. Vì thế, anh chị hãy cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Một khi đã quyết định rồi, thì dẫu có sai lầm cũng là sai lầm chung, phải dũng cảm chấp nhận chứ đừng tìm cách lẩn tránh, đổ thừa cho nhau. Việc đùn đẩy trách nhiệm mỗi khi hậu quả xảy ra là hành vi thiếu tôn trọng người bạn đời và cả chính mình.

Thông thường, trong các cuộc tranh luận không ai chịu nhượng bộ ai, ai cũng muốn mình thắng. Nhưng thực tế là cả hai đều thua! Thế nên, khi có xung khắc, hãy tìm hiểu nguyên do, rồi cố khắc phục trong sự khôn ngoan, như lời Thánh  Phaolô: “Vợ chồng hãy khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16).

Đó là bí quyết để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Chúc anh chị luôn biết cư xử với nhau đúng mực và khôn ngoan, để hoa tình yêu sẽ mãi mãi toả hương thơm ngát trong mái ấm gia đình của anh chị.