NÓI LỜI TỐT ĐẸP

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa,
nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp,
để xây dựng và làm ích cho người nghe”.
(Ep 4, 29)

Chuyện xảy ra trong một gia đình mới cưới. Trong lúc người chồng say mê đọc báo, người vợ hỏi:

  • Anh yêu, sao anh không nói gì với em vậy?
  • Anh đâu có chuyện gì để nói đâu!
  • Anh không thương em!
  • Đừng nói tào lao! Không thương sao tháng nào anh cũng đưa hết tiền lương cho em! Đi làm về, anh còn phụ giúp em làm việc nhà! Anh không hẹn hò với cô nào. Em không thấy sao?
  • Đúng rồi, nhưng anh không hiểu em. Em vẫn muốn nghe anh nói gì đó.
  • Tại sao vậy?
  • Tại vì… tại vì…

Anh chị thân mến!

Qua cuộc đối thoại trên, chúng ta thấy người chồng có lý. Bởi lẽ, hành động của anh là bằng chứng cụ thể biểu lộ tình yêu. Có câu nói rằng: “Hành động thì hùng biện hơn lời nói suông”. Nhưng người vợ cũng không sai. Bởi không kiểm tra, làm sao biết đường dây vẫn hoạt động? Khi một chuyên gia về âm thanh nói vào micro: “Một, hai, ba… alô, alô…”, anh chẳng nói điều gì có nghĩa. Anh chỉ nói để kiểm tra máy đã tốt chưa. Vậy đó, đôi khi cũng cần phải nói những câu vô nghĩa.

Đó chính là sự khác biệt giữa nam và nữ: “Đàn ông yêu bằng mắt, còn đàn bà yêu bằng tai”. Vì thế, chị rất muốn nghe anh nói lời yêu thương từ miệng anh, cho dù chị biết rõ anh yêu chị.

Thánh Phaolô căn dặn: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4, 29).

Vậy, để không cảm thấy nhàm chán trong đời sống hôn nhân, và để gia đình được êm ấm hạnh phúc, anh chị nên dùng những lời nói yêu thương, khen ngợi, cảm ơn nhau; và tránh đi những lời nói tiêu cực, chỉ trích, phê bình nhau.

  1. Những lời có cánh

Anh sẽ rất buồn nếu làm việc gì đó cho chị mà chị xem đó chỉ là nghĩa vụ. Hãy biết nói lời cảm ơn, đừng ngần ngại thêm “hoa, lá, cành” vào đó. Khi anh tặng chị bó hoa hoặc chiếc túi xách, dù không thích lắm, chị cũng nên khen: “Anh thật tuyệt” hay “Anh mua ở đâu mà đẹp thế? Tại sao khi đi chợ, người bán rau chỉ thêm cho cọng hành để nấu canh, thế mà chị đã rối rít cảm ơn, còn anh tặng chị cả một cái túi xách đắt tiền thì chị… câm lặng! Lời cảm ơn đâu chỉ dành cho người ngoài. Tình yêu cũng cần dầu nhớt để bôi trơn chứ!

  1. Những lời như dao cắt

Anh ấy có thói quen vứt đồ bừa bãi, thỉnh thoảng không chịu đánh răng trước khi ngủ, hoặc đọc báo trong nhà vệ sinh. Và chị không ngần ngại “khoe” điều đó trước mặt bạn bè của anh. Để “Ăn miếng trả miếng”, anh ấy cũng không ngần ngại lôi tất tần tật những điểm xấu của chị ra để cả hai bình luận! Chỉ cần thiếu kiềm chế, anh chị sẽ xúc phạm nhau. Điệp khúc giận hờn lại diễn ra. Thay vì bù lu bù loa, sao chị không thủ thỉ lúc cả hai đang vui vẻ, rồi cùng nhau sửa đổi? Giận hờn, ghen tuông là chất xúc tác để gắn kết hai người nhưng nếu diễn ra liên tục, cả hai sẽ mau chán nhau lắm!

Anh chị thân mến!

Đừng bao giờ cất giữ một danh sách bí mật những điều sai trái mà người kia đã làm. Hãy ném danh sách ấy vào sọt rác càng sớm càng tốt. Đến một lúc nào đó, anh chị sẽ nhận thấy đây là một lời khuyên hữu ích. Hãy nhớ lời Thánh Phaolô căn dặn: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4, 29).

Anh chị hãy nuôi dưỡng tình yêu của mình bằng những lời nói dịu dàng, những cử chỉ âu yếm. Những lời nói đó tuy đơn sơ, nhưng lại là hương thơm ướp đậm tình yêu. Dân gian Việt Nam cũng có mẩu đối thoại âu yếm giữa hai vợ chồng:

“Thương nàng đã đến ngày sinh,
Ăn ở một mình, trông cậy vào ai!
Rồi sinh con gái con trai
Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng”

Xin cho tình yêu của anh chị luôn vững bền với tháng năm, nhờ những lời âu yếm, những cử chỉ ân cần và lòng biết ơn chân thành. Chúc anh chị luôn sống hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa Tình Yêu.