NÓI LỜI YÊU THƯƠNG

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

“Phúc thay kẻ được sống với người vợ thông minh,
kẻ không lỗi lầm trong lời ăn tiếng nói”. (Hc 25, 8)

Cổ tích Việt Nam có “Câu chuyện trầu cau” như sau: Nhà kia có hai người con, tên là Tân và Lang. Hai anh em đều có vóc dáng và khuôn mặt giống nhau như đúc. Cha mẹ của họ đều mất sớm. Trước khi nhắm mắt, người cha gởi Tân cho một vị thầy tên là Lưu.

Khi Tân học thì Lang cũng đòi đi theo. Nhà thầy Lưu có một người con gái xinh đẹp, lại tầm tuổi. Hai anh em đều thầm yêu trộm nhớ. Nhưng thầy Lưu gả con gái cho Tân.

Từ ngày lấy vợ, Tân vẫn quý mến em nhưng không bằng lúc trước. Lang đã nhận ra điều này, và còn phát hiện ra tính hay ghen của anh, nên một ngày nọ, chàng quyết định ôm mối sầu ra đi. Đi được mấy ngày đàng, chàng tới bờ một con sông lớn, nước chảy xiết. Cùng đường, chàng ngồi ôm mặt khóc. Khóc mãi, cho đến sáng thì biến thành tượng đá vôi.

Thấy mất em, Tân vội vã đi tìm. Sau mấy ngày thì đến bờ sông. Nhận ra em mình đã hóa đá, Tân ôm hòn đá mà khóc cho đến chết, rồi biến thành cây cau.

Vợ Tân không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Đến nơi, người thiếu phụ ấy ngồi trên tảng đá ôm lấy cây cau mà khóc đến cạn nước mắt. Nàng chết, hoá thành dây trầu quấn quanh cây cau.

Từ đó, mỗi đám cưới đều có trầu cau và vôi nồng để nhắc lại câu chuyện tình này.

Anh chị thân mến!

Câu chuyện không chỉ nói lên tình anh em thương nhau, mà còn muốn nói đến tình nghĩa vợ chồng sâu nặng và thủy chung:

“Đôi ta như thể con tằm,
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong.
Đôi ta như thể con ong,
Con quấn con quýt con trong con ngoài”.

Tuy nhiên, bước vào hôn nhân, còn đầy rẫy những bất ngờ mà anh chị phải khám phá để vượt qua. Chẳng hạn, người ta thường nói: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu” hoặc Menchen đã viết: “Hôn nhân là cuốn tiểu thuyết, mà nhân vật chính chết ngay từ chương đầu!” Vậy, anh chị nghĩ sao?

Đúng thế! Tình yêu giãy chết vào chính ngày cưới! Nhưng tình yêu giãy chết đó là tình yêu nào? Anh chị nhớ lại xem, từ ngày quen nhau, rồi yê nhau, cho đến hôm nay, anh chị đã tìm mọi cách để chiếm hữu nhau, để thuộc về nhau, mà không chịu nhường cho một ai khác. Đó là tình yêu vị kỷ, yêu vì mình, biến người yêu thành sở hữu của mình.

Còn giờ đây, anh chị đã trở thành vợ chồng, nghĩa là đã thuộc về nhau, đã là của nhau rồi: Anh đã trở thành tài sản của chị, chị cũng đã trở thành sở hữu của anh. Vì thế, tình yêu vị kỷ, tình yêu chiếm đoạt không còn lý do để tồn tại. Nó phải giãy chết thôi! “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu” là thế.

Tuy nhiên, hôn nhân bước sang một tình yêu khác: Cao cả hơn, tuyệt vời hơn. Đó là “Tình yêu dâng hiến”. Ngay khi kết hôn, anh chị không còn xem nhau như là vật hữu ích, phải chiếm lấy bằng mọi giá. Trái lại, thay vì “chiếm hữu”, anh chị sẽ “hiến dâng” cho nhau. Càng quên mình thì càng hạnh phúc, càng “trao ban” bao nhiêu thì càng “nhận được” bấy nhiêu.

Một trong những cách để bày tỏ “Tình yêu dâng hiến” đó là khéo dùng lời ăn tiếng nói để cư xử với nhau. Sách Huấn ca viết: “Phúc thay kẻ được sống với người vợ thông minh, kẻ không lỗi lầm trong lời ăn tiếng nói” (Hc 25, 8). Để được như lời cầu chúc trên đây, xin đề nghị với anh chị 3 gợi ý như sau:

  1. Hãy nói lời yêu thương

Muốn cho cuộc sống hôn nhân luôn mới mẻ, anh chị hãy ý thức về tình yêu và hạnh phúc mình đang có. Hãy dành cho nhau những lời yêu thương ngọt ngào, những lời cảm ơn chân thành. Hãy nói thành lời để diễn đạt tình yêu và hạnh phúc.

Có câu danh ngôn này: “Một lời nói đáng yêu cũng giống như một ngày xuân”. Đừng chôn vùi những tình cảm biết ơn, quý mến ở trong lòng. Hãy nhắc cho nhau cái may mắn được chung sống hạnh phúc bên nhau.

Một lời nói vô ý có thể là một hiểm họa xung đột, một lời nói nóng giận có thể làm tan rã một gia đình. Nhưng một lời nói yêu thương có thể chữa lành thương tích và mang lại bình an.

“Vàng thì thử lửa thử than,
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”.

  1. Hãy nói cho rõ ý mình

Đừng bắt người bạn đời phải tự đoán ra ý nghĩ của mình. Hãy nói rõ ràng cho họ biết nỗi lòng của mình. Shakespear đã viết: “Không có một gia sản nào cao quý cho bằng sự chân thật”. Hãy chân thật nói ra ý mình, nhưng nói một cách nhẹ nhàng và đừng áp đặt người kia phải theo mình. Bởi lẽ, áp đặt là thiếu tôn trọng người bạn đời, mà thiếu tôn trọng nhau là thiếu nền tảng cho hạnh phúc lứa đôi.

“Thà rằng ăn bát cơm rau,
Còn hơn cá thịt nói nhau nặng lời”.

  1. Đừng nói lời buộc tội

Sớm muộn gì, cũng có những giờ phút “Sóng to gió lớn”. Những lúc ấy, đừng bao giờ nói những câu “Cạn tàu ráo máng”, những lời mà khi “Sóng yên biển lặng” qua rồi, thì vết thương vẫn không chịu khép lại trong tâm trí bạn đời. Ví dụ như câu: Em đã phạm sai lầm lớn nhất đời mình là kết hôn với anh”, hay vợ nói với chồng: Thật ra, bản chất của anh là ích kỷ, giả dối”. Vợ chồng bước đi bên nhau trong đời mà nói với nhau những lời như thế, thì có khác gì giẫm đạp lên đời nhau! Thật là đau đớn!

“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Nếu không hài lòng điều gì, ta chỉ nói giới hạn trong sự kiện đó, chứ đừng bao giờ buộc tội người bạn đời. Những lời buộc tội sẽ là những liều thuốc độc giết chết tình yêu, là những nấm mồ chôn sống hạnh phúc gia đình!

Anh chị thân mến!

Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12). Yêu như Thầy là dâng hiến cho nhau, là tôn trọng nhau. Yêu như Thầy là chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho nhau. Yêu như Thầy là nhẫn nhịn, là quên mình vì nhau. Tình yêu đó được thể hiện rõ nét nhất trong lời ăn tiếng nói mà vợ chồng dành cho nhau.

Ước gì anh chị biết yêu như Chúa đã yêu, biết dành cho nhau những lời yêu thương, dịu dàng, vui tươi; để đường băng tình yêu, sẽ nâng những ước mơ của anh chị, sải cánh bay vút lên bầu trời hạnh phúc.