ĐỈNH CAO CỦA TÌNH YÊU

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

“Kẻ được tha nhiều thì yêu nhiều” (Lc 7,47)

Anh chị thân mến,

Có hai cái ly: một ly nước đục và một ly nước trong. Câu hỏi được đặt ra là: “Làm thế nào để ly nước trở nên trong hơn?”. Có hai cách giải quyết: cách thứ nhất, đổ ly nước đục đi rồi đổ ly nước trong vào; cách thứ hai, pha ly nước trong vào ly nước đục, nó sẽ bớt đục và trong hơn.

1/ Kiên nhẫn trong yêu thương

Trong gia đình chúng ta cũng vậy, nếu có một người thân nào đó chưa sống tốt đẹp, thì cũng có hai cách để giải quyết: hoặc là bỏ mặc, hoặc là đồng hành. Vậy, chúng ta sẽ chọn cách nào? Nếu chúng ta thật lòng yêu thương, có lẽ cần phải đồng hành để giúp người thân nên tốt hơn, đừng nóng vội mà phải kiên nhẫn. Dẫu cho người thân không thể thay đổi một sớm một chiều, thì chúng ta cũng hãy chấp nhận họ trong tình trạng chưa hoàn hảo. Chắc chắn rằng, nếu chúng ta kiên nhẫn trong yêu thương thì sẽ có ngày “nước đục” lại biến thành “nước trong” mà thôi.

2/ Tha thứ là đỉnh cao của yêu thương

Chúa Giêsu đã dạy trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Như vậy, tha thứ cho người khác là điều kiện để Chúa tha thứ cho chúng ta. Hơn nữa, khi tha thứ cho người khác thì tâm hồn chúng ta cũng được thư thái, bình an. Thế nhưng, tha thứ không phải là điều dễ dàng vì chúng ta đang bị xúc phạm, bị tổn thương, mà vết thương lại chưa được chữa lành. Dù sao thì người làm tổn thương chúng ta cũng là người thân yêu của chúng ta. Họ cũng đã từng yêu thương chúng ta, và đôi khi, chúng ta cũng làm họ tổn thương. Vậy nên, để có thể tha thứ thì chúng ta có thể bày tỏ hết những sự bực tức trong lòng mình, rồi rộng lượng bao dung tha thứ cho họ. Bởi vì, “Đỉnh cao của yêu thương chính là tha thứ”.

3/ Hãy vì nhau mà sống

Đâu là điều vô cùng quan trọng để gìn giữ hạnh phúc gia đình? Thưa, đó là tinh thần: trách nhiệm, tôn trọng, hy sinh, làm gương và yêu thương. Thực ra, 5 điều cao quý này rất khó thực hiện, bởi nó đòi hỏi chúng ta phải cố gắng liên lỉ, gắng sức từng ngày. Để chu toàn được những điều cao quý ấy trong đời sống gia đình, chúng ta hãy luôn nghĩ đến hai chữ “vì nhau”. Thật vậy, hãy vì nhau mà sống: vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai của con cái, vì đời sống đức tin, vì sự sống đời sau mà chúng ta vui lòng đón nhận tất cả.

Anh chị thân mến,

Có một tác phẩm rất hay: “Ai sẽ khóc khi bạn lìa xa?” (I will cry when we die). Tựa đề cuốn sách cũng là câu hỏi chất vấn mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống này, chúng ta không thể biết ai là người thực sự sống vì ta và cho ta, và ai là người mà mình thực sự sống vì họ và cho họ. Hãy nhắn nhủ mình rằng, trong cuộc đời này, chỉ có một số ít người rất thân thiết và quan trọng đối với mình: đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho họ, dành nhiều sự quan tâm hơn cho họ; hãy động viên họ nhiều hơn, tha thứ cho họ nhiều hơn. Nếu đã chọn những người đó rồi, hãy sống hết mình vì họ và cho họ. Để rồi, ngày cuối cùng của ta trên cuộc đời này, chính họ sẽ là những người vây quanh ta trong niềm tiếc thương và tri ân, bởi ta đã dành cả cuộc đời mình để sống vì họ và cho họ. Ta sẽ nhận ra rằng cuộc đời mình thật là ý nghĩa và đáng sống.