Vinhsơn Vũ Đình Hải Đường
Xoay vòng của năm Phụng vụ. Tháng 5 đúng là thời điểm tưng bừng, vui tươi, rộn ràng nhất của đời sống tín hữu, như để dung hòa với mùa Thương Khó vừa đi qua.
Từ xa xưa, các tín hữu khắp hoàn cầu đã tỏ lòng kính mến Đức Trinh nữ Maria qua các nghi thức đạo đức thật long trọng, đặc biệt trong suốt tháng 5, tháng Hoa và tháng 10 Mân Côi
Mặc dù hàng năm, Giáo Hội đã dâng 17 Lễ Kính Đức Mẹ qua các đặc ân và các biến cố trong đời sống của Đức Maria, nhưng để tỏ lòng tạ ơn và suy tôn Mẹ, các Đức Thánh Cha còn luôn khuyến khích và cổ võ Giáo hữu làm việc kính Đức Mẹ, điển hình như Đức Piô XII trong Thông Điệp “Đấng trung gian Thiên Chúa” (Mediator Dei, 20. 11.1947), đã viết: “Việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.
Tiếp đến, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp “Tháng Năm” (Mense Maio, 29.07.1965) còn nhấn mạnh: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của Giáo dân kính dâng Đức Mẹ cách riêng. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng mến mà người Công giáo khắp Thế giới dành cho Đức Mẹ, Nữ vương Thiên Đàng”. Trước đó, vào năm 1889, Đức Piô IX còn ban ơn Toàn xá cho những ai tham dự các nghi thức tôn sùng Mẹ, càng làm nức lòng Giáo dân tôn sùng Mẹ Maria trong tháng 5 hơn.
Riêng tại Việt Nam, tháng 5 kính Đức Mẹ vốn đã trở nên hết sức quen thuộc với lối sống đạo truyền thống lâu nay;, trong đó đặc biệt là việc Dâng Hoa, phát xuất từ các xứ đạo miền Bắc, rồi năm 1954 xuôi miền Nam. Sau năm 1975 lan sang cả Hoa Kỳ, làm cho người ngoại quốc lấy làm ngạc nhiên về văn hóa, mến chuộng tinh thần đạo nghĩa cùng lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam.
“Một năm hai tháng Đức Bà,
Một là Tháng Mẹ, hai là Tháng Hoa “
Câu ca nằm lòng trên đã đi vào tiềm thức của người tín hữu ở cả vùng đồng bằng Bắc bộ, nên vào dịp Tháng Hoa, các đoàn Dâng Hoa nô nức tụ họp lại với đầy đủ quần áo lượt là, vòng hoa, khăn mấn đan xen sắc màu như một vườn hoa đang mùa nở rộ, cùng tập tành cúc cung bái lạy, quỳ gối, trông sang, tiến lên, vòng xuống rập ràng theo tiếng hát bài “Dâng Hoa” truyền thống mà lâu nay được lưu hành trong các địa phận: Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình. Thời các giáo sĩ Dòng Đaminh coi sóc các xứ đạo, thì rộn ràng hẳn lên trong các việc làm kiệu, sắm sửa áo mũ cân đai, chuẩn bị cho cuộc rước Đức Mẹ và Dâng Hoa tưng bừng nơi các giáo đường.
Văn bản chính thức dùng cho nghi thức Dâng Hoa có trong Toàn niên Kinh Nguyện Địa phận Bùi Chu, do nhà in Thánh Gia phát hành, dưới thời Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948), đã được tái bản nhiều lần với tiêu đề “Tiến HoaThánh Vãn”. Đa số các xứ đạo đều theo văn bản này, không cần thêm bớt, chỉ thay đổi cung điệu, kiểu dâng, tùy theo sáng kiến của địa phương.
Theo linh mục (Lm) Phêrô Vũ Đình Trác (1927-2003) cho biết, tác giả bản vãn Dâng Hoa là của Ông Phêrô Phạm Trạch Thiện (1818-1909) con cụ Phạm Văn Tích, người làng Cổ Ra, quận Nam Trực, tỉnh Nam Định, đã đi thi Hương ở Nam Định năm Nhâm Tý 1852 (đời vua Tự Đức năm thứ 5) dưới quyền Chánh chủ khảo Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Quốc Nam. Khóa này ông Thiện đậu Á Khoa, đứng thứ 2 trong số 20 tân khoa, nhưng vì theo đạo Da-Tô nên bị tước tịch khỏi học vị Hương Cống, tức Cử nhân, phải về quê làm ruộng và âm thầm giao tiếp với các giáo sĩ Tây Phương xin dạy học để mưu sinh; cùng lấy chuyện sưu tầm, biên tập, sáng tác kinh sách qua tài năng thi phú, để sống vui thú điền viên…
Bản vãn Dâng Hoa dài 112 câu và qua lời Lm Giuse Phạm Châu Diên (1914-2007) đánh giá: “Có thể sánh với Truyện Kiều về giọng văn lưu loát, ý thơ còn dồi dào đạo lý cao sâu, tình cảm rất tha thiết”, cùng cho biết thêm chi tiết: “lúc ông dạy ở Chủng viện Ninh Cường, bản vãn có tên “Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương” nhưng sau gọi tắt là Bản “Dâng Hoa” cho tiện.
Lời văn là một trường ca được soạn theo thể thơ lục bát, đôi khi lại chen mấy câu song thất, lời hay, ý đẹp hòa hợp với tâm tình yêu mến Mẹ Maria nhân lành, trong không khí êm mát của tháng 5 thật không có gì sánh ví bằng.
Mở đầu cho một buổi Dâng Hoa với những câu khởi xướng như:
“Chúng con mọn mạy phàm hèn,
Dám đâu ngửa mặt trông lên bàn thờ.
Ngửa xin tràn xuống ơn thừa,
Rộng ban giải tấm lòng thơ trước tòa.” (câu 1 đến 4)
Tiếp theo là những lời thành khẩn dâng năm sắc hoa với đủ màu tươi xinh, thêm hương sắc ngạt ngào tỏa bay, mùi thơm lan tỏa qua những bông hoa, tượng trưng cho các nhân đức siêu vời của Đức Trinh nữ Maria, mà giáo dân cùng kết lời hợp dâng.
1/ Xin dâng lên Mẹ Hoa Hồng đo đỏ của lòng yêu mến. Xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng, và yêu anh chị em mình, như Chúa đã yêu chúng con.
“Nhiệm thay Hoa Đỏ hồng hồng,
Nhuộm thêm Máu Thánh thơm chung lòng người.
Vì thương con gánh tội đời,
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.” (câu 43-46)
2/ Xin dâng lên Mẹ Hoa Trắng của sự trinh trong. Xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, sạch tội.
“Xinh thay Hoa Trắng tốt lành,
Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.
Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,
Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.”
(câu 47-50)
3/ Xin dâng lên Mẹ Hoa Vàng của niềm tin sắt đá, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác và tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.
“Quý thay này sắc Hoa Vàng,
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.
Một niềm tin kính nhơn nhơn,
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu.” (câu 51-54)
4/ Xin dâng lên Mẹ Hoa Tím, của những đau thương, tang tóc. Xin Mẹ dạy chúng con biết chấp nhận Thánh giá Chúa gửi đến, để trung thành bước theo Đức Kitô, con của Mẹ luôn mãi.
“Dịu thay Hoa Tím càng màu,
Ý trên Bà những cúi đầu vâng theo.
Bằng lòng chịu khó trăm chiều,
Khiêm nhường nhịn nhục hằng yêu hãm mình.” (câu 55-58)
5/ Xin dâng lên Mẹ Hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng. Xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào của cuộc sống.
“Lạ thay là sắc Hoa Xanh,
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.
Dờn dờn sau trước một màu,
Quản chi sương nắng dãi dầu ngày đêm.”(câu 59-62)
Ngoài 5 sắc Hoa Hồng, Trắng, Vàng, Tím, Xanh nêu trên. Thêm sự kết hợp hương thơm của 7 loài hoa rực rỡ được diễn giải như sau (Từ câu 65 đến câu 78):
Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa Quì chăm chắm hướng về Thái dương.
Tội nguyên không nhiễm khác thường
Hoa Sen trên nước chẳng vương bùn lầm.
Lòng đầy Thánh Sủng giáng lâm
Hoa Lê tuyết đượm màu thơm khác vời.
Tuổi cao phúc đức càng dầy
Lạ lùng Hoa Cúc nở ngày vãn thu.
Tòa cao thần thánh kính chầu
Hoa Mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa.
Muôn loài cảm mến âu ca
Hoa Đơn phú quý gần xa vui vầy.
Các ơn Chúa phó trong tay
Hoa Lan vương giả hương bay ngạt ngào.
Tạo nên triều thiên Đức Mẹ với 12 ngôi sao (5 sắc hoa + 7 loài hoa = 12 ngôi sao).
Bảy hoa mượn chỉ nghĩa mầu.
Hình dong ơn phúc kính tâu ngợi mừng.
Hợp cùng năm sắc điều dâng,
Dường mười hai ngọc kết tầng Triều thiên. (từ câu 79 đến 82)
Để rồi qua những lời kết thúc với lòng cậy trông, cầu khẩn tha thiết van xin cùng Mẹ Maria:
Ban ơn cho chúng con nhờ,
Được lòng sốt sắng phượng thờ cho liên.
Đời này được sự bằng yên,
Đời sau lại được ngợi khen hát mừng… Amen. (câu 109 đến 112).
Chúng ta có thể tự hào việc cử hành “Dâng hoa Kính Đức Mẹ” vào tháng 5, là một sinh hoạt đạo đức theo lề lối thuần túy Việt Nam từ câu ca tiếng hát. Việt Nam từ cung giọng uyển chuyển êm đềm. Việt Nam cả ở những cách thức tiến hoa nhẹ nhàng mà tôn kính. Ở giáo phận Thanh Hóa, có xứ đạo với đoàn Dâng Hoa cả trăm người gồm già, trẻ, nam, nữ cùng đồng diễn thật nhịp nhàng, trang nghiêm, nói lên lòng sốt mến đối với Đức Mẹ của con dân nước Việt.
Mặc cho văn minh loài người tiến xa, vật đổi sao dời, trải dài qua hơn Thế kỷ, nhưng áng văn NGHINH HOA TỤNG KỲ CHƯƠNG, hay TIẾN HOA THÁNH VÃN hoặc DÂNG HOA, rồi đến VŨ PHỤNG VỤ, dù được gọi tên như thế nào đi nữa, nhưng nội dung lời vãn không đổi thay, vẫn như một viên ngọc quý giá, qua trăm năm luôn tồn tại sống mãi với giáo hội Việt Nam, nhờ đó mà lòng tôn sùng Mẹ Maria không ngừng được cổ võ và ngày càng có nhiều người yêu mến Đức Mẹ hơn.
Hoa Thịnh Đốn, ngày cuối tháng 4 năm 2024.