Giuse Huỳnh Bá Song
“…Cậu ơi, Dì Nở đã bị đuổi ra đường rồi, cả tháng nay Dì lang thang khắp nơi, tìm nhà trọ xin thuê tá túc nhưng thấy Dì già cả, bệnh tật, tay chân phù nề, họ sợ chết trong nhà nên chỗ nào họ cũng từ chối. Con cũng tìm đến các chùa trong thành phố và các tỉnh nhưng họ trả lời chỉ nhận những người còn đi lại tự chăm sóc bản thân được chứ không nhận người già, bệnh tật vì họ không có người chăm sóc; cậu thử hỏi xem bên nhà thờ có nơi nào nhận được Dì không(?) chứ ở ngoài đường tháng mùa mưa này sợ chắc không qua khỏi …” Cú điện thoại vào lúc sáng sớm của đứa cháu bên vợ gọi đến làm tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên. Nở là đứa em cô cậu của vợ tôi, tuy vai em nhưng tuổi nay khá lớn, chừng 75 tuổi, sống ở Bến Tre hàng chục năm nay ít lần liên lạc; cuộc sống dưới quê goá chồng, một mẹ một con dựa vào vườn dừa tuy không khá giả nhưng cũng không đến nỗi nào, sao giờ lại đến nỗi này! Tôi vội hỏi lại ngay để biết thêm:
- Chứ còn con nó ở đâu mà lại để mẹ lang thang cơ nhỡ như vậy?
Câu trả lời của đứa cháu làm tôi không tin vào sự thật:
- Khi phát hiện mẹ nó bị ung thư, chân tay phù nề, đi đứng khó khăn… nó đuổi mẹ nó về quê để cậu, dì nó lo chứ nó lo không nổi!
Một sự thật phũ phàng được đứa cháu kể lại làm tôi ngỡ ngàng. Cuộc sống của giới trẻ, của gia đình ngày nay đạo đức lại xuống cấp đến thế sao? Cuộc đời của Dì Nở đúng là vô phúc: chồng chết trẻ – bệnh tật và cái chết của chồng đã làm của cải, đất đai được thừa hưởng từ cha mẹ một phần đội nón ra đi. Một thân một mình làm lụng nuôi con trong khó khăn rồi khi con lớn lên lại lo chuyện dựng vợ, gả chồng và khi gia đình con bỏ quê lên quận 12 của thành phố làm công nhân kiếm sống, Dì lại gom góp, dấm dúi ít nhiều để con cái có chỗ ăn, chỗ ở với người ta; đến lúc này thì tuổi già bệnh tật ngày càng thêm chồng chất. Cách đây ít năm, nghe lời con gái về thăm thủ thỉ, má lớn tuổi rồi muốn lên thăm con cháu thì đường xá quá xa xôi, cách trở mà vợ chồng con thì làm lụng suốt ngày đầu tắt mặt tối, thêm con cái nhỏ mọn nên cũng chẳng mấy dịp được về thăm má. Thôi thì vợ chồng con tính má bán hết vườn đất, nhà cửa lên đây mua đất xây nhà ở chung với tụi con; đỡ tiền thuê nhà mà cũng chẳng tốn tiền đi lại thăm nom nhau. Ở nhà một mình cũng buồn, nhớ con, nhớ cháu nên nghe con gái bàn cũng hợp lý. Dì Nở quyết định bán hết đất đai nhà cửa đem hết tiền lên cho con thực hiện dự định mua đất xây nhà, mặc cho anh chị em trong gia đình cản ngăn.
Giai đoạn đầu mọi việc đều xảy ra suôn sẻ. Gia đình, mẹ con, bà cháu vui vẻ, hạnh phúc nhưng đột nhiên cơn Đại dịch ập đến, cùng với cả nước, công ăn việc làm ở thành phố ngưng trệ, khó khăn và sau cơn dịch bệnh lại càng khó khăn thêm; thu nhập bấp bênh, khốn khó và lúc này căn bệnh ung thư của Dì Nở lại được phát hiện khi đi thăm khám sau một cơn bệnh nặng. Chưa hoàn hồn sau cú sốc vướng căn bệnh nan y, càng sốc hơn khi nghe quyết định của con gái yêu cầu má nên về quê ở nhờ cậu, dì giúp lo chữa bệnh vì vợ chồng con hết khả năng lo cho má! Đau đớn hơn, khi Dì trở về tìm đến nhà anh em trong gia đình thì đến đâu đâu, tất cả mọi nhà đều từ chối đón nhận vì không ai muốn đứng ra đem gánh nặng về nhà mình với một lý do, trước không chịu nghe lời khuyên thì giờ ráng gánh lấy hậu quả, còn nhà còn đất thì giờ đây đâu đến nỗi nào! Một ít lộ phí được quyên góp để tiễn Dì trở về thành phố hầu tránh đi gánh nặng; Dì cũng lên đường với niềm tin mong mỏi con sẽ nghĩ lại, mở lòng đón nhận vào nhà. Nhưng niềm hy vọng cuối cùng này cũng đã bị dập tắt – cánh cửa vẫn đóng kín mặc cho lời khẩn cầu của người mẹ! Thi, đứa cháu dưới quê lên làm công nhân gần đó hay tin tìm đến định đem về nhà trọ của mình để chăm sóc nhưng ác nỗi chủ nhà trọ không đồng ý, vì sợ Dì Nở với bộ dạng tơi tả này sẽ chết trong nhà trọ của mình. Bí thế, cháu phải thuê phòng khách sạn mỗi ngày cho Dì ở để chờ tìm nơi cứu giúp nhưng đành bất lực, ngay cả ở những ngôi chùa dành cho những người cơ nhỡ, bất hạnh, sau khi xem xét hồ sơ cũng lặng lẽ không một câu trả lời. Cuối cùng cháu chợt nhớ đến tôi trước đây đã có lần giúp gửi một bà chị họ dưới quê cũng có hoàn cảnh tương tự và tôi đã liên lạc được với Nhà Dưỡng lão của cha Phaolô Nguyễn Văn Khi ở Củ Chi đón nhận chị ấy về ở đến cuối đời, nên mới có cuộc gọi bất ngờ sáng hôm nay cho tôi với lời cầu khẩn, cậu ráng nhờ mấy cha lo giúp cho Dì có nơi nương tựa tuổi già chứ con đến nay đã gần hết tiền thuê phòng khách sạn cho Dì Nở rồi…!
Trong thành phố Hồ Chí Minh có hai cơ sở của giáo hội Công giáo dành để phục vụ chăm sóc người già neo đơn, nghèo khó, không nơi nương tựa, đó là Nhà nuôi dưỡng người già giáo xứ Tân Thông, giáo hạt Củ Chi, giáo phận Phú Cường nằm ở thị trấn Củ Chi, do cha Phaolô Nguyễn Văn Khi thành lập và Nhà Dưỡng lão Thánh Tâm Cần Giờ thuộc giáo xứ Cần Giờ, giáo hạt Xóm Chiếu do cha Chánh xứ Gioakim Lê Văn Chinh, Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Do cơ sở ở giáo xứ Cần Giờ, trước đây đoàn thể GĐPTTTCG của Tổng giáo phận thường xuyên về thăm viếng, chia sẻ bác ái nên tôi biết khá rõ; và sắp tới đây Ban bác ái của TGP cũng có kế hoạch nối lại sự chăm sóc nơi đây sau cơn Đại dịch, nên tôi chọn liên lạc với cha phụ trách nhờ đón nhận Dì. Qua sự kết nối của chị Maria Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Phó trưởng ban Ngoại vụ của giáo hạt Xóm Chiếu; tôi đã liên lạc được với cha chánh xứ Gioakim để nhờ ngài giúp đỡ và đã được cha cho một cuộc hẹn để tìm hiểu vụ việc cụ thể trước khi cha quyết định đón nhận.
Đúng hẹn, đoàn của Ban thường vụ TGP và giáo hạt Xóm Chiếu do anh Giuse Nguyễn Quang Tinh dẫn đầu đã được cha Gioakim và thầy Phêrô Lê Đức Thuận đón tiếp và đưa đoàn đi thăm toàn cảnh khu cơ sở và các mặt sinh hoạt thường nhật nơi đây. Nhà Dưỡng lão Thánh Tâm Cần Giờ nằm trên một vùng đất bãi bồi ven biển thuộc tổ 9, đường Tắc Xuất, khu phố Phong Thạnh, thị trấn Cần Thạnh với cơ sở vật chất là hai khu nhà cấp 4: một là khu dưỡng lão cũ đang có dấu hiệu xuống cấp và khu sinh hoạt hiện tại trước vốn là một trường học được chính quyền trả lại đã được sửa chữa, nâng cấp khá khang trang với hai dãy phòng liền kề mặt hậu với nhau; mặt tiền mỗi dãy, cửa quay về hai phía tiếp nối một sân dạo chơi và phơi phóng khá thoáng mát. Mỗi gian phòng rất rộng rãi, nền gạch sạch sẽ nhưng chỉ đón hai cụ, mỗi người một giường với đầy đủ mền mùng, chăn gối và cả tủ bàn để ngồi ăn cũng như chứa vật dụng cá nhân, được sắp xếp nằm chéo góc với nhau trông rất riêng tư và lịch sự. Thăm qua một vòng các phòng, phần lớn các cụ tuy vẫn còn những dấu vết bệnh tật trên cơ thể nhưng gương mặt đều đượm lên một ánh mắt vui tươi, một nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc mà chỉ những con người cuộc đời đã từng bị bỏ rơi, phải trải qua biết bao cay đắng, đói khát, bơ vơ… giờ đây được đón nhận, được phục vụ, được yêu thương… đúng nghĩa một con người, mới cảm nhận được.
Một gian phòng lớn chứa được khá đông người với bàn ghế lịch sự được cha Gioakim giải thích, đây là nơi dành để tổ chức ăn uống cho cả nhà vào những dịp có những sự kiện quan trọng trong năm: Tết, Giáng sinh và các lễ trọng… mọi người được tập trung ăn uống, vui chơi chung với nhau như một gia đình… và một gian phòng liền kề lớn tương tự nhưng được trang trí thoáng đãng, trang nhã hơn đã được cha Gioakim giới thiệu là nơi dành để cộng đoàn dự Thánh lễ, học giáo lý dành cho các cụ muốn trở lại đạo và cũng là nơi quàn thi hài và dự Thánh lễ cuối cùng của các cụ được trở về với Chúa. Những mảnh đời cơ nhỡ cũng là con cái Chúa, phần lớn khi vào nhà dưỡng lão các cụ đều chưa biết Chúa nhưng sau thời gian sinh sống nơi đây, các cụ đã tìm thấy Người qua những bàn tay ân cần chăm sóc vết thương, qua những ánh mắt yêu thương vỗ về những cơn đau bệnh, qua những lời dịu dàng, ân cần thăm hỏi… xoa dịu những nỗi buồn… Và các cụ đã tìm về với Chúa để được sống mãi phút giây hạnh phúc nơi đây trong những ngày tháng cuối cuộc đời – Được Chúa yêu thương trong vòng tay thương xót.
Chúng tôi giới thiêu với cha Gioakim những thành viên trong BTV của TGP và giáo hạt Xóm Chiếu với những hoạt động tông đồ của đoàn thể trước đây và kế hoạch dự kiến sẽ cộng tác với cha trong việc phục vụ Nhà Dưỡng lão trong thời gian sắp tới; cũng như trình bày với cha trường hợp của Dì Nở mong được đón nhận. Cha Gioakim ân cần cho biết, nơi đây sẵn sàng đón nhận những ai có hoàn cảnh bị bỏ rơi, neo đơn không nơi nương tựa, không phân biệt tôn giáo, tuổi tác. Tuy về pháp lý, cơ sở đăng ký hoạt động chỉ phục vụ trong huyện Cần Giờ, tuổi phải trên 70 và chỉ giới hạn trong phạm vi 15 người thôi nhưng… với Giáo hội, những mãnh đời bất hạnh, bị bỏ rơi, đã bị người thân, xã hội từ chối, đã bị dồn vào bước đường cùng… thì chỉ có lựa chọn duy nhất là tiếp nhận thôi. Khi vào đây, họ sẽ được giáo xứ lo từ A đến Z, để khi ra đi, họ vẫn được ra đi xứng đáng là một con người (sống lo ăn, bệnh lo chữa, chết lo chôn). Cha cho biết thêm, hiện nay Nhà Dưỡng lão Thánh Tâm đang chăm sóc 20 người đủ mọi lứa tuổi, đủ loại bệnh tật, đủ mọi hoàn cảnh… mỗi ngày các cụ được lo hai bữa ăn, có nhà bếp nấu đem đến tận phòng và thu dọn sau đó, các cụ đi đứng nấu nướng được có thể tự lo phần ăn sáng (từ quà các ân nhân giúp: bánh trái, sữa, mì gói…); các cụ bệnh nặng thì phần ăn sáng, giặt giũ sẽ do các chị phục vụ lo. Khi bệnh tật tuỳ theo, nhẹ thì để ở bệnh viện huyện đây, hoặc nặng hơn thì chuyển đi bệnh viện thành phố – tất cả đều miễn phí.
Chúng tôi thắc mắc không thấy cha nhắc đến kinh phí mỗi người vào đây phải đóng góp, số người phục quá ít ỏi có quá tải không (ngoài thầy Lê Đức Thuận chỉ có một chị nấu bếp và một chị phục vụ các cụ khi đau yếu, chuyển viện)? Cha Gioakim mỉm cười nhắc khéo, đã cơ nhỡ thì lấy tiền đâu đóng góp, đã bị bỏ rơi thì đào đâu ra người thân mà vào đây phụ lo… chẳng những vậy, sống không lo mà khi người thân mất đi có trường hợp còn tìm đến quậy phá, vặn vẹo giáo xứ. Về kinh phí hoạt động cha cho biết, trước cơn Đại dịch, Nhà Dưỡng lão Thánh Tâm có được nhiều ân nhân, tổ chức từ thiện hàng tháng hỗ trợ kinh phí nên cũng xoay trở hoạt động được; nhưng từ sau dịch đến nay, số ân nhân ít dần, tháng có tháng không, mà hoạt động thì giáo xứ luôn phải lo cho các cụ tất tần tật: từ ăn uống, bệnh tật, qua đời… có trường hợp một cụ vào đây bị khối u não, chuyển lên thành phố mổ chi phí hơn trăm triệu, trừ BHYT, giáo xứ còn phải đóng gần bảy mươi triệu. Giáo xứ là điểm truyền giáo, tiền thu ít ỏi nên đành phải chạy về Dòng xin hỗ trợ. Nói đến đây, cha Gioakim đề nghị, nếu đoàn thể GĐPTTTCG TGP dự định tổ chức thăm viếng, bác ái nơi đây xin vận động ân nhân góp phần hỗ trợ hàng tháng để giáo xứ có kinh phí trang trải các chi phí thường xuyên; được như vậy thì đó chính là nguồn động lực, tiếp tay thiết thực vào công cuộc phục vụ những mảnh đời cơ nhỡ bất hạnh, bị bỏ rơi của Nhà Dưỡng lão Thánh Tâm giáo xứ Cần Giờ.
Trước khi ra về chúng tôi thống nhất với cha sẽ tiếp tục cầu nguyện cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng của giáo xứ, cho công cuộc phục vụ những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh để làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Thánh Tâm Chúa như tên gọi của Nhà Dưỡng lão, đoàn thể GĐPTTTCG TGP Sài Gòn sẽ góp phần cộng tác kinh phí hàng tháng với giáo xứ và nhất là sẽ giới thiệu những sự hy sinh thầm lặng của cộng đoàn giáo xứ với các ân nhân xa gần để giáo xứ không còn đơn độc trong hành trình phục vụ tha nhân.
Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn mạch của tình yêu, ghi nhận và chúc phúc cho những đóng góp thầm lặng của quý ân nhân trên bước đường sống chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa nơi thế gian này.
Mọi sự đóng góp xin liên lạc:
– Quý ân nhân, đoàn viên, BCH GĐPTTTCG các cấp xin chuyển về chị Maria Đoàn Thị Lệ Thu, ĐT: 0384 193 090; tài khoản ngân hàng Techcombank số: 3939392613, Doan Thi Le Thu.
– Quý ân nhân, BCH GĐPTTTCG các cấp trong và ngoài TGP muốn thăm viếng, hỗ trợ kinh phí trực tiếp, xin liên lạc với cha chánh xứ Cần Giờ Gioakim Lê Văn Chinh, ĐT: 0975 559 376; tài khoản ngân hàng Vietcombank số 0061000999543, Le Van Chinh.
Mọi sự đóng góp gửi về Đoàn thể sẽ được công bố trên nội san Lửa Mến kể từ số báo tháng 9 năm 2024.