LOAN BÁO TIN MỪNG HÔM NAY

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Một trong những ưu tư lớn trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc loan báo Tin Mừng (LBTM). Chính vì thế, Người đã chọn lựa các môn đệ, cho các ông sống bên cạnh và trực tiếp huấn luyện các ông. Để các ông được nghe những lời Người giảng, xem những việc Người làm và cắt nghĩa cho các ông những điều các ông chưa hiểu. Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm 12 tông đồ mà còn cả nhóm 72 môn đệ nữa (x.Lc 9, 1-2 và Lc, 10,1-2).

Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo”. Giáo hội có sứ mạng tiếp nối công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và đó cũng là sứ mạng của mọi Kitô hữu. Việc truyền giáo không chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ hoặc các nhà truyền giáo mà là của mọi tín hữu. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân cũng đã khẳng định: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm Tông đồ”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi: “Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo thật là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo hội là truyền giáo: Giáo hội được sinh ra để ra đi”.

Qua Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta đều được Chúa Giêsu mời gọi và sai đi LBTM, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về tình thương của Ngài và những hồng ân của Thiên Chúa, đem Chúa đến cho người khác. Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều hình thức LBTM: có những nhà truyền giáo tình nguyện đến những nơi xa xôi hẻo lánh, đến với những dân tộc thiểu số như Thánh Phanxicô Xavier; có những người âm thầm cầu nguyện, làm những việc bác ái để truyền giáo như Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, mẹ Thánh Têrêsa Calcutta…

Đối với đoàn viên GĐPTTTCG, đó còn là lời tuyên hứa “trung thành, chu toàn nhiệm vụ của một Tông đồ Thánh Tâm Chúa, trong việc đem lửa yêu mến và lòng thuơng xót Chúa đến với gia đình mình, xứ đạo mình và trong các môi truờng sống chung quanh mình” (Nghi thức tuyên hứa của đoàn viên), “như xưa Chúa đã sai các Tông đồ, hôm nay, Cha cũng mời anh chị em hãy nhận ủy nhiệm thư này, như lời sai đi chính thức của Giáo hội: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người và làm chứng cho tình yêu của Chúa”. (Nghi thức tuyên hứa BCH).

Chúng ta không tự mình ra đi LBTM nhưng được sai đi, nghĩa là chúng ta không tự ý làm việc của mình nhưng làm việc Chúa muốn chúng ta làm. Có nhiều người vẫn hăng hái lên đường loan báo “Tin Mừng”, nhưng họ không nhận “lệnh lên đường” từ Chúa qua vị đại diện Giáo hội hoặc qua bề trên của họ, họ không làm việc Chúa muốn, họ không tuân thủ những điều Chúa căn dặn, để rồi họ thất bại, đau khổ, chán nản, có khi dẫn tới phá hoại Giáo hội, phá nát “mùa màng”.

Con đường làm chứng và LBTM của chúng ta cũng giống con đường Đức Giêsu đã trải qua. Chúng ta cũng sẽ phải đối diện với nhiều thử thách, có khi phải ngậm đắng nuốt cay, nhưng lại giúp chúng ta tìm gặp ý nghĩa của cuộc đời, của người môn đệ Thầy Giêsu. Có khi những lời gièm pha đến từ bạn bè, người thân trong gia đình, anh chị em cùng chí hướng (nhưng có khi khác lý tưởng). Như thế mới đắng cay, chua xót! Dẫu biết là vậy, giữa chúng ta vẫn có những người hiên ngang vững bước theo con đường của Thầy Giêsu. Họ đã đi đến đích. Họ được người đời khóc thương, tưởng nhớ, được Giáo hội tôn vinh.

Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng LBTM là phải đi khắp nơi để nói về Chúa. Điều này cũng đúng nhưng còn xa vời lắm. Trước mắt ta hãy LBTM cho chính mình và những người thân của mình. Trước khi đem Chúa đến cho người khác thì mỗi người phải có Chúa đầy tràn trong mình. Chúng ta không thể cho ngưới khác cái mà mình không có.

Động lực tốt nhất để LBTM chính là việc chiêm niệm Tin Mừng với tình yêu mến. Hãy dành chút thời gian mỗi ngày bên những trang Kinh Thánh và đọc Lời Chúa với cả tấm lòng. Nếu chúng ta tiếp cận Lời Chúa theo cách này, vẻ đẹp của Lời Chúa khiến chúng ta phải ngỡ ngàng, kinh ngạc. Chúng ta hãy nhớ rằng: mình đã được ủy thác một kho tàng quý báu, kho tàng này làm cho chúng ta trở nên người hơn, giúp chúng ta sống một đời sống mới trong Chúa, và chia sẻ đời sống đó cho tất cả mọi người.

Công việc rao giảng cũng gắn liền với những giờ cầu nguyện. Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như tấm lòng đáp trả lại lời mời gọi sai đi. Xin Người soi sáng, hướng dẫn và đồng hành. Việc đọc kinh Đền tạ luân phiên, Tôn vương tại nhà các đoàn viên GĐPTTTCG buổi tối trong các khu xóm là cách LBTM đơn giản để các gia đình chung quanh chưa nhận biết Chúa thấy được sự yêu thương hiệp nhất của người Kitô hữu qua những lời kinh tiếng hát.

Nói một cách cụ thể, chúng ta có thể tham gia vào việc rao giảng bằng việc đọc kinh cầu nguyện, xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo. Đây là một việc mọi người có thể làm bất cứ lúc nào. Cầu nguyện còn chứng tỏ lòng tin tưởng cậy trông của chúng ta, vì từ việc sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo, cho đến việc cứu độ thực sự là làm cho người ta chấp nhận Tin Mừng, trở về với Chúa để được hưởng ơn cứu độ.

Chúng ta cũng được mời gọi LBTM bằng chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều rao giảng bằng chính đời sống của mình. Chúng ta hãy LBTM ngay trong chính môi trường mình đang sống qua cách ăn, nết ở thật dễ thương và giữ đúng những điều Chúa dạy. Chính đời sống thánh thiện của từng người là những phương thức “rao giảng không lời” tốt nhất.

Mỗi Đoàn viên chúng ta đều được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, nghĩa là trở nên một người “hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”. Thật hãnh diện biết bao khi thấy nơi này chỗ nọ người ta biểu dương những khu xóm người Công giáo; khi nghe người ta nói với nhau về những tấm gương “người tốt, việc tốt” là những người Công giáo trong khu phố, nơi làm việc.

Lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép.” (Lc, 10, 4) còn cho ta thấy điều cốt lõi trong việc LBTM cho người khác là cái họ cần có hơn, là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…). Việc làm chính của người rao giảng là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giáo lý nói về “Niềm say mê truyền giáo: lòng nhiệt thành tông đồ của các tín hữu” cũng đã khuyên LBTM không giống như chiêu dụ tín đồ, hay tìm cách thuyết phục người khác. “Chúng ta không loan báo một đảng phái chính trị, cũng không một hệ tư tưởng. Không: chúng ta loan báo Chúa Giêsu”. LBTM có nghĩa là đưa “Chúa Giêsu tiếp xúc với mọi người, không thuyết phục họ, nhưng để Chúa thuyết phục”. Như người tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđictô XVI cũng đã dạy, “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Đúng hơn, Giáo hội phát triển thông qua sự thu hút”.

Không phủ nhận những công việc bác ái đã đem lại những sự giúp đỡ thiết thực về vật chất cho người nghèo không phân biệt lương giáo. Nhưng người Tông đồ ra đi LBTM không nhất thiết phải giúp bà con có “cơm dư gạo thừa”. Công việc trước tiên là hãy nói Lời Chúa cho họ nghe, sau đó mới giúp đỡ bà con được khỏe mạnh phần xác như cơm ăn áo mặc, thuốc men chữa lành bệnh tật…

Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si; hỉ, nộ, ái, ố), cũng như bên ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu…) đã len lỏi và thấm nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi. Nên cần lắm cuộc canh tân mạnh mẽ để đổi mới cái nhìn, làm lành mạnh hóa tâm hồn và đời sống; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới môi trường và những người chung quanh theo tinh thần Phúc âm. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.

Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều Tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống. Xin Chúa cũng cho chúng ta biết ý thức mình là những con người tài hèn sức mọn nên Chúa không đòi buộc chúng ta phải ra đi LBTM ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng ta biết sống đời Kitô hữu đích thực, tích cực gieo vãi tình thương và bình an của Chúa cho những người gần gũi chung quanh chúng ta. Amen.