ĐƠN HÔN

“Cả hai sẽ trở nên một xác thể”  (St 2,24)

Anh chị thân mến!

Có nhiều người đã yên bề gia thất nhưng cũng sẵn sàng phiêu lưu tình ái. Động cơ thúc đẩy đôi khi là cảm xúc thật sự, nhưng cũng có khi vì gia đình có chuyện “Cơm không lành, canh không ngọt”. Cũng có người sa ngã vì không chiến thắng nổi dục vọng thấp hèn của bản thân, để rồi chuốc lấy bất hạnh, vô phương cứu chữa.

Câu chuyện sau đây xảy ra trong một công ty du lịch ở Hà Nội. Ông giám đốc đã có vợ, si mê cô hướng dẫn viên du lịch “Sắc nước hương trời”. Bà vợ “Ghen quá hoá rồ”, tìm cách yêu ông giám đốc một công ty cạnh tranh. Đến lúc bị công ty cạnh tranh chơi cho một vố đau điếng: sụp đổ công ty. Ông giám đốc chi nhánh ra hầu toà, cô hướng dẫn viên cũng “cao chạy xa bay”, còn bà vợ thì bị bên kia… “đá”. Cuối cùng, tất cả đều trắng tay, chỉ vì đã… lỗi đạo vợ chồng!

Để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, anh chị hãy nghiêm chỉnh tuân giữ luật Chúa:

  1. Một vợ một chồng

Từ cổ chí kim, đạo “Một vợ một chồng” là luật tự nhiên của xã hội, nó cũng hợp với tâm lý vợ chồng, là không muốn bị chia sẻ tình yêu cho người khác. Hơn nữa, nó còn là yếu tố quan trọng mang lại sự an vui và niềm hạnh phúc cho gia đình. Ca dao Việt Nam có câu:

“Một vợ thì nằm giường lèo,

Hai vợ thì nằm chèo queo,

Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm”. 

Hơn nữa, “Một vợ một chồng” còn là luật lệ ngàn đời của Thiên Chúa. Thật vậy, khi tạo dựng Adam – Evà, Thiên Chúa đã phán: “Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để khắng khít với vợ, và cả hai chỉ còn là một xác thể” (St 2, 24).

Chỉ khi con người phạm tội, chế độ đa thê và đa phu mới nảy sinh. Thảm trạng ngoại tình cũng theo đó mà phát triển, làm rối loạn và ly tán biết bao gia đình, đến nỗi Thiên Chúa đã phải ra lệnh: “Ngươi không được ngoại tình, không được ham muốn vợ người ta” (Xh 20, 14.17).

  1. Nên một trong tình yêu

Chính Đức Giêsu, trong một cuộc tranh luận với người Biệt Phái về vấn đề ly dị, đã nhắc lại ý định của Thiên Chúa: “Các ngươi đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên một nam một nữ đó ư. Và Ngài đã phán: Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để khắng khít với vợ, và cả hai chỉ còn là một xác thể” (Mt 19, 3-5). Như vậy, theo thánh ý Thiên Chúa, vợ chồng chỉ là một: Một tình yêu, một cuộc sống, một hạnh phúc và một trách nhiệm. Thánh Phaolô đã căn dặn các đôi vợ chồng: “Chồng phải yêu vợ như yêu bản thân mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 8, 5).

  1. Mầu nhiệm cao cả

Thánh Phaolô như muốn diễn đạt tất cả sự cao cả của Bí tích Hôn Nhân khi ngài viết trong thư gởi cho Giáo đoàn Êphêxô 5,32: “Mầu nhiệm này thật cao cả, tôi muốn nói đến tình yêu giữa Đức Kitô đối với Hội Thánh”.

Quả thực, khi hai vợ chồng “nên một” trong tình yêu, khi họ yêu thương nhau bằng một tình yêu chung thủy, khi họ cố gắng xây dựng và vun trồng tình yêu đôi lứa, thì lúc đó, họ là dấu chỉ hữu hình của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Anh chị thân mến!

Ngày xưa, có cặp vợ chồng mới cưới, chị vợ ra vườn gọi chồng vào ăn cơm. Chẳng biết gọi chồng làm sao, liền gọi: “Ai ơi về ăn cơm”. Anh chồng mỉm cười hỏi: “Ai gọi ai đấy?” Chị vợ bẽn lẽn đáp: “Thì ai gọi ai chứ ai”. Ôi! Hạnh phúc biết bao!

Không có một dân tộc nào trên thế giới, có tiếng gọi vợ chồng vừa ý nghĩa lại vừa phù hợp với Kinh Thánh như dân tộc Việt Nam: Vợ âu yếm gọi chồng là “Mình ơi”. Chồng là chính mình. Chồng cũng âu yếm gọi vợ là “Mình ơi”. Vợ là chính mình. Thánh Phaolô nói: “Ai yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 4, 28). Bởi lẽ “Cả hai đã nên một xương một thịt”.

Vợ chồng trong hôn nhân, ví như hai mặt của một đồng tiền, như hai thanh sắt của đường ray xe lửa, không thể không có nhau. Vì thế, mới có câu:

“Mình với ta tuy hai mà một,

Ta với mình tuy một mà hai”.

Không chỉ “nên một trong thân xác” mà còn “nên một trong tâm hồn”. Nên một trong tâm hồn là nên một trong niềm tin, trong tâm tư tình cảm và trong trách nhiệm gia đình.

Ngày thành hôn chỉ là khởi đầu cho cuộc hành trình “nên một”. Xin cầu chúc cho cuộc hôn nhân của anh chị ngày càng “nên một” với nhau nhiều hơn, để gia đình anh chị luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa Tình Yêu.

“Hôm nay sum họp trúc mai,

Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”.

Giuse Nguyễn Văn Quýnh