Giuse Nguyễn Văn Quýnh
“Người phụ nữ ít nói là một ân huệ Chúa ban,
không chi sánh bằng người có giáo dục”. (Hc 26,14)
Nhiều cặp vợ chồng ít đối thoại, nên cũng chẳng cảm thông cho nhau. Đáng tiếc là họ không hề “câm điếc” với người ngoài, mà chỉ “câm điếc” với nhau! “Bệnh” này làm cho đời sống hôn nhân khô cứng. Nếu các ông chồng dùng “tay chân” để trấn áp vợ con, thì vũ khí của các bà vợ thường là “lời nói”. Vì thế, không ít ông chồng lâu ngày sinh “bệnh điếc” vì bị vợ … “tra tấn” cái lỗ tai quá mức!
Tòa án quận Gò Vấp, TP.HCM, đang cố gắng hòa giải cho một cặp vợ chồng đã chung sống được 20 năm. Bà vợ đứng đơn, giận tím mặt khi đọc được tin nhắn của chồng gửi cho cô bạn gái có nội dung như sau: “Anh chỉ mong cho bà xã… khuất núi cho sớm!”. Đọc xong, bà tự nhủ: “Nếu tôi không ly hôn, thế nào có ngày ông ấy cũng giết tôi!”
Theo ông chồng trình bày, vợ ông, một khi đã nói thì “không “thể dừng lại được”. Đó là những lúc ông về nhà trễ, quên đón con, “đưa tiền lương chậm… Bà “ca cẩm” đến mức ông “ù tai”, nhưng phải ráng chịu thôi, vì đó là lỗi của ông mà. Nhưng những chuyện giá điện tăng, thịt cá “leo thang”, bà cũng cằn nhằn đầy lỗ tai ông, như thể ông là người gây ra mọi chuyện, thì thật là quá đáng!
Có lẽ hiểu rõ tâm lý của phụ nữ là “thích nói”, nên sách Huấn Ca đã viết: “Người phụ nữ ít nói là một ân huệ Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục” (Hc 26,14). Vậy, để cho gia đình luôn êm ấm thuận hoà, chúng ta nên thực hiện những bước sau đây:
- Phòng “bệnh” cho nhau
Những cặp vợ chồng đang trong tình trạng “câm điếc”, như ở hai thế giới khác biệt, không gặp được nhau. Người này định trình bày cho người kia hiểu thì lưỡi như bị sợi dây trói buộc, khiến họ ngần ngại, né tránh. Nhiều cặp vợ chồng đã “hóa câm”, vì trải qua những kinh nghiệm đau đớn: Càng giãi bày, họ càng bị bạn đời châm chọc, khinh miệt, làm họ mất tự tin, trở nên khép kín. Vì thế, chúng ta cần mở rộng lòng ra để tỏ bày nỗi niềm với người bạn đời; nhất là, chân thành lắng nghe để hiểu biết và cảm thông với nhau.
- Nghe bằng trái tim
Nếu “bệnh câm” làm cho chẳng ai hiểu “người bệnh”, thì “bệnh điếc” làm họ chẳng hiểu ai. Đôi lúc họ chịu nghe, nhưng lại cứ hiểu theo ý mình! Như vậy, vẫn là chưa hiểu. Bởi nghe bằng tai thôi, không đủ. Cần lắng nghe bằng cả “trái tim”. Chỉ có trái tim yêu thương mới giúp người ta hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu hết những ý nghĩa phía sau lớp vỏ ngôn từ.
- Nói đúng lúc, đúng nơi, đúng chuyện
Cần phải nói đúng lúc, đúng nơi, đúng chuyện. Các chị được ví như “đài phát thanh”, nếu chỉ phát toàn chuyện nhàm chán mà lại cứ “phát” say sưa, thì các anh sẽ tìm cách “tắt đài” hoặc giả vờ “lãng tai”, chuyển dần sang chế độ… “điếc”. Lúc đó, các chị buộc phải bật máy khuếch âm, thì không chỉ ầm ĩ cửa nhà mà còn làm điếc tai… hàng xóm! Các chị phải học cách “Nói ngọt, lọt đến xương” để các anh “ghiền” nghe các chị nói. So với các anh, các chị ít nguy cơ bị “điếc”, bởi đàn bà vốn “yêu bằng tai”. Nếu các chị đề phòng cho các anh được bệnh “điếc”, thì cũng chữa được cả bệnh “câm”.
- Thái độ sau khi nghe
Muốn các anh không rơi vào hiện tượng “hết chuyện nói”, các chị cần tạo ra cảm hứng. Điều các anh ngại nhất, là khi đã nói ra, các chị lại nhận định “vậy mà cũng ra vẻ quan trọng”, sẽ làm các anh cụt hứng. Lắng nghe đã khó, mà thái độ sau khi nghe còn khó hơn nhiều! Lý tưởng nhất, là không cần nói cũng hiểu nhau, hay nói ít mà hiểu nhiều:
“Khôn ngoan chẳng lọ nói nhiều,
Người khôn mới nói nửa điều đã khôn”.
Ai cũng muốn được người khác lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. Trong đời sống vợ chồng, nhu cầu nghe và nói càng cần hơn nữa, vì nó là “chất dầu” bôi trơn mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, nếu không khéo sử dụng lời nói, nó lại mang tai hoạ đến cho vợ chồng. Vì thế, Thánh Giacôbê nói: “Ai không sai lỗi trong lời nói, người đó là người hoàn hảo” (Gc 3,2).
Nguyện cho lời Kinh Thánh sau đây sẽ thực hiện trong gia đình anh chị: “Người phụ nữ ít nói là một ân huệ Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục” (Hc 26,14). Chúc anh chị luôn biết nói lời yêu thương, dịu dàng, để cuộc sống gia đình anh chị mãi là mùa Xuân hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười.