Phaolô Trang Lập Quang
Xđ. Tùng Lâm, GP Đà lạt
Cả đêm qua Hạnh cứ thao thức mãi không sao chợp mắt được vì sáng mai là ngày giỗ của bố, biết bao hồi ức đã sống lại trong cô như một cuốn phim quay chậm!
Năm ấy, trong kỳ thi chuyển cấp lên lớp mười, Hạnh đã đỗ vào trường công lập nên bố rất vui. Bố đã dành cả tháng lương của mình để mua cho Hạnh chiếc xe đạp điện trong khi kinh tế gia đình đang gặp khó khăn. Mẹ Hạnh cứ làu bàu bố suốt cả tháng và hình phạt dành riêng cho bố là phải nhịn thuốc lá cho đến kỳ lĩnh lương của tháng sau, nhưng bố vẫn vui vẻ “chấp hành án” và nói:
– Con đã nỗ lực học hành mình phải khích lệ tinh thần nó chứ!
Rồi lúc Hạnh lâm cơn bạo bệnh trong khi gia cảnh đang cơn túng quẫn, bố mẹ phải vay tiền hàng xóm để chạy chữa cho cô. Khi qua cơn nguy kịch, cơ thể Hạnh vẫn còn suy nhược nên bố đã âm thầm bán máu của mình để mua những gì có thể bồi bổ cho Hạnh. Còn biết bao điều bố đã thể hiện tấm lòng của người cha luôn yêu thương con cái mình. Càng nghĩ Hạnh càng thấy đôi mắt mình cay cay, đôi lúc muốn òa lên bật khóc.
Hôm nay là ngày giỗ của bố, Hạnh muốn làm điều gì đó để đáp lại mối ân tình mà bố đã dành cho cô. Nhưng người đã mất biết lấy gì để đền đáp đây? Chỉ có cách là gởi những đồ quý giá xuống địa phủ để bố có cuộc sống an nhàn sung túc. Có lẽ ở địa phủ người ta cũng rất cần tiền và của cải vì “âm sao dương vậy” mà.
Hạnh cứ quanh quẩn trước những gian hàng đồ mã và thật sự phân vân, vì thứ gì cô cũng muốn mua, nhất là máy bay, nhà lầu, xe hơi cứ đập vào mắt cô. Cuối cùng Hạnh quyết định mua hai chiếc máy bay, ba mươi chiếc ô tô, mười cái nhà lầu và tỏ vẻ đắc ý khi nghĩ rằng phen này bố sẽ là “đại gia địa phủ”. Không những thế, cô còn lấy năm trăm ngàn Việt Nam đồng đổi lấy hằng tỷ tỷ đô la ngân hàng địa phủ để bố tha hồ ăn chơi phung phí. Lúc này cái ví của Hạnh đã xẹp lép vì chi ra hơn năm triệu đồng để đổi lấy một gia tài kếch sù gởi xuống cho bố. Gần một tháng lương đã “đi đứt” nhưng Hạnh không xót xa, mà ngược lại cô thấy lòng mình tràn ngập một niềm vui vì cho rằng mình đã báo hiếu một cách “triệt để”.
Bà Lan đứng trước bàn thờ lâm râm khấn vái.
– Thiên linh linh, địa linh linh, xin trời Phật chứng giám. Nếu ông phù hộ cho mẹ con tôi ăn nên làm ra, mua một bán mười… ý… bán hai mươi. Tôi sẽ cúng cho ông một con heo quay.
Bất chợt bà nhìn xuống chân bàn thờ, một thùng đồ mã to tướng mà con gái gởi cho bố đã đập vào mắt bà. Không biết trong đó có heo quay không? Nếu có thì chỉ là giấy, còn heo quay thật trước cúng sau ăn chẳng mất đi đâu cả. Mặc kệ! Nó muốn gởi cho ông đồ gì thì nó cứ gởi.
Hương gần tàn, Hạnh đổ thùng hàng mã ra để đốt. Ngọn lửa đang cháy phừng phừng, bỗng bà Lan có vẻ hốt hoảng, vội lấy cây chổi đập vào đám lửa thật lực và nói với vẻ giận dữ.
– Sao mày gởi nhiều xe hơi nhà lầu cho ổng vậy hả con kia? Mày muốn ổng lấy thêm vợ bé hả?
– Xe hơi chưa cháy hết! Nhà lầu cũng chưa cháy hết! Mẹ đập như vậy làm sao bố ở? Chắc gì bố lấy vợ bé! Biết đâu bố đợi mẹ xuống để ở thì sao?
Bà Lan bổng giật nẩy người rồi dịu giọng.
– Tao không cần! Tao đâu có muốn chết. Mày gởi gì thì mày gởi!
Rồi bà có vẻ thắc mắc.
– Diêm vương, quỷ sứ chẳng ai gởi gì cả chắc là đói lắm nhưng lại có chức có quyền. Mày gởi cho bố mày quá nhiều tài sản không biết mấy ông đó có trấn lột bố mày không? Còn xe hơi bố mày mà chạy loạng choạng công an họ phạt chết.
Lúc này Hạnh thật sự lo lắng, vì ngày nào cô cũng thấy công an phạt người này người nọ khi tham gia giao thông. Còn bố không biết lái máy bay cũng chưa có bằng lái ô tô chắc chắn là bị phạt. Nhưng không sao! Hạnh đã gởi cho bố hằng tỷ tỷ đô la ngân hàng địa phủ, cứ “lì xì” cho họ thì sẽ êm xuôi.
Bỗng Hạnh giật mình vì diêm vương và công an địa phủ là những “con ma đói”. Bao nhiêu nhà cửa, xe cộ mà Hạnh gởi xuống cho bố thế nào cũng bị họ hoạnh họe vì ở đâu mà chẳng có tham nhũng, có kẻ cậy quyền cậy thế ức hiếp dân! Kiểu này thì tiền tỉ rồi cũng hết!
Quan niệm về âm sao dương vậy có phải là mê tín dị đoan không? Chưa ai biết về cõi âm cũng như cuộc sống ở đó như thế nào, nhưng linh hồn ở trạng thái vô hình cần gì của ăn thức uống bồi dưỡng cho cơ thể để duy trì sự sống. Linh hồn có thể bay đi bay lại khắp mọi nơi thì cần gì máy bay, ô tô để đến nơi này nơi khác và cũng chẳng cần nhà cao cửa rộng để che mưa tránh nắng. Nếu chúng ta dùng tiền mà chúng ta đã bỏ biết bao công sức làm ra để đổi lấy tiền ngân hàng địa phủ và những hiện vật làm bằng giấy rồi đốt đi, phải chăng chúng ta đang đốt tiền thật của mình? Quan niệm về “âm sao dương vậy” là một vấn đề nhạy cảm tùy thuộc vào niềm tin của từng tôn giáo và cách nghĩ của mỗi người.
Riêng Công giáo chúng ta chỉ tin vào Phúc Âm, tin vào lời Chúa và không chấp nhận chuyện “âm sao dương vậy”, nên chẳng đốt vàng mã hay cúng bái mà dành riêng cả tháng 11, ngày mùng hai Tết và những ngày giỗ chạp… để kính nhớ ông bà tổ tiên và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.
Nếu một người nào đó lúc còn ở thế gian có quyền, có chức, lại giàu sang phú quý nhưng tham lam tàn ác, đến khi chết được người thân gởi nhà lầu xe hơi và hằng tỷ tỷ đô la ngân hàng địa phủ rồi trở thành “con ma đại gia”. Lúc sống thì bất nhân lúc chết lại sung sướng mà chẳng có một hình phạt nào bắt họ đền tội, nên họ cứ thoải mái gây nên tội ác. Vậy đâu là chân lý?
Một số người khác đạo cho rằng người Công giáo quá bất hiếu, không cúng bái và chẳng nhớ đến ông bà tổ tiên. Nhưng thực ra người Công giáo rất quan tâm đến người đã chết, luôn kính nhớ ông bà tổ tiên qua việc cầu nguyện và dâng những việc lành phúc đức cho tất cả các linh hồn bên kia thế giới. Vì Chúa là Đấng thưởng phạt công minh và giàu lòng thương xót nên chỉ có cầu nguyện và cầu nguyện cùng với những việc bác ái mới giúp được các linh hồn rút bớt thời gian thanh luyện nơi luyện ngục, chứ không phải đốt vàng mã hay cúng bái.
Trong tháng 11, mọi giáo dân đều viếng nghĩa trang và tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn và người thân của mình. Có người nói: “quên người đã chết là bắt họ chết thêm một lần nữa”. Và Thánh Augustino cũng nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta không có thói quen cầu nguyện cho họ”.
Tham dự Thánh lễ và viếng nghĩa trang cũng là dịp nhắc nhớ chúng ta về thân phận mỏng dòn của kiếp nhân sinh “tựa đóa hoa mới nở đã tàn, con người qua mau, khác nào bóng câu qua cửa sổ” (Ga 14,2). Có thể chúng ta còn thấy người thân, bạn bè cách đây một năm, một tháng, thậm chí mới vài giờ trước rồi mãi mãi không nhìn thấy họ nữa. Vì thế, chúng ta hãy trân trọng những lúc còn gần bên nhau để yêu thương, để tha thứ.
Tham dự Thánh lễ và cầu nguyện cho các linh hồn là để chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào sự sống lại và sự sống đời đời. Chúng ta phải cầu nguyện vì các linh hồn đã mất khả năng tự lập công cho mình, nên chỉ nhờ vào công đức của chúng ta để cầu thay nguyện giúp. “Các đẳng linh hồn là những người đã qua đời trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng hiện nay còn bị giam giữ tạm thời trong luyện ngục vì những tội nhẹ và vì chưa đền hết hình phạt của những tội đã được tha. Họ phải chịu sự thanh luyện sau khi chết hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng. Họ chính là đối tượng để các tín hữu cầu nguyện cho, đặc biệt là đối tượng của các Thánh lễ cầu cho họ” (x. GLHTCG số 1030). Khi các ngài đã vào Thiên quốc sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta.
Thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô đã nối kết người còn sống và người đã chết một cách mầu nhiệm, nối kết giữa Giáo hội lữ hành nơi trần thế, Giáo hội đang thanh luyện nơi luyện ngục và Giáo hội vinh thắng trên thiên quốc, các Giáo hội này có thể chuyển thông các công phúc cho nhau.
Chúng ta hãy vững tin vào lời Chúa và đường lối của Ngài vì lời Chúa là chân lý và đường lối của Ngài là chân thiện mỹ, chứ đừng chạy theo những điều mê tín dị đoan hay chuyện “âm sao dương vậy”.
Tôi ở lại quê nhà hết tuần bảy, mỗi sáng sau Thánh lễ, anh em, con cháu trong nhà lại tụ họp nơi nghĩa trang để thắp hương cho mẹ, cho bà. Mẹ tôi giờ đây đã đi vào cõi vĩnh hằng, mẹ sẽ không bao giờ nói với chúng tôi điều gì nữa. Sự thinh lặng của cõi vô biên nhưng được nối kết với con cháu bằng lời cầu nguyện. Tôi tin tưởng rằng những lời dẫn nhập của tôi trong tang lễ của bà sẽ để lại cho các cháu những ấn tượng sâu đậm về hình ảnh của người bà đáng kính, để dẫu sau này con cháu có đi xa vẫn luôn nhớ về người bà với những kỷ niệm không thể nào quên, để các cháu thêm tình gắn bó với quê hương và những người thân yêu, ruột thịt và luôn sống trọn vẹn trong ơn nghĩa Chúa.