PHÉP LẠ KINH MÂN CÔI

Phaolô Trang Lập Quang
          Xđ. Tùng Lâm, GP Đà Lạt

Hôm ấy, khí trời thật oi bức, cỏ cây như đang hấp hối trước cái nóng của buổi trưa hè. Lúc này, nền trời cao lồng lộng với một màu xanh ngắt được điểm tô bằng vài vệt mây trắng như những tấm lụa mỏng manh vắt ngang không trung. Mặt đất trở nên tĩnh lặng vì mọi sinh vật đều trốn chạy cái nóng của khí trời, ngay cả cỏ cây cũng đứng im mong chờ một cơn gió nhẹ. Nhưng ở cuối chân trời, nhiều đám mây vũ tích đang ùn ùn kéo tới, chẳng mấy chốc cả bầu trời được phủ kín bởi một lớp mây dày đặc màu xám xịt. Tiếp theo là tiếng sấm rền, chớp giật vang dội cả đất trời. Những cơn gió mạnh bắt đầu ập tới làm cỏ cây xao động dữ dội, có lẽ chúng đang cầu cứu và khiếp sợ trước sự phẫn nộ của thiên nhiên.

Anh Hiệu hối thúc vợ hãy mau chóng trở về vì vườn rau của anh chị cách nhà hơn một cây số và phải băng qua con suối lớn. Con suối này rộng hơn năm mét và người ta đã cưa một cây thông to bắc ngang qua hai mép suối để làm cầu. Những ai lần đầu đi qua cầu này đều sợ hãi vì khó đi hơn cây cầu khỉ ở miền Tây rất nhiều. Cầu khỉ thì có tay vịn, còn cầu này trên là trời dưới là nước, thân cây lại tròn nên những ai đi qua cầu chẳng khác nào một nghệ sĩ xiếc phải giữ thăng bằng khi đi trên dây.

Người ta thường nói: “trăm hay không bằng tay quen”, vì thế những người làm vườn bên kia suối hằng ngày phải qua lại nên họ đi trên cầu rất dễ dàng. Nhưng có một điều làm họ lo sợ là mỗi khi mưa thật to, hồ Xuân Hương phải xả lũ, mực nước sẽ dâng cao rồi chảy cuồn cuộn, đôi lúc còn mấp mé cầu mang theo đủ thứ rác rến tống mạnh vào thân cầu.

Giữa trưa mà trời bỗng tối sầm và sấm rền chớp giật, báo hiệu một trận mưa rất lớn. Vợ chồng anh Hiệu vội thu xếp đồ đạc để nhanh chóng về nhà vì sợ mưa to, nhất là phải đi qua cây cầu ngo (ở Đà Lạt cây thông còn được gọi là cây ngo). Nhưng đàn gà cứ quanh quẩn không chịu vào chuồng làm chị phải nán lại để lùa chúng. Trận mưa rào bắt đầu ập đến, hai vợ chồng vội vàng đi thật nhanh để băng qua cây cầu ngo trước khi hồ Xuân Hương xả lũ.

Ở nhà, bé Lan rất sốt ruột vì trời đã mưa to mà ba mẹ vẫn chưa về. Con bé vội vàng mặc áo mưa rồi đi về phía cây cầu ngo. Vừa đi bé Lan vừa lần chuỗi Mân Côi và cầu xin Đức Maria phù hộ cho ba mẹ được bình an.

Lúc này vợ chồng anh Hiệu bắt đầu đi trên cầu ngo. Tuy hồ Xuân Hương chưa xả lũ nhưng mưa quá lớn làm nước giữa lòng suối chảy rất xiết, cuốn theo những rác rến trôi vùn vụt. Còn cây cầu ngo có chút nước nên hơi trơn trợt làm chị Hiệu phải thận trọng trong từng bước đi và chăm chú nhìn xuống chân mình. Nhưng những rác rến cứ trôi vùn vụt ở lòng suối làm chị hoa cả mắt nên mất thăng bằng rồi té xuống. Anh Hiệu vội nhảy theo túm được áo chị rồi cố sức dìu chị lên bờ. Dù anh bơi rất giỏi nhưng trước dòng nước chảy xiết anh đành bất lực đã để nước cuốn trôi cả hai vợ chồng.

Bé Lan thấy ba mẹ rơi xuống nước liền hét toáng lên.

– Ba…Mẹ…! Lạy Mẹ Maria xin cứu ba mẹ con!

Cô bé vội chạy theo nhưng hai bên bờ suối um tùm những bụi sậy ngáng đường, nên cô bé khóc thét lên để nhìn ba mẹ lần cuối rồi lấy tràng chuỗi Mân Côi ra đọc kinh cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Lúc này, mưa tuôn đổ dữ dội nhưng cô bé vẫn thành tâm ngồi giữa trời lần chuỗi mặc cho sấm rền chớp giật, mặc cho mưa gió điên cuồng muốn thổi tung cái áo mưa.

Mưa rồi cũng tạnh, mọi sinh vật như được tạo hóa tiếp cho một luồng sinh khí, cỏ cây đã no đầy với những giọt nước long lanh trên cành lá nhưng cô bé lại như kẻ mất hồn thẫn thờ trong những bước chân liêu xiêu và hụt hẫng. Vừa về đến nhà, thằng Hậu đã hỏi dồn dập.

– Sao ba mẹ chưa về hả chị?

– Ba mẹ không về nữa!

– Tại sao không về?

Nói rồi nó chạy ra khỏi cửa làm bé Lan phải chạy theo. Đến bên bờ suối, nó bắt đầu băng qua cây cầu ngo để đến vườn tìm ba mẹ. Bé Lan hốt hoảng gọi nó lại rồi kể hết mọi chuyện. Hai chị em ngồi ở đầu cầu ôm nhau khóc nức nở và luôn miệng gọi: “Ba mẹ ơi!”. Một lúc sau, hai đứa thành tâm lần chuỗi Mân Côi cầu xin Đức Mẹ ra tay cứu giúp, dù chúng biết rằng mọi chuyện không thể thay đổi và ba mẹ cũng chẳng sống lại trừ khi có ơn thiêng cách riêng.

Từ trưa đến giờ, những người làm vườn ở khu vực này hay tin vợ chồng anh Hiệu té cầu đã bị nước cuốn trôi nên đổ xô đi tìm dọc hai bên bờ suối nhưng không thấy gì cả… Lúc ấy hồ Xuân Hương bắt đầu xả lũ nên nước đã dâng cao và chảy xiết cuốn phăng mọi thứ trong lòng suối. Họ cho rằng vợ chồng anh Hiệu đã trôi về các huyện ở miền dưới, qua những thác ghềnh thì thi thể sẽ nát tan không thể tìm được nữa.

Hoàng hôn dần buông xuống, hai chị em vẫn ngồi đó lần chuỗi Mân Côi và chẳng muốn về nhà vì sợ sự trống vắng không còn hình bóng của ba mẹ. Vài người hàng xóm đến khuyên nhủ nhưng chúng chỉ ôm mặt khóc nức nở và vẫn ngồi yên không chịu về nhà.

Đêm đã về, mọi cảnh vật đều chìm trong bóng tối và cây cầu ngo chỉ trông mờ mờ ảo ảo, nhưng giữa lòng suối vẫn lung linh những áng mây trời với đủ hình dạng trông thật quái dị. Thỉnh thoảng tiếng gió lùa qua kẽ lá tạo nên những âm thanh rờn rợn giữa cảnh thanh vắng làm hai chị em sợ hãi nên im bặt không dám khóc nữa. Bỗng có tiếng người hỏi.

– Sao hai đứa không về nhà?

Bé Lan ngước nhìn lên rồi giật nảy người, còn hai mắt thì mở to như đứng tròng, miệng lại lắp bắp nói không ra lời.

– B…b…a.!

Lúc này thằng Hậu ôm chặt chị nó rồi run lên bần bật vì nghĩ rằng ba nó đã biến thành ma và đang hiện hồn về. Thật là nghịch lý!  Mới lúc nãy, hai đứa thành tâm lần chuỗi Mân Côi cầu xin cho ba mẹ chúng trở về, nhưng nay ba chúng đang đứng trước mặt mà chúng lại kinh hãi đến tột cùng.

Cách đây mấy tiếng, thấy vợ té xuống suối, anh Hiệu liền nhảy theo cố sức dìu chị lên bờ, nhưng nước chảy quá xiết nên anh bất lực đã để nước cuốn trôi cả hai vợ chồng. Bỗng một bao rác lớn trôi gần bên anh, anh vội chụp lấy rồi hai vợ chồng đu bám vào đó. Anh bảo chị Hiệu hãy ôm chặt vào vai anh để ngoi lên hít thở. Lúc này chị Hiệu đã hoàn hồn nhưng lại lo sợ nước sẽ đưa hai vợ chồng đến ghềnh thác nên ngước mắt lên trời cầu xin:

– Lạy Mẹ Maria xin cứu giúp chúng con!

Sau đó, rác rến và vợ chồng anh Hiệu trôi dạt vào chỗ lòng suối rất rộng, do trước đây một bên bờ bị sạt lở. Ở đây, nước chảy không nhanh chỉ có ở giữa dòng mới chảy xiết. Tranh thủ thời cơ, anh bảo chị Hiệu đứng trên vai mình rồi túm lấy những gốc sậy để trèo lên. Tới được bờ, chị vội đạp những cây sậy ngã xuống để chồng nắm lấy. Nhưng những ngọn sậy vừa non vừa dòn nên anh mới đu vào đã đứt gãy. Chị Hiệu bối rối không biết cách nào để kéo chồng lên và cũng lo sợ vì thời gian không còn nhiều, một khi anh Hiệu trôi qua đoạn sạt lở sẽ nhập vào giữa dòng thì cơ hội sống còn sẽ chấm hết. Bỗng một khúc cây to trôi tới húc vào người anh làm anh chìm xuống nước. Đứng trên bờ chị Hiệu hét thất thanh rồi ngã quỵ xuống. Thế là hết!

Bỗng anh Hiệu từ dưới nước ngoi đầu hít thở rồi trèo lên khúc cây to và đứng dậy túm lấy những gốc sậy để đu người vào đó, cũng là lúc khúc cây bắt đầu nhập vào giữa dòng nước rồi trôi vùn vụt. Sau cú thoát chết diệu kỳ trong gang tấc, vợ chồng anh Hiệu xác tín là Mẹ Maria đã ra tay cứu giúp nên ngồi lại đọc kinh và lần chuỗi Mân Côi để tạ ơn Đức Mẹ. Bỗng mực nước suối dâng lên rất nhanh, không chỉ giữa dòng nước mới chảy xiết mà ngay cả đoạn sạt lở rác rến cũng trôi vùn vụt, vì hồ Xuân Hương bắt đầu xả lũ. Nhìn cảnh tượng ấy hai vợ chồng càng vững tin vào sự yêu thương và che chở của Đức Mẹ.

Anh Hiệu và vợ bắt đầu trở về nhưng lại mất phương hướng, mãi đến tối vợ chồng anh mới lần mò được đến nhà mà không hay biết họ vừa đi thì rất nhiều người đi tìm họ dọc hai bên bờ suối. Anh được những người hàng xóm cho biết hai đứa nhỏ đang ngồi khóc ở đầu cầu ngo nên nói với vợ.

– Em nghỉ ngơi tắm rửa để anh đi gọi hai đứa con về!

Biết ba mẹ vẫn còn sống, bé Lan và thằng Hậu ôm chầm lấy ba rồi khóc trong vui mừng. Có lẽ chúng đã cảm nhận được sức mạnh và phép lạ từ kinh Mân Côi.