Giuse Nguyễn Văn Quýnh
“Anh em đã được cho không,
thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8)
Khi nói về tình yêu, nhất là tình yêu trong gia đình, các diễn giả thường đưa ra hình ảnh “một tờ giấy trắng có 3 chấm đen ở giữa”. Diễn giả hỏi: “Các bạn nhìn thấy gì?”. Hầu hết, khán giả đều nói: “Thấy 3 chấm đen”. Thế nhưng, khi diễn giả đưa ra đáp án thì mọi người mới giật nình, đó là: “Tôi thấy một tờ giấy trắng tinh rộng lớn”. Vâng, thông điệp của trò chơi này chính là: Người ta thường chỉ nhìn vào những khuyết điểm của người thân và bạn bè, nhất là những người trong gia đình mà không nhận ra những phẩm chất tốt đẹp nơi họ. Vậy, để thể hiện tình yêu thương với những người trong gia đình, chúng ta đừng quên “kể một cách say sưa những điều tốt đẹp nơi người thân của mình”. Thế nên, chúng ta hãy trân trọng những “nét đẹp” của người trong gia đình.
Anh chị thân mến,
Theo Tiến sĩ Gary Chapman, tác giả cuốn sách “5 Ngôn ngữ tình yêu”, thì người ta có nhu cầu về 5 loại tình cảm trong cuộc sống như:
- Nhu cầu về lời nói: Thích nghe những lời nói thân thiện, ngọt ngào như: cảm ơn, xin lỗi, ngợi khen.
- Nhu cầu về chia sẻ: Thích có ai đó kề bên để chia sẻ, đồng cảm và khích lệ trong những lúc khó khăn, khi vui cũng như lúc buồn.
- Nhu cầu về chăm sóc: Thích được quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ trong cuộc sống, nhất là khi ốm đau, hoạn nạn.
- Nhu cầu về quà tặng: Thích được tặng quà cả vật chất lẫn tinh thần trong những dịp quan trọng như: sinh nhật, bổn mạng, thi đậu, lễ tết…
- Nhu cầu về cử chỉ: Thích được bắt tay, vỗ vai, ôm hôn hay một cử chỉ thân mật, trìu mến nào đó.
Đối với “5 loại ngôn ngữ tình yêu” này, điều quan trọng là những người thân trong một gia đình cần hiểu rõ bản thân mình vượt trội về “ngôn ngữ” nào, và gợi ý cho những người thân yêu đáp ứng nhu cầu đó của mình, vì nếu không nói ra thì chẳng ai biết “chỗ ngứa” mà gãi. Ngược lại, chính mình cũng phải biết người thân của mình nổi trội về loại “ngôn ngữ” nào để đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ. Vậy, chúng ta hãy tinh ý nhận ra những “nhu cầu tình cảm” của người thân trong gia đình mà đáp ứng đúng nơi, đúng lúc hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mình và cho những người thân trong gia đình.
Anh chị thân mến,
Tóm lại, “5 Ngôn ngữ tình yêu” này luôn được thể hiện rõ nét nơi những người thân trong gia đình. Vậy, ngay từ bây giờ, anh chị hãy quan tâm để tinh ý nhận ra những nhu cầu tình cảm của những người mình yêu quý nhất trên đời mà đáp ứng cho họ. Có khi chỉ một “hành động nhỏ bé” mà đem lại “hạnh phúc to lớn” cho những người thân của mình. Chẳng hạn, anh chị hãy gọi điện thoại hay nhắn tin ngay cho người thân lâu ngày không liên hệ; hoặc chồng gọi điện cho vợ, vợ nhắn tin cho chồng những lời yêu thương, ngọt ngào… mà từ trước tới nay, mình ngại “không dám” thổ lộ. Hành động nhỏ bé đó lại thể hiện tình yêu thương sâu đậm trong gia đình. Đó không chỉ là những việc “cần làm” mà còn là việc rất “nên làm” cho người thân yêu của mình. Chính Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).