NGƯỜI ĐÁNH MẤT TRÁI TIM (Phần 3)

Song Huỳnh

– Thưa ông! Có người lạ muốn tìm gặp ông!

– Là ai? Ở đâu? Sao không mời vào phòng khách!

– Con có mời nhưng bà ta chỉ xin được gặp ông một lúc ở ngoài cổng thôi!

– Rách việc! Thế cũng vào đây bẩm với báo! Không bước được vào nhà thì cũng nên cút đi chứ cần gặp gỡ làm chi! Ra bảo bà ta, tôi không có nhà, có gì cần thì cứ nhắn lại.

– Vâng ạ!

Ông bực bội vì một buổi sáng bị quấy rầy, với người khách không mời mà đến – chắc cũng xin xỏ, nhờ vả gì đây! Mà giờ thì mình còn giúp được gì? Ông chua chát thầm nghĩ. Tách trà thơm thường ngày sao hôm nay bỗng dưng chát đắng, nhạt nhẽo, ông với tay hất tung ra đường.

Tiếng người giúp việc chợt vang sau lưng:

– Thưa ông! Con đã nói rõ ý ông! Bà ta không nói gì, chỉ xin gửi lại ông ít quà ngày xưa ông thích.

 Tiếng “ngày xưa” vừa buông ra đã làm ông bật ngay dậy. Người khách là ai mà biết chuyện ngày xưa của ông. Ông bước vội ra cửa, chiếc túi vải gai xỉn màu nằm bên kệ cửa làm ông sửng sốt. Hình ảnh quen thuộc của chiếc túi vải gai đan bằng sợi dứa rừng đơn sơ, đã từng len đầy những hạt gạo trắng, những bó cá khô, những trái ngọt sau vườn dành riêng cho ông trước mỗi lần ra đi rời quê nghèo lên thành phố học, đã làm trái tim ông như nghẹn lại. Ông mở nhanh sợi dây buộc, đúng rồi, sợi dây rút mảnh mai nhưng chắc chắn và cách thắt cột như ngày xưa không thể nào lầm lẫn được, nó chỉ có ở quê nhà.

Một bịch ruốc khô thơm mùi biển mặn, hai nải chuối cao rừng vừa điểm chấm kim, chai mật ong núi… ông buông vội chiếc túi chạy nhanh ra cổng. Đại lộ buổi trưa hè vắng tênh không một bóng người, hai bên đường vẫn lặng lẽ những hàng sao với những chiếc lá vàng âm thầm rụng rơi theo gió. Ông thất thần chạy lang thang đầu trên, xóm dưới mong tìm lại một bóng người mà ông đã biết đó là ai. Chiếc túi này chỉ có mẹ thường dùng và cách buộc dây, thắt nút chỉ riêng theo cách mẹ. Mẹ ơi! Ông thảng thốt trong lòng. Bà khách lạ kia chính là mẹ! Chỉ có mẹ mới đến tìm con mà thôi! Vì trên đời này, chỉ có con đành xa bỏ mẹ chứ đời nào mẹ nỡ bỏ con – cho dù bây giờ con đã trở nên giàu sang phú quý, không dám nhìn nhận mẹ, hay thân tàn ma dại, không kẻ đoái hoài – Với mẹ, con bao giờ vẫn là con của mẹ. Con biết, mẹ cố chỉ tìm con một lần để được nhìn thấy con, cho dù con có nhìn mẹ hay không? Thế mà, con nỡ xua đuổi mẹ, con bất hiếu quá mẹ ơi!

Ông lảm nhảm như một người điên trên đường phố, chân không giày dép, quần áo xốc xếch, mắt láo liên đi tìm bóng mẹ. Mẹ ơi! con chỉ nghĩ đồng tiền sẽ thay con làm điều hiếu để, trả ơn trả nghĩa công lao cho cha, cho mẹ, nhưng con đâu biết rằng, mẹ chỉ cần có con hơn biết bao thứ của nả, bạc tiền nào khác. Ông điên cuồng tất tả chạy tìm mẹ khắp nơi, để rồi cuối cùng gục ngã ngất lịm bên đường.

***

Vị bác sĩ không tin ở chính đôi mắt của mình. Trên tấm phim chụp cắt lớp kiểm tra lồng ngực của người bệnh nhân giàu có bất tỉnh bên đường do xe cấp cứu vừa chuyển đến – Tất cả các cơ quan nội tạng đều hiện rõ trong tình trạng tốt đẹp, chỉ trừ duy nhất – Trái tim của bệnh nhân không hiện diện. Trước đó, việc xem xét ban đầu đã làm mọi người ngạc nhiên, y tá không đo được nhịp tim của bệnh nhân. Dự đoán sơ khởi của bác sĩ, có lẽ trái tim do làm việc lâu ngày có thể đã bị suy thoái, hoạt động yếu ớt, nhịp đập rời rạc không cung ứng đủ máu cho não nên đã gây kích ngất bệnh nhân. Ông ta đã ra lệnh áp dụng đủ mọi phương cách, huy động đủ mọi phương tiện hiện đại của bệnh viện để dò tìm, chẩn đoán, nhưng kỳ lạ thay, cho đến lúc bệnh nhân đã hồi tỉnh, người ta vẫn không đo được nhịp tim, tìm thấy được nhịp đập trong lồng ngực của bệnh nhân. Tất cả cơ thể của ông giờ đây chỉ là một sự im lặng đáng sợ.

Lập tức, người ta chuyển ông đi chụp ảnh các cơ quan nội tạng để tìm ra lý do kỳ dị này và cuối cùng – tuy bệnh nhân vẫn thở, vẫn sống nhưng không cách nào phát hiện được sự hiện diện của trái tim. Hội đồng y khoa của bệnh viện được triệu tập, mọi chuyên gia đầu ngành về tim mạch của thành phố được mời về hội chẩn, mọi máy móc hiện đại nhất được sử dụng nhưng kết quả vẫn là con số không. Mọi người vẫn không tìm thấy được trái tim bình thường nhất của ông – Nó đã biến mất.

Một tuần, rồi một tháng trôi qua, bao nhiêu lần thăm khám, bao nhiêu lần soi chụp, chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mà câu trả lời về bệnh tình của ông vẫn chưa có lời đáp, càng làm cho ông thêm băn khoăn, lo sợ.

– Mình mắc bệnh gì, có nguy hiểm không mà sao đến giờ, các vị bác sĩ điều trị vẫn quanh co lẩn tránh trả lời các câu hỏi của ông.

Cuối cùng, không kềm nổi bức xúc, ông tìm đến ngay văn phòng của vị bác sĩ giám đốc với hàng loạt câu hỏi gay gắt tuôn ra:

– Bao nhiêu ngày qua tôi vẫn khó thở, vẫn không tìm được giấc ngủ an lành. Tôi đã mắc bệnh gì và có chữa được không? Mà đến giờ này các ông chưa cho tôi lời đáp. Tiền tôi không thiếu, sức tôi vẫn còn. Vì sao các ông không cứu chữa cho tôi?

Thay vì trả lời các câu hỏi dồn dập của ông, bác sĩ giám đốc chỉ từ tốn lật từ trang hồ sơ bệnh án của người bệnh nhân dị thường để rồi đưa ra một câu hỏi không liên quan đến các yêu cầu của ông:

– Trước giờ, ông có lần nào thay tim không?

Cái gì? Cả cuộc đời tôi là một cuộc chiến đấu trường kỳ vượt khó, lao tâm, khổ trí, vất vả mưu sinh bất kể ngày đêm, để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Trái tim của tôi là một trái tim sắt đá, liên tục đấu tranh hàng ngày và ngày càng được tôi luyện thì làm gì có chuyện suy yếu mà phải thay với đổi. Ông hết sức tức giận trước câu hỏi ngớ ngẩn của vị bác sĩ:

– Ông nghĩ sao vậy? Tôi vẫn khỏe mạnh từ trẻ đến giờ và chỉ đến lúc này mới thấy có triệu chứng suy yếu. Trái tim của tôi vẫn nằm đây chứ làm gì mà phải thay?

Ông đưa vội bàn tay lên lồng ngực về phía trái tim để chứng minh lời mình nói và ông chợt ngẩn người ra – Ơ hay! Sao lồng ngực của mình bây giờ lại lặng im không vang lên tiếng đập nhịp nhàng như thường lệ. Ông trố mắt lên nhìn vị bác sĩ với cái nhìn của một con người hoàn toàn sơ cứng – Trái tim của ông đã đánh mất ở đâu rồi?

Hiểu được ý ông, vị bác sĩ điềm đạm trả lời:

– Chúng tôi cũng như ông, đã hết sức ngạc nhiên khi gặp ca bệnh đầu tiên này, cơ thể ông dường như đã biến mất trái tim.

Trời đất dường như đảo lộn chung quanh ông, không còn trái tim thì làm sao sống, mà mình vẫn sống được đến giờ này? Điều gì đã xảy ra cho cơ thể của ông – Mình là người hay là ma quỷ, không còn trái tim thì chỉ còn chờ cái chết – Hay mình là người đã chết rồi?

Ông xô vội chiếc ghế, đứng bật dậy bước nhanh ra đường, hối hả phóng chạy điên cuồng trên đường phố với niềm tin, sự vận động mạnh mẽ sẽ làm cho trái tim ông hồi sinh, nhịp đập dồn dập – ông sẽ tìm thấy nó. Bất chợt ông dừng lại, hơi thở hổn hển, mồ hôi túa ra dầm dề. Ông lo lắng xoa nhanh lên lồng ngực: hòa cùng nhịp thở gấp gáp, thân thể mệt nhoài, bàn tay run rẩy của ông vẫn không tìm thấy được nhịp đập của trái tim. Như vậy thì đúng rồi – Ông đã thực sự đánh mất trái tim của chính mình.

Ông hét lên đau đớn, loạng choạng bước lang thang qua mọi nẻo phố để rồi cuối cùng mệt mỏi tìm trở về nhà với thân hình tiều tụy, xốc xếch như một người điên. Kể từ đó, cuộc sống của ông chìm dần trong tăm tối như đang rơi vào địa ngục. Suốt ngày ông thơ thẩn tìm đến các bệnh viện, các cơ quan khoa học để hỏi cách tìm lại trái tim mình – Lời đáp duy nhất ông nhận được là sự xua đuổi và cái nhìn thương hại dành cho một người mắc bệnh thần kinh.

Đêm xuống, đối diện với bóng tối ngập tràn, cuộc đời ông giờ đây chỉ còn như là một bóng ma đơn độc, ông mãi loanh quanh trong phòng, không dám nằm xuống chiếc giường nệm ấm êm ngày nào, vì giấc ngủ của ông bây giờ chỉ toàn là ác mộng. Đau đớn hơn, những bữa cơm cao lương mỹ vị như mọi ngày ông ưa thích thì giờ đây lại giống như những lọn cỏ dại bên đường, ông lặng lẽ đưa vào miệng uể oải nhai với miếng ăn của loài nhai lại, nhạt nhẽo, vô tâm, vô thức. Sức khỏe của ông suy sụp nhanh chóng và khủng khiếp hơn, đôi mắt ông giờ đây ánh sáng dường như cũng đang dần tắt đi: với ông, bạc tiền bây giờ không hơn những tờ giấy lộn, những thỏi vàng lóng lánh ngày nào đã từng làm cho trái tim ông thổn thức mê say, giờ đây không hơn những viên đá cuội bên đường.

Nỗi tuyệt vọng trong ông ngày càng chìm sâu, đã đưa cuộc đời ông lang bạt khắp chốn phố phường như một kẻ lãng du – cho đến một ngày, từ trong sâu thẳm, tiềm thức của tâm hồn ông chợt vang lên lời khẩn cầu xin cứu giúp nơi tình yêu xót thương của Trái Tim Chúa. Ông cảm nhận dường như có một tia sáng le lói nơi cuối con đường, đang đưa bước chân ông trở về lối cũ. Ông đã trở lại chính ngôi thánh đường mà ngày xưa, trong những ngày khốn khó của tuổi thanh xuân, ông đã từng sốt sắng đến nguyện cầu và đã được Chúa dang tay.

***

– Đấy là tất cả những nỗi khổ đau mà con đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua, thưa cha! Mỗi ngày, con đã cố gắng trở về nơi đây, đến với Thánh Tâm Chúa để mong tìm ra một chân lý, một con đường chuộc lại lỗi lầm, hầu mong tìm được bình an cho những ngày còn lại của cuộc đời. Liệu con có thể tìm lại được sự yêu thương và tha thứ nơi Chúa và mọi người mà con đã ruồng bỏ ngày xưa không cha?

Cha sở trầm ngâm lắng nghe – Từ trong sâu thẳm – ngài đã nhìn thấy nguyên nhân sâu xa và nỗi lòng của người đàn ông có trái tim bị đánh mất.

– Ông còn biết tìm đến Chúa là trái tim ông chưa hẳn hoàn toàn bị đánh mất, đó là điều may mắn duy nhất còn lại trong cuộc đời ông. Chúa là tình yêu, trái tim của Chúa là trái tim của yêu thương và tha thứ. Chỉ có tình yêu đáp trả tình yêu mới có thể giúp ông tìm lại trái tim yêu thương ngày nào mà ông đã đánh mất. Hãy sống thật trong yêu thương và phục vụ nhau để mang lại niềm vui và bình an cho mọi người, nhất là những người bé nhỏ, hèn mọn; những người đã bị ông xúc phạm, chà đạp, bỏ rơi… Từ bây giờ, ông hãy ra đi thực thi những điều Chúa đã dạy. Hãy mang tình yêu, chia sẻ và hy sinh đến phục vụ mọi người. Làm được như thế, tôi nghĩ, ông sẽ tìm lại được tất cả những gì mà ngày xưa ông đã đánh mất chứ không cứ gì một quả tim.

 (Còn tiếp)