Giuse Nguyễn Văn Quýnh
1/ Lo lắng
“Lo lắng” là trạng thái không yên lòng và phải để hết tâm sức vào việc gì đó.
Thí dụ:
- Sống trong tâm trạng lo lắng.
- Đừng lo lắng quá kẻo sinh bệnh.
2/ Lo liệu
“Lo liệu” là thu xếp, định liệu, chuẩn bị sẵn để làm công việc nào đó cho chu đáo.
Thí dụ:
- Cháu nó cũng biết lo liệu rồi.
- Anh cứ yên tâm lên đường, việc nhà đã có em lo liệu.
Thế nên, “Lo lắng” là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp căng thẳng; còn “Lo liệu” là một hành động có tính toán, sắp đặt sao cho tốt đẹp. Như vậy, “Lo liệu” có nghĩa tích cực hơn. Chẳng hạn, không nên nói: “Cha mẹ lo lắng cho con cái được nuôi dạy đến nơi đến chốn” mà phải nói: “Cha mẹ lo liệu cho con cái được nuôi dạy đến nơi đến chốn”.
Trong 7 ơn Chúa Thánh Thần thì có “ơn biết Lo liệu”. Vì thế, đây là một ơn ban, chúng ta phải tha thiết cầu xin mới có được. Có “ơn biết Lo liệu”, chúng ta sẽ làm việc một cách cẩn trọng hơn, chu đáo hơn và dễ dàng thành công hơn.