ĂN NĂN

Phaolô Trang lập Quang
Xđ. Tùng Lâm, GP Đà Lạt

Đêm đã khuya, ngoài trời tối mịt. Tiếng khóc than của người mẹ trẻ trong đêm vắng nghe thật não lòng. Cách đây hơn ba năm, cô quen biết một thanh niên lang bạt kỳ hồ và cũng là tên lưu manh trong một băng đảng khét tiếng. Nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt, cô về chung sống với hắn ta rồi có thai. Khi đứa con chưa kịp chào đời, tên côn đồ tham gia vào một vụ cướp lớn dẫn đến án mạng nên bị tù chung thân.

Những ngày gần đây, đứa con của cô bỗng nhiên cảm sốt thường xuyên và hay ho. Sau khi khám bệnh bác sỹ cho biết nó bị viêm phổi nặng cần chữa trị gấp. Với gia cảnh khó khăn, những đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá nên cô bán hết mà chẳng đủ tiền chạy chữa cho con. Trước tình cảnh ấy, hàng xóm kẻ ít người nhiều gom góp giúp đỡ cô. Nhưng người ta chỉ giúp trong cái ngặt chứ chẳng ai giúp được cái nghèo, vì cô không có bảo hiểm y tế nên chi phí cho việc điều trị quá nặng mà lại kéo dài, còn hàng xóm cô đều là những người cùng khổ, họ cũng chỉ giúp được một lần. Cô bắt đầu đi gõ cửa từng nhà để vay mượn. Nhưng thói đời “có thóc mới cho vay gạo”. Vì thế, trong cơn tuyệt vọng cô chỉ biết ôm con mà khóc.

Đêm vắng càng làm cho tiếng khóc của cô thêm thê lương, ai oán. Thái ngồi dậy hỏi người nằm bên cạnh xem tiếng khóc của ai vì đêm nay là đêm đầu tiên anh ngủ ở nơi này. Trước đây Thái là cán bộ nhà nước, vì một sự cố nên anh bỏ nhiệm sở rồi bước vào cuộc sống lang bạt kỳ hồ. Ngày đầu tiên Thái lang thang trên phố thì gặp ba thanh niên đang bốc vác cho một đại lý gạo nên đến xin việc. Thấy một thanh niên trắng trẻo lại có dáng dấp của người ngồi bàn giấy nên một anh trong nhóm hất hàm nói như chế giễu:

– Mày định làm cai tụi tao phải không? Tướng công tử bột của mày mà đòi bốc vác! Mày thử nhấc nổi bao gạo này không? Còn tụi tao phải vác lên cái cầu thang kia kìa.

Thái lặng lẽ bước tới chùn người xuống, khuỳnh hai chân ra ở tư thế trung bình tấn rồi cúi người ôm bao gạo vật ngược lên vai. Sau đó anh thong thả bước lên cái cầu thang được đặt từ đất lên xe tải. Lúc này ba người bốc vác trố mắt nhìn với vẻ ngạc nhiên trước anh thanh niên có vẻ thư sinh nhưng lại có sức mạnh như thế. Tuy chuyên bốc vác nhưng không ai trong các anh có thể vật ngược bao gạo lên vai một cách dễ dàng mà phải chật vật lắm mới tự mình đưa lên được. Thông thường một người đỡ một người vác khi chồng gạo đã vơi đi chỉ còn vài bao nằm dưới đất.

Anh trưởng nhóm bước tới vỗ vai Thái rồi nói:

– Không ngờ tướng thầy giáo như mày mà mạnh hơn tụi tao. Từ trước tới giờ chắc mày chỉ học hành rồi làm việc nhẹ phải không? Sao lại muốn bốc vác? Khổ lắm!

– Em mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên việc gì cũng phải làm mới sống được. Khổ quen rồi!

Sau đó, Thái kể hết mọi chuyện với ba người bốc vác. Anh trưởng nhóm nói:

– Tụi tao đang thiếu một tay mới đủ cặp. Cách đây nửa tháng còn đủ bốn người, nhưng thằng Sáu Thao không làm nữa vì tức cái băng Lạnh Lùng cứ tới xin tiền đểu. Nếu không cho thì khỏi làm ăn luôn. Bảo kê chẳng ra bảo kê. Mà bốc vác có gì phải bảo kê chứ! À… Mày thay thằng Sáu Thao được đó.

Bốc vác gạo xong anh trưởng nhóm hỏi Thái.

– Bây giờ mày về đâu?

– Em cũng chưa biết! Đi lang thang rồi tìm chỗ ngủ.

– Hay tạm thời về ở nhà tao?

Tối hôm ấy, Thái nghe tiếng khóc thê lương của người thiếu phụ trong đêm vắng ở nhà bên, tiếng khóc như trong cơn tuyệt vọng. Sau đó Thái được anh trưởng nhóm kể lại mọi chuyện. Suy nghĩ một lúc, Thái quay sang hỏi anh trưởng nhóm:

– Mấy ông làm nhà nước ở đây ai giàu nhất? Làm nhà nước mà giàu đa số là tham ô.

– Quan tâm đến chuyện này làm gì. Người ta có chức có quyền mà. Sao mày lại hỏi chuyện này?

Nói thế nhưng anh vẫn kể ra vài quan chức đã biến chất và nhà ở của họ dù Thái không trả lời câu hỏi của anh ta. Hôm sau, lúc vác gạo xong, Thái lặng lẽ đến nhà mấy ông ấy quan sát rồi chọn ra một nhà để thực hiện phi vụ. Vì đã từng lăn lộn ngoài đời từ thuở nhỏ lại là một võ sỹ bất khả chiến bại nên khả năng leo trèo, đu, nhảy của Thái rất giỏi. Vì thế anh đột nhập vào nhà ông quan chức tham ô rất dể dàng. Thái chỉ dùng hai cọng thép nhỏ là mở được các cửa và tủ tiền vì kết cấu của mỗi ổ khóa thông thường đều có một quy tắc chung.

Chính điểm chung này mà thợ sửa chìa khóa có thể mở được nhiều loại ổ khóa, cho dù chúng có thay đổi mẫu mã hay hình dáng. Người ta chỉ cần bỏ chút thời gian tìm hiểu là có thể mở được theo cách riêng của mình. Sau khi lấy được tiền và vàng của ông quan chức tham ô, anh khóa lại như cũ nên ma không biết quỷ không hay. Còn gia chủ chẳng biết tại sao bị mất cắp nên nghi kỵ lẫn nhau nhưng không dám làm lớn chuyện, vì người ta sẽ biết tiền và vàng ở đâu mà ông có nhiều như vậy. Nhưng người tiến hành phi vụ này phải hết sức bình tĩnh và táo bạo mới thực hiện được. Hôm sau Thái mang tiền đến để người mẹ trẻ chữa bệnh cho con rồi giúp cô một số vốn làm ăn và dặn đừng nói cho ai biết tiền ở đâu mà có.

Thái làm ở đại lý gạo hơn một tuần thì có hai tên trong băng Lạnh Lùng đến xin tiền đểu làm ba anh bốc vác buồn rầu và lo lắng, vì không cho, chúng sẽ quậy phá rồi chặn đường đánh đập. Thấy vậy, Thái bước tới nói:

– Tụi tao phải đổ mồ hôi mới có tiền. Mày đi chỗ khác mà xin. Biến!

– Thằng này láo há!

Vừa nói hắn vừa đấm vào mặt Thái. Anh vừa xoay người để tránh đòn đồng thời giựt mạnh một chỏ vào giữa ngực tên côn đồ làm hắn ngã xuống. Tên còn lại vội vàng bỏ chạy nhưng chỉ vài phút sau, nó dẫn tới năm tên côn đồ khác với những cây mã tấu sáng loáng. Thái liền xông vào tên đi đầu có vẻ hùng hổ nhất, nhưng đó chỉ là một động tác giả nhử đòn để tên côn đồ chém. Khi hắn đã chém sẽ để lộ sơ hở và không thể nào xoay chuyển kịp thời cây mã tấu. Thái liền áp dụng chiêu tảo địa, sà người sát đất rồi dùng chân quét mạnh vào hai chân tên côn đồ làm hắn ngã xuống văng cây mã tấu ra khỏi tay. Thái vội chụp lấy rồi khi hắn vừa đứng lên anh dùng chuôi mã tấu đập mạnh vào ngực làm hắn lảo đảo ôm lấy ngực gần như hộc cả máu. Còn những tên kia thấy Thái cầm cây mã tấu sáng loáng trong tay nên không dám xông vào liền vội vàng dìu tên đi đầu tháo chạy.

Qua sự việc đó, Thái biết băng Lạnh Lùng thế nào cũng tìm cách trả thù anh và anh cũng không muốn ảnh hưởng đến công việc làm ăn của ba anh bốc vác nên đi nơi khác, rồi tiếp tục cuộc sống lang thang. Trên bước đường phiêu bạt giang hồ Thái luôn hòa đồng với những người lao khổ trong việc mưu sinh, thỉnh thoảng lại đột nhập vào nhà vài quan chức tham ô để giúp đỡ những người đang cơn cùng quẫn, và mỗi khi thấy bất bình anh lại xông vào bênh vực kẻ thế cô nên đã gây thù kết oán với vài băng đảng. Có vài trận đụng độ Thái bị trọng thương, nhưng chính những người được anh giúp đỡ đã tận tình chăm sóc để anh bình phục. Điều này gợi nhớ đến hình ảnh người quản gia trong dụ ngôn người quản gia dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn bè qua đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 16,1-8).

Rồi có một ngày anh lâm cơn bạo bệnh và cho rằng mình không qua khỏi nên trở về giáo xứ để tìm một nơi an nghỉ sau khi nhắm mắt lìa đời. Nhưng chính nơi đây, anh đã được Đức Mẹ chữa lành và có điều kiện đọc Phúc Âm.

Từ đó, anh ý thức rằng, sử dụng tiền của không do công sức mình làm ra cho dù đó là tài sản của những kẻ bất chính đều là tội nhân. Nhờ lời Chúa anh đã thành tâm ăn năn thống hối để quay về với những việc làm ăn chân chính. Cũng nhờ lời Chúa mà cuộc sống của anh luôn được bình an vì “đi đêm có ngày gặp ma” sẽ hủy hoại đời anh.

Chỉ có thành tâm ăn năn thống hối để nhìn sâu vào nội tâm của mình mới biết mình yếu đuối bất toàn, cần có lời Chúa soi sáng mọi góc tối trong tâm hồn rồi giao hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Từ đó ta mới biết bao dung, tha thứ lỗi lầm của anh em và học hai tiếng “yêu thương”, vì yêu thương là nền tảng của mọi nhân đức.

Trong mùa Chay, Chúa luôn đợi chờ chúng ta như người cha nhân hậu mãi trông ngóng đứa con hoang đàng biết nhận ra lỗi lầm mà quay trở về. Lòng Chúa thật khoan dung vô bờ, dù ta có phạm tội đến đâu đi nữa nhưng một khi đã thành tâm ăn năn thống hối, thì Chúa sẽ tha thứ tất cả như lời xác tín của ngôn sứ Mikha “Người không giữ mãi cơn giận nhưng chuộng lòng nhân nghĩa. Người sẽ lại thương xót chúng ta. Tội của chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm của chúng ta, Người ném xuống đáy biển” (Mk 7,19-20).