TIẾNG GỌI TỪ TRÁI TIM

                                                                                                     Giuse Huỳnh Bá Song

   Huế đón chúng tôi bằng những làn mây đen cuồn cuộn pha lẫn các đợt mưa dông giăng mắt đến tận cuối chân trời. Từ trên cao nhìn xuống, cả vùng phá Tam Giang đang chìm trong biển nước, không còn phân định được đâu là biển, đâu là bờ với những hàng cây dọc bên các con đường, giờ chỉ như những nét kẻ nối dọc, xẻ ngang trên bàn cờ của biển nước mênh mông. Chuyến bay sau nhiều lần delay (dời chuyến), đã vội vàng bay đến Huế để kịp tránh cơn bão số 8 đang từ biển khơi chuẩn bị hùng hổ tiến vào bờ, mang theo những con người đang nóng lòng đến với vùng đất miền Trung còn quá nhiều khốn khó, thiệt hại sau liên tiếp các cơn bão lũ dồn dập, tàn phá trong suốt mấy tuần qua.

Khu vực nhận hành lý của sân bay nhộn nhịp người là người, vì ở những chuyến bay ra miền Trung mùa này, các hãng hàng không đều tạo điều kiện để những thùng hàng cá nhân hoặc tập thể đi cứu trợ đều được miễn cước. Và đúng vậy, trong chuyến bay này trừ một ít về thăm quê, phần lớn hành khách là những đoàn ân nhân từ các tỉnh thành miền Nam đang hối hả trên đường ra cứu trợ: Hơn chục đoàn của các chùa với những tăng ni tháp tùng đông đảo, những nhóm gia đình với hàng hóa, lương thực chất đầy trên những chiếc xe đẩy hối hả rời sân bay để đến với những địa danh xa lạ đang ngập chìm trong bão lũ cuồng phong… Ban Thường vụ  chúng tôi, qua sự giới thiệu của chị Anna Nguyễn Thị Thùy  Trang, Trưởng ban Bác ái BCH GĐPTTTCG giáo hạt Thủ thiêm, trong nhóm Anna Nguyễn cũng có dịp lên đường đồng hành với một đoàn từ thiện đa tôn giáo như thế. Nhóm câu lạc bộ âm nhạc Nối Vòng Tay Lớn tập trung các thành viên đang làm việc, học tập ở Đồng Nai do anh Phan Thanh Tuấn, một giảng viên trường đại học Công nghiệp Đồng Nai làm nhóm trưởng, bao gồm các thành viên còn rất  trẻ: Phạm Quốc Khánh, sinh viên Công giáo; Ngô Quang Vinh, Nguyễn Đình Bảo Duy, sinh viên không tôn giáo; Nguyễn Trọng Hiếu, nhân viên ngân hàng Phật giáo; Lê Văn Duy, giáo viên dạy nhạc Thiên Chúa giáo và Ká Tuyền, hướng dẫn viên du lịch, Tin Lành…  Tất cả là những bạn trẻ ở lứa tuổi còn đến trường, còn tập tễnh bước vào đời với đôi bàn tay trắng, công danh sự nghiệp, tiền tài mới chỉ bắt đầu là con số không, nhưng đã gặp nhau trong một điểm chung nhất – Không cùng đức tin nhưng họ lại có chung một niềm tin, chung tay chia sẻ để có thể giúp giảm đi nỗi đau của những người bất hạnh; cùng nhau cho đi để mọi người cùng đón nhận được niềm vui.

Những món quà, những đồng tiền đong đầy hạnh phúc được nhẹ nhàng trao đi, họ đã phải cật lực lao động thêm ngoài giờ, ngoài những phút giây lao động nuôi sống chính mình. Là những người yêu âm nhạc và có điều kiện sinh hoạt, học tập liên quan đến môi trường âm nhạc nên họ đã chọn âm nhạc làm phương tiện tiếp cận, tạo nguồn thu cho các hoạt động bác ái và thế là nhóm nhạc kẹo kéo ‘Nối Vòng Tay Lớn’, ban đêm phục vụ trên các đường phố, các tụ điểm, quán nhậu ra đời. Những đồng tiền lãi ít ỏi từ những que kẹo bán dạo, những đóng góp thiện nguyện của những ân nhân nghe nhạc bất chợt bên đường… tất cả đã giúp hình thành nên món quà hàng mấy trăm triệu tiền mặt đem đến cho các nạn nhân bão lụt miền Trung lần này. Tất cả phát xuất từ chính trái tim của những người bạn trẻ còn vô tư trong cuộc sống, dấn thân vào đời không một lần tính toán so đo, nhưng con tim đã biết rung động tha thiết trước nỗi đau của những người xa lạ chưa hề quen biết…

   Đón đoàn tại cổng phi trường Huế là một nhóm thành viên cùng cộng tác với Nối Vòng Tay Lớn, do nữ tu Hương, dòng Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một người con của TGP Huế đã có mặt ngay sau các cơn bão để liên lạc, chọn các điểm thiệt hại nặng trong hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế để giới thiệu, lên kế hoạch tổ chức đưa đoàn đến giúp đỡ.

Chiếc xe 15 chỗ ngược quốc lộ 1 hướng về Lăng Cô với hành trang gọn nhẹ: không băng rôn, không hàng hóa, không lực lượng tiền hô hậu ủng, chỉ  một túi nhỏ đựng phong bì và những tấm lòng… lần lượt ở giáo xứ Chánh Xuân, nơi khi đoàn đến, nước triều lên, cả giáo xứ vẫn còn nằm trong nước lũ, nơi có cha chánh xứ Đôminicô Trương Văn Quy, trong những ngày bão lũ, đã không chỉ lo cho mình mà còn cùng với giáo dân mượn thuyền, chèo đến hơn ngàn gia đình lương giáo trong giáo xứ để hàng ngày cung cấp cơm vắt, mì tôm… vì một lý do đơn giản – chỉ có nhà thờ nằm trên triền đất cao, không bị nước ngập mới có thể nổi lửa nấu cơm. Lý do một nhà xứ nghèo dám rút ruột lo cho bàn dân thiên hạ chỉ được cha vui vẻ giải thích đơn sơ: – Hàng xóm, tối lửa tắt đèn phải biết lo cho nhau. Truyền giáo đâu cần đao to búa lớn, đâu cần hoành tráng cao sang, chỉ cần chén cháo, nắm cơm trong lúc đói lòng…  đến với nhau trong cơn khốn khó, theo tiếng gọi từ trái tim thì tha nhân mới khám phá được Giáo hội của Người. Bà con nghèo tập trung  nhận quà trong nhà xứ trong khi cha lúi húi lo nồi cháo cá đãi đoàn. Chúng tôi băn khoăn khi không giúp gì được cho riêng cha thì cha lại phải tốn kém vì chúng tôi, thì câu trả lời của vị linh mục chân đất đã làm cho chúng tôi nghèn nghẹn… có đáng gì mấy đĩa da bò luộc, nồi cháo cá, cháo rau… tất cả chỉ ở tấm lòng quan tâm chia sẻ cho nhau. Các anh chị đến với chúng tôi bằng tấm lòng thì chúng tôi đáp lại chỉ có tấm lòng…

Rời Chánh Xuân ngược vào Huế đến giáo xứ Đông Lâm, huyện Phong Điền, nơi hạ nguồn hai con sông Bồ và Rào Trăng với các thủy điện liên tục xả lũ, giúp nhấn chìm hàng chục làng mạc ven biển, nơi những người công nhân thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn mất tích giữa chốn núi rừng. Xe đi vào giáo xứ vượt qua con đường ngập trong biển nước mênh mông, cơn mưa dông từ biển vào khiến nhà xứ như chìm trong biển nước: Trên mưa dội nước xuống, dưới nước lũ dâng lên. Cha xứ Phêrô Nguyễn Bính đón đoàn bằng ngón tay chỉ vào ngấn nước cao hơn hai mét trong căn nhà xứ, để giới thiệu nỗi khó khăn, thiệt hại của bà con nơi đây lúc  đỉnh lũ khốc liệt đến dường nào… Nhà thờ cao nhất trong vùng mà còn ngập như thế thì thử hỏi nhà dân còn lại được gì? Thủy điện xả nước, bão lũ triều lên, tất cả tài sản, lúa thóc, gia cầm gia súc, bè cá… đều bị cuốn trôi ra biển. Cũng như cha Đôminicô ở Chánh Xuân, ngài cũng đã mượn ghe, kết bè chuối mang đến cho các gia đình lương giáo trong giáo xứ hàng nghìn thùng mì tôm bằng tiền túi của mình.

Hai ngày liên tục, đoàn hết ở Huế lại ra Quảng trị, hết giáo xứ Thạch Bình của cha Đaminh Trần Bá Kha, giáo xứ Thành Công của cha Micae Nguyễn Văn Hưng, giáo xứ Kim Đôi của cha Batôlômêô Hoàng Quang Hùng… đến các em học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành, thành phố Quảng Trị, nơi nước lũ dòng sông Thạch Hãn đã cuốn trôi hết quần áo, cặp sách của hơn 150 em. Xóm 12b của vùng Hương Vinh, xóm lao động nghèo bị lũ bao vây ở ngoại ô thành phố Huế. Ở nơi nào cũng nhìn thấy hình ảnh nhà cửa, ruộng vườn, cây trái chìm trong biển nước. Ở nơi nào cũng đón gặp những gương mặt thất thần, ưu tư của những bà con vừa trải qua cơn hoạn nạn, khốn khó nhất trong đời và ở nơi nào cũng tìm thấy những vị chủ chăn chân đất, quần xăn quá gối, hạnh phúc nhìn những người anh em lương giáo trong xứ của mình đang được nhận những niềm vui – chiếc phong bì chia sẻ ấm áp.

Hai ngày liên tục được cảm nhận của tiếng gọi từ trái tim của người dân Việt trên khắp đất nước với hình ảnh của “Bầu ơi thương lấy Bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…” từ những đoàn xe ở khắp mọi miền đất nước, xuôi ngược trên QL I  chở đầy hàng hoá với những băng-rôn kêu gọi hướng về miền Trung thân yêu. Cảm nhận được sự gian khó, vất vả của từng đoàn thiện nhân lăn xả đi vào vùng lũ: Ngoài thời tiết u ám, mưa gió bất thường, đường xá lầy lội đến thiếu thốn phương tiện vận chuyển, ăn uống tạm bợ, thất thường vì những vùng sâu này làm gì còn quán xá phục vụ! Ngay cả đoàn của chúng tôi cũng đã từng được cứu đói bằng chính những tấm bánh chưng mà một đoàn từ thiện ở tỉnh Đắk Lắk cứu trợ cho riêng cha Giuse Phạm Mạnh Cường, Tổng linh hướng GĐPTTTCG TGP Huế  trong vòng vây lũ ở xứ Quy Lai khi chúng tôi có dịp đến thăm.

Đoàn chúng tôi vội vàng rời Huế khi cơn bão số 9 chuẩn bị đổ vào đất liền và đón ngay được hiệu ứng đầu tiên của cơn bão: chuyến bay về Sàigòn bị hủy vé và phương tiện cuối cùng để rời thành phố là các chuyến xe khách với lời cảnh báo: 11 giờ trưa sẽ không thể rời thành phố, vì QL I sẽ bắt đầu cấm xe khi cơn bão vào bờ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được hòa mình vào cảm xúc của người dân trong vùng bão. Dọc hai bên đường trên hành trình trở về qua các tỉnh thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… hình ảnh người dân hối hả giúp nhau chằng chống các ngôi nhà, dằn thùng nước, bao cát lên các mái tôn, tất bật kéo thuyền lên bờ… trong cơn mưa xối xả, sóng gào, gió thét… đã giúp chúng tôi hiểu hơn những gian khó, hiểm nguy của những cư dân miền Trung quanh năm ngập chìm trong bão lũ.

Cơn bão số 9 cuối cùng cũng bắt kịp chúng tôi tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khi xe dừng chân cho mọi người ăn uống sau sáu giờ tháo chạy liên tục. Phần ăn đơn sơ, mỗi người một đĩa cơm nhưng chúng tôi ăn như chưa bao giờ được ăn, vì từ sáng sớm đến giờ chỉ cầm hơi mỗi người có được một gói nhỏ bánh quy, và chính nơi đây, chúng tôi có dịp khám phá những niềm vui… Hình ảnh các em trong nhóm Nối Vòng Tay Lớn vét những đồng tiền cuối cùng để tự trang trải bữa ăn, khiến chúng tôi vô cùng xúc động; đúng như lời cô Anna Trang cho biết, những chuyến đi như vầy tụi em tự lo hết mọi chi phí, còn tiền của ân nhân giúp, phải trao hết đến đồng cuối cùng, về còn phải kê khai lại để đảm bảo không một xu nào được rơi rớt… Càng vui hơn, trước khi lên xe ra về, các em còn cho biết, về nhà nhóm sẽ lại ra đường phục vụ để nếu nơi nào cần giúp chúng em lại lên đường. Vô tư và đơn sơ như dự định của cô Anna Trang, về nhà chúng em sẽ tiếp tục vận động ân nhân, ngay cả sẽ tổ chức những đêm nhạc tạp kỹ gây quỹ để có thể kịp cùng đoàn thể GĐPTTTCG TGP lên đường đến với miền Trung đau thương trong chuyến đi sắp đến. 

…Và con tim đã vui trở lại khi chúng tôi biết rằng các dự định của các em đang được thực hiện và ngay cả các giáo phận của đoàn thể GĐPTTTCG trong cả nước cũng đã đáp lại thư ngỏ lời mời gọi hướng về miền Trung thương yêu. Những món quà chia sẻ đã được sớm quy tụ lại từ BCH các giáo phận: Bùi Chu, Đà Lạt, Xuân Lộc, Sàigòn… và còn tiếp nữa, là những lời đáp trả ân tình từ trái tim đến trái tim của những người tông đồ mang trái tim của Chúa.

[slideshow_deploy id=’6111′]