TIN GIÁO HỘI TOÀN CẦU

TRƯỚC TÌNH HÌNH BẤT ỔN CỦA ĐẤT NƯỚC, GIÁO HỘI MYANMAR MỜI GỌI TÍN HỮU TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Trong một thông cáo của tổng giáo phận Yangon, Đức Hồng y Charles Bo, tổng giám mục, đang thăm viếng mục vụ tại bang Kachin, cũng mời gọi Dân Chúa sống giai đoạn quan trọng này của đời sống đất nước với sự thận trọng hết sức.

Đức Hồng y đặc biệt kêu gọi các linh mục, những người được tín hữu xem như những người lãnh đạo và điểm tham chiếu, “vì lý do an ninh, hãy cảnh giác và kiểm soát những người vào cơ sở của Giáo hội.” Thêm vào đó, để duy trì sự hiệp nhất và đồng nhất trong thông tin, Đức Hồng y yêu cầu các linh mục, tu sĩ và cha xứ “không đưa ra các tuyên bố cá nhân” để tránh những điều mâu thuẫn, tạo thêm sự bất an và bối rối. Các linh mục được mời gọi “ý thức trong các cử hành phụng vụ, khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình tại Myanmar.”

TÂN THỦ TƯỚNG Ý TRÍCH LỜI ĐTC VỀ TRÁCH NHIỆM CON NGƯỜI TRONG THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG

Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước Hạ viện Ý hôm 17/2, khi đưa ra kế hoạch hướng dẫn nước Ý vượt qua đại dịch Covid-19, cũng như các thách thức sau đại dịch mà đất nước này chắc chắn sẽ phải đối mặt, bao gồm cả biến đổi khí hậu, Tân Thủ tướng của Ý, ông Mario Draghi, đã trích dẫn những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô về sự thất bại của nhân loại trong việc quan tâm đến môi trường.

Theo ông Draghi, sự nóng lên toàn cầu không chỉ có “ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe của chúng ta, mà đất đai các thành phố lớn lấy đi của tự nhiên có thể là một trong những nguyên nhân lây truyền virus từ động vật sang người.” Ông nói thêm: “Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, ‘ Những thảm kịch tự nhiên là phản ứng của Trái đất đối với sự ngược đãi của chúng ta. Nếu bây giờ tôi hỏi Chúa rằng Ngài nghĩ gì, tôi không nghĩ rằng Ngài sẽ nói với tôi điều gì đó rất tốt. Chúng ta là những người đã phá hỏng công trình của Chúa!’”

Đây là lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến chung hồi tháng 4/2020, nhân dịp kỷ niệm Ngày Trái đất lần thứ 50, ngày được thành lập năm 1970 để nâng cao nhận thức và quan tâm của công chúng đối với môi trường và tác động của nó đối với sức khỏe con người và mọi sự sống.

Chính phủ liên minh của Thủ tướng Giuseppe Conte bị sụp đổ vì đảng Viva Italia rút khỏi liên minh sau khi không đồng ý với kế hoạch chi tiêu của Thủ tướng Conte để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch Covid-19. Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã chọn ông Mario Draghi để lập chính phủ mới. Ông được nhiều người hoan nghênh như một lựa chọn tốt để đưa nước Ý thoát khỏi cuộc suy thoái kinh hoàng.

Ông Draghi là một nhà kinh tế nổi tiếng, đã giữ chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu từ năm 2011-2019, và được xem là người đã cứu đồng tiền euro trong cuộc khủng hoảng nợ nần ở châu Âu khi một số quốc gia thành viên châu Âu không thể đăng ký lại các khoản nợ của chính phủ.

Ông Draghi là cựu học sinh dòng Tên, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội vào tháng 7/2020

GƯƠNG CAN ĐẢM CỦA MỘT NỮ TU TRONG KHỦNG HOẢNG MYANMAR

Hôm Chúa nhật 28/02/2021, trong lúc xảy ra cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh, sơ Ann Nu Thawng, nữ tu dòng Thánh Phanxicô Xaviê của Giáo phận Myitkyina, miền bắc Myanmar đã can đảm quỳ xuống xin cảnh sát dừng lại không tấn công những người biểu tình.

Vào thời điểm đó, đoàn biểu tình đã tới tu viện Thánh Colombano, nơi các nữ tu của Thánh Phanxicô Xaviê sinh sống. Chính trong giây phút hỗn loạn, nguy kịch, biết rằng nguy cơ máu người vô tội phải đổ là rất cao, sơ Ann đã nói lớn “Caritas Christi urget nos” và mở tung cổng đi ra đường, hướng tới gặp lực lượng an ninh với trang phục chống bạo động. Sơ quỳ gối và van xin: “Nhân danh Chúa, xin đừng bắn, đừng giết những người vô tội. Nếu muốn, hãy đánh tôi, hãy lấy mạng tôi”. Hành động ngôn sứ và không hề sợ hãi của sơ đã khiến các cảnh sát dừng lại và một số đã khóc.

TỔNG THƯ KÝ LHQ CA NGỢI VAI TRÒ LÃNH ĐẠO QUAN TRỌNG CỦA ĐTC

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đề cao vai trò lãnh đạo quan trọng của Đức Thánh Cha, đặc biệt qua Thông điệp Laudato sì, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và những bất công mà thế giới phải đối phó. Ông khẳng định: “Cùng với Đức Thánh Cha tôi muốn các chính phủ và các dân tộc trên khắp thế giới làm việc hài hòa như một gia đình các quốc gia”.

THỦ TƯỚNG IRAQ KÊU GỌI “ĐỐI THOẠI QUỐC GIA” SAU CHUYẾN THĂM CỦA ĐTC PHANXICÔ

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, hôm thứ Hai 8/3, đã kêu gọi “đối thoại quốc gia sâu xa” để giải quyết các vấn đề nổi cộm mà đất nước đang đối mặt, bao gồm các vấn đề giữa Baghdad và Erbil, sau chuyến thăm ba ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thủ tướng Khadhimi nói: “Trên cơ sở trách nhiệm lịch sử này, và trong bầu khí của tình yêu và khoan dung, được thúc đẩy bởi chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng tới Iraq, vùng đất Lưỡng Hà, hôm nay chúng tôi đưa ra lời kêu gọi đối thoại quốc gia, như là một con đường để đạt đến nguyện vọng của người dân.”

Thủ tướng Kadhimi cũng kêu gọi một cuộc đối thoại quốc gia “sâu sắc và chân chính” với sự tham gia của tất cả các bên về mối quan hệ giữa chính phủ liên bang Iraq và chính quyền miền tự trị Kurdistan, vốn được định hình bởi nhiều vấn đề khác nhau, chủ yếu là kinh tế.

ĐTC BỔ NHIỆM NỮ TU CALDUCH-BENAGES LÀM TỔNG THƯ KÝ ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ KINH THÁNH

Theo ý muốn của Đức Thánh Cha, ngày càng có thêm những phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan cấp cao của Tòa Thánh.

Ngày 9/3/2021 Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm nữ tu Nuria Calduch-Benages, dòng các nữ tu truyền giáo Thánh gia Nazareth, làm Tổng Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh. Đây là người nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

Với việc bổ nhiệm này, sơ Calduch-Benages người gốc Barcelona, Tây Ban Nha, trở thành nhân vật thứ hai của “Ủy ban có tuổi đời 120 năm”.

Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh thuộc Giáo triều Roma và được thành lập năm 1902 với chức năng cố vấn về các vấn đề Kinh Thánh. Ủy ban thuộc Bộ Giáo lý Đức tin; trong vai trò Tổng trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng y Luis Ladaria cũng là Chủ tịch của Ủy ban Kinh Thánh.

Tiểu sử sơ lược

Sơ Calduch-Benages được bổ nhiệm thay thế cha Pietro Bovati, Dòng Tên. Sơ là Tổng Thư ký thứ 10 của Ủy ban và là người nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Các Tổng Thư ký của Ủy ban trước đây đều là các linh mục, ngoại trừ một giám mục.

Sơ Calduch-Benages sinh năm 1957, tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Anh-Đức tại Đại học Tự trị Barcelona và tốt nghiệp Kinh Thánh tại Học viện Kinh Thánh ở Roma. Sơ giảng dạy Kinh Thánh Cựu ước tại Khoa Thần học của Đại học Giáo hoàng Gregoriana, và là giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Kinh Thánh.

Năm 2008, sơ Calduch-Benages đã tham dự Thượng Hội đồng về Lời Chúa với tư cách là một chuyên gia. Từ năm 2014, sơ là thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, và vào năm 2016, sơ được bầu làm thành viên của Ủy ban Nghiên cứu về chức nữ phó tế (2016-2019).