TẢN MẠN TRONG NGÀY THẤT THẬP

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Trở nên già nua được thể hiện qua nhiều cách. Điều này có thể xảy ra sớm hay muộn, Nó có thể bắt đầu từ lúc ta phải đeo kính khi đọc sách báo. Phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày theo lời dặn của bác sĩ. Khi ta không thể nhớ tên một ai đó khi gặp mặt. Các hoạt động tứ chi chậm hẳn lại. Tính hăng say, sức lực, sáng tạo, sức đề kháng, lạc quan, tính mạo hiểm không còn như thời tuổi trẻ. Rồi thì ta không còn theo dõi thứ tự của mọi việc một cách chính xác nữa. Phải về hưu, từ bỏ công việc quen thuộc và bắt đầu có những ưu tư về cuộc sống.  

Theo luật tự nhiên, mọi tạo vật đều được sinh ra, rồi phát triển và chung cuộc tan biến. Con người cũng thế, từ khi được sinh ra cất tiếng khóc oe oe chào đời, là con người bắt đầu gia nhập vào dòng sự sống cùng trôi chảy về nguồn. Thời gian thoáng qua, tuổi đời chồng chất, chẳng mấy chốc đã đối diện với tuổi già. Khi đó, nơi thân xác sẽ xuất hiện không chứng này thì tật kia. Con người thấy mệt mỏi, chân tay rã rời, lưng còng, tóc bạc và chân mỏi gối mòn chân chồn gối mỏi.

Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, thân xác ta trở nên yếu ớt, sức lực dường như không còn nữa. Thính giác không còn bén nhạy nữa. Giấc ngủ khó khăn. Các bắp thịt dường như có đôi lúc không còn theo sự điều khiển của não bộ. Thân xác dường như không còn sức mạnh. Trí nhớ, sức lực, hơi thở, tất cả những gì mà chúng ta dựa trên đó đều mất hết. Mọi sự thay đổi của tuổi già phô bày ra trên trán, trên đôi má và trên cằm. Đôi khi còn có thêm sự cô đơn hoặc sự nhục nhã vì phải sống lệ thuộc. 

Những sinh hoạt không còn trên lịch trình. Những kế hoạch được ấp ủ, hoạch định đều phải hủy bỏ. Mối giao du bị thu hẹp lại, các bạn bè chẳng còn mấy người. Đôi khi, những người thân ra đi, chỉ còn lại những kỷ niệm. Nhớ lắm những ngày mới gia nhập GĐPTTTCG với những tối đọc kinh, tôn vương, sinh hoạt hội họp ở các toán truyền giáo xa nhà thờ. Các hoạt động trong BCH xứ đoàn rồi sinh hoạt chung với giáo hạt, được cầu nguyện, học tập để trở thành người Tông đồ giáo dân của Thánh Tâm Chúa. Dần dà theo tưổi tác và những công việc được giáo xứ trao phó: phụ trách một ca đoàn, tham gia Hội đồng Mục vụ, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa… nên dù vẫn tâm huyết với các công việc của Đoàn thể nhưng không thể trực tiếp tham gia được nữa!

Nhà Phật dường như có cái nhìn có vẻ bi quan về cuộc đời! Coi cuộc đời là bể thảm, nước mắt chúng sinh nhiều như biển. Đức Phật nhận ra kiếp nhân sinh có 4 cái khổ cơ bản, đó là tứ khổ đế: Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Dưới lăng kính ấy, xem ra tuổi già là tuổi bi kịch nhất, đáng thương nhất của kiếp người, bởi người già thường gắn liền với bệnh tật, sức khỏe giảm sút, và tuổi già cũng là tuổi gần đến tử huyệt nhất. Đấy là cái nhìn mang gam màu xám, nếu không muốn nói là đậm màu u tối, dễ đưa đến chán nản, tuyệt vọng, khó mà khám phá giá trị ý nghĩa của tuổi già.

Đối với người Kitô hữu, càng thêm tuổi càng cần phải nhận định cách khác và phải cho tuổi già là một ân sủng của Thiên Chúa thương ban cho con người. Lần mở những trang Kinh Thánh, ngay trong thời Cựu ước, dân Israel đã nhận ra tuổi già là phúc đức của Đức Chúa ân thưởng, không phải ai cũng được hưởng. Người cao tuổi theo truyền thống Kinh Thánh rất đáng được trân trọng, các cụ giàu kinh nghiệm và khôn ngoan, được Thiên Chúa chúc phúc:

Người cao niên phán đoán, bậc kỳ lão chỉ bảo,
thật đẹp đẽ biết bao!
Sự khôn ngoan của các vị bô lão,
Tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân
Thật đep đẽ chừng nào!
Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho bậc bô lão
Lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài”
                                                                                                                              (Hc 25,4-6).

Nhưng tuổi già vẫn có những hạn chế, thậm chí còn là đau khổ nếu chỉ cậy nhờ vào sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình. Tiên tri Isaia nhắc nhớ rằng:  Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát (Is. 46,4).

Cho nên, ông Job đã chia sẻ kinh nghiệm: Không phải tuổi tác làm cho người ta được khôn ngoan, và chưa chắc người già cả đã phân biệt được phải trái (Job 32,9).

Tác giả Thánh Vịnh cũng đã viết:  Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi (Tv. 90,10).

Đặc biệt hơn nữa, việc Chúa Giêsu Tử nạn Phục sinh đã cho ta một cái nhìn khác về đau khổ. Đau khổ không còn là điều bất hạnh, bế tắc. Tuổi già không phải đi vào ngõ cụt. Trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, đau khổ có giá trị Tin Mừng Cứu độ. Khổ đau là cách tốt nhất để ta trở nên giống Chúa Giêsu, là dấu chỉ rõ nhất ta đang được vinh phúc cộng tác vào công trình cứu độ của Người. 

Với đôi mắt Đức tin, tuổi già là lúc và là cơ hội tốt nhất, tuyệt vời nhất của đời người để được nên giống Chúa Giêsu. Kết hợp với Người để dâng những khổ đau do bệnh tật, những khốn khổ do con cháu gây ra như những hiến tế cao đẹp nhất để dâng lên Chúa Cha. Đấy là những lễ vật giá trị nhất, đẹp nhất mà ở tuổi già ta mới thường có để cùng với Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha nơi mỗi Thánh lễ, nơi bàn thờ cuộc sống.         

Quả thế, sau bao ngày tháng vất vả, tuổi già là chặng cuối của đời người, dừng chân để nhìn lại một chặng đời người tưởng dài ai ngờ thật ngắn. Đây là lúc ta có kinh nghiệm rõ nét hơn cả về đời người thật ngắn ngủi, phận người thật mong manh với những bất toàn, trắc trở. Chính khi thấu rõ phận người như thế ta mới có thêm xác tín, lòng cậy trông vào Chúa hơn, mới thấy lời Chúa Giêsu nói quá chí lý:  được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? (Lc 9,25)

Đã có lần Chúa Giêsu nói với Phêrô – vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội – cách thế làm sáng danh Chúa khi về già là biết đón nhận những gì không phải ý mình nhưng lại là ý Chúa: “Lúc còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi về già, con sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con không muốn.” Và Tin Mừng khẳng định: Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.  (x.Ga 21,15-19)

Đấy cũng là lời Chúa Giêsu nói với chúng ta, những người cao tuổi: Hãy biến tuổi già, biến những gian nan thử thách thành hồng ân cứu độ. Đấy là khi ta với tấm lòng sẵn sàng đón nhận trong tươi vui với tất cả những hạn chế, những phát sinh tự nhiên của tuổi tác như ý Chúa – và thực sự là ý Chúa. Đấy cũng là lúc ta đang có cơ hội tuyệt vời để nên giống Chúa Giêsu Tử nạn và  chắc chắn  ta sẽ được Phục sinh với Người.

Dù biết “tre già thì măng mọc”, “cần có những lớp trẻ kế thừa để đổi mới” nhưng khi có những tiếng xì xầm đại loại như già rồi nghỉ đi, cứ để tụi nhỏ nó làm... nghe thật bức xúc và đau nhói trong lòng. Ta nghiệm thấy tuổi già thật không đơn giản, nhất là với các vị đã từng lãnh đạo cộng đoàn, đoàn thể.

Đức Thánh Cha Phanxicô khi chia sẻ về người già trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 11.03.2015 cũng đã nói lên một sự thật cần phải nhìn nhận là xã hội ngày nay đang có xu hướng loại trừ người già. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ làm như vậy. Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi người già bước theo mình; tuổi già ẩn chứa trong mình một ân sủng và một sứ mạng, đó thực sự là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Trong Giáo hội, không thiếu những người đã nên thánh trong tuổi già của mình.

Cũng theo Ngài, phương thế để người già có thể nên thánh là hãy biết cầu nguyện. Lời cầu nguyện của ông bà là một món quà to lớn dành cho Giáo hội. Chúng ta có thể dâng lời tạ ơn Chúa vì tất cả những ơn lành mà mình đã nhận được. Có thể cầu nguyện cho các thế hệ sau, cho những người trẻ đầy tham vọng, sống mà không có tình yêu. Các bậc ông bà hãy làm nên một “ca đoàn” của đền thờ thiêng liêng, nơi mà lời cầu khẩn và bài ca chúc tụng của mình sẽ nâng đỡ cộng đoàn đang làm việc và chiến đấu trên chiến trường của cuộc sống.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống. Ngày hôm nay con bước vào tuổi được “mừng thọ”. Xin dâng lên Chúa thân xác yếu hèn đã hao mòn cùng năm tháng. Những gì con đã làm được và chưa làm được cho những người anh em để làm sáng danh Chúa. Xin thương ban cho con có trái tim luôn nóng bỏng Tình yêu của Thánh Tâm để luôn trung thành tuân theo Thánh ý. Liên lỉ cầu nguyện, tiếp tục phục vụ Chúa và tha nhân trong tuổi xế chiều. Xin cúi đầu cảm tạ hồng ân Người đã ban cho con có được “tuổi thơ êm đềm mơ mộng, tuổi xuân tình nồng yêu thương say đắm và lúc tuổi già đầu bạc, răng long vẫn còn mải mê đi dứt con đường trần”. Deo gratias! Amen.

17.06.2024