SUY TIM Ở NGƯỜI CAO TUỔI

BS Vũ Phong

Tuy bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng việc điều trị kịp thời và có chế độ chăm sóc phù hợp sẽ ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Dấu hiệu nhận biết

Tình trạng suy tim biểu hiện mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc tốc độ suy tim nhanh hay chậm, nguyên nhân suy tim và tuổi của người bệnh.

Với bệnh suy tim mãn tính, bệnh nhân thường có những triệu chứng:

– Khó thở: Thường là khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Có thể bị khó thở ban đêm phải ngồi dậy để thở).

– Mệt mỏi: Người bệnh suy tim dễ mệt khi làm việc và không gắng sức được.

– Phù chân: Thường nặng về buổi chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng.

– Ho khan: Ho không có đờm kéo dài, ho nhiều khi nằm.

Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân của bệnh hô hấp cần phải nghĩ đến suy tim; tiểu đêm (bệnh nhân tiểu lượng nước tiểu nhiều, nhưng tiểu dễ, không tiểu dắt, buốt. Tình trạng tiểu đêm ở người cao tuổi cần phải loại trừ do tiền liệt tuyến lớn, suy thận, mất ngủ).

Đối với suy tim cấp, triệu chứng tương tự như bệnh suy tim mãn tính, tuy nhiên diễn biến đột ngột và tiến triển nặng nhanh, đột ngột khó thở, thở nhanh, hồi hộp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau ngực nếu suy tim cấp do nhồi máu cơ tim.

Khi có những triệu chứng trên hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh, tránh tình trạng bệnh ngày càng tiến triển có thể nguy hiểm tới tính mạng. Người bệnh khi phát hiện suy tim cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Người bệnh cần lưu ý gì?

Thông thường, nếu phát hiện suy tim ở cấp độ 1 – tức là giai đoạn sớm, thì việc điều trị và phòng bệnh sẽ khá hiệu quả. Còn trường hợp đã suy tim ở độ 2 trở lên thì việc điều trị đã trở nên phức tạp, cần điều trị dự phòng cơn suy tim cấp cũng như tránh tiến triển bệnh và các biến chứng.

Trong điều trị suy tim, cần điều trị triệu chứng chung và điều trị nguyên nhân. Điều trị suy tim ở người cao tuổi cần thận trọng vì có thể do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Việc dùng thuốc điều trị cho nhóm bệnh nhân này cũng hết sức phức tạp do tuổi cao và thường có nhiều bệnh lý kèm theo. Dù căn cứ vào triệu chứng cụ thể cũng như những bệnh kèm theo, nhưng vẫn cần giảm thiểu số lượng thuốc sử dụng và nguy cơ tương tác thuốc. Các nhóm thuốc chủ yếu được dùng trong điều trị suy tim ở người lớn tuổi là thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển, kháng angiotensin, chẹn beta giao cảm và digoxin.

Việc điều trị nguyên nhân cũng góp phần khá tích cực làm giảm suy tim nhanh. Các nguyên nhân chủ yếu điều trị được là rối loạn chức năng thất trái do thiếu máu cục bộ, nhiễm độc giáp, suy giáp, các tổn thương van tim, các rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim cấp, phì đại thất trái do tăng huyết áp…

Ngoài ra, chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện thể dục cũng góp phần quan trọng trong điều trị bệnh. Bệnh nhân cần hạn chế ăn mặn và uống ít nước tránh việc phù và giữ nước. Người bệnh không nên uống rượu, bởi ngoài việc rượu bất lợi cho quả tim bị suy thì rượu còn có thể tương tác với thuốc điều trị suy tim, giảm khả năng co bóp của cơ tim, gây rối loạn nhịp tim. Người mắc bệnh suy tim cũng không nên ăn nhiều trong một bữa, mà cần chia nhỏ bữa ăn sẽ tốt hơn. Những người suy tim nặng hạn chế hoạt động thể lực, nghỉ ngơi tại giường nếu cần thiết. Sau đó hoạt động trở lại từ từ, có sự theo dõi sát của bác sĩ.

(Theo Health Science)