Chúa nhật 3 mùa Chay năm B (Ga 2,13-25) – Đền thờ

“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. (Ga 2,16)

 

BÀI ĐỌC I: Xh 20, 1-17

“Luật do Môsê đã ban ra”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Đừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.

Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.

Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.

Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17

Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.

Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.  

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 11

Đáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).

Xướng:

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. – Đáp.

2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. – Đáp.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. – Đáp.

4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 22-25

“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 2,13-25

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.

15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.

16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”

20 Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.

22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. 24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, 25 và không cần ai làm chứng về con người.

Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B

WHĐ (28.02.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 459, 577-582: Chúa Giêsu và Lề luật

Số 593, 583-586: Đền thờ báo trước Đức Kitô; Người là Đền thờ

Số 1967-1968: Luật mới hoàn thành Luật cũ

Số 272, 550, 853: Quyền năng của Đức Kitô được mạc khải trên Thập Giá

Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17

Bài Ðọc II: 1Cr 1, 22-25

Phúc Âm: Ga 2, 13-25

Số 459, 577-582: Chúa Giêsu và Lề luật

459. Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi…” (Mt 11,29). “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga l4,6). Và trên núi Hiển Dung, Chúa Cha đã truyền: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7)[1]. Người đúng là gương mẫu của các mối phúc thật và là chuẩn mực của Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga l5,l2). Tình yêu này đòi hỏi người ta thật sự hiến thân để đi theo Người[2].

577. Khởi đầu Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra một giáo huấn long trọng trong đó Người trình bày Lề luật, đã được Thiên Chúa ban tại Sinai dịp Giao Ước đầu tiên, dưới ánh sáng của ân sủng của Giao Ước Mới:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành, và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19).

578. Chúa Giêsu, Đấng Messia của Israel, do đó là người lớn nhất trong Nước Trời, đã phải chu toàn Lề luật, khi tuân giữ toàn bộ Lề luật, theo chính lời Người nói, cho đến cả những điều răn nhỏ nhất. Nói cho đúng, chính Người là Đấng duy nhất đã có thể làm điều này một cách trọn hảo[3]. Những người Do Thái, theo chính họ thú nhận, đã không bao giờ có thể chu toàn trọn bộ Lề luật mà không vi phạm một điều răn nhỏ nhất nào[4]. Vì vậy trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Israel cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm Lề luật của họ. Thật vậy, Lề luật tạo thành một tổng thể và, như thanh Giacôbê nhắc nhở, “ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2,10)[5].

579. Những người Pharisêu rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Israel, họ đã dẫn đưa nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu tới việc hết sức nhiệt thành giữ đạo[6]. Điều này, nếu không bị phá huỷ do việc xét đoán mọi sự cách “giả hình”[7], thì nhất định đã chuẩn bị cho dân hướng tới sự can thiệp chưa từng thấy của Thiên Chúa, là việc thi hành trọn vẹn Lề luật sẽ được hoàn thành bởi Đấng Công Chính duy nhất thay cho mọi tội nhân[8].

580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[9]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[10] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[11], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

581. Trước mắt người Do Thái và các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một “kinh sư”[12]. Người thường tranh luận về cách giải thích Lề luật của các kinh sư[13]. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu tất yếu phải đối đầu với những tiến sĩ Luật bởi vì khi trình bày cách giải thích của mình, Người không tự giới hạn trong những cách giải thích của họ; “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29). Nơi Người, cùng một Lời của Thiên Chúa đã từng vang lên trên núi Sinai để ban hành Lề luật được ghi khắc cho ông Môisen, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc[14]. Đấng là Ngôi Lời không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với một uy quyền thần linh: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5,33-34). Chính Người, với cùng một thẩm quyền thần linh ấy, phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”[15] (Mc 7,8) của nhóm Pharisêu, vì những truyền thống đó hủy bỏ Lời Thiên Chúa[16].

582. Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn kiện toàn Lề luật về sự thanh sạch của các thức ăn, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái, khi Người cho thấy ý nghĩa “quản giáo” của luật ấy[17] bằng lời giải thích thần linh: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế…. Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch…. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền thần linh mà đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề luật, Chúa Giêsu ở trong tình thế đối nghịch với một số kinh sư không chấp nhận lời giải thích của Người, mặc dù lời giải thích này được củng cố bằng những dấu lạ thần linh kèm theo[18]. Điều này đặc biệt đúng, trong vấn đề ngày sabat. Chúa Giêsu thường dựa trên chính lập luận của các kinh sư[19], để nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi ngày sabat không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa[20] hay phục vụ người lân cận[21], như trường hợp các lần Người chữa lành.

 

Số 593, 583-586: Đền thờ báo trước Đức Kitô; Người là Đền thờ

593. Chúa Giêsu tôn trọng Đền thờ: Người lên Đền thờ vào những dịp lễ hành hương của người Do Thái và Người yêu mến với một tình yêu tha thiết nơi Thiên Chúa ở giữa loài người. Đền thờ báo trước mầu nhiệm của Người. Người loan báo sự sụp đổ của Đền thờ, như một biểu hiện việc chính Người sẽ bị giết và việc lịch sử cứu độ bước vào một thời đại mới trong đó Thân Thể Người sẽ là Đền thờ vĩnh viễn.

583. Chúa Giêsu, cũng như các Tiên tri trước Người, tỏ lòng tôn kính rất sâu xa đối với Đền thờ Giêrusalem. Ở đó, Người đã được thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng, bốn mươi ngày sau khi Người ra đời[22]. Lúc mười hai tuổi, Người quyết định ở lại trong Đen thờ để nhắc cha mẹ Người nhớ rằng Người phải lo việc của Cha Người[23]. Trong quãng đời ẩn dật của Người, Người đều lên Đền thờ mỗi năm ít nhất để mừng lễ Vượt Qua[24]; thừa tác vụ công khai của Người được đánh dấu như theo nhịp điệu những lần Người hành hương lên Giêrusalem vào những dịp lễ lớn của người Do Thái[25].

584. Chúa Giêsu lên Đền thờ với tính cách là đến một nơi để gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với Người, Đền thờ là nhà của Cha Người, nhà cầu nguyện, và Người phẫn nộ bởi vì tiền đường Đền thờ đã trở thành nơi buôn bán[26]. Sở dĩ Người xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ, đó là vì long yêu mến nhiệt thành đối với Cha Người: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Thánh Kinh: ‘Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân’ (Tv 69,10)” (Ga 2,16-17). Sau khi Người phục sinh, các Tông Đồ vẫn giữ một lòng tôn kính đạo hạnh đối với Đền thờ[27].

585. Tuy nhiên, ngay trước cuộc khổ nạn của Người, Chúa Giêsu đã tiên báo sự sụp đổ của công trình kiến trúc nguy nga ấy, tại đó sẽ không còn tảng đá nào nằm trên tảng đá nào[28]. Người loan báo sự việc ấy như là một dấu chỉ của thời đại sau cùng, thời đại được khai mở bằng cuộc Vượt Qua của Người[29]. Nhưng lời tiên báo đó đã bị những kẻ làm chứng gian bóp méo khi được thuật lại trong cuộc thẩm vấn Người trước mặt vị thượng tế[30]. Người ta còn dùng lời ấy để nhục mạ Người khi Người bị đóng đinh trên thập giá[31].

586. Chúa Giêsu không hề có thái độ thù nghịch Đền thờ[32], chính tại đó Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người[33], Người đã muốn nộp thuế Đền thờ cho mình và cho ông Phêrô[34] mà Người vừa mới đặt làm nền tảng cho Hội Thánh tương lai của Người[35]. Hơn nữa, Người tự đồng hóa mình với Đền thờ khi tự giới thiệu mình là nơi ở vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người[36]. Chính vì vậy mà việc thân thể Người bị sát hại[37] loan báo việc Đền thờ bị phá hủy, điều đó cho thấy lịch sử cứu độ đã bước vào một thời đại mới: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4,21)[38].

 

Số 1967-1968: Luật mới hoàn thành Luật cũ

1967. Luật Tin Mừng hoàn thành[39], tinh luyện, vượt qua và kiện toàn Luật cũ. Trong các mối phúc, Luật mới hoàn thành các lời hứa thần linh khi nâng cao chúng lên và quy hướng chúng về “Nước Trời”. Luật Tin Mừng dành cho những ai sẵn sàng đón nhận niềm hy vọng mới này với lòng tin: những người nghèo, người khiêm tốn, người đau khổ, người có trái tim trong sạch, người bị bách hại vì Đức Kitô, như vậy Luật Tin Mừng phác hoạ những con đường chưa từng thấy của Nước Trời.

1968. Luật Tin Mừng hoàn thành các mệnh lệnh của Lề Luật. Bài giảng của Chúa không hủy bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng rút ra những sức mạnh còn ẩn kín của chúng, và làm cho từ nơi chúng phát sinh ra những đòi hỏi mới: Luật Tin Mừng mạc khải toàn bộ chân lý thần linh và nhân linh của Luật cũ. Luật mới không thêm những mệnh lệnh mới từ bên ngoài, nhưng đi đến chỗ biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim, nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế[40], nơi hình thành đức tin, đức cậy, đức mến, và cùng với chúng, các nhân đức khác. Như vậy, Tin Mừng đưa Lề Luật tới sự viên mãn của nó nhờ bắt chước sự trọn hảo của Cha trên trời[41], nhờ việc tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại, giống như lòng quảng đại của Thiên Chúa[42].

 

Số 272, 550, 853: Quyền năng của Đức Kitô được mạc khải trên Thập Giá

272. Đức tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng có thể bị thử thách do kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ. Đôi khi Thiên Chúa có thể bị coi như vắng mặt và bất lực không ngăn chặn được sự dữ. Thật ra, Thiên Chúa là Cha đã mạc khải sự toàn năng của Ngài một cách hết sức huyền nhiệm trong việc Con của Ngài tự nguyện hạ mình và sống lại, nhờ đó Ngài đã chiến thắng sự dữ. Như vậy, Đức Kitô bị đóng đinh là sức mạnh của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa “vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25). Trong việc Đức Kitô sống lại và được tôn vinh, Chúa Cha biểu dương “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực” của Ngài và cho thấy “quyền lực vô cùng lớn lao” của Ngài mà “Ngài đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep 1,19-22).

550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[43]: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[44]. Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[45]. Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[46].

853. Nhưng trên đường lữ hành, Hội Thánh cũng cảm nghiệm “khoảng cách giữa sứ điệp mà Hội Thánh phải rao giảng và sự yếu hèn nhân loại của những người được ủy thác Tin Mừng”[47]. Chỉ bằng con đường “sám hối và canh tân”[48] và “qua cửa hẹp của Thập Giá”[49], Dân Thiên Chúa mới có thể mở rộng Nước Đức Kitô[50]. “Cũng như Đức Kitô đã hoàn thành công trình cứu chuộc trong nghèo khó và bị bách hại, Hội Thánh cũng được kêu gọi tiến bước trên chính con đường đó, để truyền thông cho người ta những hoa trái của ơn cứu độ”[51].

 

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B:

Đức Phanxicô:

07.03.2021 – Thanh tẩy đền thờ

04.03.2018 – Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa

08.03.2015 – Hãy trở nên đền thờ của Thiên Chúa

Đức Bênêđictô XVI:

11.03.2012 – Bạo lực là điều trái ngược với Nước Thiên Chúa

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Với những lời giảng dạy kèm theo những phép lạ Ðức Giêsu đã làm, nhiều người muốn tin vào Ngài. Nhưng bên cạnh đó lại có những người đòi hỏi nơi Chúa một dấu lạ nào đó để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa thì họ mới tin. Họ không vì thiện chí kiếm tìm chân lý, mà chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Lòng họ đã ra chai đá

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua những phép lạ Chúa đã làm, có những người tin tưởng và yêu mến Chúa hơn, và cũng có những người bị vấp phạm. Họ vấp phạm vì họ quá đề cao ý riêng của mình.

Xin Chúa ban cho chúng con biết nhận ra ý Chúa trong những phép lạ của cuộc đời. Ước gì qua đó niềm tin yêu, phó thác của chúng con nơi Chúa sẽ được thăng tiến mãi mãi. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi cứ phá hủy đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Bài Tin mừng tường thuật việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong sân đền thờ Giêrusalem. Hành động này được các nhà chú giải gọi là “Thanh tẩy Đền thờ”.

Thanh tẩy như thế nào ? Chính Chúa Giêsu giải thích “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Thực ra những thứ được bày bán trong sân Đền thờ cũng nhằm phục vụ cho việc thờ phượng bên trong Đền thờ thôi (cung cấp các lễ vật, đổi tiền cho người ta nộp thuế Đền thờ). Nhưng những thứ đó đã làm lệch lạc sự thờ phượng, vì người bán thì chạy theo lợi nhuận, người mua thì nghĩ rằng có thể dùng những lễ vật ấy để mua lòng Thiên Chúa, thậm chí giới tư tế quản lý Đền thờ cũng ăn tiền hối lộ của những người muốn có một chỗ buôn bán trong sân Đền thờ.

Tóm lại, Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ là thanh tẩy một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chúa, mà là thờ quyền lợi của mình, dùng lễ vật dâng cho Thiên Chúa để mua chuộc Thiên Chúa để Ngài bảo vệ và củng cố quyền lợi vật chất của mình.

Khi Chúa Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Ngài ngầm cho biết Đền thờ mới chính là thân thể Ngài. Như vậy, qua hành động thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: sự thờ phượng đích thực của thời Tân ước là thờ phượng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Lời Chúa h6một nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại việc thờ phượng của chúng ta:

– Thờ Chúa hay là thờ quyền lợi của chúng ta ? Chúa chỉ là một phương tiện mà chúng ta lợi dụng để tìm kiếm và củng cố quyền lợi của mình.

– Khi chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, những việc lành và những lễ vật thì chúng ta cùng lắm chỉ mới làm như người do thái xưa thôi. Chúng ta có biết kết hợp với Chúa Giêsu, với thập giá và lễ tế của Ngài không ?

– Sự thờ phượng đích thực không phải chỉ ở trong nhà thờ, mà còn trong cuộc sống: sống “vì Người, với Người và trong Người”, cho dù cách sống đó là điên rồ và vấp phạm đối với cái nhìn của thế gian.

2. Chúa Giêsu rất hiền từ, nhưng hôm nay Ngài rất giận, đến nỗi Ngài đánh đập người ta, xô ngã bàn ghế, hất tung tiền bạc… Tại sao ? Vì Ngài thấy Thiên Chúa bị lợi dụng thành một món hàng buôn bán. Khi ta không thờ phượng Chúa mà chỉ coi Thiên Chúa như một món hàng thì Chúa Giêsu cũng nổi giận như vậy.

– 3. Tâm hồn chúng ta cũng là Đền thờ Thiên Chúa. Hãy coi lại xem trong đó thực sự có Chúa hay không ? Hay chỉ có tiền bạc, lợi lộc, thú vui… ? Có cần Chúa Giêsu thanh tẩy tâm hồn ta không ?

4. Một công nhân hầm mỏ được một anh bạn hỏi:

– Anh làm gì trong Hội Thánh kinh Hải ngoại vậy ?

– Tôi làm việc dịch thuật.

– Anh mà đòi dịch thuật ?

– Đúng, tôi lo dịch Lời Chúa trong Thánh kinh vào đời sống hằng ngày của tôi. (góp nhặt)

5. Một số nhà truyền giáo đến thăm M. Gandhi. Ông đề nghị các Ngài hát một bài Thánh ca.

– “Bài nào ?”

– “Bài nào mà qúi vị thấy là diễn tả đức tin sâu sắc nhất.”

Tất cả đồng thanh hát bài Suy tôn Thánh giá (góp nhặt)

6. “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16)

Khi còn là sinh viên, Mahatma Gandhi đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc Thánh kinh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Mahatma Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đục khoét xã hội Ấn Độ. Ông nghĩ đến việc gia nhập Giáo Hội.

Thế nhưng ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: vừa đến cửa nhà thờ thì ông bị những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự Thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.

Vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược với tinh thần của Tin mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp con cải thiện bản thân, để mỗi ngày xứng đáng là đền thờ Chúa hơn, để con là trung gian, nhờ đó con người tìm đến với Chúa và Giáo hội của Người (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

A. DẪN NHẬP

Các bài đọc Chúa nhật hôm nay nói về lề luật của Chúa và đền thờ của Ngài. Ngài ban bố lề luật qua ông Maisen và dùng Con Ngài là Đức Giêsu Kitô để nói về đền thờ. Luật của Chúa là đường lối dẫn con người đến hạnh phúc, còn đền thờ của Ngài là nơi chúng ta đến gặp gỡ, tiếp xúc với Ngài, hầu chúng ta tìm được niềm tin và sức mạnh cho tâm hồn.

Mỗi người có nhiều đền thờ vật chất nhưng chỉ có một đền thờ thiêng liêng là thân xác mình theo lời thánh Phaolô dạy: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?” (1Cr 3,16).

Chúng ta có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ cả hai loại đền thờ đó bằng bất cứ giá nào dựa vào Thánh kinh: “Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa làm hao tổn thân tôi” (Tv 68,10). Hãy tôn trọng thân xác mình và đừng biến nó thành hang trộm cướp. Đừng để cho của cải vật chất chi phối tâm hồn mình. Hãy biến thần Mammon thành đầy tớ trung thành phục vụ ta, và hãy cố gắng biến thân xác và linh hồn mình thành “Ngôi Thánh Đường” của Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Xh 20,1-17

Thiên Chúa đã dùng ông Maisen giải phóng dân Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai cập. Khi đến núi Sinai, Thiên Chúa ban bố lề luật cho Maisen và ông đã truyền lại cho dân chúng. Luật ấy được gọi là “Thập giới” hay “Mười điều răn”. Đối với họ “Mười điều răn” là cách đọc được ý muốn của chính Thiên Chúa ngõ hầu sống hiệp thông với Ngài. Đó chính là điểm cốt lõi, cho dầu phần lớn các điều răn còn được thấy ở những nơi khác ngoài Israel.

Thập giới không phải là xiềng xích nặng nề, kìm hãm tự do con người, nhưng là luật chỉ đạo của Thiên Chúa để hướng dẫn và bảo đảm bước đường tiến tới tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa đòi Israel phải tuyệt đối trung thành và tuân giữ các điều răn. Có như vậy, Ngài mới là Chúa của Israel và Israel là dân riêng của Ngài. Ngày nay, chúng ta là dân riêng của Ngài. Điều mà Ngài đòi hỏi Israel cũng là điều Ngài đòi hỏi chúng ta ngày nay.

+ Bài đọc 2: 1Cr 1,22-25

Thánh Phaolô rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh. Theo Ngài, nhờ thập giá Đức Kitô, chúng ta đến được với Chúa Cha, nhưng thập giá lại là điều ô nhục đối với người Do thái và là sự điên rồ đối với người Hy lạp. Người Do thái mong đợi Đấng Cứu thế quyền năng chứ không hèn yếu; người Hy lạp trông vào một sự can thiệp của Thiên Chúa phù hợp với sự khôn ngoan của họ, và đối với Đấng ấy, cái chết không được phép chạm đến.

Nhưng thánh Phaolô lại quả quyết rằng: sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện rõ nhất nơi thập giá và sự khôn ngoan của Thiên Chúa trổi vượt hơn sự khôn ngoan của con người. Do đó, Ngài tự hào về sự khôn ngoan của thập giá bởi vì sức mạnh của Ngài tỏ lộ trong sự yếu đuối: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”.

+ Bài Tin mừng: Ga 2,13-25

Thánh Gioan thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ở sân đền thờ Giêrusalem. Đền thờ là nơi dân Chúa thập phương tụ họp lại để tỏ lòng tôn thờ và dâng tiến lễ vật cho Thiên Chúa. Đền thờ phải là nơi trang nghiêm dành cho việc thờ phượng. Nhưng người ta vì ham lợi lộc đã biến Đền thờ thành nơi buôn bán, ồn ào nhộn nhịp. Đức Giêsu vì nhiệt thành với Thiên Chúa đã dám chấp nhận nguy hiểm dẫn đến cái chết khi nghĩ đến câu Thánh vịnh: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 68,10).

Để trả lời cho những thách thức của họ, Đức Giêsu nói: “Các ông cứ phá huỷ Đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,21). Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài. Và “Nhà Cha” thực sự từ nay sẽ là “đền thờ thân thể Ngài”, và Ngài sẽ là vị tư tế duy nhất muôn đời. Nhưng nhân tính của Ngài sẽ chỉ giữ vai trò trên sau khi bị phá huỷ và trỗi dậy (Ga 2,20).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚAThanh tẩy đền thờ Thiên Chúa

I. ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

Đền thờ là nơi quy tụ mọi người thành cộng đồng tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý là ngợi khen, cảm tạ, cầu nguyện với tinh thần đức tin, đức cậy và đức mến sâu sắc, như Đức Maria đã thể hiện trong lời kinh Magnificat (Sách Giáo lý số 2906-2907).

1. Đền thờ Giêrusalem.

Đền thờ Giêrusalem là một đền thờ nguy nga tráng lệ đã được vua Hêrôđê Cả ra lệnh trùng tu đại quy mô từ năm 19 trước công nguyên và mãi đến năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Sự kiện Đức Giêsu xua đuổi kẻ buôn bán xảy ra vào năm 27-28 sau Chúa Giêsu thì việc trùng tu đó kéo dài 46 năm. Điều này rất phù hợp với thánh Luca 3,2 nói về ngày Chúa chịu phép rửa năm 15 đời hoàng đế Tiberiô. Đây là một nêu mốc khá chắc chắn để tính niên lịch của Chúa. Công việc trùng tu Đền thờ đòi hỏi rất nhiều nhân công. Flavius Joseph nói rằng khi xong việc người ta phải thải về 18.000 người thợ. Như thế mới thấy rằng Đền thờ Giêrusalem lớn lao và đẹp đẽ đến chừng nào.

2. Đức Giêsu xua đuổi người buôn bán.

Vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem, thấy người ta đổi tiền, mua bán súc vật làm ô uế Đền thờ, Ngài lấy làm khó chịu xua đuổi họ ra khỏi Đền thờ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Cũng nên biết là những người ở xa đến, khó có thể đem theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong Đền thờ là cần thiết hay ít ra được dung thứ. Vậy nếu việc mua bán súc vật là tiện lợi cho người từ xa tới, thì sao Đức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật quanh Đền thờ ? Thưa chúng ta thấy có một số lý do:

a) Những khách hành hương

Lễ Vượt qua của người Do thái được tổ chức rất long trọng ở Giêrusalem. Theo luật pháp, mọi người nam Do thái sống cách xa Giêrusalem trong vòng 25 cây số bắt buộc phải đi dự lễ. Trong các lễ của người Do thái, lễ Vượt qua là lễ trọng nhất. Không phải chỉ có người Do thái trong xứ Palestine đến dự lễ, mà các người Do thái ở khắp nơi cũng hướng về quê hương và mong được mừng lễ Vượt qua tại Giêrusalem ít nhất một lần trong đời, giống như người Hồi giáo muốn hành hương về thánh địa La Mecque. Chuyện nghe thật đáng kinh ngạc, nhưng dường như cũng đã có đến 2.200.000 người Do thái đã tập họp về Xứ thánh dự lễ Vượt qua.

b) Việc dâng của lễ

Theo thói quen, mỗi khi hành hương lên Giêrusalem mừng lễ người ta thường dâng của lễ bằng con vật sống. Trong sân Đền thờ có chỗ bán con vật sống là việc bình thường. Nhưng cái không bình thường là sự lạm dụng.

Luật quy định là bất cứ con vật nào dùng làm lễ tế đều phải lành lặn, không tỳ vết. Các chức sắc quản trị đền thờ bổ dụng những người kiểm tra để khám xét con vật, mỗi lần khám xét đều phải trả lệ phí một phần mười hai siếc-lơ. Nếu khách hành hương mua một con vật ngoài đến thờ, chắc chắn con vật ấy sẽ bị từ chối khi khám xét. Ngoài ra, mỗi con vật mua trong Đền thờ có khi phải trả đắt gấp 15 lần so với giá mua bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bóc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công xã hội này càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

c) Việc đổi tiền

Luật buộc mỗi người Do thái phải nộp thuế cho Đền thờ từ 19 tuổi trở lên. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, bằng hai ngày lương công nhật. Trong việc giao dịch bình thường, có đủ mọi thứ tiền ở Palestine, nhưng thuế nộp cho Đền thờ là một thứ tiền riêng của người Do thái, khách hành hương phải đổi lấy thứ tiền này. Người ta lấy lý do là các thứ tiền khác bị xem là ô uế không thể dùng để trả nợ cho Thiên Chúa.

Việc đổi tiền bạc có ăn lời đôi chút là chuyện thường. Kinh Talmud quy định: “Mỗi người cần có đồng nửa siếc-lơ, người ấy phải chi cho người đổi bạc chút ít tiền lời”. Nhưng đàng này khách hành hương phải chịu những tệ nạn bọn đổi bạc với giá cắt cổ. Nhìn thấy những sự bóc lột quá đáng như thế, Đức Giêsu bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Chúa đã lấy dây bện thành 1 ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền.

3. Đức Giêsu bảo vệ Đền thờ

Đức Giêsu đã cảnh cáo bọn họ: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Đây cũng là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng loã trong việc trần tục hoá và thương mại hoá Đền thờ. Tin mừng thánh Mátthêu (21,14), Marcô (11,17),và Luca (19,36) còn trích sách tiên tri Isaia để cảnh giác họ: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Is 56,7).

Khi xua đuổi những người buôn bán trong Đền thờ, Đức Giêsu đã bộc lộ cho chúng ta thấy lòng tôn kính của Ngài đối với nhà của Chúa, và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về cung cách tôn kính những nơi thờ phượng như những thánh địa dành riêng cho việc cầu nguyện mà thôi.

II. ĐỀN THỜ CỦA CHÚNG TA

1. Hai loại đền thờ

Khi Đức Giêsu nói với người Do thái: “Hãy phá huỷ Đền thờ này đi. Nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”. Nếu hiểu chữ “Đền thờ” theo nghĩa vật chất thì làm sao xây dựng lại được, vì Đền thờ này lớn lao phải dựng lại mất 46 năm mới hoàn thành ? Người Do thái không thể hiểu câu nói của Đức Giêsu và cho đó là câu nói hồ đồ và có tính cách phạm thượng. Nhưng ý Đức Giêsu muốn nói: Đền thờ ấy chính là thân thể Ngài.

a) Đền thờ vật chất

Đền thờ vật chất đây là những nhà thờ mà chúng ta xây dựng. Bất cứ một giáo xứ nào, giáo họ nào cũng có một nhà thờ nhà nguyện để giáo dân quy tụ lại tôn vinh Thiên Chúa, nghe lời Chúa và dâng Thánh lễ. Nhà thờ có thể to hay nhỏ, tráng lệ hay bình thường, trang trí bằng mọi hình dạng, nhưng luôn phải có vẻ trang nghiêm đạo đức. Ngày nay các nhà thờ đang mọc lên rất nhiều, đó là một điều tốt, nhưng rồi người ta lại lơ là với nhà Chúa, không chịu đi dự thánh lễ, cầu nguyện, làm các việc đạo đức khiến nhà thờ trở nên… hoang vắng như nhiều nhà thờ ở bên Tây phương!

b) Đền thờ thiêng liêng

Đền thờ thiêng liêng ở đây được hiểu là thân xác chúng ta, con người chúng ta hay là Hội thánh. Chúng ta không ngại tốn công, tốn của để sửa sang hay xây cất nhà thờ. Dù phải hy sinh đến mấy, miễn là làm được nhà thờ là chúng ta không quản ngại. Nhưng còn một đền thờ khác nữa, mà có khi chúng ta chưa lo sửa sang cho đủ, đó là con người chúng ta, thân xác chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần ngự trị”. Vì vậy, song song với việc lo xây cất nhà thờ ở bên ngoài là xây cất nhà thờ nội tâm với một nền móng vững chắc là đức tin và những sự hiểu biết cần thiết về đạo, và những đồ trang trí là những đức tính của một Kitô hữu trưởng thành như khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.

2. Tôn trọng đền thờ chúng ta

a) Nhiệt thành với đền thờ

Thánh kinh hôm nay nhắc nhở ta: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi” (Tv 68,10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho chúng ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy dỗ cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết tôn trọng nhà thờ, nơi thờ phượng thì phải giữ nghiêm trang, không la hét, trò chuyện, xả rác… Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn và bảo vệ nhà Chúa.

Nhìn ra các tôn giáo bạn, ta thấy người Hồi giáo khi vào nhà thờ của họ, phải để giày ngoài sân. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giầy, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giầy nào là của mình trong hai ngàn chiếc giày thì sẽ lộn xộn và khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, để tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn giữ điều lệ này cho tới ngày nay.

b) Bênh vực nhà Chúa

Nói tới việc bênh vực nhà Chúa theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phân biệt hai loại đền thờ, đó là đền thờ vật chất mà mọi người qui tụ về đó để tôn vinh Thiên Chúa. Và còn một đền thờ nữa là con người chúng ta, thân xác chúng ta.

* Bênh vực đền thờ vật chất

Chúng ta đã có nhà thờ dùng để thờ phượng Chúa, để tổ chức những sinh hoạt phụng vụ hay làm các việc đạo đức. Ai cũng yêu mến nhà thờ của mình. Ai cũng bênh vực, không để cho người khác phạm đến nhà thờ. Có khi chúng ta chịu đổ máu để bênh vực nhà thờ của chúng ta.

Nhưng chúng ta phải lưu ý: nhà thờ là nhà của muôn dân, nơi dành cho mọi người đến cầu nguyện, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, màu da, chủng tộc. Nhiều khi vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có lần thành chướng ngại vật ngăn cản anh em tìm đến gặp Chúa: chỉ cần một lời nói cứng cỏi và thiếu tế nhị, một thái độ lạnh nhạt thiếu nhã nhặn hay một cử chỉ khinh thường tha nhân… là chúng ta đã có thể xua đuổi anh chị em lương dân ra khỏi nhà thờ và sau này họ khó có cơ hội khác để trở lại.

Truyện: Mahatma Gandhi vào nhà thờ

Khi còn là một sinh viên, Gandhi được du học tại Nam Phi, một thuộc địa của nước Anh. Tại đây nổi tiếng về tệ nạn phân biệt chủng tộc. Trong thời gian này, Gandhi có dịp đọc Kinh thánh của Kitô giáo và lập tức ông bị giáo thuyết của Đức Giêsu cuốn hút, nhất là kinh Tám mối phúc thật trong Bài giảng trên núi. Ông rất tâm đắc trước lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, là Do thái hay lương dân… Gandhi nghĩ rằng: Có lẽ Kitô giáo là giải pháp tối ưu và hữu hiệu để giải quyết tận gốc sự phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn độ quê hương của ông. Gandhi nghĩ mình nên tìm hiểu và sẽ gia nhập vào Kitô giáo.

Ngày nọ, Gandhi có ý định đi bộ đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý. Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ thì bị người giữ cửa chặn lại và không cho ông bước vào nhà thờ. Bấy giờ ông cho biết ý định tìm hiểu đạo của mình. Nhưng thật là bất ngờ khi người giữ cửa lại nói như sau: “Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu mi muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin!”

Gandhi rất tức giận và bỏ về nhà, ông ghi lại cảm tưởng trong nhật ký của ông như sau: “Tôi rất thán phục Đức Giêsu và giáo thuyết đầy tình nhân ái khoan dung của Ngài. Thế nhưng tôi rất bất mãn mỗi khi tiếp xúc với các tín hữu là môn đệ của Ngài! Nếu trong đạo Kitô mà cũng còn phân biệt chủng tộc như vậy, thì Kitô giáo có hơn gì Ấn giáo có phân biệt giai cấp của tôi ? Thôi, tôi cần chi phải gia nhập đạo này. Tốt nhất là tôi cứ chấp nhận có bất toàn trong Ấn giáo và cố gắng sống theo giáo lý truyền thống của cha ông là đủ!”

* Bênh vực đền thờ thiêng liêng

Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và trở thành đền thờ của Chúa như thánh Phaolô đã nói (x. 1Cr 3,16). Trong nghi thức rửa tội cho trẻ em, linh mục đọc lời nguyện trừ tà xua đuổi ác thần ra khỏi em bé để em được trở nên đền thờ của Chúa: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã sai Con Chúa xuống thế gian, để trục xuất quyền lực của ác thần Satan ra khỏi chúng con, giải thoát và đem con người được giải thoát khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Nước Chúa. Chúng con nài xin Chúa làm cho những em này, sau khi khỏi tội nguyên tổ, được trở thành đền thờ của Chúa uy linh, và xin Chúa cũng cho Thánh Thần ngự trong các em”.

Khi đã trở thành đền thờ thiêng liêng của Chúa chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ cho xứng đáng, đừng bao giờ để cho thần Mammon trở vào chiếm giữ, vì như Chúa nói: “Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đấy” (Mt 6,21). Tiền của là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống vì “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng đừng để cho tiền của lấn át linh hồn. Chúng ta phải khôn ngoan biến tiền của thành đứa đầy tớ trung thành phục vụ mình, đừng bao giờ để cho nó trở thành ông chủ khắc nghiệt chế ngự chúng ta.

Truyện: Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Thỉnh thoảng đài truyền hình Việt Nam lại cho chiếu bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà tác giả là một nữ văn sĩ người Úc theo đạo Tin Lành. Khi viết cuốn tiểu thuyết này, bà đã đứng trong quan điểm của đạo Tin Lành để phê phán luật độc thân của hàng giáo sĩ Công giáo. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về sức mạnh của đồng tiền ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn Giáo hội.

Câu chuyện về một linh mục là cha Ralph. Ralph là một linh mục trẻ nhiều tài năng nhưng cũng đầy tham vọng. Vị linh mục này có nhiều ưu điểm, có sức cuốn hút nhiều người đến với mình. Nhưng đồng thời ông ta cũng muốn được nổi danh và ham mê tiền bạc. Trong số các người mến mộ cha Ralph, có một bà già quý phái giàu có. Bà quý mến cha cách đặc biệt, nhưng không được đáp lại, nên tình yêu đã biến thành hận thù. Thay vì trả thù theo kiểu thường tình, thì người đàn bà này có sáng kiến gài bẫy để bôi đen cuộc đời vị linh mục trẻ: trước khi chết, bà đã làm tờ di chúc dâng cúng toàn bộ tài sản kếch xù của bà cho Giáo hội Công giáo, với điều kiện duy nhất là Giáo Hội phải cử cha Ralph quản lý số tài sản đó. Cách trả thù của bà quý phái giàu có đã thành công: cha Ralph dần dần được cất nhắc lên địa vị khá cao trong Giáo hội. Nhưng đồng thời chính đồng tiền mà cha quản lý đã làm cho đời sống tinh thần của cha ngày một xuống cấp và cuối cùng cha đã sa ngã vào các đam mê tội lỗi, trái với sự tình nguyện “sống độc thân vì Nước trời” mà Cha đã khấn hứa (Theo Lm. Đan Vinh).

3. Hãy biến cuộc đời mình thành đền thờ

Chúng ta là những Kitô hữu, cuộc sống chúng ta đã được dâng hiến cho Thiên Chúa và đã trở thành đền thờ cho Chúa ngự. Nỗ lực của chúng ta là phải làm sao sống xứng đáng là đền thờ của Chúa, đừng bao giờ đuổi Chúa ra khỏi đền thờ này. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng biến cuộc đời của chúng ta thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi ngự trị.

Charles Singer có một bài thơ ngụ ngôn nói về đề tài này: hãy biến cuộc đời thành “Ngôi Thánh Đường”. Xin trích một đôi câu trong bài thơ này:  Lạy Chúa, cuộc đời con là một ngôi Thánh đường,

Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,

Con tự hào với tất cả niềm tin,

Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,

Để vươn lên thật cao quý tôn nghiêm…

Lạy Chúa, Ngôi thánh đường của đời con,

Không thể xong trong một sớm một chiều,

Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng…

Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,

Chính Ngài, con không quá lời đâu:

Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,

Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con. (Trích Lm. Trương Đình Hiền)

Và để kết thúc, ta hãy đọc lời nguyện sau đây được viết trên cửa một nhà thờ nọ:

Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng, để có thể đón tiếp mọi người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em; nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chặn mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà.

Xin làm cho ngưỡng cửa này đủ phẳng, để bước chân của trẻ thơ và những người lầm đường lạc lối vào đây mà không bị vấp ngã.

Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa. (Theo Flor McCarthy)

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

ĐỀN THỜ LÀ THÂN THỂ NGƯỜI

Vào thời Đức Giêsu, Đền thờ Giêrusalem đã gần xong.

Công việc trùng tu và nới rộng đã bắt đầu từ 46 năm qua.

Đây là một công trình đẹp đẽ, hoành tráng (Lc 21,5-6).

Đền thờ được vây quanh bởi bốn bức tường bằng đá.

Trong Đền thờ có Nơi Cực Thánh,

có Nơi Thánh cho các tư tế, có chỗ cho nam giới và nữ giới,

cũng như có tiền đình rộng rãi cho dân ngoại.

Những người sống bằng nghề đổi tiền,

hay người buôn bán các con vật để dâng làm của lễ

thì phải hành nghề ngoài khuôn viên Đền thờ.

Chắc Đức Giêsu bắt gặp nhóm này ở trong khuôn viên,

nên Ngài đã bất ngờ nổi giận với họ.

Hiếm khi ta thấy Đức Giêsu nổi giận và dùng bạo lực.

Ngài đã mời các môn đệ học Ngài về hiền lành,                                                     

vậy mà bây giờ Ngài bện dây thừng làm roi

mà đuổi cả người lẫn chiên bò bồ câu, ra khỏi Đền thờ.

Ngài lật nhào bàn của người đổi tiền, khiến tiền tung tóe.

Sau này các môn đệ mới hiểu cơn giận của Thầy

đến từ lòng nhiệt thành của Thầy đối với nhà Chúa.

Thầy Giêsu đã muốn thanh tẩy Đền thờ, nhà của Cha.

Khi người Do-thái đòi Ngài cho họ một dấu lạ (Ga 2,18),

Đức Giêsu đã ám chỉ đến dấu lạ là sự phục sinh của Ngài.

Ngài biết thân thể Ngài là Đền thờ Thiên Chúa ngự.

Ngôi Đền thờ này có lúc sẽ bị người ta phá hủy,

thân thể này có lúc sẽ bị giết chết.

Nhưng Ngài tin, nhờ Cha, thân thể này sẽ phục sinh:

“Nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại Đền thờ này.”

Chẳng ai hiểu câu nói trên đây của Đức Giêsu (Ga 2,19).

Có người tưởng Ngài nói về Đền thờ Giêrusalem (Ga 2,20).

Các môn đệ thì mãi sau khi Thầy được phục sinh,

nhờ Thánh Thần giúp họ nhớ lại, họ mới hiểu(Ga 14,26)

Đền thờ này là thân mình Đấng phục sinh (Ga 2,22).

“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!”

Đức Giêsu đã thẳng tay đuổi mọi kẻ buôn bán,

với đàn vật của họ, chiên bò bồ câu, với tiền và bàn đổi tiền.

Những thứ đó không xấu, thậm chí cần thiết cho phụng tự.

Nhưng khuôn viên Đền Thờ không phải là chỗ để bán buôn,

ồn ào với tiếng người mặc cả, cãi vã,

hay ô uế hôi hám với mùi của các con vật.

“Các anh không được làm nhà Cha tôi thành nhà buôn bán.”

Mọi nhà thờ, nhà nguyện đều là nhà của Thiên Chúa.

Hội Thánh là nhà của Thiên Chúa, là Đền thánh (Ep 2,21-22).

Mỗi tín hữu cũng là đền thờ của Thiên Chúa (1 Cr 3,16-17),

Và thân thể họ là đền thờ của Thánh Thần (1 Cr 6,19).

Xem ra Thiên Chúa có nhiều đền thờ và nhà trong thế giới.

Đức Giêsu vẫn muốn ta đừng kinh doanh bằng nhà của Cha,

đừng phá vỡ bầu khí thinh lặng cầu nguyện.

Ngài xin chúng ta đừng đuổi Thiên Chúa ra khỏi nhà,

đừng phá hủy đền thờ thân xác bằng hành vi ô uế.

Bài Tin Mừng này được đọc vào Mùa Chay,

Mùa của hoán cải và thanh tẩy.

Chúng ta cần để cho Đức Giêsu dọn dẹp lòng mình,

cất bỏ đi những nặng nề, vướng víu, trần tục,

để thư thái, tự do gắn bó với những điều vĩnh cửu.

Thân xác chịu chết và phục sinh của Đức Giêsu

đã trở thành ngôi Đền Thờ mới, mẫu mực cho mọi đền thờ.

Nếu giữ lời của Thầy Giêsu, chúng ta cũng sẽ thành đền thờ,

nơi Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại (Ga 14,23).

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

xin đánh thức con.

Xin đưa con ra khỏi cơn mê

mà tự sức con không sao thoát ra được.

Xin đừng ngại đánh thức con

bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,

nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ

đang cắt tỉa con vì yêu con.

Ước gì con được tỉnh táo

để nhìn lại vẻ đẹp làm con say mê,

những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.

Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,

xin cho con thức luôn và sáng luôn,

trước nhan Chúa.