CẢM ƠN THÁNH GIA-CÔ-BÊ        

Phaolô Trang Lập Quang
Xđ. Tùng Lâm, GP Đà Lạt

Trước cổng chợ Đà Lạt, một số người buôn gánh bán bưng bày đủ thứ mặt hàng: nào là áo quần cũ, xôi chè hoặc đồ chơi trẻ em… Họ là những người nghèo không đủ tiền để đăng ký một chỗ trong chợ. Nay họ ngồi nơi này mai lại chuyển sang nơi khác nhưng vẫn loanh quanh trước cổng chợ. Do cách buôn bán “du mục” nên họ không phải đóng thuế. Chính điều này, mỗi khi quản lý thị trường đến là họ túm lấy hàng hóa của mình chạy tứ tung làm náo loạn cả cổng chợ. Một vài người kém may mắn bị bắt thì mất “cả chì lẫn chài” mà còn bị phạt. Nhưng do cuộc sống chẳng biết làm gì sinh nhai nên họ lại vay mượn để “thua keo này, bày keo khác”.

Có lẽ họ cho rằng “đoàn kết là chết chùm, chia rẽ là chết lẻ tẻ”, vì buôn bán mà chưa có giấy phép thì nhà nước luôn cấm đoán, cho dù họ có đoàn kết hay chia rẽ thì đàng nào cũng “chết”. Để đối phó, thường xuyên họ ra tín hiệu cho nhau mỗi khi thấy bóng dáng quản lý thị trường để khỏi “chết lẻ tẻ”. Trừ những dịp lễ lớn, nhà nước truy quét triệt để nên họ có thể “chết chùm”. Nhưng những ngày ấy, họ lại bán ở chỗ lễ hội hoặc ở nhà cho ăn chắc!

Hạnh là một trong số những người buôn gánh bán bưng trước cổng chợ. Đôi lúc cô cảm thấy mệt mỏi vì cuộc sống quá khắc nghiệt. Với một ít trái cây lời lãi chẳng bao nhiêu mà lúc nào cũng phải cảnh giác, cũng ở tư thế tháo chạy như “thời chiến”. Nhưng không buôn gánh bán bưng thì biết làm gì để sống, vì cô sinh ra trong nội thành nên không có đất sản xuất. Cũng như bao người ở thành phố, họ phải ra sức học hành để làm việc cho nhà nước và các công ty hoặc làm công nhân và buôn bán.

Sau khi tốt nghiệp đại học Đà Lạt thuộc hạng khá, nhưng Hạnh không xin được việc ở các cơ quan nhà nước, nên đành tìm đến những nhà phân phối, rồi làm nhân viên bán hàng. Ở Đà Lạt, nhân viên bán hàng cho các nhà phân phối thường gọi là “Sale”. Nhiệm vụ của Hạnh là đến các quán tạp hóa để ghi đơn hàng với mức lương là mười triệu đồng một tháng, nhưng phải tự túc ngay cả xăng dầu. Đã làm kinh tế thì lợi nhuận luôn đặt lên hàng đầu, nên các nhà phân phối định mức cho mỗi sale phải ghi đơn hàng ở các quán tạp hóa tối thiểu là năm mươi triệu đồng trong một tháng. Nếu hai tháng liền mà sale không đạt chỉ tiêu sẽ buộc thôi việc!

Ở Đà Lạt có rất nhiều nhà phân phối, mỗi nhà phân phối lại có ba hoặc bốn sale. Vì thế, ngày nào người ta cũng thấy các sale túa ra đường đi khắp mọi nơi để ghi đơn hàng, thậm chí đi xa đến vài chục cây số hoặc vào các buôn làng xa xôi, bất kể mưa dầm gió bấc chỉ mong sao đạt được chỉ tiêu. Nhất là những ngày gần cuối tháng mà sale nào chưa ghi được năm mươi triệu, thì cuống quýt lên nên nài nỉ những quán tạp hóa, đến mức làm cho chủ quán phải bực mình, vì họ có lấy thêm hàng mà bán không kịp sẽ hết hạn sử dụng nên muốn giúp nhưng lực lại bất tòng tâm.

Cách đây nửa năm, hai tháng liền Hạnh ghi đơn hàng không đạt chỉ tiêu nên bị buộc thôi việc. Cô tìm đến những nhà phân phối khác nhưng ở đây đã đủ người, trừ khi sale nào bị sa thải cô mới chen chân vào được. Cũng có một vài nhà phân phối luôn giang tay chào đón cô nhưng lương bổng lại quá thấp, chẳng đủ chi tiêu mà vẫn chịu áp lực về định mức nên cô không muốn làm. Trong khi thất nghiệp, cô tìm cách sống qua ngày, nên mua ít trái cây để bán trước cổng chợ.

Hôm ấy, quản lý thị trường bất ngờ ập tới. Tuy cô đã nhận được tín hiệu từ các “người cùng khổ” nhưng với ba mươi ký trái cây trên vai, cô không thể chạy nhanh được nên bị bắt. Hạnh thật sự lo lắng xen lẫn một chút đau khổ, vì hiện nay cô đang túng thiếu lại mất “cả chì lẫn chài” mà còn bị phạt thì biết sống ra sao. Hạnh cũng biết có nài nỉ cách nào đi nữa, thì những người gần như vô cảm này chẳng bao giờ tha cô.  Trong cơn tuyệt vọng, bỗng Hạnh nghe tiếng một thanh niên.

– Trái cây của tôi đó! Tôi nhờ cô này mang đến để đóng thùng gởi về quê.

– Sao cô này lại bỏ chạy? Mà chạy từ cổng chợ?

– Các anh làm như bắt cướp! Náo loạn cả lên ai mà chẳng sợ. Chính tôi, tôi cũng sợ. Cô này mang trái cây ra cổng chợ giao cho tôi. Thấy cô chạy tôi cũng chạy theo muốn hụt cả hơi.

Quản lý thị trường không muốn tranh cãi với anh thanh niên nên bỏ đi và Hạnh đã thoát nạn. Người thanh niên ấy là Thái, anh vào chợ tìm mua ít mứt vì mẹ anh rất thích hồng sấy khô. Khi loanh quanh bên những hàng mứt, anh thấy trước cổng chợ náo loạn cả lên và nhiều người bỏ chạy bởi một cuộc rượt bắt, rồi một cô gái chạy gần đến anh thì bị quản lý thị trường túm được áo lôi lại. Anh vội vàng chạy đến để cứu giúp. Sau khi hỏi chuyện, Thái thấy thương cảm nên đề nghị:

– Tôi thấy việc buôn bán này quá bấp bênh. Nếu cô đồng ý tôi sẽ giới thiệu với một nhóm cắt bông khoán vì nhà tôi chuyên trồng hoa nên quen biết họ.

– Em không quen việc vườn tược chắc không làm được đâu!

– Cắt bông khoán có nhiều công đoạn, nào là khâu cắt bông, khâu chuyển bông ra khỏi những luống hoa, khâu bó lại từng chục bông, khâu đóng thùng… mỗi người một việc. Chưa quen thì làm khâu đơn giản nhất rồi dần dần sẽ biết làm hết. Cô cứ thử xem, nếu không được thì tìm việc khác.

Hạnh lúc này như người ở bước đường cùng nên cô đồng ý ngay. Ở Đà Lạt có rất nhiều nhóm cắt bông khoán, riêng nhóm của Hạnh cứ quanh quẩn trong khu vực gần nhà Thái nên hai người thường xuyên gặp nhau rồi nảy sinh tình ý và bắt đầu yêu.

Hôm ấy, nhân lúc rảnh rỗi, Hạnh ghé nhà Thái đúng lúc Thúy là con gái cưng của ông giám đốc cũng có mặt. Vì Thái là một kỹ sư giỏi lại có ngoại hình đẹp, không những thế anh rất năng động và tế nhị, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình nên Thúy đem lòng cảm mến rồi yêu. Hơn nữa, ông giám đốc rất quý mến anh kỹ sư trẻ có nhiều tài năng và muốn chọn anh làm con rể tương lai, nên hứa sẽ tạo điều kiện để anh thăng tiến trên bước đường công danh.

Sau khi trò chuyện ít nhiều, Hạnh cũng hiểu được mọi chuyện rồi nhìn lại thân gái nghèo hèn của mình nên rất đau khổ vì cô không muốn xa rời người yêu. Trước một cô gái giàu sang lại có thể giúp Thái thăng tiến về mọi mặt, nên cô chấp nhận thua cuộc và cảm thấy cuộc đời sao quá phũ phàng. Riêng Thúy được sinh ra trong gia đình danh giá lại giàu có nên hơi kiêu căng và xem Hạnh như một người làm thuê hạ đẳng nên khi thấy bức chân dung nho nhỏ của Hạnh trên bàn làm việc của Thái, cô bực bội và có những lời thiếu tế nhị:

– Đũa mốc lại muốn trèo mâm son!

Thúy tin chắc với sắc đẹp của cô và sự nâng đỡ của người cha giám đốc, Thái sẽ thăng tiến trên bước đường công danh và một tương lai sáng lạn đang chờ đón anh, nên anh sẽ quên đi cô bạn gái nghèo hèn này. Nhưng cô đâu biết rằng, một trái tim đã yêu thương sâu đậm sẽ đè bẹp tất cả những vinh hoa phú quý và chẳng màng đến danh lợi của cuộc đời. Cô cũng thật sự ngỡ ngàng trước lập trường kiên định của anh kỹ sư trẻ, sẵn sàng chấp nhận “uống chén đắng” chẳng sợ gì sự phẫn nộ của kẻ có chức có quyền và cũng chẳng màng đến vinh hoa phú quý chỉ vì một chữ yêu. Nhưng chính “chén đắng” này lại mở ra cho anh một chân trời yêu thương để hai trái tim hòa cùng một nhịp đập, vì sống trên đời không có gì quý giá hơn tình yêu chân thật và tình yêu cũng chính là cội nguồn của Thiên Chúa.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, đồng tiền được đưa lên vị trí thượng tôn nên con người có xu hướng thiên về danh và lợi. Không những ngày nay mà trước đây, hơn hai ngàn năm cũng có tình trạng này. Vì thế, chúng ta không lạ gì lời cầu xin của mẹ hai Thánh Giacôbê và Gioan, để một người được ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Chúa Giêsu, còn các thánh tông đồ khác ai cũng muốn có quyền cao chức trọng. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy bảo: “Thủ lĩnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân” (Mt 20,25). Còn “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27). Rồi Người làm gương cho các môn đệ và cúi xuống rửa chân cho các ông. Nhờ lời giáo huấn và thái độ sống yêu thương của Chúa đã hoán cải các môn đệ. Vì thế, các ông đã trở nên những chứng tá của Tin Mừng và chấp nhận “uống chén đắng” rồi được diễm phúc tử vì đạo.

Do tham vọng quyền lực của Thánh Giacôbê mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta những lời dạy đắt giá về cách phục vụ trong khiêm hạ. Vì từ cổ chí kim ai cũng muốn công thành danh toại, chức cao quyền trọng. Ai cũng muốn làm lớn để thống trị và cai quản mọi người, đó là cám dỗ lớn nhất của nhân loại. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường phục vụ trong tình yêu, để những ai làm lớn phải là người phục vụ và là đầy tớ của mọi người. Vì đi ngược với lẽ thường tình nên những người theo Chúa phải “uống chén đắng”, phải hy sinh quên mình để thể hiện một tình yêu trong Chúa. Nhưng “chén đắng” này lại xây đắp nên tình người và dẫn đưa những ai thực thi ý Ngài được lên Thiên quốc hưởng phúc đời đời trong những ngày sau hết.

Chúng ta hãy cảm ơn Thánh Giacôbê, vì nhờ ngài chúng ta nhận được lời giáo huấn đầy yêu thương của Chúa Giêsu để xây dựng một thế giới hòa bình và luôn chan chứa tình người.