TÒA THÁNH VATICAN VỚI  NGÀNH NGOẠI GIAO ƯU VIỆT

                                                   Vinh Sơn Vũ Đình Hải Đường

Mấy tháng gần đây, trên hệ thống truyền thông trong nước cũng như hải ngoại có nhiều bài đề cập đến sự giao hảo giữa Việt  Nam và Tòa Thánh Vatican diễn ra rất tốt đẹp. Kết quả Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Viêt Nam, đã đến Hà Nội lúc 15g25 ngày 31.01. 2024 khởi đầu nhận sứ vụ. Nhân đây, ta cùng tìm hiểu đôi nét về Ngành Ngoại giao của Tòa Thánh hiện diện trên 184 nước, cho dù Quốc gia này nhỏ bé so với các Cường quốc trên thế giới.

Trước đây, sự kiện Đức Giáo Hoàng gửi Đại sứ tới các nước là một việc đã có từ lâu, kể từ cuối thế kỷ thứ IV, chứ không phải chờ cho tới khi Quốc gia Vatican được thành lâp. Từ ngày 11.02.1929, giữa Đức Giáo Hoàng Piô XI và Chính phủ Ý qua Hiệp ước Lateran, thì Vatican được coi như quốc gia độc lập, dù nằm trên địa giới nước Ý Đại Lợi, mà vẫn tự chủ với đầy đủ chủ quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tiếp đến Đức Giáo Hoàng vừa là vị Nguyên thủ Quốc gia Vatican vừa là vị Lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo với 1 tỷ 300 triệu tín đồ rải rác khắp hoàn vũ.

Qua dòng thời gian, đặc biệt là từ thế kỷ XVI trở đi, việc Đức Giáo Hoàng gửi đại diện thường trực tại một số quốc gia và tiếp nhận đại sứ của các nước này tới, đã trở thành một thông lệ. Tòa Sứ thần Tòa Thánh đầu tiên được thành lập năm 1500 tại Cộng Hòa Venezia, riêng Quốc gia không Kitô giáo đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh là Nhật Bản vào năm 1942.

Quốc gia Vatican chỉ rộng 44 hecta, dân số khoảng 860 người. Tòa thánh không quân đội, chỉ dùng 134 Vệ binh danh dự người Thụy Sĩ (Swiss Guards), chủ yếu gìn giữ trật tự trong nội thành. Vì Kinh thành Rôma hiện nay danh tiếng là nơi hội tụ văn minh từ thời Cổ đại, Trung cổ, Phục hưng cho tới thời Hiện đại, và còn là xứ sở tập trung những tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật  của âm nhạc, kịch nghệ, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nên du khách đến rất đông.

Đề cập cách riêng tới các đại sứ quán bên cạnh Tòa Thánh, mặc dù ở trên lãnh thổ Italia, nhưng vẫn có đầy đủ các quyền và đặc ân ngoại giao, theo công pháp quốc tế, cho dù quốc gia đó không có quan hệ ngoại giao hoặc ở trong tình trạng thù địch với Italia. Và Tòa Thánh cũng không chấp nhận một đại sứ cạnh chính phủ Italia kiêm nhiệm chức vụ đại sứ cạnh Tòa Thánh. Đại sứ quán của nước liên hệ cạnh chính phủ Italia phải khác biệt với đại sứ quán cạnh Tòa Thánh.

Hiện nay, ngoài con số 184 Quốc gia thiết lập ngoai giao chính thức, Tòa Thánh còn có quan hệ ngoại giao với 16 tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Phi Châu và tổ chức các quốc gia Mỹ Châu.

Theo thông lệ, các vị Khâm sứ hay Sứ thần Tòa Thánh ở các quốc gia trên thế giới thường được các vị  đại sứ trong ngoại giao đoàn rất nể trọng, nên trong các buổi lễ quan trọng hay tiếp tân hằng năm tại quốc gia sở tại, việc đọc diễn từ, diễn văn thường đề cử Đức Khâm sứ tuyên đọc… phải chăng do giới ngọai giao nước ngoài nhận xét thấy các vị ngoại giao Vatican là những người tinh tế, có trình độ uyên bác. Liên quan đến việc này, Ông Oded Ben-Hur, cựu đại sứ Israel cạnh Tòa Thánh nhận xét: “Các viên chức ngoại giao Tòa Thánh cũng như các nhân viên ngoại giao của các nước, với những năng khiếu khác nhau, nhưng họ có một lợi điểm là có trình độ văn hóa cao, biết các sinh ngữ, biết lịch sử và được thông tin phong phú ”.

Toà Thánh rất quan tâm đến lĩnh vực ngoại giao, nên trong Giáo luật hiện hành đã dành 6 điều khoản từ số 362 đến 367 dể nói về các vị sứ thần và các phái viên của Đức Thánh Cha. Theo đó, Đức Thánh Cha có quyền bổ nhiệm các phái viên làm đại diện cho mình và  gửi họ  tới Giáo hội địa phương hoặc tới Chính phủ các quốc gia. Nhiệm vụ chính yếu của vị Sứ thần hay Khâm sứ là lo liệu để mối giây hiệp nhất giữa Tòa Thánh với các Quốc gia và Giáo hội địa phương mỗi ngày thêm bền chặt và hiệu quả, cùng làm cho công việc liên quan tới sứ mạng của Tòa Thánh trước mặt chính phủ được tốt đẹp hơn.

Để làm tròn nhiệm vụ, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, hầu hết các nhà ngoại giao Tòa Thánh đều xuất thân từ trường Ngoại giao của Tòa Thánh (Pontificia Ecclesiastica). Trường này được thành lập năm 1701 do 1 vị Tổng Giám mục làm Giám đốc. Hiện nay có khoảng 30 linh mục, sinh viên, đủ mọi quốc gia, thụ huấn trong vòng 4 năm, mỗi năm có khoảng 12 linh mục, sinh viên được nhận vào. Họ là linh mục triều, không quá 35 tuổi và phải có ít nhất là bằng thạc sĩ (Licenza) Giáo luật. Khi ra trường, các vị này phải có bằng tiến sĩ. Trong thời gian ở trường Ngoại giao, ban sáng họ đi học tại các trường đại học hoặc Học viện Giáo Hoàng ở Rôma, ban chiều thì học về các môn như lịch sử, đặc biệt ngoại giao, cách thức ngoại giao, các sinh ngữ. Mùa hè năm thứ ba, họ thực tập 1 tháng ở Phủ Quốc Vụ Khanh, và trước khi ra trường, được học thêm về mật mã nữa.

Nhân đây ta cũng tìm hiểu về thứ bậc trong ngành ngoại giao Tòa Thánh qua các danh xưng:

1/ KHÂM SỨ hay KHÂM MẠNG TÒA THÁNH (Delegati Apostolici): Là người đại diện  của Đức Gíáo Hoàng tại các Quốc gia dù Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao, nên Khâm sứ đến để liên hệ với Giáo hội ở nước sở tại trên lãnh vực phụng tự. Riêng trong nội bộ Công giáo, phẩm vị Khâm sứ Tòa Thánh ngang hàng với Sứ thần Tòa Thánh, vì đều gọi chung là Sứ thần và hầu hết  trên cương vị là một Tổng Giám mục, nhưng về mặt quan hệ quốc tế, thì Khâm sứ không có tư cách ngoại giao chính thức như Sứ thần. Dù vậy, ở một số quốc gia thì Khâm sứ cũng có một số thẩm quyền nhỏ về ngoại giao (nơi ở và làm việc của Khâm sứ gọi là: “Tòa Khâm s”).         

2/ SỨ THẦN TÒA THÁNH (Nuntii Apostolici): Cũng là người đại diện thường trực của Đức Giáo Hoàng, nhưng trong tư cách Ngài là người đứng đầu nhà nước Vatican, tại những Quốc gia có thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh. (Chức vụ: “Sứ Thần Tòa Thánh” tương đương với chức “Đại Sứ các nước.

3/ KHÂM SAI hay KINH LƯỢC TÒA THÁNH (Visitatores Apostolici): Là những Phái viên có tính cách ngoại thường, được giao cho một sứ mạng đặc biệt nhất định nào đó, cũng chỉ liên quan tới nội bộ Giáo hội Công giáo mà thôi.

Theo giới truyền thông cho biết, ngày 18.01.2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ân cần tiếp phái đoàn Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn đầu do ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại Trung ương Đảng một cách trọng thị. Tiếp đến, Đoàn diện kiến Đức Hồng Y Pietro Paroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (tương đương chức Thủ Tướng chính phủ). Sau đó, Đoàn đã gặp gỡ, trao đổi với Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã đánh giá: “Việt Nam thực sự là một Quốc gia quan trọng trong khu vực, xét về nhiều phương diện”, cùng theo lời mời của Chính phủ, Ngoại trưởng sẽ đến Việt Nam vào tháng 4. Kế tiếp, Đức Hồng Y Pietro Paroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (tương đương với chức Thủ tướng Chính phủ) nhân vật số 2, cũng sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay 2024.

Chúng ta được biết, trước đó, vào ngày 08.01.2024, như thông lệ vào dịp đầu năm mới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Nhân dịp này, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố một thông báo với những số liệu về hoạt động  ngành Ngoại giao của năm 2023 trong đó đã nhấn mạnh:

  • Hiện nay có 184 Quốc Gia có ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh và việc ký kết thỏa thuận về quy chế của đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam được xem là Hiệp ước quan trọng nhất trong các hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh trong năm 2023 và là bước tiến đặc biệt quan trọng trong việc tiến tới quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Tòa Thánh và Việt Nam…”-

    Thật là điều đáng mừng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam!

                                                          Hoa Thịnh Đốn, ngày 10.03.2024