SUY NIỆM LỜI CHÚA: CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C

SÁM HỐI
(Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9)

Tu sĩ Giuse Vũ Minh

Có một câu đố vui rằng: Điều kiện để được tha tội là gì? Và câu trả lời thật bất ngờ: Muốn được tha tội thì phải có tội. Cho dẫu là câu đố vui nhưng nó phản ánh một sự thật, nếu chúng ta không ăn năn sám hối vì tội mình đã phạm thì không được tha thứ. Bài Tin Mừng hôm nay nói về tâm tình sám hối mà mỗi tội nhân cần thực hiện để được đón nhận ơn tha thứ của Chúa là Đấng nhân hậu và hay thương xót.

Người Do Thái ngày xưa quan niệm rằng, muốn biết ai là người có tội thì cứ căn cứ vào những dấu chỉ bên ngoài. Thí dụ như bị tai nạn, bị trừng phạt… Tin Mừng kể lại Chúa Giêsu đã nói về hai biến cố thời sự làm cho nhiều người chết thảm khốc. Một là việc Philatô giết một số người Gallilê – những người Galilê nói ở đây là những người đến Giêrusalem dâng lễ tế – chắc họ đã gây ra một vài hỗn loạn trong khuôn viên đền thờ, do đó đội binh La mã ở trong đồn Antonia đã ra tay can thiệp và tàn sát tại chỗ không nuơng tay và sự kiện thứ hai là việc tháp Siloe đổ xuống làm chết 18 người trước đó. Phải chăng những người này có tội nên bị giết và bị chết như thế? Đối với người Do Thái là thế. Nhưng đối với Chúa Giêsu đã xác định “không phải thế đâu”. Người nhắc cho mọi người ý thức thân phận tội nhân của mình và hết thảy mọi người phải sám hối, “nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng phải chết như vậy”. (Lc 13,5)

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng hòa điệu bằng lời cảnh tỉnh chúng ta như sau: “Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm… Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã” (1Cr 10,1-6.10-12). Thật vậy, ai cũng là người có tội nên đừng huênh hoang tự đắc. Câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện vẫn là bài học nhắc nhở chúng ta ý thức thân phận tội lỗi, mỏng dòn của mình và rất cần sám hối để được ơn tha thứ. Lời cảnh tỉnh của vị Tông đồ dân ngoại càng làm cho chúng ta -những kẻ kiêu ngạo- biết “quay đầu là bờ” để thống hối các tội mình đã phạm.

Tất nhiên, “nếu Chúa chấp tội nào ai được cứu rỗi” (Tv 130), Thiên Chúa vẫn một lòng bao dung tha thứ. Câu chuyện về cây vả chết khô không sinh trái trong trình thuật của Thánh Luca lại làm cho chúng ta bừng cháy niềm hy vọng. Thiên Chúa là người trồng cây, Chúa Giêsu là người làm vườn, và dân Israen là cây vả không sinh trái. Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Israen làm dân riêng của Người, và ban cho nhiều đặc ân, nhưng họ lại không sinh hoa kết trái, là trung thành với lề luật, sống công chính, và phụng thờ một mình Người. Qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu đến để tiếp tục chăm sóc khu vườn bằng những lời giảng dạy và giáo huấn của Ngài. Mục đích vẫn là để cho con người có cơ hội sửa sai, sám hối. Thiên Chúa luôn là người Cha nhân từ vô cùng. Người không thất vọng nhưng luôn chờ đợi những hoa quả tốt tươi trong đời sống con người. Chúa luôn ban ơn săn sóc và mong cho cuộc đời chúng ta đơm hoa kết trái.

“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu luôn gắn liền với Tin Mừng của tình yêu, của sự tha thứ, của lòng khoan dung vô bờ của Thiên Chúa. Sám hối không chỉ là nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu hèn của mình, mà thiết yếu là tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Nhận ra thân phận tội lỗi, yếu hèn của mình và tin vào tình yêu của Thiên Chúa, đây cũng chính là chìa khóa của sự hài hòa trong cuộc sống xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh của xã hội hôm nay, thời đại của AI, của Chat GPT dễ khiến chúng ta lạc hướng với những giá trị ảo. Sự thật bị bóp méo và cái giả dối ngự trị. Vì thế, hơn ai hết, người tín hữu chúng ta cần mạnh dạn nói Không với những ảo vọng ấy, tin nhận Thiên Chúa là Đấng quyền năng, đầy bao dung và thương xót. “Ðó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ. (Bài đọc 1).