LỄ LÁ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "ba thập giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu nổi bật lung linh trong mầu nhiệm đau thương và cứu độ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông, gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét…giữa nét đau khổ của hai tử tội, hận thù của đám đông là dung mạo Đấng Chịu Đóng Đinh hiền hòa chan chứa tình thương.
Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá. Cử hành phụng vụ hôm nay khởi sự bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá. Cộng đoàn đi kiệu để tưởng niệm việc Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngay sau đó là Thánh Lễ tưởng niệm cuộc Khổ nạn, đặc biệt với việc đọc Bài Thương khó. Việc cử hành hôm nay với hai nhịp tương phản, mang hai sắc thái nghịch nhau : người Do thái tung hô Chúa Cứu Thế, ngập tràn tiếng reo vui, sau đó họ đòi lên án tử hình Người và cuộc thương khó đầy máu nước mắt.
Ôi nhân tình thế thái, sao mau đổi trắng thay đen!
Màu đen sự dữ, màu trắng tinh khôi bàng bạc trong bức tranh “ba thập giá” và cuộc thương khó.
1. Sắc đen sự dữ
Chìa khóa để đọc tất cả những sự vô lý, bất công, phi đạo đức trong vụ bắt và xét xử Chúa Giêsu là: quyền lực của tối tăm. Bốn sách Tin Mừng đều kể rằng Chúa Giêsu bị bắt ban đêm. Matthêu, Maccô và Gioan kể một đám người mang gươm giáo gậy gộc do các thượng tế, kỳ mục, Pharisêu sai đến. Thánh Luca lại nói có cả các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục ở trong bọn người mang gươm giáo gậy gộc. Trong đêm tối, đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì giới lãnh đạo cao nhất của dân Do thái đã hội họp tại nhà thủ lãnh của họ, sai thuộc hạ đi bắt Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Giuđa, người môn đệ phản Thầy. Họ ngồi chờ để kết án ngay trong đêm.Phiên họp ban đêm này do chính Caipha, chủ tịch Thuợng Hội Đồng chủ sự. Thánh Matthêu kể: “Các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình” (Mt 26,59). Họ dùng chứng gian vu khống và xuyên tạc chụp mũ để kết án tử hình Đức Giêsu (Mt 26,60-61; Mc 14,59).
Trong bộ phim 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, nhà đạo diễn đã hoạ lại hình ảnh của đêm tối vườn Cây Dầu. Đó là đêm tối của đức tin và cũng là đêm tối của lòng người.
Bộ phim bắt đầu với cảnh Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi cầu nguyện vào một đêm đen như bao đêm khác.Thế nhưng, đêm nay khác hẳn mọi đêm. Bóng tối của sự dữ phủ kín, bóng đêm của quyền lực Satan bao trùm. Đêm nay, bóng tối của sự dữ hoành hành. Đêm nay, quyền lực của Satan như muốn thống lãnh thế gian. Con người đã toa rập với Satan để giết hại Con Thiên Chúa. Đêm tối vườn Cây Dầu chỉ còn lại một mình Chúa cô đơn.
“Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các Thượng tế và nhóm Pharisiêu; họ mang theo đèn đuốc khí giới…” (Ga 18,3). Người ta phải sử dụng đèn, đuốc…chứng tỏ họ đang ở trong bóng tối. Họ sử dụng khí giới tức là tựa vào sức mạnh và quyền lực thế gian. Với những từ ngữ này, Thánh Gioan giới thiệu họ như là biểu tượng của sức mạnh thế gian và quyền lực bóng tối. Giữa bóng đêm của vườn Cây Dầu thấp thoáng những khuôn mặt hung tợn với gươm giáo gậy gộc, xâu xé tấm thân đơn độc của Chúa Giêsu. Bóng tối như tiếp tay cho những hành động lén lút, bắt giữ bất minh. Màn đêm đó cũng che kín lý trí của những người tham dự phiên tòa bóng tối. Tất cả mọi chứng cứ kết án đều nằm trong vòng tròn gian dối. Mọi sự vật lúc này như nhuốm một màu đen đồng lõa cho sự dữ. Màu đen của những tâm hồn đen tối che lấp luôn cả màu đen của bóng đêm âm u. Đây là đêm của hận thù. Đây là giờ của bóng tối. Đây là thời điểm của xấu xa ngự trị. Không ai còn có thể nhận ra được ánh sáng chân lý trong màu đen của ác tâm.
Và trong các giờ kế tiếp, bóng tối càng bao trùm. Chúa Giêsu càng lẻ loi cô độc hơn.
Kể từ khi Giuđa bước ra khỏi phòng Tiệc Ly thì trời tối đen. Giuđa lẩn vào bóng đêm với đôi tay đen đúa nhận lấy những đồng bạc là giá máu của Thầy mình. Thánh Gioan trình bày, Giuđa rõ ràng thực hiện công việc này dưới tác động của Satan. Khi Giuđa rời phòng Tiệc Ly, “lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30). Trời tối bên ngoài chưa quan trọng. Ở đây, trời tối trong tâm hồn Giuđa. Đối với Gioan, Giuđa trong hành động nộp Chúa Giêsu đã thật sự là hiện thân của quyền lực bóng tối, đối lại với Chúa Giêsu là ánh sáng tinh tuyền.
Giuđa khoác lên trái tim màu đen của tội lỗi qua nụ hôn phản bội.Từ đó, bóng tối của sự dữ đã bao trùm lên Thượng Hội Đồng từ Thượng tế Caipha đến các Luật sĩ và Kỳ mục. Bóng tối như đồng lõa và biện minh cho mọi âm mưu thâm độc của những người đại diện cho lề luật.
Những mảng đen được tô đậm lên trên bức tranh Tình Yêu Giêsu, không phải bằng những nét vẽ dịu dàng, những nét chấm phá đặc sắc nhưng là những vết màu ngoằn nghèo, vô lối. Tình Yêu Giêsu lúc này đang bị tàn phá theo từng vết đen xấu xa của đám đông. Bóng tối đã làm tất cả mờ ảo trong điên cuồng. Mọi âm mưu đã được trù tính cẩn mật. Mọi lý lẽ độc dữ đã được hoạch định. Mọi hành vi được thực hiện ngay trong bóng tối của thần chết. Cứ thế, từng mảng đen tội lỗi như được dịp trút hẳn xuống Đức Giêsu, như muốn nhuộm đen toàn bộ cuộc đời và tình yêu của Ngài bằng mọi cách và mọi phương tiện. Ngài bị cho là đồ mê ăn uống, là phường tội lỗi. Ngài bị liệt vào hàng trộm cướp, hàng nô lệ cùng đinh. Ngài bị xem là phường gian dối, tiên tri giả. Ngài bị kết án là quân nói lộng ngôn, phạm thượng. Ngài bị xử tử vì bị gán cho việc kích động phản loạn. Đám đông dân chúng, từ những tên đầy tớ mạt hạng đến những bậc vị vọng, từ những người quen biết đến cả khách thập phương không từ chối điều gì để bôi đen con người Đức Giêsu. Ngài đã bị nhúng xuống bùn nhơ của sự khinh miệt, phỉ báng. Ngài đã bị đày đọa tận cùng của kiếp làm người.(x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 252-253).Tình Yêu Giêsu đã bị tội lỗi nhân loại nhuộm đen màu tăm tối. Cuộc đời Chúa Giêsu đã bị dã tâm con người hủy hoại trong bóng đêm của sự bêu riếu, sỉ nhục và cái chết trần trụi thương đau. Nào ai có thể tin vào con người tàn tạ như thế! Còn ai có thể trông cậy vào con người yếu đuối bất lực này!!!
2. Sắc trắng thanh khiết
Tưởng chừng như bức tranh cuộc đời của Đức Giêsu chỉ là một vệt đen khiếp đảm với những ẩn tình vô lối mà nhân loại áp đặt lên chân dung Ngài. Nhưng thật nhẹ nhàng và linh động, Tình Yêu Giêsu như ngọn bút tài hoa đã gợi mở những nét vẽ thật diễm tuyệt. Tình Yêu sáng lên một màu trắng tinh khôi và mênh mang huyền ảo của trái tim thanh khiết trao ban đến tận cùng.
Tình Yêu ấy không mang một chút bợn nhơ của hận thù chia cắt nhưng lóng lánh sắc màu hồng tươi của Tình Yêu phục hồi và giải thoát. Tình Yêu ấy chấp nhận tất, dâng hiến tất cả để xóa đi mặc cảm tội lỗi của con người, cho con người cái nhìn mới của Thần Khí, cái nhìn của Thiên Chúa trong một tổng thể toàn vẹn và đưa con người đến với Tình Yêu sung mãn tuyệt hảo của Thiên Chúa. (x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 254-255).
Màu đen sắc tối của con người đã được Tình Yêu Giêsu làm cho trắng tinh và trả lại sự trong sáng trong Sự Thật. Ngài đã đáp trả lại tất cả mọi bất công và hận thù bằng lòng bao dung tha thứ. Khổ đau của Thập Giá Đức Kitô không bao giờ là nỗi đau của hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Đức Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Đức Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.
3. Trắng đen trong lòng người.
Tiến bước theo Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người, thấy sự tráo trở thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay đen của nhân tình thế thái, chúng ta thấy bàng bạc một màu đen của những ý đồ xấu xa, những manh tâm gian ác và những hành vi tội lỗi thấp hèn và thấy sáng lên tình yêu thanh khiết của Đấng Cứu Độ.
Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những sắc tối của lòng người. Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những con người công chính, lương thiện lại là nạn nhân của bất công, gian dối và tham lam. Biết bao người đã để cho bóng tối của lòng tham nổi loạn đến nổi sẵn sàng chà đạp và lường gạt nhau. Biết bao người vì lòng tham, vì tính ghen tương đố kỵ,vì thói tự mãn kiêu căng vẫn đang tìm cách làm khổ nhau và làm hại đời nhau. Bao lâu lòng người còn chất chưa những ý đồ bất chính, những thủ đoạn lừa lọc, những ích kỷ nhỏ nhen, bấy lâu vẫn còn đó những con người lương thiện bị đe doạ, bị hành hạ và bị loại trừ.
Con người thời nay vẫn nhân danh hạnh phúc của riêng mình để kết án tử cho người khác, nhất là các thai nhi vô tội. Họ giết người vô tội không cần bản án, không cần thẩm phán hay quan toà. Tử tội thai nhi đã bị giết, chỉ vì một bà mẹ không muốn sinh con. Cả xã hội từ ông bà, cha mẹ, họ hàng và các người hành nghề lương y đã sẵn sàng giết chết sự sống của một sinh linh không có khả năng tự vệ. Biết bao cha mẹ đã viện ra nhiều lý do để loại trừ những đứa con của mình cách dửng dưng vô cảm.
Điều ác và sự thiện cũng chỉ là sự khác biệt của hành động rút gươm “hãy xỏ gươm vào bao, vì tất cả những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi tất cả mọi lưỡi gươm được cất vào vỏ, sự thiện và thiên đàng đang ở giữa lòng thế giới. Khi thanh gươm được rút khỏi bao, nhân loại đang đắm chìm trong hỏa ngục của chính mình. Con người luôn muốn hành xử tất cả theo lối quyền uy và bạo lực của bóng tối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã dùng một phương cách kỳ lạ để cho con người thấy đâu là sự thật nhân loại cần hướng về. Qua Ngài, những cơn cuồng nộ của sự dữ, những bão táp của nhục hình, những tiếng thét hận thù như bị cuốn vào một lực hút vô hình của Tình Yêu thanh khiết. Sức của của tình yêu nơi Chúa Giêsu đã thâu tóm mọi sự xấu xa độc dữ của nhân loại và hóa giải tất cả để biến nên những giá trị mới của hiền lành, khiêm nhường và khoan dung.(x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 258-260).
Chúa Giêsu không quỵ lụy, không riên xiết trong cuộc khổ nạn, nhưng Ngài luôn kiên cường và nhẫn nại để mời gọi và mở ra cho nhân loại một cái nhìn về chân lý, về tình yêu, về một Thiên Chúa yêu thương đến cùng. Chúa Giêsu không oán trách hay hận thù ai, Ngài vượt lên trên tất cả bằng tình thương tha thứ. Chúa Giêsu đã biểu lộ sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của niềm tin và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Chính sức mạnh tình yêu đã làm mọi chia rẽ được hàn gắn, mọi hận thù được xóa bỏ và mọi xa cách được nên hiệp nhất. Chúa Giêsu đã hợp nhất nhân loại trong trái tim rộng mở của Ngài, trái tim chỉ có tình yêu thanh khiết. Ngài nâng con người lên giá trị cao hơn trong sự kết hiệp với tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu Nguyên Tuyền.
Ánh Sáng Tình Yêu chính là Ánh Sáng Phục Sinh. Ánh Sáng ấy không làm mờ đi bóng cây thập giá nhưng lại mang một ý nghĩa và sắc màu huyền diệu lung linh. Tin và bước theo Chúa Giêsu, chúng ta được tháp nhập vào tình yêu thanh khiết của Ngài, nhờ đó cuộc sống luôn có niềm vui bình an và hạnh phúc. Thánh Gioan đã đi trọn cuộc khổ nạn cùng với Chúa Giêsu và đã viết những lời thật đẹp, thật ý vị về Tình Yêu Chúa Giêsu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ.Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo”. (1Ga 4,10-12).