ĐỔI MỚI CỦA TÔI LÀ ĐƯỢC TRỞ THÀNH CON NGƯỜI SÁM HỐI

                                                                                                                  + GB. Bùi Tuần

1. Thời điểm này, đạo cũng như đời, đâu đâu cũng nói đến đổi mới.

Mỗi người hiểu đổi mới theo khao khát của mình.

2. Riêng tôi, đổi mới mà tôi khao khát, là được đổi mới chính mình theo thánh ý Chúa.

Tôi cầu nguyện. Tôi xin Đức Mẹ cầu nguyện với tôi.

3. Bằng nhiều cách, Chúa đã thương soi sáng cho tôi về sự Chúa muốn tôi đổi mới chính mình. Đó là hãy trở thành con người sám hối, trở về với Chúa.

4. Để dễ hiểu, Chúa cho tôi nhớ lại nhiều gương sáng về sám hối, đặc biệt là:

+ Thánh vương Đavid

+ Thánh Phêrô tông đồ

+ Thánh Phaolô tông đồ

+ Thánh Maria Madalena

+ Thánh Âu Tinh.

5. Nhìn rộng thêm, tôi thấy Hội Thánh của tôi trong mọi thời và khắp mọi nơi, đều coi sám hối là dấu ấn đích thực của người tin theo Chúa.

6. Đã hẳn, người ta có thể nói về nhiều dấu chỉ để nhận ra ai là người tin theo Chúa.

Nhưng khi những dấu chỉ đó bị phai mờ, bị mất phẩm chất, thì dấu chỉ cần có để cứu mình, chính là sám hối.

7. Sám hối, sám hối và sám hối, đó là điều Đức Mẹ luôn nhắc nhở, mỗi lần hiện ra, ở bất cứ đâu.

8. Sám hối, sám hối và sám hối, đó là điều phụng vụ Thánh lễ kêu gọi ngay đầu Thánh lễ.

9. Sám hối, sám hối và sám hối, đó là việc tôi thực hiện mỗi ngày và từng giờ.

10. Đó là cách tôi được Chúa cho tôi được kết hợp với Chúa Giêsu, như cành cây nho với thân cây nho.

11. Sám hối, mà tôi nói đây, đã đem lại cho tôi sự sống mới đầy bình an, hy vọng và hương vị ngọt ngào của lòng thương xót Chúa.

12. Sám hối, sám hối đang là con đường dẫn tới sự cứu độ cho nhân loại hôm nay.

13. Tới đây, tự nhiên tôi nhớ tới Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã để lại nơi tôi ấn tượng sâu sắc về sám hối.

Ngài đã khiêm tốn nói lên lời này: “Hôm này, tôi, Giáo hoàng của Hội Thánh Rôma, nhân danh tất cả mọi người Công giáo, tôi xin lỗi vì những sai lầm chúng tôi đã làm cho những người không Công giáo qua dòng lịch sử bị khuấy động của những dân tộc này thời chiến tranh giữa các tôn giáo.” (Tháng 5, 1995; tại Cộng Hòa Tiệp Khắc)

14. “Chúng tôi không ngừng xin lỗi những người da đen Nam Mỹ, về tội những người da trắng Công giáo đã đẩy họ xuống thân phận nô lệ.” (21/10/1992)

15. Hơn nữa, sám hối còn là biết tha thứ. Như Đức Gioan Phaolô II đã tha thứ cho kẻ mưu sát ngài.

16. Như vậy, sám hối là tha lỗi, là nhận lỗi, và xin tha lỗi, về những lỗi lầm trong dòng lịch sử Hội Thánh, lỗi riêng mình, lỗi chung tập thể. Đó là điều Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy tôi.

17. Sám hối như thế đã và đang trở thành sức thiêng hàng đầu, mà nhân loại cần đến lúc này, để được giải cứu.

18. Sám hối, biết sám hối, đó là điều tôi tha thiết xin mọi người cầu xin Chúa cho tôi, cho mọi người, nhất là cho các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay.

                                                                                                        Long Xuyên, ngày 08.5.2021