TĨNH TÂM VỚI ĐỨC MẸ

                                                                                                              + GB. Bùi Tuần

1. Càng về cuối đời, tôi càng cảm nhận rõ điều này: Tĩnh tâm là một nhu cầu và là một niềm vui.

2. Tôi cảm nhận sâu sắc tĩnh tâm là một niềm vui, vì lý do đặc biệt này, đó là được tĩnh tâm với Đức Mẹ Maria.

Đức Mẹ cho tôi thấy cuộc đời của tôi là một chuyến đi đầy gian nan trắc trở. Gian nan trắc trở nhất là tôi bị các thế lực vô hình và hữu hình lôi kéo tôi vào vòng nô lệ tội lỗi. Nộ lệ các thói xấu trong bản thân tôi. Nộ lệ các thói xấu trong Đạo ngoài Đời. Bị các thói xấu bắt làm nô lệ chúng, mà cứ tưởng mình tự do, thế mới thê thảm. Nhận ra sự thực thê thảm đó là bước đầu của đạo đức.

3. Bước thứ hai là nhận ra Đấng có thể cứu tôi khỏi sự thực thê thảm đó. Chính là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu vốn đi tìm tôi, để cứu tôi. Nhưng rất nhiều khi tôi đã không đón nhận Ngài. Đức Mẹ cho tôi thấy như vậy.

4. Các thế lực thù địch chống Chúa Giêsu luôn dùng mọi cách để trói buộc tôi vào vòng nô lệ của chúng.

Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cứ tự dối mình là có tự do nội tâm.

Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cứ ngụy biện để lừa người khác, cho mình là đạo đức.

Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cả đám cho mình trước Chúa là tiến dâng lên Chúa xác hồn trắng tinh như ánh trăng vẹn tuyền.

Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cứ tự hào về cảnh nô lệ đó, thì hậu quả sẽ khủng khiếp.

5. Đức Mẹ cho tôi thấy: không cần tôi chết rồi mới phải trói buộc mình vào hậu quả khủng khiếp đó, mà ngay ở đời này, cũng sẽ phải nếm sự khủng khiếp đó dưới nhiều hình thức.

6. Đức Mẹ cho tôi thấy cuộc đời của tôi là một cuộc chiến đấu cam go giữa đạo đức và tội lỗi. Để chiến thắng, tôi cần một điều, đó là gặp được Chúa Giêsu.

 7. Phát triển các công trình về Chúa, như tổ chức ban bệ, xây dựng cơ sở, qui tụ đám đông, lễ nghi trang trọng, mà không gặp được chính Chúa Giêsu, thì vẫn thiếu quá nhiều, đúng hơn là thiếu tất cả.  

8. Gặp được chính Chúa Giêsu, nữ tu Têrêsa thành Lisieux, cho dù ít tuổi, chỉ ở một chỗ, chỉ làm ít việc, thế mà đã ảnh hưởng rất lớn trên khắp hoàn cầu.

9. Gặp được chính Chúa Giêsu, Đức Bênêđictô XVI, cho dù về hưu, cho dù đau bệnh, chỉ ở một chỗ, chỉ làm ít việc, thế mà đang ảnh hưởng rất lớn trên khắp hoàn cầu.

10. Gặp được chính Chúa Giêsu, như Đức Mẹ.

Khi Đức Mẹ dẫn tôi tới Chúa Giêsu, tôi thấy Chúa Giêsu đã cứu tôi bằng nhiều cách. Cách nhẹ nhàng nhất và cũng thân thương nhất là Chúa cho tôi nhận thức tôi là kẻ tội lỗi, là kẻ yếu đuối, là vực sâu đầy dơ bẩn. Thế mà tôi được Chúa yêu thương. Chúa đến không phải để phạt tôi, mà để cứu tôi. Chúa là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót.

11. Khi được Đức Mẹ giúp tôi tĩnh tâm, tôi thấy cảnh Chúa Giêsu xưa nhìn thành Giêrusalem mà khóc, vì Ngài biết trước thành sẽ bị phá. “Sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Chúa viếng thăm.” (Lc 19, 43- 44)

12. Cảnh Chúa khóc xưa có thể nay lại tái diễn ở một Hội Thánh địa phương nào đó, biết đâu ở chính địa phương mà tôi đang ở. Vì thế, mà tôi lo.

Tôi lo để sám hối, đê cầu nguyện và tỉnh thức.

13. Lúc này hơn bao giờ hết, Đức Mẹ khuyên tôi hãy cầu nguyện và tỉnh thức bởi vì sẽ có những bất ngờ khủng khiếp xảy ra. Lời Chúa phán xưa vẫn còn đó: “Anh em hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện, để có sức thoát khỏi những gì sẽ xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36)

14. “Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ đồng trinh, đoàn con chung tiếng hát chung tấm lòng dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria Mẹ nhân ái Mẹ hiển vinh, Mẹ chính là Nữ Vương là trạng sư, là Mẹ con.

Con dâng Mẹ đây tâm hồn đây trí khôn, cả dĩ vãng cả hiện tại với tương lai. Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới, trông lên Mẹ là gương mẫu của đời con.

Yêu thanh bình yêu vâng lời, yêu khiết trinh, và yêu sống trên con đường Chúa đi xưa. Xứng con Mẹ con vui bước tới Thiên Chúa, hy sinh nhiều vì bác ái quên lợi danh.

Con nguyện cầu, con trung thành, con quyết tâm, Mẹ nhận lấy cả tâm hồn kính dâng lên. Sống bên Mẹ muôn ơn thánh giúp con tiến. Xin che chở giờ sau hết qua trần gian.” (Dâng Mẹ).

                                                                                                Long Xuyên, ngày 06.11.2020