“HÃY Ở LẠI TRONG THẦY” (Ga 15,5)

+ GB. Bùi Tuần

1. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài nhiều lời thân thương thảm thiết. Trong đó có lời này: “ Hãy ở lại trong thầy.” (Ga 15,5)

Mấy ngày nay, lời đó cứ vang lên trong tâm hồn tôi. Tôi hiểu là Chúa Giêsu nói với tôi lời đó. Tôi cảm nghiệm thấy rất rõ sự hiện diện của Chúa Giêsu. Ngài ở trong tôi. Dù khi thức, dù khi ngủ, tôi vẫn cảm thấy Chúa Giêsu ở trong tôi. Tôi xin Ngài giúp tôi sống lời Ngài dạy.

Tôi cũng xin Đức Mẹ giúp tôi điều đó.

2. Được ở trong Chúa Giêsu, tôi cảm nghiệm rất sâu sắc Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót.

Thực có Ngài. Tôi như chạm đến Ngài.

Ngài  dẫn tôi qua con đường mà Ngài đã qua, để cứu nhân loại trong đó có tôi.

Con đường đó là con đường khiêm nhường và yêu thương.

3. Sự khiêm nhường, mà Chúa Giêsu đã trải qua, được Thánh Phaolô tóm lại trong bài ca khiêm nhường. (Pl 2, 6-8)  

Chúa Giêsu đã bước xuống ba bậc:

+ Bậc thức nhất là mặc lấy thân phận phàm nhân.

+ Bậc thứ hai là mặc lấy thân phận nô lệ.

+ Bậc thứ ba là mặc lấy thân phận tội nhân, bị treo trên thập giá. 

Được cùng với Chúa Giêsu bước xuống ba bậc trong khiêm nhường đó, tôi mới hiểu. Chúa muốn tôi ở lại trong Chúa. Để cùng với Chúa cứu các linh hồn, thì cần phải có khiêm nhường. Khiêm nhường dưới nhiều hình thức là con đường bắt buộc phải đi.

4. Cứu bằng khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường.

5. Cùng với khiêm nhường là yêu thương. Cứu độ bằng yêu thương, đó là điều Thánh Phaolô đã mô tả trong bài ca đức mến.

“ Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.”

“Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.”

“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cr 13,1-3)

6.Thế nào là đức mến, tức là yêu thương, thì Thánh Phaolô mô tả như sau:

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,

Không ghen tương,

Không vênh vang,

Không tự đắc,

Không làm điều bất chính,

Không tìm tư lợi,

Không nóng giận, không nuôi hận thù,

Không mừng khi thấy sự gian ác,

Nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. (1Cr 13,4-7)

7. Mấy ngày nay,  tôi được ở lại trong Chúa Giêsu một cách  hết sức thân mật. Nhờ vậy, tôi mới thấy mình còn rất xa những gì Chúa muốn về tôi.

Nhất là tôi chưa khiêm nhường đủ, chưa yêu thương đủ.

Chưa khiêm nhường đúng.

Chưa yêu thương đúng.

8. Tôi cần sám hối, trở về với Chúa.

Trong thinh lặng tôi được Chúa cho thấy hiện giờ đang có nhiều người sám hối trở về với Chúa.

Những người đó khá đông.

Những người tôi thấy là một số không nhỏ. Những người tôi không thấy có thể là một số lớn.

Nếu bản thân tôi không thuộc về loại người sám hối trở về với Chúa, thì sẽ khốn khổ cho tôi.

9. Vì thế, tôi coi sự sám hối, trở về với Chúa, là hạnh phúc của tôi. Tôi tin, tôi cảm nhận được điều đó. Mà trở về với Chúa cũng chính là trở về với bổn phận đối với quê hương, nhất là đối với những kẻ khổ đau.

10. Thú thực là, khi tôi sám hối trở về với Chúa, mà cảm thấy mình hạnh phúc, thì tôi không nghĩ là vì tôi trở về vì hạnh phúc của tôi, mà vì tôi tin chính Chúa cũng coi đó là hạnh phúc của Chúa. Bởi vì, chính Chúa đã đi tìm tôi. Chính Chúa đợi chờ tôi, chính Chúa ra đón tôi.

Đúng là như vậy.

11. Tôi cảm nhận được hạnh phúc lạ lùng đó, khi sám hối trở về, cũng chính vì tôi được Đức Mẹ ở bên tôi.

12. Đức Mẹ rất khiêm nhường và rất yêu thương, đó là bầu khí mát mẻ, thơm tho, mà tôi đã được thưởng thức đêm ngày. Trong hoàn cảnh càng phức tạp, thì tôi càng cảm thấy Mẹ là niềm cậy trông và là nguồn an ủi của tôi. Đức Mẹ là mẹ của tôi. Tôi là con của Đức Mẹ.

13. Trên đây là những gì tôi đang sống Tuần Thánh giữa mùa đại dịch Corona. Được như vậy, thiết tưởng cũng là đại phúc Chúa ban cho tôi và cho tất cả những môn đệ của Chúa.

                                                           Long Xuyên, ngày 6.4.2020