NGƯỜI TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN TRONG HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
          Ủy Ban Giáo Dân
               —o0o—

VỊ THẾ VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN THUỘC CÁC HỘI ĐOÀN
TRONG HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

Lm. Vinhsơn Nguyễn Thành Tín, OP

Dẫn nhập

Anh chị em thân mến!

Mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận chức vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ của Đức Kitô khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Đây là hồng ân vô giá nơi mỗi người tín hữu Chúa Kitô, được sống chức vị của mình đã là một hồng ân và được trở nên người loan báo Tin Mừng lại là một trách nhiệm song hành với hồng ân ấy. Chúa Thánh Thần vẫn luôn tác động nơi Hội Thánh và nơi tâm hồn các tín hữu để họ nhận ra được những khả năng và ý thức mình cần phải được đóng góp vào công cuộc mở mang Nước Chúa qua những ơn gọi đặc thù đã được gợi hứng nơi các đấng sáng lập các linh đạo và cách thức sống linh đạo đó cách sung mãn nhất.

Nhìn vào Giáo hội, chúng ta nhận thấy Chúa Thánh Thần đã làm phong phú hóa đời sống bằng rất nhiều hoa trái tốt đẹp để làm cho Hội Thánh ngày một xinh đẹp với vườn hoa muôn sắc tỏa hương thơm tốt lành.

  1. Ơn gọi của người tông đồ giáo dân

Là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người để họ được tham dự vào chính sự sống thần linh của Ngài.

Người tông đồ giáo dân không bao giờ có thể thiếu vắng trong Giáo hội, vì khởi phát từ chính ơn gọi Kitô hữu. Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, thật ra hoàn cảnh hiện tại còn đòi phải có một hoạt động tông đồ giáo dân luôn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. (AA, 1)

Giáo hội được thiết lập trên nền tảng các thánh Tông đồ để mở rộng nước Chúa Kitô trên khắp địa cầu nhằm tôn vinh Thiên Chúa Cha và làm cho mọi người được tham dự vào công trình cứu độ[1], để rồi nhờ các ngài, toàn thể vũ trụ được quy hướng về Đức Kitô.

Người giáo dân có ơn gọi riêng để tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách soi sáng sắp xếp các thực tại trần gian theo ý muốn của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là họ thực hiện ơn gọi nên thánh và hoạt động tông đồ đã được trao ban cho Kitô hữu.

  1. Vị thế và trách nhiệm của người tông đồ giáo dân thuộc các hội đoàn

2.1 Vị thế

Người tông đồ giáo dân có một vị thế quan trọng trong các hội đoàn Công giáo. Họ không chỉ tham gia vào các hoạt động thuần túy tôn giáo mà còn đóng vai trò chủ chốt trong việc lan tỏa đức tin và thực thi bác ái ngay giữa lòng nhân thế.

Các hội đoàn thường tạo điều kiện để người giáo dân phát triển ơn gọi Tông đồ của mình qua việc: cầu nguyện, học hỏi giáo lý, tham gia các việc công ích nhằm giúp họ sống đức tin cách cụ thể và góp phần xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.

Trước Công đồng Vaticanô II, nhiều phong trào giáo dân đã hoạt động tích cực đã tạo nên một sự biến chuyển Giáo hội. Chính vì vậy, Công đồng Vaticanô II đã nhìn lại qua sắc lệnh “Tông đồ giáo dân”.

2.2 Trách nhiệm hay sứ mạng

Với sắc lệnh trên, vai trò Tông đồ của người giáo dân đã trở về đúng vị trí của mình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và các hoạt động đi kèm

a) Rao giảng Tin Mừng

Người giáo dân không chỉ sống hàng ngày với anh chị em láng giềng của mình mà còn tham gia vào nhiều hoạt động ngoài xã hội và trong nhiều môi trường phần lớn là lương dân. Sắc lệnh chỉ rõ: “tính cách đặc thù của bậc giáo dân là sống giữa thế gian và giữa các công việc trần thế, họ được Thiên Chúa mời gọi để nhiệt thành thực thi việc tông đồ với tinh thần Kitô hữu như chất men thấm vào thế giới” (AA, 2). Quả thật, “nhiều người chỉ có thể lắng nghe Tin Mừng và nhận biết Chúa Kitô qua những người giáo dân sống gần bên họ” (AA, 13)

Để thực hiện sứ mạng tông đồ, người giáo dân cần phải thấm nhuần Tin Mừng và tự hoàn thiện bản thân qua đời sống gương mẫu, vị tha, bởi vì người ta không thể “hữu xạ tự nhiên hương” những gì mình không có. Đây cũng là hoạt động tương tác giữa Kitô hữu và tha nhân.

b) Tham gia các hoạt động

Tham gia vào các hoạt động của hội đoàn: Người tông đồ giáo dân cần tích cực tham gia vào các hoạt động của hội đoàn, từ việc tổ chức các buổi cầu nguyện như: cộng đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện; học hỏi giáo lý nơi Legio Mariae, Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Lòng Chúa Thương Xót hay làm việc bác ái như chúng ta nhận thấy rõ nét nhất nơi các hội viên Caritas khi họ tham gia vào các chương trình: trao quà cho người nghèo, hỗ trợ người vô gia cư và chăm sóc người già yếu. Điều này còn được thánh Phaolô tông đồ mời gọi “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Để sống lòng mến yêu với chiều kích này, mà không đóng kín trong những bận tâm của mình, trong những lợi lộc của mình, trong thế giới của mình, thì có một bí mật: đó là tăng cường sự kết hợp với Thiên Chúa, mối quan hệ với Đấng là chính nguồn của Tình yêu. Thực vậy người ta nói là vòm lá của cái cây thường đi đôi với đường kính của rễ cây. Đối với chúng ta cũng như vậy: nếu ta làm tăng thêm mỗi ngày mối quan hệ của ta với Thiên Chúa, thì cũng tăng thêm nơi ta niềm ao ước chia sẻ niềm vui và mang gánh nặng của những người quanh ta: cõi lòng chúng ta sẽ mở ra và càng ngày càng có khả năng chứa đựng những gì người anh em bên ta trong giây phút hiện tại đang trải qua. Rồi lòng mến yêu người anh em sẽ làm cho ta đi xa hơn nữa trong sự mật thiết với Thiên Chúa.

Giáo dục và đào tạo: người tông đồ giáo dân có thể tham gia vào việc giảng dạy giáo lý, tổ chức các lớp miễn phí cho trẻ em nghèo và cung cấp học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Một thí dụ điển hình đó là, những anh chị em giáo dân Đaminh đã và đang giúp rất tốt cho các lớp giáo lý dự tòng và hôn phối tại các trung tâm mục vụ và tại giáo xứ. Sở dĩ có được những nhân sự này là vì người giáo dân Đaminh sống bốn cột trụ: cầu nguyện, hiệp thông, học hỏi và tông đồ bác ái. Nhờ việc học hỏi thường xuyên nên họ có đủ kiến thức, kinh nghiệm đồng hành và hướng dẫn các học viên.

Gương mẫu trong đời sống: Người tông đồ giáo dân phải sống gương mẫu, thể hiện đức tin qua hành động và lời nói, trở thành ánh sáng và muối cho đời.

Chăm sóc sức khỏe: một số hội đoàn tổ chức các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, cung cấp thuốc men và tư vấn sức khỏe cho cộng đồng.

Bảo vệ môi trường: người tông đồ giáo dân hôm nay còn được mời gọi tha thiết sống thông điệp Laudato Si và tông huấn Laudate Deum của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm giữ gìn “ngôi nhà chung”, bảo vệ môi trường bằng nhiều cách thế như trồng cây, dọn dẹp rác thải và tích cực lan tỏa việc bảo vệ môi trường. Về phương diện này, tính hiệp hành trong Hội Thánh phải được thể hiện rõ nét nơi người Kitô hữu.

Thúc đẩy và xây dựng công bằng xã hội: Người tông đồ giáo dân đấu tranh cho quyền lợi của những người yếu thế, bảo vệ công lý và chống lại các bất công trong xã hội.

Hỗ trợ và cộng tác với hàng giáo sĩ: vấn đề vị trí và nhiệm vụ của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội và xã hội là một trong những chủ đề của Công đồng Vaticano II được đặc biệt quan tâm. Vấn đề này được bàn luận trong hầu hết các nghị trình làm việc, cách đặc biệt chúng ta nhận thấy nơi hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium), Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes) và sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân (Apostolicam actuositatem). Công đồng nhấn mạnh: Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông mang tính cách thừa sai trong đó bao hàm tính đa dạng về ơn gọi và tính hiệp nhất nảy sinh từ bí tích Thánh Tẩy. người ta đã nói đến một nền thần học về Giáo hội của Công đồng Vaticano II trong một nền thần học “bậc giáo dân” đã được triển khai một cách rộng rãi và là nguồn cảm hứng cho một “cung cách mới” trong mối liên hệ giữa giáo sĩ và giáo dân, trong đó giáo dân không còn chỉ được xem là những đối tượng của hoạt động mục vụ của giáo sĩ mà còn là cộng tác viên quý giá và không thể thiếu đối với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội trong thế giới. Công đồng khẳng định: “công việc tông đồ của người giáo dân và thừa tác vụ mục vụ bổ sung cho nhau”[2]

  1. Vị thế và trách nhiệm của người tông đồ giáo dân trong hội thánh hiệp hành

Theo đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam thì năm 2024: “thúc đẩy sự tham gia vào đời sống của Giáo Hội”. Qua thư mục vụ ngày 22.09.2023, Hội đồng Giám mục đã đề ra những đề nghị có liên quan đến sự tham gia vào đời sống Giáo hội, nội dung chính đề cập đến vai trò của người giáo dân là đại đa số trong cộng đồng dân Chúa nhưng cũng là thành phần đa dạng và có nhiều vấn đề có liên quan rất cần được quan tâm.

Sự bổ trợ giữa hàng giáo sĩ và giáo dân

Đối với các linh mục, để các ngài làm nhiệm vụ hướng dẫn giáo dân tham gia hoạt động có hiệu quả, Hội đồng Giám mục có những hướng dẫn cụ thể:

– Các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội.

– Các ngài cần sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ,

– Tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo hội.

– Cho họ tự do và quyền hạn để hành động,

– Nên khuyến khích và tạo điều kiện để họ đảm nhận những công việc do chính họ đề xướng.

– Các linh mục cần tổ chức những lớp đào tạo giáo dân, giúp họ hiểu được về vai trò, bổn phận ơn gọi và sứ mạng của họ trong Giáo hội.

– Tại các giáo xứ, các linh mục và tu sĩ không kiêm nhiệm hết mọi việc thay thế giáo dân nhưng hướng dẫn và đồng hành để giúp họ chu toàn ba chức năng của bí tích Thánh Tẩy.

Những hướng dẫn trên đây rất cần thiết nhằm cải tiến cung cách sống của linh mục và giáo dân trong quá khứ và hiện tại, hầu đem lại lợi ích cho việc giáo dân có thể tích cực tham gia nhiều hơn vào đời sống của Giáo hội.

Tóm kết

Với ơn gọi của mình, người Kitô hữu dễ dàng tham gia vào mọi hoạt động của Hội Thánh nhất là trong bối cảnh của một Hội Thánh Hiệp Hành. Họ được mời gọi để nhập cuộc, họ được mời gọi để dấn thân và tích cực tham gia vào đời sống của Giáo hội.

Với khả năng chuyên biệt cộng với linh đạo riêng của các hội đoàn, người tông đồ giáo dân tạo nên sự phong phú trong đời sống của Giáo hội, thúc đẩy sự cộng tác cách hài hòa những linh đạo để tạo một sức mạnh thiêng liêng nơi Hội Thánh địa phương cũng như Hội Thánh hoàn cầu.

Người tông đồ giáo dân giữ một vị trí quan trọng và có trách nhiệm cao cả trong Hội Thánh Hiệp Hành. Họ không chỉ là những người loan báo Tin Mừng nhưng còn tích cực tham gia vào việc củng cố sự hiệp nhất trong Hội Thánh cùng các hoạt động làm thăng tiến phẩm giá con người và góp phần làm phong hóa thế giới.

1 Pio XI, thông điệp Rerum Ecclesiae, 1926

[2] Hồng y Stanislaw Rylko, Chủ tịch hội đồng Tòa Thánh phụ trách giáo dân, Linh mục và giáo dân trong sứ vụ. Bài phát biểu tại buổi tọa đàm lần thứ V do cộng đoàn Emmanuel tổ thức ngày 26.01.2010