Chúa nhật 19 Thường niên năm B – Của ăn đường (Ga 6,41-51)

“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51)

BÀI ĐỌC I: 1 V 19, 4-8

“Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con”. Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng. Và đây Thiên Thần Chúa đánh thức ông và bảo rằng: “Hãy chỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn thấy gần đầu ông có chiếc bánh lùi và một bình nước: ông ăn uống, rồi ngủ lại. Thiên Thần Chúa trở lại đánh thức ông lần thứ hai và bảo: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa”. Ông liền chỗi dậy ăn uống, và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Đáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. – Đáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Ep 4, 30 – 5, 2

“Anh em hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã sống”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em chớ làm phiền hà Thánh Thần của Thiên Chúa, vì trong Người, anh em được ghi ấn tín để chờ đợi ngày cứu chuộc đến. Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 6, 41-51

41 Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.” 42 Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”

43 Đức Giê-su bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.

45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.

47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.

51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 19 Thường Niên năm B

WHĐ (07.08.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 1341-1344: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”

Số 1384-1390: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn”: Rước lễ

Bài Ðọc I: 1V 19, 4-8

Bài Ðọc II: Ep 4,30 – 5,2

Phúc Âm: Ga 6, 41-52

Số 1341-1344: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”

Số 1341. Mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền phải lặp lại những cử chỉ và lời nói của Người “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26), không chỉ đòi hỏi phải nhớ đến Chúa Giêsu và những gì Người đã làm. Mệnh lệnh này nhắm đến việc cử hành phụng vụ, do các Tông Đồ và những người kế nhiệm các ngài, để tưởng niệm Đức Kitô, tưởng niệm cuộc đời của Người, cái Chết và sự Sống lại của Người, và việc chuyển cầu của Người bên Chúa Cha.

Số 1342. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa. Về Hội Thánh tại Giêrusalem có bài tường thuật như sau:

“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).

Số 1343. Đặc biệt vào “ngày thứ nhất trong tuần”, nghĩa là ngày Chúa Nhật, ngày Chúa Giêsu phục sinh, các Kitô hữu tụ họp để “bẻ bánh” (Cv 20,7). Từ đó đến nay, việc cử hành bí tích Thánh Thể tiếp tục tồn tại y như vậy, đến độ ngày nay chúng ta vẫn gặp được việc cử hành đó, ở bất cứ đâu trong Hội Thánh, với cùng một cấu trúc căn bản. Bí tích Thánh Thể vẫn mãi mãi là trung tâm của đời sống Hội Thánh.

Số 1344. Như vậy, từ cử hành này sang cử hành khác để loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, “cho tới khi Chúa đến” (1Cr 11,26), dân Thiên Chúa trên đường lữ hành, “qua đường hẹp của thập giá”[1], đang tiến về bàn tiệc thiên quốc, nơi tất cả mọi người được tuyển chọn sẽ ngồi vào bàn tiệc của Nước Thiên Chúa.

 

Số 1384-1390: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn”: Rước lễ

Số 1384. Chúa tha thiết mời chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53).

Số 1385. Để đáp lại lời mời đó, chúng ta phải dọn mình cho giây phút cực trọng cực thánh này. Thánh Phaolô khuyên ta nên tự vấn lương tâm: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11,27-29). Ai biết mình đang mắc tội trọng, thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi đi lên rước lễ.

Số 1386. Trước sự cao trọng của bí tích này, tín hữu chỉ có thể lặp lại, một cách khiêm tốn và với đức tin sốt sắng, lời viên đại đội trưởng[2]: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”[3]. Trong phụng vụ thánh của thánh Gioan Kim Khẩu, các tín hữu cầu nguyện cũng trong tinh thần ấy:

“Lạy Con Thiên Chúa, hôm nay xin cho con được hiệp thông vào bàn tiệc huyền nhiệm của Chúa. Bởi vì con không tiết lộ cho các kẻ thù điều kín nhiệm của Chúa, cũng không tặng Chúa cái hôn của Giuđa. Nhưng như người trộm lành, con kêu lên cùng Chúa: Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong Nước Chúa”[4].

Số 1387. Để dọn mình đón nhận bí tích này cách xứng đáng, các tín hữu phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh[5]. Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút được Chúa là thượng khách của chúng ta.

Số 1388. Căn cứ vào ý nghĩa của bí tích Thánh Thể, các tín hữu, nếu hội đủ các điều kiện cần thiết[6], rước lễ khi tham dự Thánh lễ.[7] “Việc tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn, được nồng nhiệt khuyến khích, đó là sau khi vị chủ tế rước lễ, các tín hữu rước Mình Chúa bởi cùng một hy tế”[8].

Số 1389. Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc[9] và rước lễ mỗi năm ít là một lần, nếu có thể được trong mùa Phục Sinh[10], sau khi đã chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích Hòa Giải. Nhưng Hội Thánh tha thiết khuyến khích các tín hữu rước lễ vào các ngày Chúa Nhật và các lễ khá long trọng, hay thường xuyên hơn nữa, kể cả việc rước lễ hằng ngày.

Số 1390. Vì Đức Kitô hiện diện cách bí tích dưới mỗi hình dạng, nên việc rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn nhận được trọn vẹn hiệu quả ân sủng của bí tích Thánh Thể. Vì các lý do mục vụ, cách rước lễ này đã được quy định cách hợp pháp trong nghi lễ La tinh, như là hình thức thông thường nhất. Nhưng “dấu chỉ của việc rước lễ được đầy đủ hơn khi được trao ban dưới hai hình dạng. Vì theo cách này, dấu chỉ của bàn tiệc Thánh Thể trở nên rõ nét hơn”[11]. Đây là cách rước lễ thông thường trong các nghi lễ Đông phương.

 

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 19 Thường Niên năm B

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (08.08.2021) – Bánh trường sinh là mục đích và sứ vụ của Chúa Giêsu

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (09.08.2015) – Món quà của đức tin

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 19 Thường Niên năm B (12.08.2012) – Ăn bánh hằng sống có nghĩa là tin nơi Chúa

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Dân Do thái xưa lang thang trong sa mạc, đã được Thiên Chúa ban Manna hằng ngày để nuôi sống họ. Khi nhắc đến Manna, người Do thái rất hãnh diện. Vì đó là dấu chứng Giavê Thiên Chúa yêu họ. Họ là dân riêng của Ngài.

Ðức Giêsu cũng tự ví Ngài là bánh nuôi dân Do thái mới là Giáo Hội – là chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên đã ban Ðức Giêsu cho chúng ta. Ðức Giêsu đến để đem sự sống cho chúng ta. Sự sống Ðức Giêsu ban không chỉ như Manna xưa, mà là sự sống vĩnh cửu. Ðến với Ðức Giêsu, chúng ta sẽ được hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Manna đã làm cho dân Do thái xưa được sức mạnh để tiếp tục hành trình trong sa mạc gian khổ. Ngày nay trong sa mạc cuộc đời. Chúng con cũng gặp nhiều khó khăn thử thách: bị đói khát, mệt mỏi vì chiến đấu với nghịch cảnh.

Xin Chúa cho chúng con biết đến với Chúa là sinh lực của chúng con. Xin cho chúng con biết hoàn toàn phó thác trong tình yêu của Chúa. Chỉ trong Chúa, chúng con mới được hạnh phúc muôn đời. Amen.

Ghi nhớ: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cơn cám dỗ buông xuôi

Chuyện Êlia bỏ trốn vào hoang địa thật có ý nghĩa và rất gần gũi với chúng ta.

Êlia là một tiên tri lớn của Cựu ước. Có lẽ chỉ đứng sau Môisê và thường được các sách Tin Mừng nhắc đến cùng với Môisê. Vị tiên tri này đầy nhiệt tình và giàu nghị lực. Ông đại giảng dạy, khuyến khích, nâng đỡ dân chúng, truyền cho mọi người lửa nhiệt tình của mình, mệt mỏi, lẩn trốn, muốn buông xuôi tất cả. Chán ngán sự đời, ông trốn vào sa mạc, chỉ mong được thần chết đến giải thoát. ông lăn ra ngủ dưới gốc cây cho quên hết mọi ưu phiền.

Trong cuộc sống nhiều lúc chính chúng ta cũng làm vào tình trạng khủng hoảng như Êlia. Chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản hầu như thất vọng. Đó là một cơn cám dỗ có thể xảy ra cho hết mọi người, kể cả những người vững vàng, nhiệt tình nhất.

Hãy chỗi dậy

Nhưng cuộc chạy trốn của Êlia đã không kết thúc như ông nghĩ. Thiên Chúa đã không bỏ mặc ông trong tình trạng bi đát đó. Hai lần Ngài cho đem lương thực để cho ông ăn và giục lên đường: “Hãy chỗi dậy mà ăn vì đường phải di còn xa”.

Êlia dậy ăn và được hồi sức. Các ý nghĩ đen tối bỗng tan biến, ông được đổi mới. Chẳng những ông hăng hái lên đường mà còn đủ sức vượt qua sa mạc suốt bốn mươi ngày đểm. Sau cùng ông đã tới núi Horeb (còn có tên là Sinai) là nơi Thiên Chúa ngự và là nơi xưa kia Ngài đã giao ước với Môisê. Êlia đã lên đường, đi hết đường và sau cùng đã được gặp Chúa.

Hành trình của tín hữu

Cuộc đời tín hữu cũng là một hành trình mà mỗi người phải theo đuổi đến cùng. Hành trình đó có lúc khó có lúc dễ. Có lúc mọi sự trôi chảy êm xuôi, thuận lợi, hoặc ít nhất cũng không có gì làm phải bận tâm. Nhưng cũng có những ngày sóng gió, làm vào cảnh khủng hoảng. Mọi cái bỗng trở nên rối ren, phức tạp, càng gỡ càng thấy rối. Mình cảm thấy bất lực, kiệt sức, hầu như thất vọng.

Những lúc đó Thiên Chúa cũng đến thúc giục chúng ta lên đường. Ngài cũng ban cho chúng ta lương thực thiêng liêng là sự kiên trì, lòng cậy trông, nghị lực thiêng liêng. Ngài cũng bảo chúng ta:”Hãy chỗi dậy mà ăn vì đường phải đi còn xa. Nhưng xa cũng phải đi, không thế bỏ cuộc, đi mãi tới núi Horeb.

Núi Horeb của chúng ta là Thiên Chúa. Cuộc đời chúng ta phải hướng về Thiên Chúa và sau cùng phải kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đời Kitô hữu là một cuộc đời “định hướng”, lòng luôn qui về Thiên Chúa và là một cuộc đời có “chủ đích”. Thiếu định hướng và sai chủ đích mới bị thất bại, chứ không phải khó khăn làm cho thất bại.

Của ăn đường

Thánh Gioan nói tới một thứ lương thực cần cho người phải đi đường xa nhưng lại mệt mỏi. Đó là Bánh Hằng Sống.

Bánh Êlia nhận được dầu sao cũng chỉ là một thứ bánh vật chất, ăn cho đỡ đói một thời gian. Còn bánh được ban cho người tín hữu trong Thánh Thế là chính Thân mình của Chúa Kitô. Ngài là nguồn mạch sự sống, là chính sự sống vĩnh cửu. Chia sẻ Mình Máu Ngài trong Thánh Thế là nhận được sự sống thần linh hôm nay và nhận được bảo chứng sự sống vô tận mai sau.

Mình Máu Chúa Giêsu là của ăn đường. Ngài mời gọi những ai muốn đi tới cùng cuộc hành trình của mình, nhưng lại tự cảm thấy không đủ sức, sợ kiệt sức giữa đường, hãy đến lãnh nhận của ăn đường đó.

Trong mỗi cuộc tập họp quanh Bàn thánh của chúng ta, Chúa Giêsu cũng lại bảo mỗi người chúng ta: “Hãy chỗi dậy mà ăn vì đường phải đi còn xa”

Ăn rồi lên đường và đi cho tới cùng.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG
+++

A. DẪN NHẬP

Đời là một cuộc hành trình đi về quê trời. Con đường về trời vừa xa lại vừa khó khăn. Lương thực cho cuộc hành trình phải được đầy đủ. Nhưng lương thực chúng ta phải có là gì? Lấy đâu ra thứ lương thực đó? Hôm nay, Đức Giêsu đã chỉ bảo cho chúng ta thứ lương thực mà Ngài sẽ ban cho. Đó là bánh hằng sống từ trời xuống.

Đức Giêsu đã hé mở cho dân Do thái biết: Ngài sẽ ban cho họ thứ bánh đó: “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”. Lời tuyên bố này gây sốc cho người nghe, làm cho người ta sững sờ và khó chịu, nhất là khi Ngài nói thêm: “Và bánh ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây” (Ga 6,51). Họ không thể nào chấp nhận được lời tuyên bố ấy khi bản thân Đức Giêsu chỉ là một người Nazareth, gia cảnh rất tầm thường.

Còn đối với chúng ta, nếu không có đức tin soi dẫn, chúng ta không thể nào chấp nhận được mầu nhiệm Thánh Thể, vì Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin. Ngày nay chúng ta đã được Chúa soi sáng, chúng ta tin nhận Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống và Bánh ấy là thịt máu Ngài. Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta trên đường về quê trời và ban cho chúng ta sự sống đời đời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 1V 19,4-8

Tiên tri Êlia đứng lên chống đối việc thờ kính ngẫu thần do bà Jezabel, vợ ngoại giáo của vua Achab, đưa vào đất Israel. Sau lần tiên tri Êlia giết chết 400 sư sãi Baal, ông bị hoàng hậu Jézabel truy nã gắt gao, ông phải trốn chạy vào hoang địa. Bị đói khát và thất vọng, ông chỉ còn chờ chết. Nhưng Chúa sai thiên thần mang đến cho ông một chiếc bánh và một vò nước. Được bánh và nước bồi dưỡng, ông lấy lại sức và tiếp tục lên đường, đi một mạch suốt 40 ngày tới núi Horeb diện kiến Thiên Chúa.

+ Bài đọc 2: Ep 4,30-32-5,2

Khi viết thư này, phải chăng đang có một sự căng thẳng trầm trọng đã nảy sinh trong cộng đoàn tín hữu ở Êphêsô, đến độ người ta đã la lối và thoá mạ nhau? Thánh Phaolô nhắc nhở mọi người hãy nhớ mình là Kitô hữu, nhờ phép rửa tội đã trở nên con Thiên Chúa, là môn đệ và là anh em với Đức Kitô.

Vì thế, địa vị ấy đòi hỏi chúng ta phải biết thương yêu, biết tha thứ cho nhau bằng cách phải giũ bỏ khỏi đời sống tất cả những gì làm thương tổn đức bác ái như giận hờn, thù oán, ích kỷ. Thánh Phaolô xác định rằng việc tha thứ cho nhau ấy là kết quả hợp lý của việc được Thiên Chúa thứ tha “Như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 5,2).

+ Bài Tin mừng: Ga 6,41-51

Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ta là bánh từ trời xuống”. Đứng trước những thính giả hoài nghi và còn thù nghịch nữa, Đức Giêsu cứ khẳng định như thế. Ngài còn cho biết thêm: ai muốn được sống vĩnh hằng, cần phải lãnh nhận bánh ấy.

Người Do thái không thể nào chấp nhận được lời tuyên bố ấy, bởi vì làm sao người ta có thể hiểu được mầu nhiệm Nhập thể. Người ta chỉ có thể lý luận theo lẽ tự nhiên rằng: làm sao ông này có thể là bánh hằng sống từ trời xuống được? Bởi vì ông ta chỉ là người Nazareth như họ, ông ta chỉ là người thợ mộc, con ông Giuse và bà Maria, anh chị em ông đang ở với mình, thân thế sự nghiệp chả có gì đáng lưu ý, gia cảnh của ông ta thật là tăm tối. Vậy tại sao ông ta dám tuyên bố như thế?

Đức Giêsu muốn trả lời cho họ rằng muốn tin mầu nhiệm này, hiển nhiên là phải có đức tin. Đức tin chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho. Đức tin giúp những người lãnh nhận nó được kết hợp với Chúa và sống bởi Chúa và nhờ Chúa. Như vậy, chúng ta hưởng nhờ đức tin vào Chúa Kitô, chúng ta hãy tỏ ra ngoan ngoãn với những giáo huấn của Ngài, trung thành yêu mến Ngài, nhiệt tâm với Thánh Thể Ngài. Do đó, Ngài sẽ là bánh hằng sống từ trời xuống, là nguồn mạch sự sống vĩnh hằng cho chúng ta.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Muốn được trường sinh bất tử

Đây là bài giảng dài, Đức Giêsu nói về Bánh Hằng Sống. Bài Tin mừng hôm nay tiếp theo đoạn Tin mừng tuần trước được rút ra trong bài giảng về Bánh hằng sống trong thánh Gioan. Bài giảng này có thể chia thành 3 phần:

1. Chúa nhật tuần trước đã nói đến sự khác biệt giữa của ăn vật chất mau hư nát và của ăn bất hủ mà Con người đem đến trong thế gian.

2. Chúa nhật này nói đến việc Đức Giêsu ban mình làm bánh hằng sống và kêu gọi mọi người ăn bánh đó.

3. Chúa nhật tuần sau sẽ nói đến việc Đức Giêsu ban bánh đó trong phép Thánh Thể.

I. TA LÀ BÁNH TỪ TRỜI XUỐNG

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu đưa dân đến mầu nhiệm “Bánh ban sự sống”. Nhưng dân chúng không mở tai ra để nghe, để hiểu. Họ chỉ khư khư xoay quanh những đòi hỏi vật chất. Khi nghe Đức Giêsu nói: “Ta là bánh từ trời xuống”, người ta kêu ca phản đối: “Ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Ta từ trời xuống?

Họ phản đối Đức Giêsu vì họ thấy theo con mắt xác thịt, theo suy nghĩ của loài người hạ giới. Họ giống như Gagarin, anh hùng vũ trụ đầu tiên, bay lên không gian ngày 12 tháng 4 năm 1961. Khi trở về trái đất, ông tuyên bố: “Tôi không thấy thiên đàng đâu cả”. Lối nhìn này gọi là quan sát thực nghiệm, cân đo, đụng chạm được bằng mắt, tai, tay, chân, mũi. Ngoài ra không thấy gì khác nữa.

Họ phản ứng trước lời tự xưng của Đức Giêsu, nêu lên sự kiện Ngài là con bác thợ mộc, họ biết Ngài sinh sống tại Nazareth. Làm sao họ hiểu một người thợ mộc tầm thường nghèo nàn lại có thể trở thành sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa được. Họ chối bỏ Đức Giêsu vì trắc nghiệm Ngài bằng các giá trị của loài người, của xã hội và bằng tiêu chuẩn thế gian.

Truyện: Bé cái lầm

Lawrencee là bạn thân của thi sĩ Thomas Hardy. Thời gian ông phục vụ trong Không lực hoàng gia Anh với tư cách thợ máy, ông vẫn thường mặc quân phục thợ máy đến thăm vợ chồng Hardy. Một lần tại nhà thi sĩ, ông gặp bà thị trưởng Dorchester. Không biết anh thợ máy cùng có mặt hôm đó là ai, bà tỏ ra khó chịu quay sang hỏi bà Hardy, nói bằng tiếng Pháp, bà than phiền: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, tôi chưa bao giờ ngồi uống trà với một tên lính quèn như thế này”. Không ai nói năng gì. Một lúc sau, Lawrencee nói với bà bằng tiếng Pháp thật hoàn hảo rằng: “Xin lỗi bà, tôi có thể làm thông dịch viên cho bà, vì bà Hardy không biết nói tiếng Pháp”.

Một mệnh phụ phu nhân rởm đời và bất nhã đã lầm lẫn tai hại, chỉ vì xét người theo bề ngoài, theo tiêu chuẩn xã hội. Đó cũng là lầm lẫn của người Do thái đối với Đức Giêsu. Họ không thấy được Đức Giêsu từ trời xuống vì lòng họ ra chai đá, không còn cảm động theo ân huệ lôi kéo của Đức Chúa Cha, không còn nghe lời Cha dạy dỗ dù hết mọi người được Thiên Chúa dạy dỗ như sách tiên tri đã chép. Thiên Chúa lôi kéo. Thiên Chúa dạy dỗ. Thiên Chúa đề nghị, nhưng rồi ta không nghe, không đáp lại, không hiệp thông. Người ta có tự do, có quyền từ chối, tự do của họ đã chiều theo các tình tư dục của họ.

II. TA LÀ BÁNH BAN SỰ SỐNG

Sau khi đã trẽ câu chuyện vì sự lẩm bẩm của người Do thái, Đức Giêsu lại trở lại vấn đề Ngài là Bánh. Trên kia Ngài quả quyết Ngài là bánh từ trời xuống. Đây Ngài quả quyết thêm một điều nữa: “Ngài là bánh ban sự sống”, khác với manna.

So sánh manna được ban cho dân Do thái làm lương thực đi đường trong sa mạc với Bánh Hằng Sống được Đức Giêsu ban cho các tín hữu trong bí tích Thánh Thể, chúng ta thấy manna là lương thực được Đức Chúa ban cho dân Do thái trong thời xuất hành, là thứ đồ ăn mau bị hư nát (x. Xh 16,19-21). Dù dân Do thái đã ăn manna, nhưng họ vẫn bị giết chết do tội họ đã phạm (x. Tv 78,29-31) và vẫn không sống đời đời (x. Ga 6,58). Còn Đức Giêsu mới là Bánh Hằng Sống đích thực, để ăn thịt và uống máu Ngài thì sẽ không phải chết (x. Ga 6,50) nhưng được sống đời đời (Ga 6,51.54), được ở trong Ngài (Ga 6,56), được sống nhờ Chúa Cha (x. Ga 6,57), được sống và được sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Đức Giêsu lại nói tiếp: “Bánh Ta sẽ ban tặng chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống”. Với câu này, Đức Giêsu đã đưa vào một ý tưởng mới. Bánh này Đức Giêsu hứa sẽ ban, nhưng chưa ban. Đã rõ, đây Đức Giêsu muốn nói về Thánh Thể Ngài sẽ thành lập sau này. Từ lương thực nuôi sống thể xác, được Ngài biến thành Bánh Hằng sống (x. Ga 6,48), thành thân mình sẽ bị khổ nạn và phục sinh của Ngài (x. Ga 6,51), thành của ăn thần thiêng nuôi dưỡng đức tin, giúp các tín hữu đủ sức tiến về Đất Hứa là quê trời đời sau và sẽ được sống muôn đời.

Truyện: Phép lạ ở Lanciano

Năm 700, tại tu viện thánh Longino ở Lanciano (Ý) có một linh mục tên là Basiliô, đã dâng Thánh lễ, nhưng lại hoài nghi về mầu nhiệm Chúa biến bánh rượu nên Mình Máu Thánh Chúa, thì Chúa đã làm một phép lạ cả thể còn được lưu niệm đến ngày nay như một tang chứng vĩ đại về phép Thánh Thể, được gọi là phép lạ Lanciano.

Sau khi vị linh mục ấy truyền phép, Bánh đã trở nên Thịt và Rượu đã trở nên máu, còn được cô đọng đến ngày nay. Theo một cuộc phân tích, thịt là một thớ thịt từ trái tim, máu là máu một người với công thức AB (vết máu trên chiếc khăn liệm Turin cũng là công thức AB).

Ngày nay, Thịt và Máu Chúa được lưu giữ trong hào quang quý giá gọi là Hào Quang phép lạ Thánh Thể Lanciano, có từ năm 1713. Cuộc khảo sát khoa học chứng minh, được thực hiện năm 1971. Thánh đường thánh Phanxicô, nơi lưu giữ, trở nên một trung tâm hành hương lớn của thế giới (Đọc Eucharistic Miracles của Carroll Cruz).

III. BÁNH BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Người đời ai cũng muốn sống lâu, sống trường sinh bất tử, cho nên mỗi độ xuân về người ta nhộn nhịp chúc tuổi nhau như thi sĩ Trần Tế Xương đã diễn tả:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Người ta ai cũng sợ chết. Tham sinh uý tử là lẽ tất nhiên. Người ta nhận xét rằng không bao giờ người đời cảm thấy mình sống lâu cả. Dầu đã tóc bạc da mồi, đi không vững, đứng không ngay, cũng còn thấy như mới bước chân vào đời ngày hôm qua vậy. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã diễn tả tâm trạng ấy như sau:

Nhớ từ năm trước vẫn thơ ngây
Thoát chốc mà già đã tới ngay.

Đến ngay Đức Hồng y Mercier, trước khi kết thúc cuộc đời 74 tuổi, đã buồn rầu khóc lên khi thấy thần chết đến gõ cửa: “Ôi đau đớn thay, phải mang theo vào lòng đất bao nhiêu dự định”.

Càng sống lâu, người ta càng muốn sống, càng thích sống, thèm sống, khát sống… Cụ già tám chín mươi tuổi thấy còn ham sống, như trang thanh niên mười chín đôi mươi vậy. Người ta có sống lâu đến ngàn năm như ông Mathusalem đi nữa, chắc tâm trạng cũng không thay đổi được.

Vì vậy, người ta mới tìm ra đủ cách, đủ mọi phương pháp để được cải lão hoàn đồng, được sống lâu, nhất là được trường sinh bất tử.

Truyện: Thuốc bất tử hay thuốc tử?

Thời Chiến quốc, có người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vị thuốc vào, có viên canh cửa hỏi rằng:

– Vị thuốc này có ăn được không?

Người ấy đáp:

– Ăn được.

Tức thì, viên quan giật lấy vị thuốc mà ăn.

Chuyện nói đến tai vua. Vua phán bắt viên quan đem giết.

Viên quan kêu rằng :

– Thần đã hỏi người đem dâng thuốc. Người ấy nói rằng: “Ăn được” nên thần mới ăn. Thế là thần vô tội mà lỗi người dâng thuốc – Vả chăng, người đem dâng thuốc nói là “bất tử”, nghĩa là ăn vào thì không chết nữa. Thế mà thần mới ăn, đã sắp phải chết, vậy là thuốc tử, chớ sao gọi là bất tử được? Nhà vua giết thần, thực là bắt tội một người vô tội mà tỏ rằng thiên hạ dối được nhà vua mà nhà vua vẫn tin.

Vua nghe nói có lý, bèn tha cho viên quan ấy, không giết nữa.

(Nguyễn Văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, tr 170)

Người ta hoàn toàn bất lực trước cái chết. Bao nhiêu phương pháp làm cho con người trường sinh bất tử đều thất bại. Người ta chỉ còn có cách quay về với Chúa thôi.      

Một trong những câu nói quan trọng nhất của Đức Giêsu về đời sống vĩnh cửu là những gì Ngài nói trong bài Tin mừng hôm nay: “Ta là Bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Bánh của Ta sẽ ban cho ấy là Thịt Ta, Ta ban Thịt Ta để thế gian được sống”. Đức Giêsu mạc khải cho biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết. Còn có cuộc sống trong tương lai không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu.

IV. THÁI ĐỘ CỦA TA

1. Tin hay không tin

Khi Đức Giêsu nói: “Ta là Bánh từ trời xuống”, dân Do thái xầm xì phản đối là phải, vì Ngài mạc khải về mình cho họ, Ngài mời họ tin vào Ngài và ăn bánh trường sinh là Ngài, để không bị đói khát nữa mà được sống đời đời. Làm sao họ tin Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, là Đấng ở nơi Thiên Chúa, là Đấng sống mật thiết với Thiên Chúa, là chính Ngôi Lời Thiên Chúa, tiếng nói của Ngài là tiếng nói của Thiên Chúa. Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống ư?

Ngày nay tâm thức của con người cũng chẳng khác với người Do thái xưa. Không phải chỉ có ngày nay con người mới khước từ mầu nhiệm trung tâm của đức tin. Sự khước từ hiện nay của nhiều người trẻ cũng như người trưởng thành không phải là chuyện mới mẻ: việc này đã bắt đầu từ thời Đức Giêsu, khi chính Ngài đã giảng giải và dạy giáo lý!

Trước hết chúng ta hãy khiêm tốn nhận biết lời xác quyết của Đức Giêsu thật to lớn. Chúng ta nên nhìn nhận rằng người không tin không phải là một kẻ bất bình thường. Họ sống theo “lý trí” của con người một cách hoàn toàn tự nhiên. Điều này càng nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của đức tin: đức tin không chỉ giới hạn vào những quan điểm hợp lý mà thôi.

Đây là cao vọng chưa từng thấy của một người thợ mộc thấp hèn ở làng bên cạnh, mà người ta biết rõ cha mẹ. Đức Giêsu đã phản ứng thế nào, hôm đó (và hôm nay) trước sự khước từ “Bánh bởi trời” (Noel Quesson)?

2. Muốn được đến với Chúa

Đức Giêsu phán tiếp: “Các ông đừng có xầm xì với nhau, chẳng ai đến với Ta được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy”. Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã đứng trên một bình diện khác với lý trí của con người. Đó là điều mà chúng ta thường gọi là “Ân sủng”, hay nói cách khác, đó là sáng kiến của Thiên Chúa.

Đức Giêsu nói cần phải có sự soi sáng ở bên trong của Thiên Chúa là Đức tin, để thấu hiểu được những việc của Thiên Chúa, để “đến với Đức Giêsu”. Chỉ có Chúa mới có thể nói về Chúa. Đấng siêu việt không phải là một thực tại nhỏ bé nằm trong tầm hiểu biết của bộ óc con người hay của máy móc khoa học: Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, vượt cao hơn tất cả. Hãy để cho Chúa dạy bảo chúng ta. Phải đón nhận “Lời Chúa”, lời từ một nơi khác đến với chúng ta.

TruyệnHồng y Newman

Hồng y Newman trước kia đã từng giữ chức vụ cao trong Anh giáo và bổng lộc hằng năm là một số tiền khá lớn. Dù thuộc tầng lớp quý tộc và hàng chức sắc cao cấp như vậy, nhưng ngài vẫn luôn có sự áy náy lương tâm về một số vấn đề liên quan đến đức tin tôn giáo khó lòng lý giải được.

Thế rồi một ngày kia, sau khi đã dành nhiều thời giờ suy nghĩ tìm hiểu và so sánh giữa Anh giáo và đạo Công giáo, cuối cùng ngài quyết định từ bỏ mọi chức vụ và các đặc quyền đặc lợi để xin cải giáo theo Công giáo. Biết được ý định của Newman, nhiều người thân là bà con và bạn bè đã đến thăm và đề nghị ngài suy nghĩ lại. Có người còn nêu cụ thể vấn đề bổng lộc như sau: “Trước khi quyết định, xin ngài hãy cân nhắc cẩn thận. Vì nếu ngài cải giáo thì không những bị mất tất cả các chức danh và địa vị tinh thần, mà ngay cả lương bổng vật chất hàng năm không còn được  hưởng nữa”.

Nhưng Newman đã thẳng thắn trả lời họ rằng: “Tiếc thì tôi cũng có tiếc thật. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Chức vụ, quyền hành và bổng lộc vật chất tuy đáng quý, nhưng có đáng là gì nếu đem so sánh với những cái tôi nhận được khi tôi trở nên thành viên của Hội thánh Công giáo và tông truyền. Tôi sẽ được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua việc lãnh các bí tích, nhất là được ăn bữa tiệc Thánh Thể. Đó mới thực là bánh đem lại phúc trường sinh”.

Sở dĩ Newman có được suy nghĩ sáng suốt và quyết tâm cao như vậy, là do Ngài được Chúa Thánh Thần soi dẫn và đã thuận theo sự hướng dẫn ấy. Thực vậy, nếu không có ơn Thánh Thần, thì người ta chẳng những sẽ không hiểu nổi các chân lý nói trên, mà sẽ còn tỏ ra khó chấp nhận những lời giảng dạy về mầu nhiệm Thánh Thể, như đám đông dân Do thái tại thành Capharnaum mà Tin mừng hôm nay đã thuật lại.

3. Thánh Thể, nguồn sinh lực dồi dào

Để có thể tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, người ta phải mở rộng tâm hồn trước những mạc khải và quyền lực siêu nhiên.

Văn sĩ Charles Péguy đã nói: “Bí tích Thánh Thể, Bánh Hằng sống, không phải là những chuyện tầm thường ngang tầm tay chúng ta. Phải tìm kiếm vượt trên những gì hữu hình. Không ai đã thấy bao giờ! Vậy để thấy rõ hơn, có lẽ chúng ta sẽ nhắm hẳn mắt lại, tránh mọi sự chia trí trong thế giới hữu hình, để tập trung vào cái “vô hình”.

Người Kitô hữu cũng phải đi ngang qua sa mạc cuộc đời với bao gian nan trở ngại. Chúng ta cũng cần được Chúa nuôi dưỡng để đủ sức đi trọn cuộc hành trình về quê trời đời sau. Vậy chúng ta cần phải ăn thứ lương thực nào? Chúa Cha đã ban cho ta bánh bởi trời là Đức Giêsu (x. Ga 6, 32-33). Đó là Bánh Thánh Thể, được ban để đem lại sự sống đời đời như Ngài đã nói: “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống. Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống (x. Ga 6,48.51).

Bánh ban Sự sống còn là Lời Chúa như Đức Giêsu đã nói khi đương đầu với ma quỷ cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3; Mt 4,4). Ngài chính là Ngôi Lời hay lời nói của Thiên Chúa đã nhập thể làm người (Ga 1,14) và chỉ mình Ngài mới có những lời mang lại sự sống đời đời (x. Ga 6,68).

Tóm lại, Mình Máu Chúa là của ăn không những nuôi dưỡng linh hồn mà còn tăng thêm niềm tin, lòng yêu mến và hy vọng, giúp chúng ta sống hào hùng, sống tốt đẹp ở đời này và bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc trường cửu đời sau. Vậy chúng ta hãy quý mến phép Thánh Thể và siêng năng rước  lễ để lãnh nhận những ơn ích và những hiệu quả cao quý ấy.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

BÁNH XUỐNG TỪ TRỜI

Chẳng phải đến thời Co-vid-19

con người mới nhận ra sự mong manh của phận người.

Con người từ nguyên thủy vẫn phải đối diện với đe dọa

đến từ nhiều nguyên nhân.

Có những thiên tai như hạn hán, hạn hán sinh mất mùa,

mất mùa sinh đói kém, đói kém sinh chết chóc.

Có những đại dịch càn quét cùng lúc nhiều quốc gia,

Dịch tả, dịch hạch, dịch đậu mùa, dịch cúm,

khiến cho  người chết không sao đếm được.

Nhưng cũng có những cái chết do con người.

Từ cái chết đầu tiên của Aben ở ngoài đồng vắng

đến cái chết hôm nay của một bé Palestine ở dải Gaza.

Bao nhiêu người đã bị chết vì hai cuộc thế chiến!

Người ta giết nhau không bằng gươm dao như xưa

nhưng bằng những thứ vũ khí tối tân hơn mãi.

Mạng sống con người quả thật mong manh

Con virus nhỏ bằng một phần bảy mươi ngàn sợi tóc

đến nay đã giết chết hơn bốn triệu người trên thế giới.

Bao nhiêu cuộc chia ly lặng lẽ đớn đau!

Bao nhiêu ngôi mộ được lấp vội vàng!

Đức Giêsu biết rõ lòng con người khao khát sống.

Ngài xuống trần gian là để thỏa mãn khao khát ấy.

Ngài nhận mình là là Sự Sống và là Sự Sống lại,

là Bánh và là Ánh sáng ban sự sống.

Mọi sứ vụ của Ngài đều có mục đích đem lại sự sống:

chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết, trừ quỷ, rao giảng.

Nhưng Ngài biết đời người không kéo dài đến vô cùng.

Dù con đường dẫn đến cái chết, mỗi người mỗi kiểu,

nhưng rồi mọi người cũng phải đối mặt với cái chết.

Tôi sẽ đi về đâu? Làm sao tôi có thể sống mãi?

Đức Giêsu muốn đưa ra một câu trả lời tận căn.

Ngài muốn chỉ đường cho con người để họ sống mãi.

Người Việt sống bằng cơm, người Do-thái sống bằng bánh.

Đức Giêsu đã ví mình như Tấm Bánh nuôi con người:

“Chính Tôi là Bánh xuống từ trời, Bánh đem lại sự sống.”

Đức Giêsu đúng là con ông Giuse và bà Maria (Ga 6,42),

nhưng Ngài có gốc thần linh đến từ Thiên Chúa.

Ngài là Thiên Chúa Con Một xuống thế làm người.

Ngài là Tấm Bánh mà Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại.

Tấm Bánh này vượt trội tấm bánh manna Cha đã ban.

Manna chỉ bổ dưỡng thân xác để dân Israel về Đất Hứa.

Nhưng tiếc thay Israel không một ai được vào (Ds 14,23).

“Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc và đã chết.”

Tấm Bánh Giêsu cho con người sự sống vĩnh hằng.

Dù cái chết thân xác vẫn đe dọa người tín hữu,

nhưng nó không phải là kẻ chiến thắng.

Tấm Bánh Giêsu giúp ta thắng cái chết để vào cõi sống.

Sự chết đang hoành hành trên khắp thế giới.

Đau khổ kinh khủng vì những người thân phải ra đi.

Người ta tìm đủ mọi cách để ngăn chặn dịch bệnh.

Các trung tâm hồi sức nỗ lực dành giật lại sự sống.

Đây cũng là lúc chúng ta quan tâm hơn về đời sau.

Không tuyệt vọng vì mất những giá trị mau qua,

nhưng chuẩn bị cho những giá trị bền vững.

Hãy để Chúa Cha lôi kéo ta đến với Giêsu (Ga 6,44).

Hãy nghe lời Chúa Cha dạy dỗ để đến với Giêsu (Ga 6,45).

Hãy nhớ lời Đức Giêsu nói với chị Mácta: “Ai tin vào Thầy,

thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Sự sống vĩnh hằng là quà tặng Cha ban qua Đức Giêsu.

Chỉ cần hết lòng đón lấy Tấm Bánh Giêsu là được sống.

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha là Chúa trời đất,

Cha là Cha toàn năng, nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.

Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.

Cha đã cho con người cùng được chia sẻ tự do của Cha,

và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,

dù con người vẫn lạm dụng tự do để làm điều xấu.

Lạy Cha toàn năng,

Khi trao cho loài người chúng con tự do,

Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.

Bởi đó sự dữ có sức tung hoành trong thế gian này.

Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,

Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.

Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công

của bao người thấp cổ bé miệng trên thế giới.

Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá của Con Cha

trở nên dấu chỉ cao nhất của tình yêu Cha cho nhân loại.

Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,

chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.

Cha vẫn trao bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.

Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.

Chúng con tin vào tình yêu Cha

dành cho từng người ngay giữa sóng gió.

Và chúng con biết mình không bao giờ phải thất vọng.