“Người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được.”
BÀI ĐỌC I (năm II): Hs 2, 14. 15-16. 19-20
“Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời”.
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Chúa phán: “Này đây Ta sẽ dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc, và kề lòng, Ta nói khó với nó. Ở đó nó sẽ vọng lại như ngày còn thơ, và như ngày nó lên từ đất Ai-cập. Sẽ xảy ra là trong ngày ấy, sấm của Giavê, nó sẽ gọi Ta: ‘Chồng tôi’, chứ nó sẽ không gọi Ta là ‘Ông chủ tôi’ nữa”.
“Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công bình và chính trực, trong tình yêu và thương xót. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong sự trung tín và ngươi sẽ biết Ta là Chúa”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi (c. 8a).
Xướng: Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.
Xướng: Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều kỳ diệu của Chúa.
Xướng: Người ta nói tới quyền năng trong những việc đáng sợ, và kể ra sự vĩ đại của Ngài. Người ta lớn tiếng khen ngợi lòng nhân hậu bao la, và hân hoan vì đức công minh của Chúa.
Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.
Tin mừng: Mt 9, 32-38
32 Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được.
34 Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.
37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.
38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Trái tim của Chúa Giêsu là trái tim của người mục tử nhân hậu. Chúa chạnh lòng thương xót và cứu vớt đàn chiên lầm than vất vưởng. Chúa còn dạy ta cầu nguyện để Chúa Cha ban những người nối tiếp sứ mạng mục tử ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhìn thấy những nỗi lầm than vất vưởng của đàn chiên Chúa, và Chúa đã đến cứu giúp chúng con. Với trái tim giàu lòng thương xót, Chúa đã làm tất cả những gì có thể làm để chúng con được sống và sống sung mãn. Chúa quan tâm chăm sóc từng người chúng con. Con tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa, khi xưa chính Chúa đã tiêu diệt sự thống trị của ma quỷ. Chính Chúa đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đã đi tìm những con chiên lạc, đã nuôi dưỡng dân chúng trong hoang địa, và chính Chúa đã chữa lành những bệnh nhân.
Ngày nay, con tin rằng chính Chúa cũng đang yêu thương chăm sóc con qua sự hiện diện của các mục tử. Con tạ ơn Chúa vì qua các mục tử, chính Chúa đang dạy dỗ, an ủi và khích lệ con, chính Chúa tha thứ tội lỗi và vỗ về ôm ấp con như con chiên lạc trở về, chính Chúa quy tụ và nuôi dưỡng con nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa giúp con cảm nhận được lòng thương xót bao la của Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa ban cho Hội Thánh có được những mục tử như lòng Chúa mong muốn, những mục tử giàu lòng thương xót và tận tình phục vụ đàn chiên. Đặc biệt xin Chúa thương xót những đàn chiên thiếu vắng mục tử. Xin Chúa an ủi họ và ban cho họ sớm có chủ chăn. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Xin Chúa ban cho chúng con những thợ gặt. Amen.
Ghi nhớ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích
Bài Tin Mừng này gồm hai ý:
1. Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người câm nói được. Căn cứ theo lời tiên tri của Isaia, phép lạ này chứng minh Ngài là Đấng Messia. Nhưng những người biệt phái cố tình không hiểu ý nghĩa của phép lạ này, họ còn xuyên tạc rằng Ngài đã cậy sức của quỷ vương mà làm việc đó.
2. Tấm lòng của Chúa Giêsu đối với dân chúng: Ngài tận tình giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho họ, nhưng Ngài vẫn thấy họ bơ vơ như chiên không có người chăn. Một mặt Ngài cho các môn đệ hiểu hoàn cảnh ấy “lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”, mặt khác, Ngài bảo họ cầu xin “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa”.
B. Suy gẫm
1. Thiên Chúa đã dựng nên con người có miệng để con người nói. Người câm không nói được là một ngưới bất bình thường. Chúa Giêsu làm phép lạ để ban lại quyền ăn nói cho đương sự.
Tuy tôi không câm, nhưng trong nhiều trường hợp lẽ ra tôi phải nói thì tôi lại không nói: nói để an ủi người khác, nói để bênh vực chân lý, nói để rao giảng Tin Mừng… Xin Chúa chữa con chứng bệnh câm này.
2. Trước phép lạ của Chúa Giêsu, những người bình dân ít học thì khen ngơi Ngài, còn những người biệt phái thông thái thì xuyên tạc. Điều này gọi là “có định kiến xấu”. Người đã có định kiến xấu thì dù thuộc giới đạo đức hay học thức (như biệt phái) cũng phạm sai lầm một cách tệ hại.
3. Chúa Giêsu đã chạnh lòng trước cảnh bơ vơ của dân chúng. Các nhà truyền giáo nhiệt thành cũng đều chạnh lòng như thế. Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Chỉ những ai biết chạnh lòng thì mới có thể là những nhà truyền giáo.
Xin Chúa đánh động tâm hồn các Kitô hữu, nhất là các Linh mục tu sĩ.
4. Thành kiến: Cuốn phim “Dấu ấn của quỷ” kể một câu chuyện rất thương tâm.
Một ngôi làng nhiều mê tín dị đoan, một bé gái sinh ra mang sẵn một dấu ấn trên ngực. Dân làng nói đó là dấu ấn của quỷ nên bỏ cô vào thúng rồi thả xuống biển. Một ông lão cùi đã vớt được cô đem về nuôi. Lớn lên cô gặp một chàng trai, hai người yêu nhau, lấy nhau và sống hạnh phúc bên cạnh ông lão cùi. Giữa lúc dân làng tìm thấy cô gái và bắt lại. Và trớ trêu thay cũng giữa lúc ấy người phụ nữ trẻ sinh con, và đứa con cũng có một dấu ấn y như thế trên ngực. Người mẹ lấy bó đuốc cố đốt sạch dấu ấn trên ngực con nhưng vô ích. Cuốn phin kết thúc với cảnh người mẹ đau khổ gục chết, ông lão cùi tuyệt vọng đốt rụi túp lều của mình, và đứa trẻ sơ sinh ngơ ngác không hiểu số phận mình sẽ ra sao…
Đối với Chúa Giêsu không ai mang dấu ấn của quỷ, mà chỉ có hình ảnh cao quý của Thiên Chúa trong mỗi người (Chờ đợi Chúa)
5. Bấy giờ người nói với các môn đệ rằng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúc mang về” (Mát Thêu 9, 37-38)
Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đốm sáng rực rỡ: khi con người ngồi gần lại nhau để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hoà bình; khi cả thế giới lo chung một mối lo bảo vệ trái đất , ngăn chặn si đa, diệt tận ma tuý; khi có những người nghèo quan tâm đến những người nghèo hơn; khi trẻ thơ và người già được chăm sóc; khi những hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ; khi không còn kì thị chủng tộc, tôn giáo, màu da, khi những tiến bộ khoa học làm con người sống hạnh phúc; khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, sống trên cùng một hành tinh, dười mái nhà bầu trời.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chữa người câm bị quỉ ám (Mt 9,32-38)
- Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người câm bị quỉ ám. Chúa trừ quỉ ra và người câm nói được, dân chúng thấy vậy thì khâm phục quyền năng Chúa, tin tưởng Chúa là Đấng Thiên Sai; còn người biệt phái thì không chịu tin Chúa mà lại tin ma quỉ… Và Chúa đi khắp các thành các làng mạc rao giảng Tin mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh tật. Khi thấy dân chúng đông đúc không ai cứu giúp thì Ngài chạnh lòng thương họ. Ngài bảo các môn đệ xin Chúa Cha cho nhiều người đến dìu dắt họ.
- Mở đầu Tin mừng là câu chuyện Chúa Giêsu trục xuất một tên quỉ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng người biệt phái độc miệng cho rằng: Chúa dùng quyền tướng quỉ mà trừ quỉ. Khi đã không ưa thì dưa có dòi, biệt phái tìm cách để nói xấu Chúa Giêsu, vì giáo lý của Ngài đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, sự chống đối không quan trọng khi Ngài không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin mừng phải được loan báo cho muôn dân.
- Sự ghen tị của người biệt phái
Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giàu sang, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm. Họ tìm cách lèo lái dân thoả hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỉ.
- “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”
Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Ngài như một “mục tử” và “lương y”. Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu là cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Chúa Giêsu sai môn đệ đi rao giảng Tin mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.
- “Chúa Giêsu chạnh lòng thương”
Bức tranh nhân loại ngày nay thật tăm tối khi sự nghèo khó lại sánh vai bên cạnh sự giàu có và thừa mứa. Dưới gầm bàn ăn của người phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình là vô số những Lazarô đang lê lết quằn quại trong bệnh tật và đau khổ.
Sự hiện diện của những người đau khổ là một tra vấn cho lương tâm Kitô hữu chúng ta. Chính qua chúng ta mà Chúa Giêsu tiếp tục chạnh lòng thương trước nỗi khốn khổ của con người, nhưng cũng chính qua những người khốn khổ mà Chúa Giêsu đến với chúng ta. Trong ngày sau hết, chúng ta chỉ bị xét xử về một điều, chúng ta có nhận ra và yêu thương Ngài nơi những con người khốn khổ không?
Có lần Mẹ Têrêsa đã cầu nguyện với Chúa như thế này: “Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình yêu hoàn toàn đối với Chúa, Đấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con”.
Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.
- Truyện: Người hành khất bất đắc dĩ
Cha Anthony de Mello thuật lại một câu chuyện có thật. Chuyện xảy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tuỵ của ông khiến người đi đường ngỡ ông là người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.
Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên, vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.
Trên đường về, ông nhìn thấy nhiều người ăn xin đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo hèn ấy hiểu: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.