Ảnh và bài viết: Giuse Văn Phượng
Ban chấp hành (BCH) Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) Tổng giáo phận TPHCM (TGP) đã tổ chức chuyến hành hương – tĩnh tâm – bác ái vào lúc 09g30 ngày 02-6-2019, tại nhà thờ giáo xứ Cần Giờ, giáo hạt Xóm Chiếu, số 183/2 Đào Cử, xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Đến tham dự có linh mục (Lm) Giuse Hồ Đắc Tâm CSsR – Chánh xứ và đại diện cộng đoàn giáo xứ Cần Giờ; Lm Giuse Hoàng Văn Hinh SDB và đại diện cộng đoàn giáo xứ Thánh Giuse, số 114B ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp; Lm Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn – phó xứ và đại diện cộng đoàn giáo xứ An Thới Đông, ấp An Hòa, xã An Thới Đông. Tất cả thuộc huyện Cần Giờ TPHCM và thuộc giáo hạt Xóm Chiếu. Ngoài ra còn có đại diện GĐPTTTCG TGP và các giáo hạt trong TGP, nhiều ân nhân và cảm tình viên các giáo xứ tại huyện Cần Giờ.
Khởi đầu, anh Giuse Huỳnh Bá Song – Phó Trưởng ban Ban Chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) Tổng giáo phận TPHCM (TGP) giới thiệu ý nghĩa của sự kiện ngày hôm nay là đốt lên ngọn lửa lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa và đem Chúa Giêsu đến cho những người chưa biết Chúa.
Tĩnh huấn
Lm Giuse Hồ Đắc Tâm CSsR chia sẻ chủ đề “Hãy học với Chúa Giêsu, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng”
Trước khi chia sẻ, ngài tâm tình: đây là một vinh dự rất lớn cho giáo xứ Cần Giờ, vì lần đầu tiên giáo xứ đón tiếp một lượng khách rất đông đến để hành hương và tĩnh tâm, vì có nhiều người lần đầu đến đây, mặc dù thuộc TGP, chỉ cách trung tâm TPHCM # 60Km, nhưng trở ngại phải qua phà, và còn nhiều khó khăn.
Giáo xứ đã thành lập được 48 năm, nhưng số giáo dân # 350 người, không bằng con số hiện diện hôm nay, điều đó cho thấy việc truyền giáo ở đây rất khó khăn. Qua đó, ngài thỉnh cầu các tham dự viên khi sống tinh thần phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu xin nhớ đến giáo xứ này, dâng cho Cần Giờ một lời kinh đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một việc hy sinh hãm mình vì những giới hạn khiến cho việc loan báo Tin Mừng chưa được phát triển mạnh mẽ.
Đi vào chủ đề chính, linh mục Giuse nhắc lại nguồn gốc của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu cách công khai, bắt đầu từ mạc khải của Chúa với Thánh Magarita Maria Alacoque đồng trinh (1647-1690), Thánh nhân đã được thị kiến Trái Tim bằng thịt của Chúa. Từ đó con người mới biết được Chúa Giêsu đã yêu thương con người quá bội, nhưng con người lại vô tình tệ bạc. Chính vì thế Thánh Magarita Maria Alacoque được Chúa truyền phổ biến tinh thần phạt tạ Thánh Tâm Chúa. Là đoàn viên GĐPTTTCG muốn chia sẻ, phổ biến tinh thần phạt tạ ấy, có nghĩa là lấy tình yêu của mình ngang qua hy sinh, khó nhọc, bỏ mình để an ủi Thánh Tâm Chúa, hiệp thông với sự đau khổ của Chúa không phải chỉ trong cuộc khổ nạn ngày xưa cách đây trên 2000 năm, mà ngay hôm nay Thánh Tâm Chúa đang đau khổ vì những người bạn thiết nghĩa của Ngài: thờ ơ, nguội lạnh, tội lỗi, gây gương mù gương xấu. Đó là tinh thần của phong trào phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Nếu có lòng một chút, con người sẽ nhận ra sự tổn thương gây ra cho nhau, như trong một gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em làm tổn thương cho nhau, làm cho Thánh Tâm Chúa Giêsu phải đau khổ; trong xã hội hôm nay biết bao những tệ nạn, đau khổ con người gây ra cho nhau; điều làm Chúa đau khổ hơn hết là những môn đệ của Chúa (các tu sĩ, linh mục), trong tự sắc “Chúng ta là ánh sáng muôn dân” Đức Thánh cha Phanxicô đã buộc các tu sĩ phải cáo giác Hồng Y, giám mục, linh mục lợi dụng chức vụ của mình cưỡng bức người khác nhất là trẻ con. Đó là những tội lỗi, những tổn thương mà Thánh Tâm Chúa Giêsu đã phải chịu mà mỗi người phải đền tạ.
Việc đền tạ là tự nguyện, là những người muốn đứng vào hàng ngũ những người muốn đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG). Đền tạ bằng dâng những hy sinh, những đau đớn thể xác, những đau khổ tâm hồn, hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa mà cầu nguyện cho thế giới được hoán cải, được đổi mới, nhất là lấy tình yêu báo đáp tình yêu, dục lòng mình yêu mến Chúa, tha thiết nài xin Chúa cho mình được sống trong tình nghĩa với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho.
Ngài chia sẻ lời mời gọi của Chúa Giêsu như một phương thế tuyệt diệu để sống tinh thần đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”
Sự hiền lành của Chúa Giêsu: kiên nhẫn chờ đợi những người tội lỗi hối cải, ví dụ: Chúa kiên nhẫn với bà tội lỗi người Samaria nơi bờ giếng Gia-cóp, dụ ngôn người mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc; nhẫn lại với các môn đệ cứng lòng và chậm tin (ví dụ: Tôma); chấp nhận bản án tử hình do các nhà lãnh đạo Do Thái gán cho Ngài.
Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu: hạ mình làm người, chấp nhận mọi giới hạn của thân phận con người, chết nhục nhã trần truồng đau thương trên thập giá để cứu độ nhân loại; khiêm nhường, tự hủy, hạ mình tột cùng; tuy là Thiên Chúa, vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, lấy ý Chúa Cha làm lương thực, làm lẽ sống của mình, luôn cầu nguyện để thấy được ý của Cha muốn mình làm gì; tuy là Thiên Chúa, đồng bản thể với Thiên Chúa, làm một với Thiên Chúa mà khi làm người Chúa chỉ biết làm theo ý Chúa Cha, đến nỗi: “Lạy Cha, nếu có thể được xin Cha cất khỏi con chén đắng này, nhưng đừng theo ý con mà theo ý Cha.” Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt hảo của đức khiêm nhường.
Con người tuy có giới hạn, nhưng Thiên Chúa ban cho con người có phẩm giá nhờ tự do và hiểu biết. Đối với con người, sự hiền lành rất là khó, thường nổi giận vì ý của mình không được người khác đón nhận, làm như ý của mình là chân lý.
Về sự khiêm nhường, con người rất kiêu ngạo trong tương quan với nhau và với Chúa. Trong tương quan với nhau: con người thường đề cao bản thân, xem thường người khác, thích phê bình, nói xấu, xét đoán. Trong công việc tông đồ thì tìm cách phô trương bản thân mình, không biết chấp nhận giá trị của người khác, thiếu sự cộng tác chân thành. Trong gia đình thì khẳng định uy thế của mình, không nhận ra khuyết điểm của mình, thích đổ lỗi cho người khác như Adam – Evà. Trong tương quan với Chúa: con người giống như người Pha-ri-sêu lên đền thờ cầu nguyện kể công với Chúa, như những người lãnh đạo Do Thái giữ đạo cách hình thức và vụ lợi.
Trong thế giới này đầy tội lỗi, đang trong nguy cơ tan rã, hủy diệt, thậm chí là tận thế. Giáo Hội khủng hoảng đời sống đức tin, xa hoa, tục hóa. Gương mù, gương xấu của người có đạo, đời sống đạo đức xuống cấp, tị nạn xã hội tràn lan. Mọi người được mời gọi đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng một thái độ sống đức tin, khiêm nhường và hiền lành.
Khiêm nhường thể hiện qua thái độ biết xin lỗi. Ngài giới thiệu 10 lý do cần phải xin lỗi:
- những lúc tôi hứa mà không thực hiện cho tha nhân.
- những lúc tôi thờ ơ vô cảm với những đau đớn của người khác chung quanh mình.
- những lúc tôi ích kỷ vụng về hiểu lầm nên làm phiền tha nhân.
- những lời nói hành động của tôi dù vô tình hay cố ý đã làm tổn thương tha nhân.
- Những lúc tôi không giúp đỡ tha nhân vì những điều tôi muốn mà hèn nhát không dám làm.
- Những mối bất hòa, cãi vã, mâu thuẫn với tha nhân.
- Những lúc tôi làm cho chính mình đau khổ và việc xấu vì tha nhân.
- Những lúc tôi cố gắng mà vẫn chưa làm được điều tốt đẹp cho cuộc đời và xã hội.
- Những lúc tôi làm cho tha nhân thất vọng và hụt hẫng, mệt mỏi.
- Những lúc tôi đã thay đổi thất thường, đòi hỏi người khác phải làm theo ý mình.
Hiền lành thể hiện qua thái độ tha thứ. Ngài giới thiệu tha thứ cho người khác về:
- Điều dối gian họ dành cho tôi.
- Những gì xấu xa nhất họ nghĩ về tôi.
- Họ đã làm cho tôi phát khóc, đau lòng.
- Sự không chân thành, lãnh đạm, xa lánh họ dành cho tôi.
- Sự vô tâm của họ trước những nỗi khó khăn cuả tôi.
- Sự giả dối, chỉ giả vờ quý mến mà thôi.
- Những lỗi lầm của tha nhân để có thể cùng nhau sống tích cực và hướng tới điều tốt đẹp hơn.
- Tha thứ cho những ai làm tôi tổn thương, tự giải thoát mình để có thể sống thanh thản.
- Tha thứ cho chính mình, vì đôi khi mình sống thật tồi tệ.
- Tha thứ cho mọi người, bất kỳ ai, về bất cứ lỗi lầm nào.
- Tha thứ mọi sự.
Kết luận: thể hiện khiêm nhường trong việc xin lỗi, thể hiện hiền lành trong sự tha thứ, đặc biệt hy sinh cầu nguyện cho các linh mục. Tháng 6, tháng Thánh Tâm, ý cầu nguyện của Đức Thánh cha là cầu cho các linh mục: xin cho các linh mục nhờ đời sống tiết độ và khiêm nhường mà liên kết chặt chẽ với những người nghèo khổ nhất. Linh mục phải theo gương của người mục tử nhân hậu là Chúa Giêsu, là phải quan tâm gần gũi với người nghèo khổ nhất.
Xin tất cả mọi người sống tâm tình với Thánh Tâm Chúa Giêsu cầu nguyện cho các linh mục. Trong gia đình hãy là người cha, người mẹ, người vợ, người chồng sống hiền lành và khiêm nhường nhờ siêng năng cầu nguyện với lời Chúa, sống lời Chúa trong gia đình và với bà con lối xóm. Trong hội đoàn tông đồ, mọi thành viên phải hiền lành và khiêm nhường nhờ sống phúc âm hóa mọi hoạt động tông đồ của GĐPTTTCG.
Ngài chúc GĐPTTTCG thực hiện tông đồ với tinh thần Tin Mừng, luôn biết noi gương hiền lành và khiêm nhường của Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhờ đó hoạt động tông đồ của GĐPTTTCG góp phần mang lại nhiều hoa trái cứu độ và truyền giáo cho gia đình TGP.
Chia sẻ:
Linh mục Giuse Hoàng Văn Hinh SDB chia sẻ bổ sung lịch sử truyền giáo tại Cần Giờ đã được gần 100 năm, nhưng kết quả truyền giáo rất là khiêm tốn. Chính vì thế các anh chị em hành hương đến đây đã đốt lên ngọn lửa, mà ngọn lửa đó hầu như gần tắt lịm sẽ từ từ cháy lên để thiêu đốt tất cả những tâm hồn đã có đạo hay những tâm hồn sẽ đón nhận đức tin của mình. Ngài cầu chúc cho các thành viên GĐPTTTCG đem ngọn lửa tình yêu của Thánh Tâm Chúa đến cho mọi người. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn đến thăm giáo điểm Bình Khánh mới hình thành được 06 năm, từ 15 người đến nay đã trên 100 người, nhưng điều quan trọng là làm sao đem lửa nóng tới những con người đó để họ tiếp tục đời sống đức tin của mình, đồng thời gieo đức tin của mình cho những người xung quanh.
Tiếp theo, linh mục Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn tâm tình về phục vụ tại giáo xứ An Thới Đông trên địa bàn rộng, rất ít người công giáo (#260 người), ngài thường xuyên thăm viếng các gia đình nên tạo được sợi dây nâng đỡ tinh thần cho họ, tác động tới nhiều người và nhờ đó có nhiều người khô khan trở về với Chúa. Ngài liên hệ đến GĐPTTTCG bắt nguồn từ sự hun đúc tinh thần của Đức Kitô, chính con tim của Ngài yêu mến nhân loại nên Ngài mới sẵn sàng nhập thể, mới chết cho người mình yêu để loan báo Tin Mừng. Qua đó, ngài mời gọi mọi người trong GĐPTTTCG làm sao loan báo Tin Mừng, đến các nhà dân, liên kết với các linh mục vùng sâu vùng xa để dấn thân cho người nghèo, cho người chưa nhận biết Chúa, để làm sao cho mọi người khi có niềm tin vào Chúa sẽ thấy đời sống hạnh phúc.
Thánh lễ
Sau phần tĩnh tâm, linh mục Giuse Hoàng Văn Hinh SDB đã chủ sự dâng Thánh lễ Chúa Thăng Thiên, vào lúc 10g30 cùng ngày. Đồng tế với ngài là linh mục Giuse Maria Nguyễn Quốc Tuấn.
Dẫn vào Thánh lễ, linh mục Giuse Hoàng Văn Hinh mời gọi cộng đoàn cùng toàn thể Giáo hội hân hoan mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Chúa về trời để đảm bảo cho mọi người sẽ được về trời với Chúa.
Trong bài giảng, linh mục Giuse Maria đã diễn giảng:
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đã ban cho nhân loại Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn đồng hành, hướng dẫn, canh tân đổi mới nhân loại.
Chúa Giêsu đã chết, con người cũng sẽ chết, Chúa Giêsu là Đấng về trời đầu tiên thì con người cũng sẽ về trời như Chúa Giêsu.
Mừng lễ Chúa về trời là muốn nhắc nhở con người về quê hương đích thực của từng người là trên trời để mọi người cố gắng đạt được quê hương đích thực của mình.
Mừng lễ Chúa về trời cũng là niềm hy vọng, đồng thời cũng là cảm thức cho cuộc đời mỗi người. Khi kết thúc cuộc đời được người thân xin lễ, làm việc lành bác ái để cầu nguyện xin Chúa thanh tẩy người quá cố, thanh tẩy những lầm lỗi yếu đuối của người thân, để cho người thân mau trở về với Chúa được hưởng hạnh phúc nước trời. Đó là điểm đẹp đối với người công giáo. Vậy tại sao khi còn sống không biết dùng những điều đó để thực thi, để đạt được hạnh phúc nước trời; đồng thời mỗi người được mời gọi sống trong cuộc đời này biết kiến tạo nước trời ngay trong trần gian này.
Xin Chúa chúc lành cho mọi người, biết kiến tạo sự hòa bình, biết góp phần xây dựng nước Chúa, đồng thời mỗi người cố gắng để đạt hạnh phúc nước trời, đó mới là quê hương đích thực của mỗi người. Amen.
Cuối lễ, anh Giuse Trịnh Văn Tiến – Trưởng Ban chấp hành GĐPTTTCG TGP thay lời cộng đoàn cám ơn quý linh mục, tu sĩ, các thành viên GĐPTTTCG các giáo hạt cùng đại diện cộng đoàn 03 giáo xứ trong huyện Cần Giờ đã về đây tham dự ngày hành hương tĩnh tâm bác ái này.
Tiếng hát bài “Cảm tạ hồng ân” từ ca đoàn đã kết thúc Thánh lễ lúc 11g30.
Chia sẻ bác ái
Sau Thánh lễ là chụp hình lưu niệm, đại diện GĐPTTTCG các giáo hạt tặng quà cho đại diện của 03 giáo xứ Cần Giờ, An Thới Đông, Thánh Giuse thuộc giáo hạt Xóm Chiếu.
Sau đó, đại diện đoàn đến thăm và tặng quà cho 16 người đang được nuôi dưỡng tại nhà nuôi dưỡng các cụ già thuộc giáo xứ Cần Giờ. Đến thăm, các cụ rất cảm động, vui sướng như gặp lại người thân.
Trên đường về, một số thành viên trong đoàn đã ghé thăm giáo xứ An Thới Đông, một giáo xứ truyền giáo nằm trên vùng đất phèn mặn, rộng bao la bát ngát, nhưng chỉ có 01 nhà thờ và chưa tới 300 người công giáo.
Kết thúc
Đoàn đã về đến trung tâm TPHCM lúc 17g00 trong bình an và hạnh phúc.
[slideshow_deploy id=’1236′]