MVGĐ: KHIẾT TỊNH TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

WPTTT — Nhập đề

Có một giai thoại khá thú vị như sau: Ông Frédéric Ozanam (1813-1853) là giáo dân nhiệt thành người Pháp và là sáng lập viên Hiệp Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô. Cả cuộc đời ông đều dành cho công việc bác ái và giảng dạy ở đại học. Ông qua đời năm 40 tuổi. Thánh Gioan Phaolô II đã nâng ông lên hàng Chân Phước ngày 22-8-1997 trong Thánh lễ cử hành tại Nhà thờ Đức Bà Paris, thủ đô nước Pháp.

Ngày ông Frédéric từ trần, một vị Hồng y trong giáo triều Roma, sau khi đưa tin cho Đức Giáo hoàng Piô IX, có nói thêm:

– Cuộc đời ông Frédéric đúng là cuộc đời một vị thánh. May mắn là ông biết cách thoát khỏi cạm bẫy của hôn nhân!

Đức Thánh Cha Piô IX hóm hỉnh đáp lại:

– Thật vậy sao? Thế mà tôi không biết rằng, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã lập 6 bí tích, và một “cạm bẫy”!

Nhiều người cho rằng, cuộc sống tu trì mới dễ dàng nên thánh; còn bậc sống vợ chồng, việc nên thánh là chuyện xa vời! Bởi vì, họ cho rằng tương quan tính dục là chuyện xấu xa, dung tục. Đối với những người ấy, Khiết tịnh trong hôn nhân lại càng hết sức vô lý! Làm sao vừa sống bậc vợ chồng lại vừa có thể giữ đức khiết tịnh?! Sở dĩ họ có quan niệm ấy vì họ đã nghĩ sai về tính dụckhiết tịnh. Họ cho rằng, khiết tịnh có nghĩa là không sử dụng tính dục. Họ đã lẫn lộn với đồng trinh. Vì người đồng trinh không bao giờ có quan hệ tính dục với người khác phái. Tuy nhiên, người đồng trinh không có nghĩa là người có đức khiết tịnh. Bởi lẽ, một người sống bậc đồng trinh vẫn lỗi đức khiết tịnh nếu họ phạm tội trong tư tưởng, trong ước muốn (Mt 15,19). Thậm chí, người sống bậc độc thân cũng không hẳn là người có đức khiết tịnh.

Vì thế, đồng trinh và độc thân chỉ là một bậc sống. Còn khiết tịnh mới là một nhân đức. Đó là nhân đức của những ai biết làm chủ thân xác và tính dục của mình. Như vậy, có sự khiết tịnh của những người sống bậc đồng trinh, như: các linh mục và tu sĩ; lại cũng có sự khiết tịnh của những người đã đính hôn và những người sống bậc vợ chồng.

Giáo lý Hội Thánh dạy: “Mỗi người giữ đức khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình: người này trong bậc trinh khiết hay độc thân của đời thánh hiến, một cách thức dễ dàng tận hiến trọn vẹn tâm hồn cho Thiên Chúa; kẻ khác trong bậc gia đình hay độc thân, tùy theo luật luân lý xác định” (số 2349).

Trong Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: Cần nhớ tầm quan trọng của các nhân đức. Trong số đó đức khiết tịnh là điều kiện quý báu cho sự tăng trưởng đích thật của tình yêu liên vị (số 206).

1/ Khiết tịnh trong hôn nhân là gì?

Khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là biết làm chủ giới tính của mình, nhờ đó vợ chồng ăn ở với nhau một cách tiết độ. Ăn ở với nhau một cách tiết độ là tránh tìm kiếm khoái lạc nhục dục thái quá, biết sử dụng tính dục một cách đúng đắn. Sử dụng tính dục một cách đúng đắn là biết hướng dẫn bản năng tính dục theo những đòi hỏi của Đức ái. Bởi lẽ, Đức ái sẽ làm cho việc giữ đức khiết tịnh trở nên dịu dàng, êm ái và tràn đầy yêu thương.

Trong thông điệp “Hôn nhân Thanh khiết”, Đức Giáo hoàng Piô XII đã nói: “Bước vào bậc hôn nhân, các đôi vợ chồng Công giáo không nên nghĩ rằng mình không cần phải giữ đức khiết tịnh nữa”.

Thật sự, đức khiết tịnh của đôi vợ chồng rất khác với đức khiết tịnh của bậc tu trì. Sau khi đã kết hôn thành sự, thì có những hành vi trước đây họ không được phép làm, bây giờ lại là những hành vi chính đáng và thanh sạch, để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu vợ chồng.

Tình yêu chân chính giúp đôi bạn biết sống chừng mực, biết giữ tiết độ trong tương quan tính dục vợ chồng. Đôi phối ngẫu biết tiết chế là dấu chứng hai người tôn trọng và trao cho nhau tình yêu cao cả, vượt lên trên ngôn ngữ của thể xác.

Câu chuyện vui sau đây cũng thật ý nhị:

Lan mới ở tuổi ô mai và còn ngây thơ lắm. Một hôm bé xem ti vi thấy sau nghi thức hôn phối, cô dâu chú rể hôn nhau trước mặt mọi người. Lan thắc mắc hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, hôn nhau bằng môi có nghĩa gì hả mẹ?

Bà mẹ đỏ mặt, trả lời cho qua chuyện:

– Thì là… cô dâu chú rể hứa không cãi nhau nữa.

Lan đưa tay bịt miệng:

– Chết dzồi, anh Tân hôn con hoài, thế mà con và anh ấy vẫn cứ cãi nhau.

Mẹ của bé: Hả???!!!….

2/ Tại sao phải giữ khiết tịnh trong hôn nhân?

Vợ chồng phải giữ đức khiết tịnh vì sự trong sạch và tiết độ qua hành vi ân ái là thước đo tinh thần xả kỷ, hiến thân vì hạnh phúc và nhu cầu của người mình yêu. Hơn nữa, trong sạch và tiết độ còn là sự biểu lộ mức trưởng thành và tự chủ của đôi bạn biết yêu thương và kính trọng nhau. Nhất là, trong sạch và tiết độ qua hành vi ân ái còn biểu lộ sự tôn trọng phẩm giá cao quý của con người. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh Thần và là chi thể của Đức Kitô (1Cr 6,9-19). Con người cao vượt hơn các loài khác vì con người có lý trí và linh hồn.

Vì thế, trong đời sống hôn nhân, đôi bạn được mời gọi thực thi nhân đức khiết tịnh. Nhân đức khiết tịnh giúp vợ chồng thoát khỏi sợi dây nô lệ của tình dục, giữ được lòng chung thủy vợ chồng.

Chuyện hài hước sau đây, đôi khi cũng có thật:

Cô giáo hỏi học sinh:

– Nhà em có ai yêu động vật không?

– Thưa có ạ! Cả nhà em ai cũng yêu động vật.

– Vậy à, em kể cô nghe xem!

– Thưa cô: Mẹ em thì yêu chó, em thì yêu mèo.

– Vậy còn bố em thì sao?

– Thưa cô: Mẹ em bảo rằng, bố em yêu con hồ li tinh ở đầu phố!

3/ Tập giữ khiết tịnh trong hôn nhân

Muốn giữ đức khiết tịnh trong hôn nhân, đôi vợ chồng nên giữ sự e thẹn và đoan trang, nết na và kín đáo trong đời sống chung. Giữ gìn như vậy, không chỉ bảo vệ cho sự thanh khiết của tâm hồn mà còn bảo vệ sự thánh thiện trong đôi mắt của con cái.

Trong tương quan tính dục, vợ chồng nên chọn những hành vi, cử chỉ ân ái giúp bày tỏ và củng cố tình yêu mặn nồng, liên hệ đến việc truyền sinh hay giảm bớt nhục dục, tránh được việc ngoại tình.

Tương quan tính dục điều độ và hợp pháp, an nhiên và điều hòa, sẽ làm cho đôi vợ chồng giữ được sự tươi trẻ trong cuộc sống và bảo vệ hạnh phúc được lâu bền.

Tú Xương đã hiểu rõ được lòng dạ của đàn ông, và thi sĩ đã thốt lên:

“Một trà, một rượu, một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta

Chừa được thứ nào hay thứ nấy

Có chăng chừa rượu với chừa trà”.

Vì thế, người chồng cần hiểu rõ tâm sinh lý của mình, và người vợ cũng cần biết chăm sóc ngoại hình của bản thân, để biết giữ gìn cho nhau. Bởi lẽ, nhân gian có câu: “Đàn ông yêu bằng mắt” hoặc câu khác: “Văn mình vợ người”. Ông bà ta còn khuyên dạy các người vợ: “Đói thì thèm thịt thèm xôi / Đã no cơm tẻ thì thôi mọi bề”. Phải chăng đó là kinh nghiệm ngàn đời mà ông bà ta đã để lại cho con cháu?

Kết luận

Trong Tông huấn “Đời sống Gia đình”, Thánh Gioan Phaolô II đã định nghĩa sự khiết tịnh như sau: “Theo cái nhìn của Kitô giáo, khiết tịnh không có nghĩa là từ chối hoặc khinh chê tính dục của con người. Đúng hơn, khiết tịnh là một năng lực thiêng liêng bảo vệ tình yêu khỏi những nguy cơ của ích kỷ và gây hấn, đồng thời cổ võ cho tình yêu ấy tiến tới sự viên mãn” (số 35).

Vì thế, sống khiết tịnh trong bậc sống vợ chồng chính là sử dụng tính dục để diễn đạt tình yêu lứa đôi, một tình yêu quảng đại hy sinh, một tình yêu hướng mở đến sự sống và phục vụ sự sống.

Tóm lại, khiết tịnh trong hôn nhân được gọi là một nhân đức, bởi nó là cuộc chiến thắng của tình yêu trên tính ích kỷ. Bởi lẽ, Ơn gọi của những người sống bậc vợ chồng là Ơn gọi của Tình yêu. Thánh Gioan viết: “Ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16). Do đó, khi hành vi tính dục được sử dụng một cách đúng đắn, nghĩa là trở thành ngôn ngữ của tình yêu, thì đó là lúc đôi vợ chồng được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là Tình yêu.