VUI BUỒN ĐỜI TÔNG ĐỒ

“… TÔI CHO ÔNG 5 PHÚT… “

         (Để tưởng nhớ đến Hương hồn của Cố Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, nguyên Giám mục giáo phận Bùi Chu)

Giuse Huỳnh Bá Song

Năm 2004,một biến cố lớn đã giúp cho công cuộc phát triển của đoàn thể GĐPTTTCG mở ra một hướng đi mới; đi về các giáo phận miền Bắc, là một trong những nơi phát xuất, cội nguồn của lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu. Đức cha  Giuse Maria Ngô Quang Tuyến, Giám mục giáo phận Bắc Ninh trong dịp đi vào miền Nam để mời gọi những ngưới con của Giáo phận  về tham dự khánh thành Đền Thánh Tâm Chúa Giêsu Bắc Giang, một ngôi Đền được Đức cha cố gắng thực hiện theo lời hứa cũng là một sự đáp trả lời khấn của vị chủ chăn Giáo phận lúc bấy giờ – Đức cha Phaolô Maria Phạm Đình Tụng (sau này là Đức Hồng y của Giáo hội Việt Nam).

Lời khấn được dâng lên Thánh Tâm Chúa Giêsu trong tình hình lúc bấy giờ miền Bắc ngập tràn trong khói lửa bom đạn Mỹ đánh phá rất dữ dội; riêng ở giáo phận Bắc Ninh nhiều nhà thờ bị trúng bom sụp đổ, nhiều cộng đoàn giáo dân bị thương vong hết sức thảm khốc. Trước hoàn cảnh nguy nan, mất mát đó, Đức cha Phaolô Maria đã cầu nguyện dâng lên Thánh Tâm Chúa Giêsu lời khấn xin được bảo bọc chở che giúp giáo phận vượt qua cơn hoạn nạn, khốn khó; và sau này khi hết chiến tranh, bom đạn chấm dứt, ngài sẽ xây dựng một Đền thờ tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu  để thể hiện lòng tri ân, cảm tạ của cộng đoàn – Lời khấn đã được Thiên Chúa nhậm lời. Kể từ ngày ấy, mặc tình hình chiến tranh đánh phá miền Bắc vẫn tiếp diễn khốc liệt; mặc bom rơi, đạn lạc hằng ngày… các nhà thờ, các gia đình giáo dân trong giáo phận vẫn được bình yên và ngay cả có nhà thờ bị trúng bom chui sâu vào dưới Cung Thánh vẫn không nổ.

Sau chiến tranh, thực hiện lời khấn của ĐHY Phaolô Maria, vị chủ chăn tiền nhiệm của Giáo phận, Đức cha Giuse Maria Ngô Quang Tuyến, nhân khi nhà nước trả lại mặt bằng ngôi nhà thờ Bắc Giang (trong chiến tranh đã bị trưng thu làm kho chứa hàng hoá), đã tiến hành xây dựng ngôi Đền Thánh Tâm Chúa Giêsu Bắc Giang ngay trên nền nhà thờ đó. Khi vừa hoàn tất, ngài đã tổ chức khánh thành để đáp trả tình yêu vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vào Sài Gòn năm 2004 để mời gọi những người con quê hương về tham dự sự kiện trọng đại của Giáo phận.  Qua các anh Giuse Trần Cường, Đaminh Dương Văn Phiên… là các thành viên trong BBT báo Lửa Mến, cũng là những người con của giáo phận Bắc Ninh, Đức cha Giuse Maria biết được TGP Sài Gòn có đoàn thể GĐPTTTCG, tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu,  nên ngài đã nhờ các anh chuyển lời mời BCH TGP về dự lễ Khánh thành Đền thờ Thánh Tâm Bắc Giang; và nếu được sau này giúp ngài lập đoàn thể Phạt tạ Thánh Tâm nơi đây để chăm sóc Đền thờ cũng như phát huy lòng Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu cho cộng đoàn trong Giáo phận.

Nhận được lời mời, tôi vô cùng hạnh phúc vì có cơ hội đến các giáo phận miền Bắc, một trong những cái nôi sống động thể hiện lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa của Đoàn thể trong giai đoạn đầu hình thành. Vui thì có vui nhưng thật sự thì rất lo vì các anh em trong BCH phần lớn đều chưa một lần ra Bắc và ngay cả bác tài đưa đoàn đi cũng chưa bao giờ đi quá Nha Trang. Mọi sự chỉ trông cậy vào anh Alphonsô Trần Công Bình, người giáo dân miền Bắc chỉ mới vào Sài Gòn sau năm 1975 với lời tuyên bố chắc nịch:

– Các anh yên tâm, từ đây ra đến vĩ tuyến 17, đường sá các anh lo; qua cầu Bến Hải đi ra Bắc, mọi sự các anh cứ giao cho em.

Thế thì còn gì phải băn khoăn! Đoàn chúng tôi có mười một anh em, bao gồm sáu người con đất Bắc cả cũ lẫn mới: Đaminh Dương Văn Phiên, Giuse Trần Văn Cường (GP Bắc Ninh), Giuse Trần Ngọc Liên, Tôma Aquinô Nguyễn Văn Độ (GPThái Bình), Vinh Sơn Trần Văn Định, Vinh Sơn Nguyễn Văn Gòn (GP Hải Phòng), Alphonsô Trần Công Bình (GP Bùi Chu)  và bốn ông Sài Gòn: Giuse Huỳnh Bá Song, Đaminh Nguyễn Đức Quang, GB Hồ Vĩnh Trực, Giuse Đinh Văn Ngọ… hạnh phúc lên đường với niềm tin mãnh liệt, có cán bộ đường lối dẫn đường, có “Thổ địa” đất Bắc đưa lối và… đường đi trong miệng mình chứ ở đâu xa thì làm gì đi không tới. Và thế là, chúng tôi đã có được một chuyến hành trình đầy bão táp, được mở rộng tầm mắt, đón nhận nhiều ơn ích và cũng lắm câu chuyện trên đường cười ra nước mắt trong suốt mười lăm ngày mở đường khám phá đầy thú vị. (sẽ kể trong những mẫu chuyện vui buồn đời tông đồ sau này).

Sau ba ngày hai đêm chúng tôi ra đến Hà Nội và may mắn kịp thời dự Thánh lễ đón đoàn các Đức giám mục cả nước về nhà thờ Lớn Hà Nội và ở đây, đoàn may mắn gặp Đức TGM GB Phạm Minh Mẫn và Đức cha phụ tá Giuse Vũ Duy Thống vừa từ Sài Gòn ra. Khi biết lý do chúng tôi ra Bắc, hai Đức cha tròn mắt nhìn những ông giáo dân liều mạng, chưa biết đường biết sá mà dám thuê xe thẳng tiến ra đây. Hôm sau chúng tôi về dự lễ Khánh thành Đền Thánh Tâm Bắc Giang kịp như dự kiến và ở đây, đoàn Ban chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Tổng giáo phận (GĐPTTTCG TGP) Sài Gòn do tôi làm trưởng đoàn, đã may mắn được gặp gỡ các Đức cha trong các giáo phận cả nước về dự khánh thành Trung tâm Mục vụ giáo phận Bắc Ninh nhân dịp các ngài về họp phiên toàn thể HĐGMVN lần đầu tiên tại Tổng Giáo phận Hà Nội. Trong dịp này, đoàn đã được Đức TGM GB Phạm Minh Mẫn giới thiệu với các Đức giám mục các giáo phận về một đoàn thể Công giáo Tiến hành truyền thống của Giáo hội vừa được ngài hiệp nhất với danh xưng hoạt động là đoàn thể GĐPTTTCG, quy tụ những người giáo dân trưởng thành có lòng  tôn sùng Thánh Tâm Chúa, nhiệt thành dấn thân với nhiệm vụ Tông đồ phục vụ Giáo hội, xã hội và tha nhân. Các Đức cha hiện diện hết sức tâm đắc với tinh thần cộng tác của anh em giáo dân với Giáo hội, đúng tinh thần Công giáo Tiến hành và sau khi tiếp xúc tài liệu đã ngỏ ý mời đoàn GĐPTTTCG Tổng Giáo phận Sài Gòn có dịp về giới thiệu đoàn thể với cộng đoàn trong  giáo phận của các ngài – Đúng là ý Chúa nhiệm mầu!

Về lại Sài Gòn, việc làm đầu tiên là tôi mời gọi tất cả các anh em trong Giáo phận có gốc gác quê hương tại các giáo phận trong cả nước, quy tụ lại vào Ban Hỗ trợ phát triển đoàn thể theo lời mời gọi của các vị chủ chăn các giáo phận với tổ chức ban đầu: Trưởng ban Hỗ trợ phát triển anh Giuse Hồ Ngọc Hương; Phó trưởng ban đặc trách Hỗ trợ phát triển các giáo phận miền Bắc: anh Đaminh Trần Đức Tú với sự đồng hành của ông cố Đaminh Phạm Đình Dư; đặc trách Hỗ trợ phát triển các giáo phận miền Trung là anh Giuse Trịnh Văn Tiến với sự đồng hành của ông Cố Giuse Chu Văn Hiểm; đặc trách Hỗ trợ phát triển các giáo phận miền Nam và Campuchia là anh Giuse Phạm Minh Lý với sự đồng hành của ông Cố Phêrô Đỗ Đình Cung, anh Tôma Aquinô Nguyễn Văn Độ, Marcô Trần Văn Học… Phải nói trong giai đoạn này, lửa Thánh Tâm Chúa đã bùng cháy mạnh mẽ trong lòng các anh chị em đoàn viên trong TGP, đặc biệt là những anh  em có quê hương, gốc gác các giáo phận miền Bắc – Quyết tâm phải ra đi đem Thánh Tâm Chúa trở về với các cộng đoàn sống đạo truyền thống nơi quê hương. Giáo phận Bùi Chu có các thành viên: ông cố Đaminh Phạm Đình Dư, anh Tôma Vũ Đình Nghiêm, anh Đaminh Trần Đức Tú, anh  Alphongsô Trần Công Bình… Giáo phận Hải phòng có: Ông cố Giuse Chu Văn Hiểm, anh Vinh Sơn Nguyễn Văn Gòn, anh Vinh Sơn Trần Văn Định… Thái Bình có: Ông cố Phêrô Đỗ Đình Cung, anh Giêrônimô Phạm Xuân Chấp, anh Giuse Vũ Khắc Đức… Giáo phận Bắc Ninh có: anh Đaminh Dương Văn Phiên, anh Giuse Trần Văn Cường, Vincentê Đặng Xuân Mùi…

Sau khi xứ đoàn Châu Đốc, đơn vị đầu tiên của đoàn thể ngoài TGP được thành lập tại giáo xứ Châu Đốc, giáo phận Long Xuyên vào cuối năm 2004; dường như bầu nhiệt huyết của các thành viên phụ trách hỗ trợ phát triển tại các giáo phận bắt đầu bùng lên mạnh mẽ. Những cuộc liên lạc đường dài, những chuyến ra đi vội vã về quê hương… để nối kết, để mời gọi và cũng để sắp xếp cho những chuyến đi đem Thánh Tâm Chúa trở về với các gia đình, với các cộng đoàn xứ đạo đã từng sinh hoạt năm xưa. Theo sự phân công ban đầu, những người Tông đồ tự phát tổ chức ra đi bằng tất cả mọi phương tiện: gần thì xe gắn máy, xa thì  xe đò, xe lửa… trang bị bằng mọi tài liệu ít ỏi ban đầu của đoàn thể: nội quy, giờ Thánh, Tôn Vương… và hành trang ra đi thực hiện như lời Chúa dạy: đơn sơ chỉ với chiếc ba-lô trên vai và một tấm lòng; trừ tiền túi tự lo (vì chưa có quỹ hoạt động), còn lại đi tới đâu, được cộng đoàn anh em địa phương chia sẻ, chăm sóc đến đó… “Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không ?…”(Lc 22,35). Vâng, đúng như lời Chúa dạy, vật chất tuy có gian lao, vất vả nhưng lửa sốt mến của Hồn Tông đồ đã giúp anh em vượt qua; nhưng kiến thức Giáo hội cũng như sự hiểu biết về Đoàn thể vẫn còn quá thiếu thốn, mông lung mới là một rào cản… vì có anh em nào được huấn luyện qua ngôi trường đào tạo làm Tông đồ nào đâu? Nhưng… “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho…” (Lc 11,9-10). Và cứ thế, chúng tôi đã ra đi bằng tâm tình vâng theo ý Chúa, khởi đầu chuyến đi bằng những lời cầu nguyện, xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng con biết việc phải làm, biết ý để trình bày và niềm tin những điều chúng con xin sẽ được, chúng con tìm sẽ thấy và cánh cửa chúng con gõ, sẽ được mở ra…  Và đó chính là câu chuyện khởi đầu cho hành trình đón  Trái Tim Chúa về với một giáo phận kiên cường truyền thống Đức Tin, sốt mến tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu; khởi đầu cho sự tái lập đoàn thể GĐPTTTCG giáo phận Bùi Chu ngày hôm nay.  (Còn tiếp)

Tháng 11.2024

Đầu năm 2005, sau khi liên hệ với Toà giám mục (TGM) giáo phận Bùi Chu xin phép gặp ĐGM và việc sắp xếp, tổ chức chuyến đi ra Bắc của các anh Tôma Vũ Đình Nghiêm, Đaminh Trần Đức Tú, ông Cố Đaminh Phạm Đình Dư, được hoàn tất… đoàn chúng tôi đã lên đường đến TGM giáo phận Bùi Chu để gặp Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, giám mục giáo phận xin trình bày giới thiệu đoàn thể và nếu được, xin phép Đức cha cho phát triển đoàn thể GĐPTTTCG trong Giáo phận của Ngài. Đây là lần đầu tiên đến gặp vị chủ chăn của giáo phận mà lại là một giáo phận miền Bắc có truyền thống sống đạo hào hùng, trong khó khăn phong ba bão táp thời bách đạo vẫn kiên định vượt qua và phát triển mạnh mẽ đến ngày hôm nay nên tôi rất lo âu, bối rối chẳng biết sẽ nói điều gì, khởi đầu từ đâu nhưng với vai trò là đầu tàu nên đành phải đứng mũi chịu sào, trong bụng thầm nghĩ cứ tín thác cho Thánh Tâm Chúa – Đức cha hỏi đến đâu trả lời đến đó trong sự hiểu biết của mình.

Đúng giờ hẹn, chúng tôi bước vào phòng khách rộng lớn của TGM thì thấy Đức cha Giuse đang thư giãn ở cuối chiếc bàn dài với con rối hình người kéo đàn nhị của Trung Quốc đang phát ra những âm thanh réo rắt của một bản nhạc Hoa khá thú vị. Ra dấu mời ngồi vào bàn và lắng nghe cùng ngài cho đến hết bản nhạc khiến chúng tôi cũng thích thú và giảm bớt căng thẳng. Anh Đaminh Trần Đức Tú, người con của giáo xứ Kiên Lao, giới thiệu thành phần các anh em trong TGP và trình bày sơ qua nguyện vọng của đoàn chúng tôi. Đức cha ngồi lắng nghe, và khi biết tôi là Trưởng ban BCH GĐPTTTCG TGP Sài Gòn, mà trông còn khá trẻ, hình như Ngài có chút thiếu tin tưởng, nhìn tôi khá lâu rồi chậm rãi nói:

– Tôi cám ơn đoàn của Sài Gòn đã dành thời gian đến thăm Giáo phận, nhưng công việc của tôi rất bận rộn nên thời gian không nhiều lắm. Đến đây, Đức cha nhìn vào tôi một lúc rồi nói thẳng luôn:

– Tôi cho ông năm phút để trình bày về đoàn thể của ông, nhưng tôi nói trước, ông đừng mời gọi về việc đạo đức vì nói thật, chưa chắc người Sài Gòn của ông đạo đức hơn dân Bùi Chu của chúng tôi đâu!

Trời đất! nghe Đức cha phán một câu khiến hồn tôi chới với và đặc biệt câu phủ đầu của ngài đã làm cho tinh thần tôi càng hoang mang; bao nhiêu sự chuẩn bị, nghiền ngẫm tài liệu, nội quy sinh hoạt dường như tan biến trong đầu. Chúa ơi!… chỉ đọc lời dẫn của quyển nội quy xong, 5 phút chưa chắc đủ, nói gì còn thời gian để trình bày, mời gọi…! Sau khi trấn tĩnh, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà mỗi lần ra đi tôi đều cầu nguyện, soi sáng, tôi chợt nhớ một câu chuyện có liên quan đến giáo dân của giáo phận Bùi Chu mà tôi có dịp được chứng kiến tại Thành phố, giúp tôi nảy sinh ra được câu trả lời:

  • Kính thưa Đức cha, con không dám mạo muội đến Giáo phận mời gọi việc đạo đức, con chỉ xin được gặp Đức cha trình bày với Đức cha một nguyện vọng, đó là đoàn thể chúng con được phép Đức cha đến gặp gỡ các người cha, người mẹ ở các gia đình trong Giáo phận, trao đổi về việc chăm sóc, gìn giữ con em của mình vẹn toàn đời sống Đức Tin; để khi các cháu có cơ hội rời khỏi gia đình, bước ra khỏi Giáo phận đi xa… và khi trở về vẫn còn là người Kitô hữu tốt lành của Giáo phận thôi.

Tôi dừng lại liếc nhìn đồng hồ, chưa hết 5 phút. Đang cầm tay con rối đung đưa, Đức cha Giuse chợt ngước nhìn tôi chăm chăm rồi hỏi lại ngay:

– Ông nói rõ lại cho tôi, thế nào là con em khi trở về còn tốt lành?

– Nếu Đức cha cho phép, con sẽ trình bày để Đức cha rõ.

– Được, ông cứ nói đi.

Thế là tôi có dịp kể với ngài một câu chuyện có thật liên quan đến người giáo dân giáo phận Bùi Chu đang sinh sống nơi thành phố Sài Gòn.

…Chuẩn bị đón chào mùa Noel, mừng Chúa Giáng sinh năm 2000, Đức cha GB Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục TGP Sài Gòn muốn thăm mục vụ và ban Bí tích hoà giải cho các cháu thanh thiếu niên Công giáo trong các trại cai nghiện của thành phố, thể hiện sự quan tâm của Giáo hội đến những người trẻ lạc lối, tạo điều kiện để các em được chăm sóc, động viên về tinh thần;  sớm vượt qua được bệnh tật hầu có thể quay về  với gia đình, với xã hội và Giáo hội. Tại Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu, trong số 1200 trại viên thì cũng có gần 300 em là con em trong các gia đình Công giáo ở khắp miền đất nước đang sống, học tập và làm việc tại thành phố vướng vào nghiện ngập và đang tập trung cai nghiện. Trong một hội trường nhỏ gọn, các em được nghe những chia sẻ ân tình của vị Chủ chăn Giáo phận về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, luôn lắng nghe, thứ tha và tích cực đi tìm những con chiên lạc và khi tìm được, Người hạnh phúc đón nhận, chăm sóc, vỗ về… không quan tâm đến những lỗi lầm mà các con chiên mắc phải, ngay cả những lỗi lầm nghiêm trọng xúc phạm đến Thiên Chúa, Người cũng thứ tha nếu biết tín thác, vững tin vào tình yêu vô biên của Người. Đức cha ân cần khuyên nhủ các em hãy biết ăn năn, sám hối, từ bỏ… để được thứ tha, để sớm quay về tìm lại tình yêu của gia đình, cộng đoàn, đặc biệt là tình yêu của Thiên Chúa.

Các em im lặng lắng nghe. Có lẽ một thời gian dài sau khi sa ngã, đây là lần đầu tiên các em được gặp lại Giáo hội qua sự hiện diện ngay chính vị Chủ chăn của Tổng giáo phận, được nghe lại lời Chúa qua tâm tình đầy yêu thương của Đức cha quan tâm, vỗ về, chăm sóc, khuyên nhủ… chứ không phải những lời phê phán, mỉa mai, trách móc… như các em từng nghĩ hôm nay sẽ là ngày phải tập trung nơi đây để bị lên án, bôi nhọ. Hình ảnh các em rời các toà giải tội với đôi mắt rưng rưng, cố nén những giòng lệ đang trào dâng nơi khoé mắt khiến mọi người trong đoàn cũng không kềm được cảm xúc. Chợt nhìn thấy trong nhóm các em đang quì cầu nguyện sau khi được ban Bí tích hoà giải, có một thanh niên dáng chững chạc, lứa tuổi trông già dặn hơn các em trong nhóm, cứ mãi gục đầu thổn thức không ngừng tuy đã nhận được lời khuyên nhủ, bảo ban của Đức cha khá lâu. Đợi đến khi em trấn tĩnh, tôi đến ngồi gần bên để tiếp tục động viên và bất ngờ qua tâm sự của em, tôi biết được một điều khá ấn tượng về người thanh niên trí thức đang nói về cuộc đời mình với nỗi lòng đầy ăn năn, thống hối.

“…Con sinh ra trong một gia đình Công giáo của một xứ đạo trong giáo phận Bùi Chu… gia đình có điều kiện nên ngay sau ngày đất nước thống nhất con đã được gia đình gửi vào một gia đình bà con đi Nam trước đây ở Thành phố Sài Gòn học tập. Môi trường mới, điều kiện học tập, sinh hoạt thuận lợi nên việc học tập của con kết quả rất tốt đẹp, chẳng mấy chốc con đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và được một công ty nước ngoài nhận vào làm với số tiền lương hàng tháng khá lớn.  Xa nhà một mình, sống tự do không ai ràng buộc mà tiền làm ra khá nhiều trong khi Thành phố Sài Gòn lại quá nhiều thú vui cám dỗ… dần dần bị bạn bè lôi cuốn kết hợp thói cao ngạo, ngông cuồng của tuổi trẻ cũng như để chứng tỏ với mọi người mình không là “kẻ chân quê”… con đã dần bỏ qua những sinh hoạt đạo đức của người Công giáo: bỏ lễ ngày thường rồi dần đến bỏ luôn lễ ngày Chúa nhật; bỏ mất những ngày lễ trọng, để rồi bỏ luôn xưng tội rước lễ, bỏ luôn nhà thờ… vì mải lao vào những cuộc vui bất tận. Mọi lời nhắc nhở sống đạo tốt lành của ba mẹ ngoài quê trong những lần liên lạc, con bỏ ngoài tai; lời khuyên của người bà con nơi con sinh sống hàng ngày nơi thành phố, con đều ngụy biện, chối bỏ… để rồi đến một lúc, con bỏ đi ra ngoài thuê nhà khác để không ai làm phiền… Con tiếp tục cuộc sống của một con thiêu thân, lao vào tội lỗi điên cuồng không lối thoát để rồi một biến cố trọng đại đã đến với cuộc đời con… Trong một cuộc liên hoan vui với bạn bè thâu đêm suốt sáng sau khi nhận được một số tiền thưởng từ công ty khá lớn,  hứng chí vì những lời tâng bốc, khích bác của những kẻ xấu khi nói về những may mắn con có được chỉ nhờ vào ơn trên…, con đã huênh hoang lớn tiếng tuyên bố sau khi nốc trọn một ly rượu to: “…Không có Chúa, Bà nào hết…, sự nghiệp tôi có được ngày hôm nay là nhờ ở chính bản thân tôi… Tôi học giỏi, tôi có chí tiến thủ, tôi biết nắm bắt mọi cơ hội, tôi biết làm ra tiền và biết xài tiền… Tôi làm chủ được chính bản thân mình, những gì tôi có được đều từ chính tôi làm ra…”

Một tràng pháo tay vang dội kéo dài không dứt đã làm cho tôi hả hê, thoả mãn nên một lời khích bác của đám bạn đưa ra tiếp đó, đã được tôi nhận lời ngay: “Nếu mày giỏi thật, có năng lực làm chủ đựợc bản thân thì tụi tạo thách mày chơi thử ma tuý…, khi mày nghiện rồi mà bỏ được thì tụi tao sẽ tin, sẽ chiêu đãi mày một chầu rượu linh đình…”.  Một tràng pháo tay nữa lại vang lên và con đã điên cuồng nhận lời và thực hiện ngay trong bàn tiệc. Kết quả… con đã nhận được phần thưởng cho sự cao ngạo của mình…, con đã vào trung Tâm cai nghiện Bình Triệu này được hai năm và đang dần trong giai đoạn hồi phục. Giờ đây, với sự hiện diện của Đức cha, con mới thấy rằng Chúa vẫn không bỏ con. Giá như con biết lắng nghe lời dạy dỗ của gia đình; giá như con biết dựa vào Chúa trong bước đường đời thì ngày nay con đâu đến nỗi này… Con đã mất tất cả: tuổi trẻ, gia đình, công danh, sự nghiệp… và không biết được tương lai cuộc đời mình mai đây sẽ ra sao. Hôm nay, gặp được Đức cha trong hoàn cảnh này, qua lời khuyên nhủ của người, con mới thấy cuộc đời con vẫn còn tìm thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm, con mới thấy Chúa vẫn không bỏ rơi con, mới thấy được tình yêu vô biên của Thiên Chúa…”

Kính thưa Đức cha!

Những tiếng nức nở và từng giọt nước mắt ăn năn muộn màng của người thanh niên trẻ giờ đây vẫn mãi ám ảnh con, vẫn luôn theo con trong hành trình đến với các gia đình ở các giáo phận để phát triển đoàn thể, để những tiếng “Giá như…” không còn phải hiện diện trên môi những người trẻ khi cất bước rời khỏi gia đình.

Câu chuyện tôi trình bày đã kết thúc, tiếng đàn nhị của con rối trên bàn đã tắt từ bao giờ… nhưng Đức cha Giuse vẫn cúi đầu trầm ngâm suy tư, một lúc sau mới ngẩng đầu lên nhìn tôi quyết định:

  • Được! Tôi cho phép ông được giới thiệu đoàn thể với các gia đình ở giáo phận Bùi Chu này! À mà ông nói đoàn thể gì nhỉ?

Tôi vội vàng trả lời:

  • Dạ! Đoàn thể Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Những ly nước đã được các thầy đem ra, bầu khí tiếp xúc đã rộn ràng niềm vui khi Đức cha lần lượt thăm hỏi từng người, nhất là những anh em gốc giáo phận Bùi Chu mà ngài quen biết. Khi biết tôi quê ở miền Nam, Đức cha đã ân cần nắm tay tôi đi giới thiệu những hiện vật to lớn mà ngài đang cho xây dựng nơi khu vườn bên trong Toà Giám mục. Nhân lúc Đức cha vui vẻ, tôi mạnh dạn hỏi ngài một điều tôi chưa rõ về giáo phận Bùi chu mà trong lòng vẫn còn băn khoăn mãi:

  • Thưa Đức cha! con có một điều thắc mắc là trong thời cấm cách ở miền Bắc, các sinh hoạt của Giáo hội tại các giáo phận đều bị cấm đoán, đàn áp. Giáo phận Bùi Chu đã làm cách nào để vẫn tồn tại được mà còn phát triển mọi mặt, chẳng những trong nước mà còn ở cả nước ngoài…

Đang đi, khi nghe tôi hỏi về quá khứ, Đức cha dừng ngay lại và nhìn tôi với ánh mắt rạng ngời niềm vui. Sau một lúc suy nghĩ, ngài đã trả lời tôi một cách tự hào:

  • “…Người Công giáo nói chung và người giáo dân Bùi Chu nói riêng, khi Giáo hội bị áp bức, bách hại thì lòng đạo luôn trỗi dậy mãnh liệt; họ quyết tâm một lòng kiên quyết bảo vệ Giáo hội, giữ vững Đức Tin, sẵn sàng tử đạo… giáo phận Bùi Chu là một trong những giáo phận đã có số người tử đạo đứng đầu trong cả nước là một minh chứng. Nhưng… bất chợt Đức cha Giuse trầm ngâm… tôi sợ đến lúc khi không còn cấm cách, đời sống đạo thoải mái thì người ta không còn tha thiết với niềm tin vào Chúa, vào Giáo hội…”

Lời tự sự cũng là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở mà ngày nay khi Đức cha mất rồi, tôi mới nghiệm thấy đó có thể đó là nỗi băn khoăn, âu lo của một vị chủ chăn giáo phận về viễn cảnh của giáo hội nơi một giáo phận truyền thống, qua bao nhiêu thế hệ vẫn một lòng tin tưởng, tín thác vào Chúa; sẵn sàng đổ máu để bảo vệ Giáo hội… nếu tương lai, Giáo phận không kiên quyết duy trì nền tảng kiên định Đức Tin, chăm sóc nuôi dưỡng tính tông truyền cho giới trẻ thì đó cũng không phải là điều viển vông.  

Những giọt nước mắt ăn năn muộn màng của người thanh niên trẻ và tâm tình chân thành của Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm ngày nào, giờ đây vẫn sống mãi trong trái tim tôi. Mong rằng những giọt nước mắt chua xót của những người trẻ yếu đuối trong giáo phận Bùi Chu bây giờ không còn nữa và cũng mong rằng những nỗi niềm băn khoăn của Đức cha Giuse chỉ là những lời nhắc nhở yêu thương để lại cho một Giáo phận kiên cường.