VÌ SAO CHÚNG TA PHẢI LÀM VIỆC TÔNG ĐỒ?

 

Huấn đức của cha Tổng linh hướng
Vinh sơn Nguyễn Văn Hồng

Câu hỏi được đặt ra cho người đoàn viên GĐPTTTCG là: “Vì sao chúng ta phải làm Tông đồ?”. Bởi lẽ, khi xưa Chúa Giêsu đã truyền dạy cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19).

Vì thế, không chỉ linh mục, tu sĩ mới làm Tông đồ! Nhưng mỗi người tín hữu, trong đó có Đoàn viên GĐPTTTCG chúng ta cũng phải làm Tông đồ. Chúng ta phải là muối, là men để ướp mặn cho đời; là ánh sáng để làm gương cho mọi người hầu xứng danh là Đoàn viên GĐPTTTCG? Là giáo dân, để làm việc Tông đồ được hiệu quả, trước tiên chúng ta phải chu toàn bổn phận của gia đình mình, đồng thời làm đúng trong phạm vị và trách nhiệm của mình.

Chúng ta phải làm việc Tông đồ vì các lý do sau:

– Bản chất của Hội Thánh là Truyền giáo. Còn chúng ta là thành phần của Hội Thánh nên chúng ta có bổn phận phải truyền giáo, làm việc Tông đồ.

– Vì tình bác ái, khi được đón nhận ơn của Chúa, chúng ta có trách nhiệm cùng giúp nhau nên thánh và tích cực rao giảng lời Chúa đến với mọi người.

– Thử ngẫm lại lịch sử Giáo hội thời sơ khai bị bách hại dữ dội, nhưng vẫn tồn tại. Lúc ấy chỉ có 12 tông đồ và một số môn đệ, dấn thân đi rao giảng với một tấm lòng đầy nhiệt tình mang hồn tông đồ, không hề biết sợ sệt, có chết cũng vì Chúa, bởi vậy Giáo hội mới phát triển. Vì thế, chúng ta phải luôn tìm mọi cách để đạt được hoài bão là loan báo Tin mừng như Thánh Phaolô đã nói: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (II Cor. 5,14).

Chúng ta làm việc Tông đồ bằng cách nào?

+ Cầu nguyện: Để mọi hoạt động của chúng ta đạt kết quả tốt đẹp đúng theo ý Chúa muốn thì việc đầu tiên là chúng ta phải biết cầu nguyện bởi vì “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3,6). Chỉ Thiên Chúa mới có quyền trên mọi sự. Mọi sự thành bại đều do Chúa. Nếu ta không biết cầu nguyện mà chỉ dựa vào sức mình thì không thể làm được việc gì.

+ Hy sinh: Biểu tượng của hội đoàn Gia đình Phạt tạ là hình ảnh Trái Tim Chúa Giêsu được mang ra bên ngoài lồng ngực. Điều này thể hiện tình yêu của Thánh Tâm Chúa được mang ra và ban phát cho mọi người. Nói cách khác là Chúa đã hạ mình làm người để đến với loài người vì quá yêu thương chúng ta, và sự khiêm nhường này Chúa đã chinh phục chúng ta, không phải bằng uy quyền của Thiên Chúa. Trên cây thập giá, Chúa bị nhạo báng: “Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27,42), nhưng Chúa vẫn lặng thinh; đến khi Chúa trút hơi thở cuối cùng, viên sĩ quan đại đội trưởng đã phải thốt lên: “Quả thật, người này là con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Noi gương Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải hy sinh thời giờ, công sức, tiền của và phải khiêm nhường. Đức khiêm nhường còn làm tăng niềm tin tưởng của mọi người. Một người dù có giỏi giang đến mấy mà đi đâu cũng vỗ ngực xưng danh, tôi thế này thế khác, dễ gây mất thiện cảm. Ngược lại, khi chúng ta gặp một người là am hiểu nhiều nhưng không khoe mình ra, tự nhiên dễ để lại nhiều sự cảm mến trong chúng ta, và ai cũng sẵn sàng đặt niềm tin nơi người đó. Cũng vậy, khi vào Đoàn thể và được giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, chắc chắn người Đoàn viên sẽ phấn khởi và sẵn sàng hy sinh thời giờ, công sức để chu toàn trách nhiệm được giao.

+ Làm chứng nhân: Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ cầu nguyện, hy sinh, khiêm nhường và hăng say làm việc Tông đồ thì chưa đủ!  Nhưng chúng ta còn phải hành động bằng chính đời sống chứng nhân của mỗi Đoàn viên. Một tấm gương sáng, một gia đình Đoàn viên sống hiền hoà, yêu thương, hạnh phúc… sẽ bằng nhiều lần những lời rao giảng suông. Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô IV đã từng để lại một câu nói bất hủ: “Thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

Muốn có một đời sống chứng nhân, ta phải luôn biết học ở Thánh Tâm Chúa nhân đức hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Khi chúng ta là một Trưởng ban, một Đoàn trưởng hay Trưởng toán, nếu mỗi khi sinh hoạt với lòng khiêm nhường trong lời nói và việc làm sẽ chinh phục được anh em mình.

Nên cố gắng thật mềm mỏng để đề ra ý kiến của mình trước tập thể mỗi khi quyết định công việc, đừng nên dùng quyền hạn chức vụ của người đứng đầu để buộc tập thể phải theo ý mình.

Có những người nhìn bên ngoài rất đạo đức, ăn nói rất khiêm tốn, nhưng ngược lại họ phê phán chê bai lên án người khác đủ mọi điều; hoặc chỉ nói “Kính thưa” thế này thế nọ, nhưng khi ai động chạm đến thì nổi nóng quát tháo. Sao có thể là chứng nhân được!

Một người đảm nhận vai trò lãnh đạo mà có đức khiêm nhường sẽ đạt hiệu quả vô cùng trong công tác quản lý và làm chứng nhân bằng chính đời sống và việc làm của mình.

Hãy học theo gương khiêm nhường và chứng nhân của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta; của Mẹ Maria, là phận nữ tỳ thấp hèn nhưng lại là người cao trọng trong Hội Thánh.

 Ước gì các Ban chấp hành, các Trưởng ban, các Đoàn trưởng và Đoàn viên GĐPTTCG thấm nhuần được một nửa tinh thần hy sinh,  khiêm nhường và làm chứng nhân như Chúa Giêsu, chắc chắn việc làm tông đồ Thánh Tâm Chúa của chúng ta sẽ đẹp ý Chúa và ngày càng có nhiều người chạy đến cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu để tôn thờ và đền tạ Ngài.