VẺ ĐẸP CỦA TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

 Lời mở

Trong Tông huấn “Niềm vui Tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tính dục không phải là một phương tiện để thỏa mãn hay để giải trí, vì nó là một ngôn ngữ liên vị trong đó tha nhân được nghiêm túc trân trọng, trong phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của người ấy.

[…] Trong các bài giáo lý thần học về thân xác, Thánh Gioan Phaolô II đã dạy rằng thân xác với tính dục dị biệt không những là “nguồn của sự phong nhiêu và sinh sản”, mà nó còn sở hữu “khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu mà chính ở đó con người – nhân vị trở thành một quà tặng” (số 151).

Dưới ánh sáng của Tông huấn, chúng ta sẽ khám phá ra “Vẻ đẹp của Tính dục trong Hôn nhân”. Thật vậy, Tính dục là nguồn mang lại hoan lạc và niềm vui cho con người. Tính dục cũng chính là con đường Thiên Chúa dùng để thông ban Ơn thánh cho các đôi vợ chồng. Tính dục còn là phương thế giúp vợ chồng diễn tả tình yêu cách sâu xa nhất.

Vì thế, Tính dục không phải là việc phụ thuộc trong đời sống lứa đôi, cũng không phải là thuốc an thần xoa dịu tình dục của con người, càng không chỉ là phương tiện cần thiết để sinh sản con cái. Nhưng trên hết, Tính dục trong hôn nhân có một ý nghĩa và giá trị cao quý. Đó là vẻ đẹp của Tính dục trong đời sống hôn nhân gia đình.

1. Tính dục là gì?

Trước hết, chúng ta cần thống nhất về từ ngữ. Giới tính (Phái tính) gồm có người nam và người nữ. Tính dục là cách thế tương giao với người khác phái: có thể là một cái nhìn, một lời nói, một cử chỉ âu yếm… để tìm kiếm, hiểu biết và yêu thương nhau. Tình dục là bản năng giới tính để yêu thương và kết hợp với nhau như vợ chồng. Vì thế, Tính dục khác với Tình dục: Tính dục bao hàm chung các quan hệ bạn bè, người yêu, vợ chồng; còn Tình dục nói riêng đến quan hệ vợ chồng. Theo Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh thì giới tính, tính dục và tình dục đều do Thiên Chúa phú ban để “bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến đời sống hôn nhân và gia đình” (GLHT 2333). Trong bài này, chúng ta hiểu Tính dục theo nghĩa bao hàm cả Tình dục.

Thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” còn khẳng định: “Tính dục, là sự phong phú của toàn thể nhân vị, biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó bằng cách mang (nhân vị) đến chỗ hiến thân trong tình yêu” (số 97). Như thế, tương giao tính dục của con người được xem xét trong sự phong phú toàn diện của nhân vị và trong trật tự các mối tương quan nam nữ: tình yêu giới tính được nhận thấy trong mối tương quan hỗ tương trao ban và lãnh nhận (x. số 81).

2. Tính dục có sự khác biệt tâm sinh lý

Có thể sánh ví, tương giao Tính dục giống như một tảng băng: phần nhỏ nhất nổi lên mặt nước là những yếu tố thể lý và sinh lý, nhưng phần quan trọng hơn cả, lại chìm sâu trong đại dương, đó chính là những yếu tố tâm linh. Khuynh hướng chung của đa số người nam là để ý đến khía cạnh thể lý và sinh lý. Tương giao tính dục đối với họ là sự gặp gỡ giữa hai thân xác và cao điểm là sự ân ái vợ chồng. Trái lại, hầu hết người nữ lại chú trọng đến khía cạnh của tâm hồn trong quan hệ Tính dục. Thật vậy, theo tâm lý học, có sự khác biệt giữa người nam và người nữ. Đó là, người nam thì Thể xác ưu tiên, còn người nữ thì Trái tim mới ưu tiên. Vì thế, nếu thiếu hiểu biết về nhu cầu Tính dục của nhau, thì tương giao Tính dục có thể là nguyên nhân gây đổ vỡ trong hôn nhân.

3. Tính dục do ý định của Thiên Chúa

Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo: “Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái” (số 1601). Như vậy, đời sống hôn nhân và gia đình liên hệ tới giới tính, tính dục và tình dục. Sách Thánh đã chẳng bao giờ nghi ngờ sự tốt lành và giá trị tương giao Tính dục trong hôn nhân: “Ước gì nguồn nước của con được Chúa chúc lành. Hãy hưởng thú vui bên người vợ son trẻ. Nàng là nai vàng đáng yêu, là sơn dương kiều diễm. Ước chi tấm thân nàng luôn làm con vui sướng thỏa thuê, và tình yêu của nàng mãi làm con say sưa ngây ngất” (Châm Ngôn 5,18-19). Thánh Phaolô còn khuyên bảo các cặp vợ chồng: “Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ” (1Cr 7,4-5). Thế nên, tương giao tính dục được Thiên Chúa sắp đặt để nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình. Đó là ý muốn của Thiên Chúa, và như thế là tốt đẹp và được Ngài chúc phúc.

4. Tính dục là ngôn ngữ Tình yêu

Tương giao Tính dục chỉ có giá trị nhân linh đích thực, nếu nó là thành phần không thể thiếu được của Tình yêu, một khi vợ chồng đã cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau suốt cuộc đời (x. GD 11). Nói cách khác, tình yêu vợ chồng là một tình yêu vị tha, trao hiến và đón nhận nhau suốt đời. Vì thế, Tính dục có một vai trò quan trọng trong tình yêu vợ chồng. Nó là ngôn ngữ của Tình yêu trao ban, giúp vợ chồng kết hợp với nhau một cách sâu xa nhất. Thế nên, chỉ khi nào Tính dục trở thành ngôn ngữ của Tình yêu trao ban, mới thực sự đạt được chức năng và ý nghĩa của nó. Bởi lẽ, “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thật vậy, cho là quên mình để chỉ muốn người mình yêu được hạnh phúc. Nếu hai vợ chồng biết đối xử với nhau như thế, họ sẽ tìm gặp lại chính bản thân và “nên một” với nhau trong thể xác và tâm hồn.

5. Tính dục đem lại nguồn hoan lạc

Khi trao hiến trọn vẹn cho nhau trong tương giao Tính dục, đôi vợ chồng sẽ đón nhận được nguồn hoan lạc. Nhờ đó, vợ chồng ngày càng trưởng thành hơn trong tình yêu, nghĩa là vừa biết trao hiến vừa biết đón nhận trong sự tôn trọng và yêu thương nhau. Vì thế, tương giao Tính dục rất cần thiết cho sự chung thủy của vợ chồng và sự êm ấm của gia đình. Nguồn hoan lạc đó nằm trong bản năng Tính dục, thúc đẩy con người tìm đến nhau với mục đích diễn tả tình yêuduy trì nòi giống. Đó là công trình khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa.

Thật vậy, “Chính Đấng Tạo Hóa đã muốn rằng trong nhiệm vụ truyền sinh, đôi vợ chồng cảm thấy một sự vui thú, thỏa mãn nơi thân xác và tinh thần. Vì vậy, vợ chồng chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng sự hoan lạc đó. Họ đón nhận những gì Đấng Tạo Hóa đã ban cho. Tuy nhiên, họ phải biết sống tiết độ” (ĐGH Piô XII, Bài giảng ngày 29.10.1951).

6. Tính dục mang lại hoa trái của Tình yêu

Sự kết hợp vợ chồng trong hôn nhân mô phỏng nơi thân xác con người sự quảng đại và sung mãn của Đấng Tạo Hóa: “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Sự kết hợp này giúp bảo tồn giống nòi. Thật vậy, khi vợ chồng trao hiến tình yêu cho nhau trong tương giao Tính dục, thì hoa trái ngọt ngào sẽ trổ sinh, đó là con cái. Con cái chính là mục tiêu không thể tách rời trong việc kết hợp vợ chồng vì nó nằm trong ý định của Đấng Tạo Hóa.

Sống và trao ban sự sống là ân huệ, nhân đức và bổn phận của con người trong việc duy trì nòi giống của nhân loại. Tình yêu sáng tạo được mở ngỏ cho sự sống như phần thưởng cao quý nhất của hôn nhân và trong tình yêu vợ chồng có trách nhiệm. Việc mở ngỏ cho sự sống này là dấu chỉ minh chứng tình yêu vợ chồng có giá trị đích thực và cao quý. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong Thông điệp “Sự sống Con người”, số 11: Những hành vi của đôi vợ chồng dùng để kết hợp với nhau trong tình thân mật trong sạch hầu tạo thành và lưu truyền đời sống con người, là những “hành vi cao quý và chính đáng” (Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, số 49)”.

7. Tính dục cho nếm trước hạnh phúc Nước Trời

Khi trao hiến trọn vẹn cho nhau trong tương giao Tính dục, đôi vợ chồng sẽ đón nhận được nguồn hoan lạc. Tuy nhiên, hoan lạc không bao giờ là điểm dừng trong tương giao Tính dục, hoan lạc đời này phải là sự nếm trước nguồn hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Thật vậy, do ân sủng của bí tích Hôn Nhân mà tương giao Tính dục của vợ chồng được đưa từ cõi chết bước vào cõi sống, được nếm trước niềm hạnh phúc họ sẽ tận hưởng đời sau (GLHT 308). Nguồn hoan lạc mà vợ chồng nếm hưởng trong tương giao Tính dục vừa là lời ca tụng công trình của Thiên Chúa, vừa biểu lộ vinh quang sáng tạo của Ngài; đồng thời tiên báo nguồn hạnh phúc vĩnh cửu mà họ sẽ được tham dự trên Thiên quốc. Tình yêu mà đôi vợ chồng dâng hiến cho nhau là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa là Tình yêu. Nó còn diễn tả mầu nhiệm tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,21-33). Vì thế, chính đôi vợ chồng đang tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác của mình (x. 1Cr 6,20).

Lời kết

Tóm lại, tự hiến cho nhau trong sinh hoạt vợ chồng là hành vi cần thiết để biểu lộ tình yêu, làm phát sinh sự sống và nâng đỡ cho lòng trung tín. Thật vậy, trong hôn nhân, đôi vợ chồng có quyền đón nhận niềm vui và hoan lạc trong tương giao Tính dục của mình, vì đó là ý định của Thiên Chúa: “Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại” (Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, số 48).

Thế nên, vẻ đẹp của Tính dục trong hôn nhân bừng sáng lên khi nó nằm trong kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. “Niềm tin Kitô giáo luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt ch với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quý mới. Thật vậy, Tính dục muốn đưa chúng ta đến bầu khí thần linh, vượt lên khỏi chúng ta, vì thế nó đòi buộc một con đường vươn lên, từ bỏ, thanh luyện và chữa trị” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 5). Quả thật, tương quan Tính dục luôn mở ra cho các đôi vợ chồng tình hiệp thông và sự phong nhiêu, tình yêu thương và sự sống mới. Vì thế, mục đích của luân lý Tính dục là đem con người tới nguồn Ơn cứu độ. Đó chính là “Vẻ đẹp của Tính dục trong Hôn nhân”.