Đức Phanxicô nói, một linh mục tự cho mình là người tách biệt khỏi phần còn lại của Dân Chúa là “nhà quý tộc để cuối cùng trở thành người bị loạn thần kinh”.
Đức Phanxicô và các chủng sinh Barcelona ngày 10 tháng 12-2022
Ngài cảnh báo các chủng viện công giáo chống lại xu hướng biến các linh mục tương lai thành “những con quái vật nhỏ”. Ngài khiển trách các linh mục mặc lễ phục phụng vụ lộng lẫy của những thời đã qua, ngài xin họ đừng mặc “ren của bà ngoại”. Và ngài gọi đó là chuyện “tai tiếng” khi thấy các chủng sinh và linh mục trẻ bước vào các tiệm áo lễ ở Rôma và “thử áo chùng, mũ, những y phục ren điệu đàng”.
Đây đúng là một phần cái nhìn cho thấy ngài không thiện cảm với chủ nghĩa giáo sĩ trị. Trong 11 năm làm giám mục giáo phận Rôma, nhiều lần ngài tố cáo đây là “tai họa, là bệnh dịch” làm tổn thương Giáo hội và các thành viên của Giáo hội. Chống lại chủ nghĩa giáo quyền đã là mệnh lệnh trong suốt triều của ngài.
Tháng 10 năm ngoái trong phiên họp Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, ngài lên tiếng: “Dân thánh thiện, trung thành của Thiên Chúa tiến bước một cách kiên nhẫn và khiêm nhường, chịu đựng sự khinh miệt, ngược đãi và bị gạt ra ngoài lề của chủ nghĩa giáo sĩ trị bị thể chế hóa. Thật tự nhiên khi chúng ta nói về các ông hoàng của Giáo hội, hay việc thăng chức giám mục như là thăng tiến sự nghiệp!” Đúng vậy.
Chủ nghĩa giáo quyền bị thể chế hóa
Ngài có lý khi cho thấy chủ nghĩa giáo quyền đã ăn sâu vào chính thể chế Giáo hội. Đó là não trạng và một loại luân lý có nguồn gốc sâu xa, chắc chắn thường được xác định trong tham vọng của Giáo hội qua một số hình thức ăn mặc, ngôn ngữ mà các giáo sĩ và thậm chí nhiều giáo dân có khuynh hướng dùng. Nhưng có lẽ đây chỉ là triệu chứng của một vấn đề sâu xa và cơ bản hơn nhiều. Đó là: ý tưởng đã ăn sâu vào đầu các chủng sinh và linh mục qua nhiều thế kỷ, rằng họ là những người đặc biệt. Họ là những người được chọn. Họ là những người “cách biệt” như một số tài liệu và sách hướng dẫn cổ điển của công giáo định nghĩa những người cảm thấy mình có ơn gọi “chức linh mục thánh thiện”.
Đó là vấn đề. Và Đức Phanxicô đặt thẳng vấn đề, ngài cho thấy tất cả đều bắt đầu từ giai đoạn đào tạo trước khi chịu chức. Gần đây khi dự Hội nghị thường huấn Quốc tế về Đào tạo Linh mục quy tụ khoảng một ngàn linh mục từ 60 quốc gia, từ ngày 6 đến 10 tháng 2 do Vatican bảo trợ, ngài lên tiếng: “Việc đào tạo linh mục không nên ‘tách biệt’ theo một cách nào đó. Đúng hơn, nó cần sự đóng góp của dân Chúa: các linh mục và giáo dân, nam nữ, những người độc thân và các cặp vợ chồng, người già và người trẻ, người nghèo và người đau khổ, những người có quá nhiều điều để dạy chúng ta.”
Đây không phải là điều mà các chủng sinh và các linh mục trẻ thích nghe, nhiều người cho rằng họ là những người “cá biệt”. Các cuộc khảo sát khoa học (ít nhất là ở Hoa Kỳ) và những bằng chứng giai thoại (ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới) cho thấy các linh mục tương lai và các linh mục trẻ thường có quan điểm về Giáo hội và xã hội truyền thống hơn so với các linh mục chịu chức trước năm 1980 và ngay cả các linh mục chịu chức cách đây gần 25 năm, những người hoàn toàn ở vào thời Đức Gioan Phaolô II.
Dịu dàng, tha thứ và “sáng tạo”
Đức Phanxicô luôn cố gắng tìm cách đưa Giáo hội ra khỏi chủ nghĩa giáo sĩ trị. Ngài nghĩ rằng giải pháp là tính đồng nghị, một quan điểm cho rằng tất cả chúng ta đều cùng nhau bước đi, linh mục và giáo dân.
Ngài nói với các linh mục trong hội nghị thường huấn gần đây: “Chúng ta chỉ có thể thực hiện tốt thừa tác vụ linh mục nếu chúng ta hoàn toàn là một phần của chức tư tế giáo dân mà từ đó chúng ta xuất thân. Nhận thức chúng ta là một phần của một dân tộc – không bao giờ thấy mình bị tách rời khỏi hành trình của Dân Chúa thánh thiện và trung thành – bảo vệ chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong các cố gắng, đồng hành với chúng ta trong các quan tâm mục vụ và giữ chúng ta an toàn khỏi nguy cơ ngày càng tách rời chúng ta khỏi thực tế và cảm thấy mình toàn năng. Một tách biệt như vậy là căn nguyên của mọi hình thức lạm dụng.”
Đức Phanxicô nói, một linh mục tự cho mình là người tách biệt khỏi phần còn lại của Dân Chúa là “nhà quý tộc để cuối cùng trở thành người bị loạn thần kinh”. Ngài nói: “Bản sắc thực sự của linh mục là cống hiến sự phong phú khi phục vụ. Khi chúng ta phục vụ người khác, khi chúng ta là cha mẹ của những người được giao phó cho chúng ta chăm sóc, thì chúng ta sẽ sinh ra sự sống của Thiên Chúa. Đó là bí quyết của một mục vụ ‘có tính sinh sản’”. Và ngài hiểu, điều này có nghĩa là phải có lòng thương xót và dịu dàng, nhất là khi giải tội. Ngài nhấn mạnh: “Họ đến để xin tha thứ chứ không phải để nghe bài giảng thần học. Xin anh em thương xót. Xin luôn tha thứ. Sự dịu dàng là sức mạnh.”
Ngừng đánh giá
Việc ngài nhấn mạnh đến việc không phán xét người khác và chào đón “tất cả mọi người” là một khía cạnh trong triều của ngài làm cho nhiều linh mục truyền thống, những người kiên định thực thi giáo lý Giáo hội không bằng lòng. Nhìn chung, các chủng sinh và các linh mục trẻ có xu hướng thuộc loại này (kể cả nhiều giám mục được bổ nhiệm trong hai triều giáo hoàng trước).
Không là người biện hộ hay người chiêu dụ, ngài nói người công giáo – tất cả những người đã được rửa tội, dù có được chịu chức hay không – đều được mời gọi để thành “các môn đệ truyền giáo” của Chúa Giêsu. Trong thông điệp “Ngày Truyền giáo Thế giới” vào tháng 10 sắp tới, được công bố ngày 2 tháng 2, ngài nói: “Các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô luôn chân thành quan tâm đến tất cả mọi người, bất kể địa vị xã hội hay đạo đức của họ. ‘Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách, Mt 22:10’… Tiệc cưới mà Thiên Chúa đã chuẩn bị vẫn luôn rộng mở cho tất cả mọi người, vì tình yêu của ngài dành cho mỗi chúng ta là bao la và không điều kiện.”
Ngay cả “tình trạng đạo đức” của một người cũng không thể ngăn họ bước vào bàn tiệc thiên đàng, càng không thể làm cánh cửa Giáo hội công giáo khép lại! Trên thực tế, đây là logic đằng sau tài liệu Fiducia supplicans gây tranh cãi mà Đức Phanxicô đã phê chuẩn để ban phép lành cho các cặp trong “các tình huống bất hợp pháp”, kể cả những người đã ly hôn và tái hôn dân sự cũng như những cặp đồng giới. Những phản ứng chống lại điều này, đặc biệt là giữa các chủng sinh và linh mục trẻ đã có thể dự đoán trước.
Các thế hệ công giáo tiếp theo
Những người trong hàng giáo sĩ chỉ trích, cho ngài là “kẻ làm mất tinh thần và bắt nạt”. Họ tức giận vì ngài – nhà lập pháp tối cao của Giáo hội – đã dám nói: “Tôi là ai mà phán xét?” Trong suy nghĩ của họ, đó là sự lơ là thiếu bổn phận rõ rệt của ngài trong địa vị Đại diện Chúa Giêsu Kitô trên Trái đất. Họ nói việc phán xét thực sự là việc của giáo hoàng! Tuy nhiên, theo họ, Đức Phanxicô quá “cấp tiến”, phù hợp với chương trình của “cánh tả” chính trị. Những người thực sự kiềm chế để không đi chệch khỏi giới hạn của giáo hội và không gọi ngài là kẻ dị giáo, sẽ rõ ràng thấy quan điểm và lời dạy của ngài là “không chính thống”, làm suy yếu đức tin công giáo. Mặt khác, họ tự hào về “tính chính thống, tính cách nổi tiếng, lời rao giảng và lòng nhiệt thành mục vụ của mình”, trích lời một linh mục theo chủ nghĩa truyền thống đến từ Hoa Kỳ.
Người ta không biết chính xác đâu là quan điểm của Dân Chúa – “những người được rửa tội” – trong tất cả những điều này. Ngay cả giáo dân cũng có thể có thái độ giáo sĩ trị. Một phần trong đó được thể chế hóa, như Đức Phanxicô đã cho thấy. Nhưng có một vấn đề, đó là những người trẻ trong hàng thừa tác mục vụ và những người đang chuẩn bị gia nhập lực lượng này không mấy ưa chuộng giáo hoàng này. Họ là những người sẽ là “đầy tớ” hay “quý tộc” của vài thế hệ người công giáo tiếp theo. Điều đó có nghĩa, nếu một ngày nào đó người kế nhiệm giáo hoàng hiện tại trở nên khoan dung và thông cảm hơn với tâm lý và khuynh hướng truyền thống của họ, thì tầm nhìn cải cách của Đức Phanxicô cuối cùng sẽ… Phần để trống này là lựa chọn của bạn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)