Thứ Năm tuần 28 Thường niên năm II – Pharisêu chính hiệu (Lc 11,47-54)

“Khốn cho các người!
Các người xây lăng cho các ngôn sứ,
nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy!”.
(Lc 11,47)

BÀI ĐỌC I (năm II): Ep 1, 1-10

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô bởi ý định của Thiên Chúa, kính gửi các thánh ở Êphêxô và (là) các tín hữu trong Ðức Giêsu Kitô. (Nguyện chúc) ân sủng và bình an cho anh em do tự Thiên Chúa, Cha chúng ta, và Chúa Giêsu Kitô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài.

Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! – Ðáp.

Xướng:  Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.

 

Tin mừng: Lc 11,47-54

47 “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! 48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. 49 “Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. 50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, 51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.

52 “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” 53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, 54 gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệpTính tự tôn và lòng ích kỷ khiến cho người ta mù lòa không nhận ra Chúa. Hãy để cho con người ích kỷ và kiêu ngạo của mình chết đi, ta mới có thể đón nhận Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay cho con một cảm nghĩ: những người biệt phái và những thầy thông luật ngày xưa thật là quá quắt! Họ được phúc sống trong thời của Chúa, được nghe Chúa dạy bảo, được thấy những phép lạ Chúa làm, mà sao mà họ vẫn không chịu tin Chúa.

Con biết các biệt phái và luật sĩ không tin Chúa vì họ không muốn tin. Vì tin Chúa có nghĩa là họ phải chấp nhận những cái sai sót nơi họ. Mà họ không muốn nhìn nhận mình sai trái. Tính tự tôn là rào cản không cho họ gặp được Chúa.

Con cũng biết rằng những người biệt phái và luật sĩ không muốn đón nhận lời rao giảng của Chúa, và khi đó họ phải thay đổi cách sống của họ, một cuộc sống nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội. Tính ích kỷ là một bức màn che mắt không cho họ nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai.

Xin Chúa giúp con đừng trở nên như những biệt phái và luật sĩ ngày xưa. Nếu con tự tôn coi thường người khác, con sẽ khó nhận ra được lời nhắc bảo của Chúa. Có thể Chúa đang nhờ một người con, một người em, một người bạn, hay một người nào đó để nhắc nhở con. Xin cho con biết khiêm tốn đón nhận.

Hôm nay, Chúa vẫn đang ẩn thân nơi những người nghèo khó và nhờ con giúp đỡ. Xin cho con đừng vì ích kỷ mà khép lòng mình lại và vô tình từ chối Chúa. Trái lại, xin giúp con biết mở rộng bàn tay để ban tặng, nhưng thật ra không phải là ban tặng, mà là đón nhận Chúa đến với con. Amen.

Ghi nhớ: “Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu trách các người biệt phái. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Ngài trách các luật sĩ:

1. Câu 47-48 “Xây lăng cho các ngôn sứ”: Có một truyền thống truyền khẩu rằng các ngôn sứ thường bị bách hại: Isaia đã bị cưa làm 2 khúc, Giêrêmia bị dân ném đá chết, Amos bị đập đến chết (x. Dt 11,32-40 2Sb 24,22)… Khi người do thái thời Chúa Giêsu xây lăng cho các ngôn sứ thì họ chứng tỏ họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước.

2. Câu 49-51 Chúa Giêsu duyệt lại lịch sử: chương trình của Thiên Chúa (“Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa”) là gởi “các ngôn sứ và các tông đồ” đến với loài người để kêu gọi loài người ăn năn. Thế nhưng loài người đã chẳng đón nhận sứ điệp ấy, lại bách hại các vị ấy. Mặc dù Chúa Giêsu chỉ nêu tên hai người là Aben và Dacaria, nhưng vì trong Cựu Ước híp-ri, tên Aben ở đầu sách và tên Dacaria ở cuối sách, nên ý của Ngài là nói đến toàn bộ tội giết các ngôn sứ trong lịch sử. Và Chúa Giêsu cảnh cáo: nếu người do thái thời nay không chấm dứt thái độ ấy thì họ sẽ bị Thiên Chúa công bình hỏi tội (“thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu”)

3. Câu 52 “Cất giấu chìa khóa sự hiểu biết”: do những kiến thức về Thánh Kinh, các luật sĩ đã nắm trong tay chìa khóa mở cửa vào Nước Trời. Nhưng do thái độ của họ, chẳng những họ không vào đó được mà lại còn ngăn cản người khác vào.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Tội giết các ngôn sứ: Các ngôn sứ là những người nói thay Chúa. Lời các ngài nói nhiều khi chói tai dân do thái nên nhiều vị đã bị bách hại và giết chết. Không riêng gì dân do thái, chúng ta ngày nay cũng có thể phạm tội giết ngôn sứ nếu như chúng ta không tập cho quen lắng nghe sự thật Chúa nói trong lương tâm chúng ta hoặc qua những “lời thật mất lòng” của người khác.

2. Cất dấu chìa khóa sự hiểu biết: Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh Kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn kẻ khác… Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không ? Trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta có ý thức phải sống thế nào để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không ?” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

3. “Khốn cho các ngươi! Các ngươi xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các ngươi đã giết chết các vị ấy!” (Lc 11,47)

Chúa khiển trách người Pharisêu và các kinh sư là giả hình. Họ giả hình bởi che đậy tội lỗi bằng cách xây dựng những nấm mộ hào nhoáng, bằng luật giữ luật từ ngoài, bằng cách lên án người công chính.

Còn tôi, vì sợ mất địa vị, đã lừa dối mọi người, vì sợ hổ thẹn, đã không dám nói sự thật, vì sợ liên lụy, đã bỏ mặc anh em, và vì ích kỷ, đã xa rời Chúa, xa cách anh em…

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tự do, xin cho con biết lựa chọn và dám sống như Chúa dạy. (Hosanna).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu hạch tội các luật sĩ (Lc 11,47-54)

  1. Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu tiếp tục khiển trách các luật sĩ về tội giả hình.

Họ đã xây lăng cho các tiên tri, cha ông của họ, đã giết hại các tiên tri. Theo một truyền thống truyền khẩu rằng các tiên tri thường bị bách hại: Isaia bị cưa làm hai khúc, Giêrêmia bị ném đá chết, Amos bị đập đến chết… Khi người Do thái thời Đức Giêsu xây lăng cho các tiên tri thì chứng tỏ: họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy, trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng: sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước (Lm. Carôlô).

  1. Đọc Tin mừng, chúng ta thấy ngay thái độ vừa chứng thực vừa tán thành của các luật sĩ. Các luật sĩ Do thái lo xây cất lăng tẩm cho các tiên tri, nghĩa là chứng thực rằng cha ông họ đã sai khi giết các tiên tri. Đồng thời, họ cũng đang tán thành việc bách hại của cha ông, khi hiện tại họ đang tìm cách bắt bẻ hãm hại chính Đức Giêsu và các môn đệ Người. Đức Giêsu lên án họ, nhắc lại cho họ thấy họ thuộc dòng giống gian ác, giết người này lùng bắt người kia, từ máu ông Aben cho đến đổ máu tiên tri Giacaria… Và Đức Giêsu cũng tiên báo cho họ biết: họ sẽ bị đòi nợ máu. Điều này đã xảy ra khi đến năm 70 họ đã bị xóa sổ khỏi bản đồ và tản mác khắp nơi.

Suy nghĩ về điều này, trong chúng ta không thiếu những lần chê trách những thế hệ trước chúng ta thế này thế khác, nhưng nhìn lại, chính chúng ta thậm chí còn tệ hơn tổ tiên mình khi kết án (Hiền Lâm).

  1. Và Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giêsu khiển trách các người luật sĩ về tội giả hình. Kiểu nói “khốn” ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, một kiểu chúc dữ, nhưng có ý than trách như một lời thương tiếc. Các luật sĩ là những người có cơ hội tốt là được học biết Thánh kinh, lề luật của Chúa, có quyền giảng nghĩa Thánh kinh. Lẽ ra, họ phải tận dụng cơ hội để sống tốt, sống đúng theo thánh ý Chúa; trái lại sự hiểu biết đó không mang lợi ích gì cho họ.

Đôi khi chúng ta cũng ỷ lại vào danh nghĩa người Công giáo, nại vào đạo gốc, để rồi quên mất việc sống đạo trong hiện tại: công bình, bác ái với tha nhân (5 phút mỗi ngày).

  1. Các ngươi đã cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết, các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản (Lc 11,52).

Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng, vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình”. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn người khác… Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ, để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không ? Trong cách cư xử hằng ngày chúng ta có ý thức phải sống thế nào, để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không ? (Mỗi ngày một tin vui)

  1. Một quan chức bộ Giáo dục – Đào tạo nói: “Mỗi cán bộ hãy là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Khi đã trở thành một tấm gương “mù” thì không thể làm lãnh đạo được”. Vào thời Đức Giêsu, các nhà thông luật là những người được đào tạo và “nắm chìa khoá hiểu biết” luật Chúa, để giải thích cho dân, hướng dẫn dân tuân giữ và đi đúng huấn lệnh của Chúa. Thế nhưng, thay vì giải thích và hướng dẫn, họ đã bắt người ta phục vụ và làm nô lệ lề luật. Hơn nữa, qua lối sống ưa hình thức bề ngoài, họ đã làm gương mù khiến người ta lìa xa Chúa hơn. Vì thế, Đức Giêsu đã chỉ trích thái độ của những người thông luật và dạy cho chúng ta tinh thần mới của lề luật, chứ không phải con người lệ thuộc vào luật.
  2. Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu những người biệt phái khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục vụ mình. Cần trung thành với giáo huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.
  3. Truyện: Giá trị con người ở đâu ?

Chuyện kể rằng: một người được mời đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi, không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về, khoác bộ áo đẹp có đính kim cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo rượu thơm lúc này được bày ra trước mắt ông và ông được mời chỗ nhất.

Ông liền đứng lên, cởi áo, trèo lên ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái áo và nói: “Mày ăn uống đi, người ta mời mày đó”. Mọi người hết sức ngạc nhiên, nhưng đều hiểu ý ông này. Ông muốn nói với mọi người rằng: giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên ngoài, nhưng đó là tấm lòng bên trong, không ở những cái mình có nhưng ở cái mình là.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào năm 70 sau Công nguyên, vị tướng La Mã Titô đem đại quân vây hãm thành Giêrusalem. Ông ra lệnh không được đốt phá.

Thế nhưng, một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titô ra lệnh phá hủy thành và đền thờ, ngoại trừ ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành đã bị phá. Tất cả những sự việc trên được sử gia Josèphe sống trong thời đó ghi chép lại cho hậu thế…

Suy niệm

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương thành vì sẽ có ngày thành huy hoàng bị phá huỷ… Sau này, trong cuộc thương khó, dân chúng đấm ngực và thương khóc khi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúa Giêsu nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28). Ngài yêu thương thành Giêrusalem. Nhưng dân thành cố tình chối bỏ Ngài để chạy theo những mê muội của trần gian. Ngài cảm thấy xót xa khi người ta từ chối tình yêu của Ngài. Ngài đến cho họ tình yêu nhưng họ không đón nhận cho nên họ phải đau khổ. Tất cả mọi sự đã xảy ra như lời Chúa Giêsu đã loan báo: Vào năm 70 sau Công nguyên quân đội Rôma do tướng Titô chỉ huy đã phá hủy và bình địa thành nguy nga này.

Ngày nay, chúng ta cũng như dân thành Giêrusalem ngày xưa: Cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những vật chất, quyền bính danh vọng trần gian. Ðức Giêsu vẫn đang than khóc và đau khổ vì tội lỗi con người…

Xin Chúa cho chúng ta luôn khao khát, nhận biết và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Biết thức tỉnh và từ bỏ đời sống tội lỗi để quay về với Ngài. Khi đó chúng con sẽ được hưởng tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ từ Thiên Chúa.

Ý lực sống

“Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người,
các bạn đừng cứng lòng”.
(Tv 95,8)