“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong,
thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”.
(Lc 11,41)
BÀI ĐỌC I (năm I): Rm 1, 16-25
“Dẫu loài người biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh Người cho xứng với Thiên Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi không hổ thẹn đạo Phúc Âm: vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong đó, đức công chính của Thiên Chúa được tỏ ra bởi đức tin, nhằm vào đức tin, như có lời chép rằng: “Người công chính sống bởi đức tin”.
Quả thực, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa từ trời cao hiện ra trừng phạt những người vô đạo, bất công, cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà: vì chưng hễ sự gì có thể biết được về Thiên Chúa, thì đã được biểu lộ trong họ rồi, bởi Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ. Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được. Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật của Thiên Chúa ra sự dối trá, đã thờ tự và phụng sự loài thọ tạo thay vì Ðấng Tạo Hoá, Người đáng chúc tụng muôn đời. Amen!
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).
Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.
Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.
Tin mừng: Lc 11,37-41
37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn.
38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn.
39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?
41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chỉ lo giữ luật lệ tập tục mà ích kỷ với tha nhân là một sự giả hình. Tôn thờ Thiên Chúa cách chân thành là phải sống trong tình yêu.
Cầu nguyện: Lạy Cha là Thiên Chúa tình yêu, ở nơi Cha tất cả chỉ là tình yêu. Cha đã thông ban tình yêu Cha cho con để con biết sống yêu thương. Càng yêu thương, con càng trở nên giống Cha. Và càng yêu thương, con càng là một Kitô hữu sống đạo đích thực.
Đạo của Cha là đạo yêu thương. Đạo của Cha không phải là đạo của luật lệ hoặc đạo của nghi lễ, cũng chẳng phải là đạo của tín điều hay đạo của phép lạ. Nhưng con đã dừng lại ở đó, thay vì từ đó mà đi tìm gặp Cha. Con đã dừng lại ở đó mà quên mất anh chị em con. Bao nhiêu lần con đã chu toàn mọi lề luật, nhưng lại quên sống luật yêu thương. Bao nhiêu lần khi xét mình xưng tội, con đã chú ý tới những việc xấu làm con ra ô uế, nhưng Chúa Giêsu còn cho con hiểu rằng cướp bóc, gian tà, ích kỷ hẹp hòi với người khác, cũng làm con ra ô uế không kém.
Lạy Cha, xin thanh tẩy lòng con khỏi sự gian ác, hận thù, ích kỷ. Xin đừng để con chỉ lo sạch sẽ đẹp đẽ bề ngoài, mà trong lòng thì dửng dưng không quan tâm đến người khác. Xin đừng để con chỉ chú ý tới các tổ chức, các nghi lễ bề ngoài long trọng, mà lại sống ích kỷ hẹp hòi với nhau. Xin đừng để con chỉ lo bảo vệ mọi thứ thủ tục và quy luật, để rồi loại trừ nhau, lên án nhau, bỏ rơi và nghi kỵ nhau.
Lạy Cha, xin đừng để con ung dung bình thản trong một thứ đạo ru ngủ lương tâm. Xin Cha giúp con luôn sống trong tình yêu chân thành. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
1. Hoàn cảnh: Một người pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa. Vừa vào nhà, Chúa Giêsu “liền vào bàn ăn”: nghĩa là Ngài không rửa tay trước. Nhóm Pharisêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, nhằm tẩy xóa những ô uế mà ta có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi. Trong câu chuyện này, không phải Chúa Giêsu quên, mà đó là lập trường cố hữu của Ngài (x. 11,14.29). Dĩ nhiên người pha-risêu ấy ngạc nhiên và thầm khó chịu trong lòng.
2. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức ; bên trong là lòng đạo đức thật. Nhóm pharisêu chỉ chú trọng tới cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
3. Tiếp theo Chúa Giêsu nói về “sự bố thí”. Ngài khẳng định rằng bố thí có thể thay thế mọi quy định lề luật: đối với người bố thí cho kẻ nghèo thì mọi cái đều tinh sạch.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Cái nhìn toàn diện: Khi chỉ trích những người biệt phái quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra “Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (…) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói: “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý: “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che dấu gì về mình cả”. (Onward)
3. Một ông vua kia rất ham mặc áo quần đẹp. Hai tên lưu manh đến gạ gẫm: “Chúng tôi có thể dệt và may cho bệ hạ một bộ áo rất đặc biệt từ xưa tới nay chưa ai từng thấy. Nhưng áo này phải dệt bằng vàng”. Vì quá ham bộ áo đặc biệt ấy, nhà vua đưa cho hai tên ấy hết túi vàng này tới túi vàng khác. Thực ra chúng chẳng may gì cả. Rồi một hôm hai tên lưu manh cho biết áo đã may xong, mời nhà vua mặc thử. Chúng chỉ làm cử điệu tay chân như đang mặc áo cho nhà vua. Khi chúng cho biết đã mặc xong, nhà vua hỏi các quan chung quanh “Áo ta có đẹp không ?” Ai nấy trầm trồ khen nức nở. Quá phấn khởi, nhà vua bảo quân hầu kiệu ngài ra các đường phố để khoe áo đẹp. Dân chúng hai bên đường cũng nức nở khen. Nhà vua rất sung sướng. Bỗng nhiên một đứa trẻ hô lớn: “Ông vua ở truồng! Ông vua ở truồng!”. Nhà vua nhìn lại mình và mới biết mình đang ở truồng thật.
4. “Đồ ngốc! Đấng làm tra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ?” (Lc 11,40)
Cứ hè đến là nó đi tĩnh tâm hay đi linh thao. Như mọi người, nó cũng thinh lặng, nhận điểm, dự cầu nguyện, dự lễ, xưng tội, và còn nức nở sám hối nữa!!! Ai cũng nghĩ nó là người đạo đức. Nhưng lần này nó lộ nguyên hình là đứa đạo đức giả, đúng hơn, một “diễn viên kịch” đại tài trong đời sống đức tin. Điều lạ lùng là nó cũng thừa nhận như vậy. Khi bị chất vấn, nó cười chua chát: “Phải, tôi chưa tin Chúa, tôi đi tìm Ngài và ước ao được thấy Ngài và ước ao được thấy Ngài qua đời sống của các bạn. Để được đón nhận nhanh nhất, bằng mọi giá, tôi phải có hình thức giống mọi người. Tôi phải trở thành Pharisêu…”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con không chuộng lối sống đạo hình thức, nhưng lại đánh giá và chỉ chấp nhận nhau khi có sự đồng điệu ở bề ngoài. Vô tình chúng con xô đẩy nhau đến chỗ trở thành những pharisêu chính hiệu. Chúa ơi, xin đừng để ai muốn tìm Chúa nơi con phải thất vọng. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa khuyên đừng vụ hình thức (Lc 11,37-41)
- Các người biệt phái vẫn chống đối Đức Giêsu, tuy nhiên không phải tất cả, vì một số người có thiện cảm với Chúa và mời Người tới dự bữa cơm gia đình. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những qui định về hình thức; bên trong là lòng đạo thật. Nhóm biệt phái chỉ chú trọng đến cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
- Theo thói thường, việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các biệt phái thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo, để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
- Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu nhận lời mời của một trong nhóm biệt phái đến dùng bữa tại nhà minh, và những người này đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, mặc dầu cho nhiều người chống đối xầm xì. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự bất mãn của một số biệt phái đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao ?” Đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải, để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.
- Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta bài học về sự trong sạch đúng nghĩa. Nhóm biệt phái bắt bẻ Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không rửa tay trước bữa ăn, họ cho rằng đó là lề luật. Đức Giêsu sửa lại những quan điểm sai lầm đó là lối sống vụ luật, hình thức. Việc rửa tay trước khi ăn là đều tốt bên ngoài nhằm bảo vệ sức khoẻ. Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, mà phải thanh tẩy bên trong tâm hồn trong sạch bằng lối sống công chính trong suy nghĩ và đối xử với tha nhân. Chính lòng quảng đại tha thứ đối với tha nhân có giá trị tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho con người (5 phút Lời Chúa).
- Lời Chúa nói với người biệt phái cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng “gin” của Tây Âu, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của những kẻ bắt chước. Nhiều người chúng ta tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.
- Quan niệm và tâm thức của những người biệt phái thời Đức Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dày đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Đức Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn (Mỗi ngày một tin vui).
- Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “Cái nết đánh chết cái đẹp”, để khẳng định rằng: giá trị bên trong cao quý hơn những gì người ta thấy bên ngoài. Trước những người biệt phái quá chú trọng về hình thức và luôn tự coi mình là công chính, Đức Giêsu nhắc nhở họ hãy nhìn lại bên trong con người mình. Qua lời nhắc nhở này, Đức Giêsu cũng muốn nói với chúng ta hôm nay: Đừng chỉ lo cho bề ngoài tươm tất, thơm tho mà quên mất phần tô điểm cho vẻ đẹp tâm hồn, bằng cách “bố thí” những gì tốt đẹp bên trong. Đó là cách để chúng ta được nên trong sạch.
- Truyện: Cần thanh tẩy cõi lòng
Có hai vị thiền sư trên đường về tu viện sau một cơn mưa, tình cờ họ gặp một cô thiếu nữ xinh đẹp đang đứng trước vũng sình to lớn chắn lối đi. Thấy vậy, một trong hai vị liền cõng cô trên vai rồi lội qua vũng sình để qua bên kia bờ. Vị tu sĩ cùng đi chung thấy cảnh tượng đó lấy làm khó chịu và cho đó là một gương mù gương xấu.
Suốt hai tiếng đồng hồ ông ta trách mắng vị tu sĩ đã cõng người con gái qua vũng sình bùn, vì làm như thế là đã phá giới của đạo rồi. Ông nói với vị tu sĩ kia rằng: “Thầy không biết mình là người tu sĩ sao ? Tại sao thầy dám đụng đến một người phụ nữ. Hơn nữa, khi thầy cõng cô ta qua vũng sình lầy như vậy dân chúng thấy sẽ suy nghĩ như thế nào ? Họ còn tin vào đạo nữa không ?” Vị tu sĩ bị mắng vẫn kiên trì lắng nghe, cuối cùng ông ta đáp lại rằng: “Thưa thầy, tôi đã để cô gái ở lại bên bờ kia rồi, còn thầy mới chính là kẻ cõng cô gái đó trong lòng mình”.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một bà mẹ lo lắng nhiều cho đứa con trai không đi nhà thờ, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Vào một ngày Chúa nhật, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. Hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố đối diện với chúng ta. Nếu con làm cho mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mẹ anh yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói. Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.
Chàng ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ. Kể từ đó, chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn (Theo Lòng nhân từ cảm hóa).
Suy niệm
Với người dân Do Thái, người thu thuế là tay sai cho đế quốc La Mã, đô hộ và bóc lột đồng bào. Hơn nữa, thu thuế là nghề nghiệp có thể lợi dụng chức quyền ăn chặn của công, của tư để trục lợi cho bản thân. Giakêu “sếp thu thuế” là ông trùm người tội lỗi, con người ghê tởm, đáng bị mọi người ghét bỏ.
Giakêu thắc mắc, tò mò về Chúa Giêsu, Người đang được thiên hạ bàn tán xôn xao khắp cùng ngõ hẻm. Không biết hỏi ai, ông cũng hòa với đám đông, nhưng không để đón, mà để xem ông Giêsu thế nào cho thỏa sự tò mò. Người ông thấp bé không thể thấy Đấng Ngôn sứ Giêsu, nên chỉ còn cách chạy lên đằng trước leo lên cây sung nhìn xuống (x. Lc 19,3-4). Chúa Giêsu đi ngang qua Giêricô, Ngài đi ngang chỗ của Giakêu. Ngài dừng lại và ngước nhìn lên chỗ Giakêu, cái nhìn nhân từ và khoan dung, Ngài cất lời: “Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương. Chính tấm lòng đó đã làm thay đổi Giakêu. Giakêu không còn chỉ thấy tiền bạc, quyền lực, giàu sang, nhưng giờ đây mang tâm tình chia sẻ và trao ban: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Ông Giakêu xin đền gấp bốn, nghĩa là ông tự thú công khai: Tội ông quá nặng. Còn theo luật Rôma, đối với những tội trộm cắp công khai thì phải đền gấp bốn. Cho nên, quyết định của ông vừa là khiêm nhường, vừa là công bình, vừa là bác ái.
Sống trong tinh thần công bình bác ái khiêm cung là kết quả của ơn cứu độ như Chúa Giêsu có nói: “Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (Lc 19,9). Ơn cứu độ đã khiến cho con tim của Giakêu đổi mới như ngôn sứ Êdêkien nói Lời Thiên Chúa: “Ta sẽ ban cho ngươi một trái tim mới và đặt một tinh thần mới trong người của Ta, hầu các ngươi giữ gìn và hành động theo đúng lệnh Ta” (Ed 36,26).
Hình ảnh đổi mới của Giakêu, gợi cho chúng ta mang tâm tình: Khao khát gặp Chúa Giêsu. Được gặp tình thương của Chúa thanh tẩy, chúng ta bước ra khỏi vùng trũng thẳm sâu tăm tối và tiến lên với một tinh thần mới, tinh thần công bình bác ái như Giakêu. Tinh thần chúng ta vượt qua tăm tối tiến lên Giêrusalem ánh sáng trong niềm vui được cứu độ. Bởi vì “Thiên Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68).
Ý lực sống
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
(Lc 19,10b)