THEO CHÂN NHỮNG NGƯỜI TÌM LỬA MẾN

Giuse Hoàng Công Nga – GP. Bà Rịa-Vũng Tàu

Những ngày hạ tuần tháng 10, bầu trời thành phố Bà Rịa mát mẻ, khi những đợt mư bão vừa lắng xuống, không khí mát dịu của những ngày cuối Thu tạo thành cảm giác dễ chịu. Tôi được vinh dự theo chân những người bạn đi tìm lại cội nguồn của Phong trào Liên Minh Thánh Tâm, nay được gọi với một danh xưng mới: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Việt Nam.

Giáo phận Bà Rịa – Vũng Tàu (GP BRVT), một giáo phận thu gọn trong địa giới của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được tách ra từ Giáo phận Xuân Lộc theo Tự sắc Ad Aptius Consulendum của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI ngày 22.11.2005. Tuy nhiên căn cứ vào lịch sử truyền giáo của Giáo phận, thì nơi đây đã có những hoạt động của những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên vào thế kỷ 17. Chứng tích của những hoạt động này còn được ghi nhận tại nhà thờ Mồ kính các Thánh Tử Đạo, tọa lạc tại đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phước Hiệp, thành phố Bà Rịa… Tại đây còn có những con đường mang tên các Chúa Nguyễn đã có công khai phá vùng đất này trong thời kỳ Nam Tiến.

Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi với các linh mục kỳ cựu của GP BRVT, trước năm 1975, hầu như tại các giáo xứ trong giáo phận đã có Phong trào Liên Minh Thánh Tâm. Sau biến cố 1975, các đoàn thể Công giáo Tiến hành (CGTH) hầu như bị giải thể nhường lại cho các tổ chức được hình thành riêng chia thành các giới như: Hội Các Bà Mẹ Công giáo, Giới Gia trưởng, Đoàn Thiếu nhi, Giới trẻ, Giáo lý viên… Tại một số giáo xứ, các hội đoàn như Huynh Đoàn Đa Minh, Hiệp hội Phan Sinh tại thế vẫn còn duy trì nhưng không phải là sôi động… Nói chung, các đoàn thể CGTH tại GP BRVT sau những lần chuyển đổi, đặc biệt kể từ ngày tách thành giáo phận mới (2005) từ GP Xuân Lộc, các hoạt động này hầu như chỉ đang được khởi động lại. Trong khi nếu so sánh với các giáo phận vùng cao như GP Ban Mê Thuột, thì khác xa một trời một vực. Phân tích về hoàn cảnh xã hội ta sẽ nhìn thấy đặc thù sinh hoạt tại các địa phương có điều kiện sinh sống khác nhau. Hoàn cảnh xã hội của Ban Mê Thuột tựu trung vẫn gắn liền với đời sống nông nghiệp, người nông dân không bị ràng buộc bởi giờ giấc, một phần đại đa số các trại định cư là đồng bào di cư từ năm 1954, họ mang theo cả một truyền thống đạo hạnh từ các xứ đạo từ Bắc vào Nam. Nề nếp sinh hoạt ổn định và sẵn sàng hưởng ứng các tổ chức đạo đức, các đoàn thể CGTH. Trong khi tỉnh BRVT là tỉnh phát triển về công nghiệp. Giới trẻ là đối tượng bị tác động nhiều nhất. Những giáo lý viên khi học xong lớp 12 sẽ phải thi vào đại học hoặc học các bậc cao hơn, một số sẽ vào làm việc tại các khu công nghiệp. Môi trường của xã hội công nghiệp sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của những cư dân trẻ và gia đình. Tại các giáo xứ kỳ cựu trước đây, cũng phải thích nghi theo hoàn cảnh mới của tiến trình đô thị hóa, trong làng chỉ còn lại những người lớn tuổi. Vì thế các tổ chức đoàn thể có tính truyền thống  đang được chuyển dịch để thích nghi với hoàn cảnh xã hội hiện tại.

Tôi lắng nghe câu chuyện trao đổi của các cha và các anh trong Ban chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Việt Nam (GĐPTTTCG VN) mà cảm thấy rối bời, một bức tranh toàn cảnh đầy nhiêu khê. Những viên ngọc quý của Giáo hội vốn tiềm ẩn trong lòng giáo dân, đã được gieo trên mảnh đất lâu đời này, bị lãng quên gần nửa thế kỷ. Người Công giáo nếu không yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu thì chúng ta không có động lực để truyền giáo… Nhìn lại thuở truyền giáo ban đầu trên đất nước này, các linh mục Thừa Sai là những người ngoại quốc, khác biệt về ngôn ngữ, không hiểu về phong tục, tập quán… biết bao là khó khăn, vậy mà các ngài đã gieo những hạt giống Tin mừng đầu tiên để chúng ta có thành quả hôm nay. Xã hội đang chuyển dịch từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp làm cho những giá trị truyền thống bị chao đảo. Tuy nhiên dưới ánh sáng đức tin, không vì thế mà trở ngại. Trong suốt chiều dài của Cựu ước, ta thấy thường nhắc tới một câu xác tín: “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”. Thời gian sẽ là câu trả lời chắc chắn nhất. Chúa Giêsu đã từng ví von niềm tin như hạt cải: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được(Mátthêu 17,20).  

Rời Tòa Giám mục Bà Rịa, chúng tôi di chuyển về giáo xứ Long Kiên. Tiếp chúng tôi là cha xứ Anrê Nguyễn Hồng Phong, một linh mục trẻ, năng động. Ngài cùng với một số giáo dân đang bắt tay chỉnh trang lại tòa Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ. Ngài đón tiếp chúng tôi với thái độ niềm nở. Ngài nhận tài liệu, thủ bản của GĐPTTTCG VN, hứa sẽ đọc và tìm hiểu kỹ về đường hướng hoạt động và hẹn ngày gặp lại…

Sau đó, chúng tôi hướng về giáo xứ Long Tâm để thăm hỏi và chào cha Tổng Đại diện Giuse Võ Công Tiến. Câu chuyện trao đổi với cha tương đối nhanh vì ngày hôm trước tôi đã trình bày rõ với ngài mục đích của BCH GĐPTTTCG VN muốn trình Đức Giám mục GP để phát triển sinh hoạt của đoàn thể Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm tại các giáo xứ trong giáo phận. Ngài động viên chúng tôi và hy vọng với lòng nhiệt thành của BCH GĐPTTTCG VN sẽ đem lại kết quả trong nay mai.

Cáo từ cha TĐD, chúng tôi hướng về giáo xứ Long Toàn. Tiếp chúng tôi là cha xứ Phaolô Phạm Minh Tân. Đây là một giáo xứ kỳ cựu, được thành lập lâu đời, ban đầu là họ đạo Thôm được hình thành do những người giáo dân đến từ Bình Định (1650) nhưng mãi đến năm 1883 mới hình thành dưới sự coi sóc của hai cha Errard và Combalbert. Trải qua biết bao nhiêu biến động, cho tới nay giáo xứ Long Toàn giữa lòng thành phố Bà Rịa thu gọn lại, vỏn vẹn 558 giáo dân. Cha quản xứ Long Toàn, đồng thời phụ trách Ủy ban Mục vụ Giáo dân GP BRVT. Ngài đã lắng nghe 2 vị đại diện của GĐPTTTCG VN trình bày: GĐPTTTCG VN là một đoàn thể Công giáo Tiến hành trong tổ chức tông đồ giáo dân của Giáo hội Việt Nam, chuyên việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ, lấy việc tôn sùng Thánh Tâm làm nền tảng cho mọi hoạt động trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu, Đấng yêu thương và cứu độ nhân loại… Câu chuyện râm ran còn kéo dài với lời hứa về một cuộc gặp gỡ với anh chị em giáo dân nơi đây, để có thể hình thành đoàn thể trong thời gian sắp đến. Vì thời gian không cho phép, chúng tôi phải cáo lỗi ra về và hẹn ngày trở lại.

Được tháp tùng với hai vị đại diện của BCH GĐPTTTCG VN là một niềm vinh dự. Tôi có cảm giác như được trở về nguồn, ôn lại lịch sử của Giáo hội, đặc biệt của Giáo phận Bà Rịa. Theo chân những người đi tìm lại ngọn lửa của lòng mến, trong tôi trào dâng một niềm cảm phục. Giữa một xã hội thiên về vật chất và hưởng thụ lại có những tấm lòng rạo rực ngọn lửa mến yêu Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nguyện xin cho ngọn lửa của lòng mến được bùng lên đốt cháy những con tim và thôi thúc những ý nguyện ngay lành sớm trở thành sự thật.