
TGPSG / Aleteia.org — Việc che phủ các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay, đặc biệt là hai tuần cuối, giúp người tín hữu hướng tâm hồn về mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh. Những tấm khăn phủ vừa gợi nên sự thiếu vắng, vừa khơi dậy trong chúng ta một lòng khao khát được chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Đức Kitô.
Thoạt nhìn, việc che đi các ảnh tượng và thánh giá – vốn là những dấu chỉ thiêng liêng giúp nâng tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa – có vẻ nghịch lý. Thế nhưng, chính sự trống vắng tạm thời ấy lại là lời nhắc mạnh mẽ về một thời điểm thiêng liêng đặc biệt trong năm phụng vụ: thời kỳ sám hối sâu xa và chuẩn bị trực tiếp cho Tam Nhật Thánh.
Ý nghĩa phụng vụ và thực hành cụ thể
Giáo hội khuyến khích thực hành này không chỉ trong các nhà thờ mà còn nơi từng gia đình – Hội Thánh tại gia. Việc này giúp chúng ta tham dự tích cực hơn vào nhịp sống phụng vụ, đặc biệt khi không thể đến nhà thờ hằng ngày.
Sách Lễ Rôma hướng dẫn: “Có thể thực hành việc che phủ thánh giá và ảnh tượng trong nhà thờ từ Chúa Nhật V Mùa Chay. Thánh giá được che cho đến hết Phụng vụ Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó vào Thứ Sáu Tuần Thánh; các ảnh tượng tiếp tục được che cho đến khi bắt đầu Lễ Vọng Phục Sinh.”
Trong lịch sử, một số nơi từng áp dụng hình thức che phủ rộng hơn, như truyền thống tại Đức vốn che toàn bộ bàn thờ suốt cả Mùa Chay.
Tại sao lại che phủ?
Có ba lý do chính:
- Đánh động cảm quan phụng vụ: Khi bước vào nhà thờ và thấy mọi ảnh tượng đều bị che phủ, người tín hữu được đánh động mạnh mẽ: đây là thời điểm khác biệt, thời gian cận kề cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa.
- Giúp tập trung vào Lời Chúa: Việc giảm thiểu các yếu tố thị giác giúp cộng đoàn tập trung hơn vào phụng vụ Lời Chúa, đặc biệt là bài Thương Khó, để có thể bước vào mầu nhiệm một cách sâu sắc.
- Khơi dậy niềm mong chờ Phục Sinh: Những hình ảnh thánh thiêng bị che khuất làm dấy lên trong lòng tín hữu sự khao khát được chiêm ngắm lại vẻ đẹp thiêng liêng – cũng như lòng mong chờ được gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong vinh quang.
Việc che phủ này cũng có thể được thực hiện trong các gia đình Công giáo như một hình thức giáo dục đức tin sống động cho con trẻ. Các em sẽ tò mò, thắc mắc, và từ đó dễ dàng cảm nhận được tính đặc biệt của mùa phụng vụ này.
Biểu tượng của hành trình đức tin
Việc vén khăn phủ trong đêm Vọng Phục Sinh mang ý nghĩa rất sâu xa. Nó không chỉ đánh dấu sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh, mà còn là hình ảnh của cuộc đời người tín hữu nơi trần thế: chúng ta đang sống trong một thế giới còn bị “che phủ”, đang bước đi trong đức tin. Chỉ qua cái chết, “tấm màn” trần gian mới được vén lên, để chúng ta được chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa cách trọn vẹn muôn đời.
Tác giả: Philip Kosloski
Xuân Đại (TGPSG) lược dịch từ Aleteia.org