CHỦ ĐỀ: TA KHÁT (Ga 19,28)
Tưởng niệm Chúa chịu chết và Phục sinh, chúng ta suy niệm lời Chúa nói trên thập giá: “Ta Khát”.
1/ Chúa Giêsu “khát”
“Ta khát” là câu ngắn nhất trong những lời cuối cùng của Chúa Giêsu (Ga 19,28) nhưng chứa đựng ý nghĩa thâm sâu.
Đó là cơn khát thể lý của Chúa Giêsu trên thập giá. Và những tên lính hôm đó thấy “có một bình đầy giấm, nên liền lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người” (Ga 19,29). Chúa bị hành hạ thêm khi thay vì cho Ngài một chút nước, họ lại cho Ngài uống giấm.
“Ta khát” – Cơn khát của Chúa còn mạc khải một điều gì đó sâu xa hơn đang diễn ra trong tâm hồn Ngài. Đối với người Do Thái cổ đại, ngôn ngữ của cơn khát là ngôn ngữ của tình yêu. Như Thánh vịnh 62,3 viết: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông”.
2/ Chúa Giêsu khao khát tình yêu
Khi nói “Ta khát”, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu với Chúa Cha, ngụ ý về niềm khao khát được trở về nhà Cha. Vả lại, chắc chắn Chúa cũng công bố tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Người thật sự “yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Thế nên, “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,8)
3/ Tâm tình của đoàn viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Trong Tuần Thánh, khi đọc bài Thương Khó, chúng ta được nghe lại cảnh Chúa Giêsu chịu đau khổ, chịu nạn và chịu chết. Đoạn cuối của bài Thương Khó, chúng ta được nghe lời Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Ta khát”.
“Ta khát là lời mạc khải của trái tim, trái tim Chúa Giêsu. Tiếng kêu đó vang lên tới Chúa Cha trong đau khổ, Ngài muốn bày tỏ tình yêu hiến tế vì vâng lời Chúa Cha và trở nên của lễ mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Tiếng kêu “Ta khát” nói với chúng ta rằng: Nhân loại tội lỗi, bất xứng, đáng phải chết, nhưng tình yêu của Ngài nói lên lòng khao khát các linh hồn, và Ngài không muốn một ai bị loại trừ, hay bỏ lại phía sau. Ngài chịu chết để cứu độ tất cả. Vì thế, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu mong ước được giải thoát tất cả các linh hồn đang chìm đắm trong tội lỗi biết nhìn lên thập giá và sám hối trở về với tình yêu của Ngài.
Là đoàn viên GĐPTTTCG, chúng ta sẽ làm gì đáp lại tình yêu của Chúa?
- “Ta khát” – lời này nhắc nhở rằng mỗi chúng ta được mời gọi yêu mến Đấng đã yêu thương chúng ta.
- Cùng nhau tôn thờ, ngợi ca tình yêu của Chúa, tôn vinh tình yêu Chúa trong những giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, cầu nguyện với lời Chúa, nhất là dâng Thánh lễ và rước lễ để Chúa sống trong ta.
- Loan báo tình yêu của Chúa cho mọi người.
- Giúp những người khô khan, những gia đình lạc xa đoàn chiên Chúa.
- Làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu nơi những người nghèo nhất. Lưu tâm đến những người bên cạnh đang khát tình yêu, và làm dịu cơn khát của họ bằng bất cứ cách nhỏ bé nào mà chúng ta có thể. Chẳng hạn, chỉ là nở nụ cười cũng có ý nghĩa rất quan trọng vì nó làm dịu cơn khát “cảm thông” nơi những người không được yêu thương.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin hãy làm cho trái tim của mỗi Đoàn viên chúng con đón nhận tình yêu của Chúa và mang tình yêu của Chúa đến cho mọi người chung quanh. Amen.
Bài huấn đức của cha Giuse Cao Văn Ninh – linh hướng GĐPTTTCG giáo hạt Gia Định
Phaolô Thiên ghi lại