Giuse Huỳnh Bá Song
Trong chương trình chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động hỗ trợ phát triển và chia sẻ bác ái của GĐPTTTCG TGP Sài Gòn trong năm phụng vụ 2020-2021 tại các giáo phận truyền giáo Tây nguyên; liên tiếp trong các ngày từ 24/9 đến 27/9/2020, Ban Thường vụ BCH GĐPTTTCG TGP do anh Giuse Trịnh Văn Tiến, Trưởng ban, dẫn đầu đã có chuyến công tác tiền trạm đến các xứ đoàn và giáo xứ trong hai giáo phận Ban Mê Thuột và Kon Tum.
Ngày 24/9/2020, với sự đồng hành của anh Long, người ân nhân cũng là người bạn thân thiết của đoàn thể và sự hướng dẫn của các anh chị: Gioan Nguyễn Tiến Hưng, Giuse Hoàng Văn Kha, Phêrô Bùi Đức Thắng, Maria Lê Thị Bài… trong Ban Thường vụ BCH GĐPTTTCG giáo phận Ban Mê Thuột, đoàn đã đến thăm giáo xứ Thiên Đăng, một giáo xứ đông đảo người dân tộc Giarai. Tại đây, đoàn đã được cha chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Nhiệm nhiệt tình đón tiếp, giới thiệu những nét cơ bản về sự hình thành và phát triển của một cộng đoàn giáo dân anh em dân tộc, có đời sống đạo đã dần đi vào nề nếp, và theo đề xuất mời gọi của GĐPTTTCG giáo phận BMT, dự kiến tới đây cha sẽ cho phép hình thành đoàn thể trong giáo xứ. Trước khi chia tay, đoàn đã trao tặng 100 phần bánh để cộng tác với giáo xứ chăm sóc các em thiếu nhi trong đêm Trung thu.
Ngày thứ 2, vào lúc 9 giờ sáng ngày 25/9/2020, tại Tòa giám mục giáo phận Kon Tum, đoàn đã đến chào Đức cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, giám mục giáo phận. Tại đây, thay mặt đoàn, anh Giuse Huỳnh Bá Song đã trình bày với Đức cha những sinh hoạt chia sẻ bác ái của đoàn thể với các cộng đoàn dân tộc anh em trong giáo phận Kon Tum trong năm qua; những khó khăn, thuận lợi trong quá trình phục vụ nơi các cộng đoàn, và xin ý kiến chỉ đạo chăm sóc của Đức cha, để những dự kiến hoạt động của đoàn thể trong thời gian tới đúng hướng và không gây trở ngại sinh hoạt chung của giáo phận. Đức cha Aloisio đã vui vẻ cám ơn đoàn, chia sẻ về tình hình sinh hoạt chung của giáo phận tuy có nhiều bước phát triển nhưng vẫn tồn đọng rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đức cha mong nhận được nhiều sự hỗ trợ, cộng tác của cộng đoàn khắp nơi để công tác truyền giáo của giáo phận ngày càng hiệu quả hơn. Trước lúc chia tay, Đức cha đã giúp đoàn liên lạc với cha Gioakim Đỗ Sỹ Hùng, cha xứ mới của giáo xứ Dak Somei để đoàn có điều kiện đến gặp gỡ, trao đổi đánh giá về hiệu quả chương trình của đoàn thể hỗ trợ “Con dê núi” cho cộng đoàn trước đây.
Rời Tòa GM Kon Tum, đoàn đã đến thăm giáo xứ Plei Jodrap và đã được cha chánh xứ Vinhsơn Nguyễn Ngọc Quyền và các đoàn viên GĐPTTTCG xứ đoàn đón tiếp nồng nhiệt. Đây là xứ đoàn quy tụ 100% là người anh em dân tộc Giarai, tân đoàn trưởng là ông A He sau khi anh cựu đoàn trưởng người Kinh duy nhất, Đaminh Nguyễn Thanh Thủy qua đời vì bạo bệnh. Trong bầu khí thân tình nơi hội trường giáo xứ, ông A He thay mặt xứ đoàn báo cáo về những sinh hoạt đạo đức thường xuyên, các mặt hoạt động của xứ đoàn phục vụ giáo xứ. Ông cũng nêu những đề xuất cụ thể về nhu cầu trang bị tài liệu, nhất là được huấn luyện để xứ đoàn hoạt động đúng tinh thần của đoàn thể. Rất vui vì sự trưởng thành vững vàng của anh chị em, anh Giuse Huỳnh Bá Song đã chân thành cám ơn sự chăm sóc xứ đoàn của cha Vinhsơn thời gian qua; nhiệt liệt chúc mừng sự bền đỗ, nhiệt thành của BCH xứ đoàn trong việc mời gọi, điều hành anh chị em đoàn viên thực thi tinh thần tông đồ phục vụ các mặt sinh hoạt của giáo xứ, cũng như biết vận động sự hy sinh, chia sẻ bác ái cho các gia đình khó khăn trong cộng đoàn, tuy đời sống của mọi người vẫn còn rất nhiều khó khăn; đặc biệt trong lần gặp này, xứ đoàn đã có thêm nhiều đoàn viên mới gia nhập đoàn thể. Sau bửa cơm chia tay, 100 phần bánh đã được đoàn gửi lại để làm quà cho các cháu thiếu nhi trong giáo xứ mùa Trung thu.
Con đường lên Đức Mẹ Mangden hiện nay được mở rộng thênh thang, 12 Km đường đèo tuy vẫn quanh co khúc khuỷu, nhưng do mặt đường được láng nhựa mới và ốp các thảm bê-tông ven các vách núi ngừa đất lở, nên trông quang đãng và an toàn hơn. Càng ngạc nhiên hơn, chỉ mới xa cách chưa tròn năm mà đỉnh đồi nơi đài Đức Mẹ Mangden hiện diện vừa được quy hoạch lại, trông thông thoáng và đẹp hẳn lên. Tượng Đức Mẹ như lời Đức cha Aloisio cho biết với gương mặt đã được chỉnh sửa lại phù hợp với pho tượng rất trang nhã, được đặt trong một mái vòm cột gỗ hình bát giác, hai tầng đối xứng lợp ngói âm dương ngự nơi đỉnh cao ngọn đồi, khiến toàn bộ khu vực linh đài mang đậm dấu ấn thanh thoát, thiêng liêng. Về với Đức Mẹ Mangden là niềm vui của những người Công giáo nói chung và cách riêng của các thành viên GĐPTTTCG khi có dịp lên Tây nguyên trong các hành trình hành hương, chia sẻ. Trong niềm vui tràn đầy cảm xúc, đoàn đã hiệp ý thay lời cộng đoàn dâng lên Đức Mẹ tâm tình tạ ơn của những người tông đồ Thánh Tâm Chúa đã luôn được Đức Mẹ đồng hành, chuyển cầu các ý nguyện dâng lên Thiên Chúa.
Gần 17 giờ chiều, trong làn sương mù dày đặc với cơn mưa rừng bắt đầu trĩu hạt, đoàn rời Mangden để về thăm xứ Dak Somei theo lời hẹn với cha Gioakim Đỗ Sỹ Hùng. Đoạn đường còn phải đi khá dài với hơn 50 Km đường đèo từ Mangden đổ xuống Kon Tum, rồi tiếp tục theo QL 14 về đến thành phố Pleiku, trước khi ngược lên huyện Đak Đoa để đến nhà thờ. Rất may cha Gioakim đã kịp thời hướng dẫn, đến đoạn giữa hai thành phố này có con đường tắt băng rừng đi vào giáo xứ của cha, tuy hơi hoang vắng khó đi nhưng sẽ giúp rút ngắn đoạn đường gần hơn mấy mươi cây số.
Tìm được ngã ba rẻ vào đường rừng thì lúc này trời đã tối đen như mực, cơn mưa đêm lất phất phủ mờ con đường núi ngoằn ngèo không một bóng người, mà cả đoàn ai cũng chỉ mới đi lần đầu nên tất cả đành hồi hộp, trông cậy vào ông Google chỉ đường. Hơn 20 giờ, nhà thờ làng De Somei với ánh đèn sáng chói chang hiện ra, ẩn hiện qua các hàng cây giúp mọi người thở phào nhẹ nhỏm; vui hơn, đông đảo dân làng và các em thiếu nhi đang tập trung đọc kinh tối và học giáo lý. Cha Gioakim và cộng đoàn rất bất ngờ trước món quà mà đoàn mang theo dành cho các em, và thật may mắn hôm nay các em trong làng tập trung đầy đủ nên cha Gioakim đề nghị đoàn cho các em được nhận quà luôn, 150 cái bánh đã kịp thời đến với các em trong mùa Tết Trung thu lần đầu tiên của thiếu nhi trong làng.
Sau khi giới thiệu chào biết nhau, vì đã khá trễ mà đoàn còn phải trở về thành phố Pleiku nghỉ đêm, nên anh Giuse Tiến tranh thủ hỏi thăm cha ngay về hiệu quả chương trình hỗ trợ “Con dê núi” của đoàn thể GĐPTTTCG TGP Sài Gòn trước đây ở các làng của giáo xứ, cũng như cha có muốn được đoàn thể tiếp tục hỗ trợ thực hiện chương trình này nữa hay không? Cha Gioakim lưỡng lự cho biết muốn thì rất muốn, nhưng còn băn khoăn vì bởi các lẽ: – một, chương trình này do cha Giuse Nguyễn Duy Tài, nguyên chánh xứ đề xuất, mọi kinh nghiệm tổ chức, chăm sóc đều từ sự hiểu biết của cha, mà giờ cha đã đổi đi nên không ai có thể quản lý được việc này. – Hai là người dân tộc Bahnar bản địa nơi đây chỉ quen lối sống hái, trồng; không có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi, nên giao thú nuôi cho họ không hiệu quả. – Ba là con dê núi rất khó nuôi, nhất là con giống phải đúng giống sống trên núi, nếu giống khác sẽ không thể thích nghi sống sót. – Bốn là chăn nuôi dê kinh nghiệm ở đây chỉ nên nuôi theo đàn để dễ chăm sóc quản lý, chứ nuôi nhỏ lẻ không thành công. Tóm lại cha cho biết, cha Giuse trước đây nhận sự hỗ trợ con dê giống của đoàn chỉ phân phối cho các gia đình nghèo trong hai làng De Thung và De Podral; làng De Somei này không có được nhận, nên cha và các anh trong Ban hành giáo không biết hiệu quả, nhưng theo cha tìm hiểu thì các gia đình nhận nuôi ở các làng vừa qua số dê sống sót không còn được bao nhiêu. Câu trả lời rất chân thực nhưng phản ảnh một nỗi buồn thực tiễn, việc góp phần nâng cao đời sống người dân tộc nghèo ở Tây nguyên vẫn là một bài toán khó trong hành trình chia sẻ, mang hy vọng, niềm vui đến với tha nhân của đoàn thể vẫn còn lắm gian nan.
Ngày thứ ba 26/9/2020, từ sáng sớm đoàn đã vội lên đường đến một giáo điểm nằm sâu trên vùng ngã ba biên giới Việt Miên Lào, nơi thượng nguồn phát xuất dòng sông Sê-san với hệ thống thủy điện có công suất lớn thứ ba của đất nước – nhà thờ giáo điểm truyền giáo Giuse Sê-san (Sesan 4), làng Ia O thuộc giáo xứ Ia Tô, miền Gia Lai, giáo phận Kon Tum. Con đường tỉnh lộ 664 từ thành phố Pleiku đi huyện biên giới Ia Grai có hình dáng như một con rồng uốn lượn cất mình bay khỏi mặt đất; càng hướng ra biên giới, con đường như con dốc nhỏ, hết lao xuống thung lũng vực sâu thăm thẳm lại cất mình phóng vút lên đỉnh đồi cao, xuyên qua những cánh rừng tiêu, điều, cao su bạt ngàn, nhưng sơ xác vì thiếu vắng sự chăm sóc.
Đồng hành với đoàn lúc này có thêm “thổ địa”, hai anh chị Stephano Phan Đình Đang và Teresa Trần Đông Mai của công ty du lịch lữ hành Thiên Lộc tại thành phố Pleiku, những ân nhân hết lòng với đoàn thể trong các chuyến bác ái trên Tây nguyên. Giáo điểm truyền giáo Sesan 4 do cha Giuse Chu Văn Liên dòng Phanxico phụ trách, với 28 làng dân tộc (có 2 làng cùi) nằm trong một địa bàn rộng lớn hơn 60 Km, bao gồm 6 xã của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với hơn 500 giáo dân (200 người kinh), là nơi công cuộc truyền giáo trong cộng đoàn người dân tộc đang có bước phát triển thuận lợi, hàng năm đã có hàng trăm người trong các làng xin được theo đạo. Theo cha Giuse, nhu cầu cấp thiết của giáo điểm là kinh phí đào tạo và hỗ trợ mục vụ các giáo phu (thầy giảng) người dân tộc, để họ có thể dễ dàng tiếp cận rao giảng trong các làng. Tay nghe không bằng mắt thấy, cha Giuse mời đoàn xuống chiếc thuyền máy của một giáo dân, tham quan điểm truyền giáo đầu tiên ngay trên làng bè nơi thượng nguồn hồ thủy điện Sesan. Trên một lòng hồ rộng lớn xưa kia là những ngọn núi, rừng cây, giờ chỉ còn là những ốc đảo hoang vắng thưa thớt bóng người. Một làng bè nuôi trồng thủy sản quy tụ cư dân tứ phương đến khai thác, đánh bắt nguồn tôm cá trong lòng hồ, và từ một vài gia đình Công giáo ban đầu đã được cha tiếp cận chăm sóc, đến nay đã trở thành một cộng đoàn sinh hoạt sống đạo có nề nếp. Trên đường trở về, đoàn còn có dịp ghé thăm cơ ngơi của một Robinson thời hiện đại trên một hòn đảo rộng lớn, xum xuê cây trái giữa lòng hồ – Anh Phêrô Phạm Đình Công, thư ký của giáo điểm truyền giáo. Hòn đảo rộng hàng chục héc-ta chỉ một mình anh sinh sống, trồng trọt, hái lượm, đánh bắt nuôi sống bản thân, với cơ ngơi đơn sơ nhưng rất phù hợp và đáp ứng được các chu cầu cơ bản của một chuyến du lịch dã ngoại: bải tắm, bến câu cá, sân vườn sinh hoạt, bếp núc và cây trái, rau xanh, gà vịt thả vườn, rất gần gũi thiên nhiên. Đặc biệt, nguồn cá cơm nước ngọt nơi đây thì bao la, trên khắp lòng hồ dầy đặc các lộng vó của cư dân đánh bắt cá cơm với sản lượng rất phong phú.
Đây là địa điểm đoàn tiền trạm dự kiến các chuyến chia sẻ bác ái, phục vụ truyền giáo kết hợp du lịch sinh thái trong thời gian tới, để cộng tác hỗ trợ hoạt động truyền giáo của các giáo phận Tây nguyên. Để đáp ứng yêu cầu này, sau bữa cơm trưa vội vã và tiếp nhận 150 phần quà trung thu dành cho các cháu giáo điểm sẽ phân phối sau, cha Giuse đã tiếp tục hướng dẫn đoàn đến giáo điểm của các làng dân tộc mà cha phụ trách. Tại giáo điểm Làng Lân, đoàn đã được ông A Youl hướng dẫn thăm nhà nguyện của giáo điểm chính là một căn phòng của gia đình ông được tu bổ sửa sang lại, tạo điều kiện để cộng đoàn nơi đây có được địa điểm tham dự Thánh lễ. Gian phòng rộng chừng 60 mét vuông, khá nóng bức và thiếu ánh sáng, cần được mở rộng thêm chiều dài chừng 5 mét và nâng trần mái nhà lên, thì cộng đoàn hơn trăm người dự lễ mới được thông thoáng, thoải mái. Cha Giuse cho biết chi phí chừng khoảng 30 triệu, nhưng đến nay vẫn chưa biết tìm đâu ra. Giáo điểm kế tiếp ở làng Tung Breng, ngôi nhà nguyện cũng là một ngôi nhà rông của người giáo dân dâng hiến, nhưng khi dự Thánh lễ, một số giáo dân phải đứng dưới sân, vì sàn gỗ quá yếu không thể chứa đông người; tiền gia cố các cây cột gỗ để nâng sức chịu đựng cần chừng 20 triệu, nhưng cũng chưa xoay được ở đâu. Đi thêm 20 cây số nữa đến giáo điểm gần làng Ia Tô thì có đông giáo dân nhưng chưa có nhà nguyện, Thánh lễ chỉ thực hiện trong một ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn của giáo dân trong một vườn điều, và cộng đoàn dự lễ chủ yếu chỉ đứng ngoài sân, nơi đây nếu muốn phát triển thành giáo điểm thì phải mua đất, và điều này thì cha Giuse bó tay.
Đoàn chia tay cha Giuse với nhiều ưu tư, trăn trở; nhu cầu hoạt động của những giáo điểm truyền giáo nơi các giáo phận vùng cao nguyên còn quá lớn, và sự đáp ứng của Giáo hội địa phương vẫn chưa tương xứng với lòng khao khát của các cộng đoàn mới biết về Chúa, nhất là những người dân tộc anh em. Mỗi chuyến đi là một khám phá mới, mỗi cuộc gặp gỡ là thêm một băn khoăn – Đoàn thể GĐPTTTCG chúng ta cần phải làm gì để có thể cộng tác hữu hiệu vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội Việt Nam hôm nay? – đó là một câu hỏi nhói lòng cần có thêm nhiều lời đáp.