NGƯỜI ĐÁNH MẤT TRÁI TIM (Phần 1)

Giuse Huỳnh Bá Song

Khoảng vài tuần nay, cứ vào lúc những tia nắng chiều vừa chìm xuống hàng cây Hoàng Nam ven tường rào, nơi chiếc ghế đá dưới chân tượng đài Thánh Tâm Chúa lại xuất hiện một người đàn ông đến lặng lẽ quì cầu khẩn. Mái tóc đã điểm sương, với chiếc áo khoác bạc màu phủ lên vóc dáng hao gầy bất động của ông, như hòa mình vào nền rêu đá của chân tượng, làm đôi lúc mọi người nhìn thoáng qua cứ nghĩ một pho tượng nguyện cầu vừa được nối kết với khu tượng đài, làm tăng thêm không gian sâu lắng nơi quảng trường cuối nhà thờ.

Tuần lễ thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba trôi qua, mỗi ngày vẫn điệp khúc ấy và vẫn chỉ duy nhất người đàn ông ấy, nhưng dường như càng ngày dáng đi của ông ngày càng nặng nề hơn, thất thểu hơn. Sự hiện diện của ông cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sinh hoạt chung của giáo xứ, vả lại cũng để tôn trọng nỗi niềm tâm tư của riêng ông, nên mọi người đã lịch sự tránh xa khu vực, để ông được trọn vẹn một mình tìm về với Chúa.

Nhưng có một người vẫn âm thầm dõi bước chân ông với một tâm tình thương xót – Ông ta có điều gì quá đau khổ, đớn đau mà hằng ngày phải tìm đến Chúa trong ăn năn, đau thương cùng cực? Sao ông ta không tìm đến mình để được chia sẻ, đỡ nâng hay ông ta còn e ngại điều gì? – Vâng, người ấy là vị cha sở của giáo xứ – không kìm được nỗi xúc động và một phần cũng vì sự kiên nhẫn của vị linh mục cũng đã mỏi mòn. Một hôm, khi bóng đêm vừa buông xuống, phủ trùm khuôn viên, cha sở đã chủ định tìm đến.

– Này ông! Ông là ai? Ông có cần tôi giúp đỡ gì không?

Trong ánh đèn mờ nhạt, một gương mặt xanh xao, hốc hác, ràn rụa nước mắt chợt nhìn lên, đôi mắt xa xăm dò hỏi.

– Ông gọi tôi?

– Phải, tôi là cha sở đây! Thời gian qua, đã có điều gì làm cho ông đớn đau, khổ sở lắm phải không?

Xoay hẳn người lại, nhìn chằm chằm vào người đối diện.

– Ôi! Con chào cha! Xin lỗi! Đôi mắt con dạo này kém quá, không nhìn rõ gì nữa nên con không thấy cha! Xin cha tha lỗi cho con.

– Không sao! Tuổi già thì phải thế thôi!

Người khách lạ chợt khẽ mỉm cười, lắc đầu, chua chát:

– Nếu già thật! Mắt kém thì nói làm gì? Tuổi con chưa đến nỗi mắt phải mờ, chân tay phải run, tâm hồn phải ngớ ngẩn. Thế mà! Giọng ông bỗng chùng xuống – Nay thì hết rồi, cuộc đời con đã đi vào bế tắc, con không còn tìm lại được niềm vui nào trong cuộc sống, hy vọng gì vào tương lai. Con không tìm thấy lối thoát, con đã đánh mất tất cả rồi!

Mái đầu bạc chợt gục dần theo niềm cảm xúc. Bàn tay ấm áp của vị linh mục đặt nhẹ lên bờ vai gầy đang run rẩy theo từng lời trăn trở của ông.

– Thế thì có nỗi đau nào, hãy trút hết với cha, trước mặt Chúa nhân từ, cha sẽ hiệp ý cùng con dâng các khó khăn lên ngài, để tình yêu và Lòng Thương Xót của Ngài sẽ xóa tan mọi niềm đau, nỗi khổ nơi con.

Ngước thẳng lên, gương mặt của ông ta chợt trở nên trầm ngâm, u uất hơn, ánh mắt thất thần đăm đăm nhìn vào khoảng không, giọng trầm tư, cay đắng:

– Liệu khi biết các việc con đã làm, cha có còn ý muốn giúp con nữa không? Và liệu Chúa có còn muốn tha thứ cho con nữa hay không?

***

Sinh ra trong một gia đình Công giáo của một xứ đạo nhỏ, nép mình dưới chân rặng núi Bình Sơn ở một vùng quê biển mặn miền Trung. Vùng đất khô cằn nhìn ra biển rộng, giàu gió biển, sóng vỗ ngày đêm ầm ào, lắm cát trắng bạc màu với những rặng phi lao cằn cỗi, còi cọc trải khắp bờ biển xác xơ. Cuộc sống chủ yếu của làng chỉ là những chiếc te, chiếc xệp (dụng cụ cào tự chế) ngang dọc suốt đêm ngày trên vùng biển cạn, đi tìm con rươi, con ruốc, con cá nhỏ ven bờ. Đôi mảnh ruộng hiếm hoi có được chỉ trông vào những giọt nước trời rơi xuống, mỗi năm một vụ, để cuối mùa thu hoạch, bông cỏ nhiều hơn hạt thóc nhưng cũng đã góp thêm phần lương thực nuôi sống được bao gia đình. Có lẽ, chỉ có những bờ khoai, luống mì dọc theo chân núi, chịu được cái khắc nghiệt của thiên nhiên, chịu thương, chịu khó, gắn bó bao đời nay với những con người lam lũ là bền bỉ vươn lên mạnh mẽ được nơi đây. Mảnh đất của trời cao thử thách lòng người, có kiên định, chịu đựng, vượt khó sẽ sinh hoa kết trái.

Có lẽ, tiếng chuông thánh thót của ngôi giáo đường vào những buổi sớm tinh sương mỗi ngày, dẫn bước mọi người đến nơi nhà Chúa, cùng nhau chia sẻ cái bầu khí ấm áp, nồng nặc hơi người trong khuôn viên chật hẹp của cái nhà thờ đã quá cũ kỹ già nua, với những tiếng cầu kinh rì rào, trầm bổng thân thương đã là chất keo ngọt ngào kết dính mọi người lại với nhau – Và cũng có lẽ, cuộc đời của vị linh mục già hiền lành, bình dị, đã gắn bó cả cuộc đời mục vụ của mình với một làng quê nghèo khó, dâng cả tình yêu phục vụ của mình với những lời giảng sâu sắc, thiết thực, đã đem Lời Chúa đến tận nơi sâu thẳm trái tim mọi người, gắn kết Tin Mừng với cuộc sống hiện thực còn nhiều gian nan vất vả, đã giúp họ chịu đựng được số kiếp hèn mọn, truân chuyên bao đời.

Gia đình ông cũng như bao gia đình khác trong làng, cuộc sống luôn gắn liền với những vất vả, thiếu thốn, đói khổ quanh năm. Cơm độn không đủ no, áo thô không đủ ấm nhưng được cái Chúa thương, con cái dư đầy. Trong khó khăn như thế, cứu cánh của mỗi gia đình là tìm cách cho con cái thoát ly học tập, tha phương cầu thực chốn xa – Nếu may mắn, chúng có thể giúp mang về cho gia đình miền quê này một luồng gió mới: có thêm nếp nhà tranh, bớt vốc khoai khô và ngập tràn hương gạo thơm lúa mới miền xuôi.

Ông ta là thành viên duy nhất được ưu tiên chọn thực hiện ước vọng của gia đình: được tạo mọi điều kiện ăn học đến nơi đến chốn với niềm tin đơn sơ, ông sẽ thành đạt để mở lối giúp gia đình vượt khó, chia sẻ gánh nặng chăm sóc các em cho cha mẹ sau này khi công thành danh toại. Ông được đặt bên lề mọi vất vả lo toan, mọi gánh nặng lao động, dầm mưa dãi nắng, vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để tìm miếng sống của gia đình; mọi chắt chiu, tích góp đều dành cho ông: học ở làng xong được ra huyện, cuối cùng là thành phố rộng lớn đã dang tay đón ông, người con được kỳ vọng, ôm khát vọng đổi đời của một gia đình khó nghèo miền đồng khô biển mặn. Ông hạnh phúc đón nhận mọi sự chăm lo, hy sinh của mọi người dành cho mình như một đặc quyền của người đang mang trong mình một sứ mạng cao cả – Tìm con đường đi đưa gia đình đến một vận hội mới – Thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Ông đã bỡ ngỡ bước vào cuộc sống sinh viên ở thành phố to lớn, sôi động này với biết bao cảm xúc, biết bao nhu cầu thiết thực và cũng biết bao niềm vui của xa hoa cám dỗ không lường trước được. Nhưng khả năng gia đình thì có hạn, nên đối với chàng trai trẻ, mọi sự đều dẫn đến ham muốn, rồi mọi điều chỉ là mơ ước và cuối cùng- mọi sự không bao giờ đạt được thỏa mãn. Lần đầu tiên, ông cảm nhận được nỗi đau đớn tận sâu thẳm của tâm hồn – Ông chỉ là một kẻ đứng bên lề của chốn phồn hoa đô hội, kẻ mang phận mọn hèn, lẽo đẽo sau lưng mọi lối sống, sinh hoạt vui chơi của những người bạn sinh viên giàu có, lịch thiệp nơi thành phố cao sang. Ông chua chát nhìn lại quê nghèo với nỗi đau khôn tả, để rồi cay đắng hận mình không được chọn nơi chốn để sinh ra – Không được! Phải vượt lên tất cả, phải vươn lên với bất cứ giá nào dù có phải hy sinh cả mạng sống, cả linh hồn.

Để lại sau lưng tất cả lời dặn của cha, lời khuyên của mẹ trước lúc đi xa, để lại mọi niềm tin, ước vọng chính đáng của gia đình: “…Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy sống xứng đáng là một người con Chúa, sống nên người để phục vụ mọi người hầu đáp lại ơn sâu…”. Ngoài những giờ học tập, ông lao vào cuộc đua tìm kiếm tiền bạc, cơ hội làm giàu, như một con thiêu thân. Quan hệ với đủ mọi hạng người, làm đủ mọi việc, thượng vàng hạ cám – Thành công lắm mà thất bại cũng nhiều. Những lúc may mắn, rủng rỉnh tiền bạc thì lao vào các cuộc ăn chơi hòng thỏa mãn khát vọng; lúc khó khăn, thất bại, thiếu thốn bạc tiền, ông trở lại thầm trách Chúa sao nỡ để ông phải sinh ra trong một gia đình nghèo của một miền quê quá khó – ông nguyền rủa số phận sao quá bạc đen, ông hận cả những người bạn cùng lớp có cha mẹ giàu sang, được chăm sóc, trang bị đầy đủ hơn mình. Trong lòng ông, sự đố kỵ, ghét ghen, thù hận luôn sục sôi trong suốt cả cuộc đời trai trẻ – ông quyết tâm, bằng đủ phương cách, bằng mọi giá phải trở nên giàu có để vượt lên số phận.

(Còn tiếp)