Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22)

Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22)

“Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng,
kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
(Mt 10,22)

 

BÀI ĐỌC I: Cv 6, 8-10; 7, 54-59

“Kìa tôi xem thấy trời mở ra”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày đó, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. Bấy giờ, có nhóm người kia thuộc Hội đường, mệnh danh là “của những người Tự do, người Xirênê và Alexandria”, và những người khác từ xứ Cilicia và Á đông, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói.

Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô, đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”.

Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolê.

Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quỳ gối xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 8a. 17 và 21ab

Đáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).

1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của con, vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. – Đáp.

2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa. Lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. – Đáp.

3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài cho khỏi người ta âm mưu làm hại. – Đáp.

4) Xin Chúa tỏ mặt nhân lành với tôi tớ Chúa, và lấy lòng thương xót Chúa cứu thoát con. Chúa che chở những ai nấp dưới nhan thánh Chúa khỏi mưu chước của loài người. Chúa giấu họ trong nhà Chúa, khỏi miệng lưỡi gian ngoa. – Đáp.

 

Tin mừng: Mt 10,17-22

17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.

19Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu tiên báo sự bách hại. Tin theo Chúa, chúng ta sẽ bị người đời đối kháng. Nhưng ta không được sợ hãi, vì Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ý định của Chúa khi Chúa đến trần gian là để con được trở nên con người sống cho Thiên Chúa, không thuộc về thế gian. Và như thế con sẽ gặp cảnh bị ghét bỏ. Có những lúc vì sống theo Lời Chúa, con bị thế gian cười chê. Con cũng có thể bị mất nhiều quyền lợi chỉ vì con thuộc về Chúa. Ngay trong gia đình có thể con còn bị cả người nhà ghét bỏ nữa.

Cuộc đời của con theo Chúa là cuộc đời chết cho chính mình. Con sẽ luôn nhìn lên Chúa để sống. Con cũng sẽ luôn nhìn lên thánh giá để noi gương. Thánh Tê-pha-nô hôm nay Giáo hội mừng kính quả là gương chói ngời cho con. Con cũng được diễm phúc như Ngài: con đã là một người thuộc về Chúa. Con đã được diễm phúc mang danh là Kitô. Thánh Tê-pha-nô đã bị chống đối. Ngài đã bị khổ đau. Và Ngài đã thể hiện cuộc sống theo Tin mừng. Xin cho con được sống chết cho Nước Trời như Ngài, bất chấp chống đối hiềm thù.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã tuyên báo cho con biết về sự bách hại vì đạo mà con sẽ nhận lãnh trong suốt cuộc đời theo Chúa. Từ thế gian, từ gia đình, đều có những sự dấy lên ghì con sống khác Chúa. Xin Chúa giúp con luôn. Xin Chúa trợ giúp con liên tục để con được mạnh sức và khôn ngoan sống theo gương Chúa như thánh Tê-pha-nô đã sống. Xin cho con được kiên trì dâng hiến khi gặp những khó khăn vì Tin mừng và sẵn sàng yêu thương tha thứ cho mọi người gây khó dễ cho con. Cả khi họ làm hại con, xin cho con được biết thương yêu và cầu nguyện cho họ nữa. Amen.

Ghi nhớ: “Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Chúa Giêsu tiên báo những cuộc bách hại đối với các môn đệ Ngài:

– Bách hại do những nhà cầm quyền thù nghịch với Chúa. Nhưng đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa.

– Bách hại do chính những người thân của mình (cha mẹ, anh em, con cái) vì họ không đồng quan điểm đức tin với mình. Nhưng hãy kiên trì, vì “ai bền chí đến cùng thì sẽ được cứu thoát.”

Suy gẫm

1. Hai chữ tử đạo chúng ta quen dùng ngày nay có nguyên ngữ Hy Lạp là Martus nghĩa là làm chứng. Người tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng chính những đau khổ và cái chết của mình. Bởi đó trong đoạn Tin mừng này, khi báo trước những sự bách hại, Chúa Giêsu nói “Chúng con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng…”

2. Thánh là ai ? Ngày kia một em bé theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai mẹ con đi qua một thánh đường nguy nga. Em bé ngước nhìn thánh đường rồi đưa tay chỉ mẹ và nói: “Mẹ xem kìa, những cửa kính màu bám đầy bụi, trông chả đẹp tí nào.”

Bà mẹ không nói gì, nhưng lại nắm tay con dẫn vào bên trong thánh đường. Từ bên trong thánh đường nhìn ra, những cửa kính dơ bẩn xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc tuyệt đẹp. Em bé ngạc nhiên mở to mắt nhìn. Em thích thú đặc biệt khi ngắm nhìn 4 vị thánh trên cửa kính sau bàn thờ đang rực rỡ chói lòa nhờ ánh mặt trời chiếu thẳng qua.

Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ cô giáo hỏi: “Các em có biết vị thánh là ai không ?” Trước câu hỏi bất ngờ, cả lớp đều thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào nhà thờ hôm trước giơ tay xin trả lời. Em nói: “Thưa cô, vị thánh là người được ánh sáng mặt trời chiếu qua.”

Stêphanô là một vị thánh vì ngài đã phản ánh Chúa Giêsu, nhất là qua cái chết của ngài. Bài đọc I (Cv 6,8-10 7,54-60) tường thuật ngài chết giống Chúa Giêsu: cũng phó linh hồn trong tay Chúa (c.59) và cũng cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ hại mình (c.60).

3. “Vì danh Thầy các con sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22)

Một người bạn hỏi tôi: “Bạn có thấy anh ấy đã làm điều xấu xa đó không ?” Dù thấy nhưng tôi đã trả lời không, vì anh ấy là con của thầy hiệu phó, và vì tôi không muốn bị liên luỵ. Điều này làm tôi ray rứt. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã nhát đảm không dám nói lên sự thật.

Thánh Stêphanô đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho sự thật. Còn tôi hôm nay chưa phải hy sinh đến mạng sống mà đã chối quanh, thì thử hỏi làm sao dám bênh vực và đấu tranh cho sự thật ?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, có những lúc con đã sống hèn yếu như vậy. Xin cho con cảm nghiệm được sự bình an và niềm hạnh phúc của người biết làm chứng cho sự thật.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Têphanô Tử đạo (Mt 10,16-22)

  1. Theo bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết: các ông sẽ bị người ta ganh ghét, bách hại. Họ sẽ tố cáo và sẽ nộp các ông cho vua quan. Có khi cả người thân trong gia đình cũng tố cáo giết hại nhau.

Đó là dịp may để các ông làm chứng cho Chúa. Lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho các ông ăn nói khôn ngoan. Và ai bền đỗ theo Chúa đến cùng thì được cứu rỗi.

Thánh Têphanô được phúc chết vì Chúa trước hết. Như thế, Chúa muốn cho chúng ta biết: môn đệ phải gặp khó khăn bách hại mới xứng với Thầy, sống chết như Người…

  1. Thánh Têphanô là một trong bảy phó tế trong Giáo hội tiên khởi. Nhiệm vụ của Ngài là quản lý tài sản của Giáo hội và thường đi thăm các tín hữu trong các hang toại đạo. Ngài là người tử đạo đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Ngài đã đi theo đúng đường lối hy sinh anh dũng của Chúa Giêsu, và do đó, được hưởng ơn cứu chuộc bằng chính máu đào đổ ra để minh chứng cho tình yêu.

Hôm qua chúng ta mừng kính Sinh nhật của Đấng Cứu Thế sinh ra cho trần gian. Hôm nay chúng ta lại mừng ngày sinh vào Nước trời của thánh Têphanô vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đã sống một đời sống đau khổ khải hoàn, nay về trời.

  1. Bài Tin mừng hôm nay ghi lại những lời Đức Giêsu loan báo cho các Tông đồ về những sự bách hại trên đường truyền giáo của các ông.Câu mở đầu: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói…” (Mt 10,16), kết thúc những lời Đức Giêsu huấn thị khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, đồng thời cũng là câu cảnh giác các Tông đồ trước những sự nguy hiểm trên bước đường truyền giáo.

Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng yên ủi và khích lệ các ông, vì bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ, vì chỉ có thế, Nước trời mới đến được trần gian này. Nhưng giữa những cuộc bách hại, người môn đệ có được hai lý do để hãnh diện và an ủi mình:

– Một là mình vì Thầy mà bị bách hại.

– Hai là bách hại lại là dịp để đưa lời chứng hùng hồn của mình ra trước Hội đồng Do thái, vua chúa quan quyền ngoại giáo về Thầy.

  1. Cái chết của thánh Têphanô là mở đầu cho cuộc bách hại trong Giáo hội. Chúng ta gọi những người được chết vì Chúa là các “người tử đạo”. Hai chữ ‘Tử đạo” chúng ta quen dùng ngày nay có nguyên ngữ Hy lạp là Martus nghĩa là làm chứng. Người tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng chính những đau khổ và cái chết của mình. Bởi đó trong đoạn Tin mừng này, khi báo trước những sự bách hại, Đức Giêsu nói: “Chúng con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng…”
  2. Những cuộc bách hại các Kitô hữu chắc chắn sẽ xảy đến, nhưng đó là dịp tốt để họ làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người. Cái chết làm chứng của thánh Têphanô và các thánh Tử đạo làm ứng nghiệm những lời Chúa nói. Cuộc bách hại vì danh Chúa Kitô có thể xảy ra ngay trong gia đình, giữa những người thân thuộc, là thành viên trong gia đình, có khi tôi phải chịu thiệt thòi, bất công, chỉ vì muốn sống theo thánh ý Chúa. Tôi có dám coi đó là cơ hội tốt để làm chứng cho Chúa không ?
  3. Trong cuộc Tử đạo của thánh Têphanô, chúng ta thấy Ngài có một thái độ hết sức đáng khâm phục, đó là biết tha thứ cho kẻ hành hạ mình. Sách Công vụ Tông đồ còn ghi lại: Họ ném đá Têphanô đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quỳ xuống kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ (Cv 5,59-60).

Thánh Têphanô là người chứng thứ nhất tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân báo oán” là phương châm hành động của thánh Têphanô. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để tiêu diệt bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi, chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Têphanô đã làm như Chúa Giêsu đã làm: “Trên Thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự hận thù” (Ep 2,16).

  1. Truyện: Tình yêu thắng hận thù

Một binh sĩ người Anh đã viết cho một người mẹ Đức như sau: “Là một quân nhân của một lực lượng được chỉ định tấn công vào một ngôi làng ở Pháp, phận sự trong quân ngũ đã khiến tôi giết chết con bà. Tôi là một tín hữu Kitô giáo, và vì lẽ đó, tôi thành khẩn xin bà hãy tha thứ cho tôi. Tôi hy vọng là một ngày kia, khi chiến tranh chấm dứt, tôi có thể đích thân đến gặp bà”.

Mấy tháng sau, khi bà mẹ người lính Đức hay tin con bà tử trận, bà mới nhận được bức thư trên đây, và bà đã trả lời như sau cho người lính Anh:

Tận thâm tâm, tôi đã tha thứ cho anh, mặc dù anh đã giết chết người con yêu dấu của tôi. Tôi tha thứ cho anh, bởi vì cũng như anh, tôi là một tín hữu Kitô. Nếu anh và tôi đều sống sót sau cuộc chiến, tôi hy vọng anh có thể sang Đức để thăm tôi, và mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, anh có thể thế chỗ cho con tôi, đứa con mà anh đã giết chết”.

Điểm đáng chú ý nhất trong hai bức thư trên, là lời tuyên xưng: “Tôi là một tín hữu Kitô”, và với niềm tin cả anh lính người Anh và bà mẹ người Đức đã để cho Lời Chúa tách họ ra khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, và đưa họ vào con đường yêu thương.