NĂM THÌN: BÀN CHUYỆN RỒNG TRONG KIẾN TRÚC

Vinhsơn Vũ Đình Đường

Lại một mùa Xuân đã đến với con người và vạn vật muôn hoa đua nở. Năm 2024 cầm tinh con Rồng, con vật được coi là linh thiêng, huyền bí, nhất là trong văn hóa Phương Đông với thuyết 12 con giáp. Xếp vị trí thứ 5 (Thìn) mang nhiều ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Thìn kéo dài từ 7 giờ đến 9 giờ sáng trong ngày.

Con Rồng (từ Hán – Việt là Long) là con vật dù không có thật nhưng truyền thuyết luôn gắn bó mật thiết với đời sống con người từ xa xưa cho tới nay. Do đó, hình ảnh con Rồng xuất hiện  khá phổ biến trên mọi lãnh vực rất phong phú và đa dạng, trong: địa danh, lịch sử, văn hóa nghệ thuật, ca dao tục ngữ, tôn giáo tín ngưỡng, võ thuật, y học… Riêng bài này đề cập tới vai trò “Rồng trong Kiến Trúc”.

Sách Lĩnh Nam Chích Quái do Trần Thế Pháp biên soạn vào thế kỷ XIV được coi là dã sử, vì đó là những truyền thuyết trong dân gian có liên quan đến lịch sử mà tác giả đã sưu tầm được. Sự tích  “Con Rồng cháu Tiên” chép trong truyện “Họ Hồng Bàng’’ xếp đầu tiên trong số 22 truyện của sách ấy. Còn theo Từ Điển Việt Nam của Lê Văn Đức thì Rồng là: Con vật mình dài, vảy to, miệng rộng, có một gạc, chân có vây, sinh dưới nước và còn biết bay trên mây nữa.

Tiếp đến, theo Tự điển Tiếng Việt, còn cho biết: Con Rồng là con vật từ thời xưa được tôn sùng nhất, và nó còn tượng trưng cho uy quyền nhà vua trong chế độ phong kiến, nên thường được dùng trang trí trong kiến trúc cung đình. Nhưng cũng khác nhau, tùy theo thời đại mà Rồng xuất hiện như:

Thời nhà Lý: Rồng xuất hiện cho mơ ước của dân cư trồng lúa nước nên luôn luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân và lưng có vẩy. Thân Rồng uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, nhỏ dần về phía đuôi. Rồng có bốn chân, mỗi chân có 3 móng cong nhọn. Đầu Rồng ngẩng cao, há miệng rộng với 2 hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc, từ mũi thoát ra mào Rồng có đầu ngọn lửa, vì thế được gọi là mào lửa. Trên trán Rồng có một hoa văn giống hình chữ “S”, là cổ tự của chữ “Lôi”, tượng trưng cho sấm sét, mưa gió.

Đến thời nhà Trần: Không có mang nặng ý nghĩa mơ ước nguồn nước nữa. Dạng chữ “S” dần dần mất đi, hoặc biến dạng thành hình con Rắn. Đồng thời còn xuất hiện thêm chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu Rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân Rồng tròn lẳng, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi. Uốn khúc nhẹ nhàng, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, lúc thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vảy như nửa bình hoa tròn nhiều cạnh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét nhẹ nhàng.

Sang đời nhà Lê: Vào thế kỷ XV thì thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là con vật mình dài như con rắn uốn lượn đều đặn nữa, mà ở nhiều tư thế khác nhau. Đầu Rồng to, bờm lớn ngược ra sau. Mào lửa mất hẳn. Thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân Rồng uốn lượn hai khúc lớn. Chân có 5 ngón, móng sắc nhọn quắp vào lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho uy phong phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm Tứ Linh tượng trưng cho quyền uy của vương triều và sự thịnh vượng của triều đại.

Qua đời Trịnh Nguyễn: Rồng vẫn còn đứng đầu trong bộ Tứ Linh (Bốn con vật thiêng: Long, Lân, Quy, Phượng) nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình Rồng mẹ có bầy Rồng con quây quần, Rồng đuổi bắt mồi, Rồng trong cảnh lứa đôi…

Tới thời nhà Nguyễn: Phần lớn mình Rồng không dài, mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu Rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt lộ to. Mũi sư tử. Vây trên lưng có tia, phân bổ dài ngắn đều đặn. Râu uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng Rồng nói lên sự uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, được thể hiện ở nhiều tư thế ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ Thọ; hai Rồng chầu mặt trời, mặt trăng hay hoa cúc. Hình ảnh Rồng dùng cho các vua nhà Nguyễn đều có 5 móng, còn lại Rồng 4 hoặc 3 móng, sử dụng trong trang trí dinh thự. Điển hình như Điện Thái Hòa. Qua tên gọi của nó, có ý nghĩa chỉ khí âm dương hội tụ và dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ, cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp, giữa cương và nhu, giữa âm và dương thì mới tốt cho giang sơn. Chính vì vậy mà hình tượng Rồng đã được sử dụng bài trí cho cung điện này. Làm cho du khách đến thăm viếng đều ngưỡng mộ.

Qua các cách trang trí thời xa xưa của kiến trúc, đến ngày nay ta còn nhận thấy hình ảnh con Rồng vẫn còn được thể hiện trong kiến trúc ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp cho xây cất “Nhà Rồng” ở Sài Gòn năm 1862. Trên nóc ngôi nhà, họ cũng cho đắp hai con Rồng chầu “Đầu Ngựa và cái Mỏ neo”, biểu tượng của hãng tàu thủy Messageries Maritimes. Năm 1955, Chính phủ Việt Nam đã cho tu bổ lại mái ngói và cho thay thế bằng hai con Rồng trong tư thế “Quay đầu nhìn ra hai phía của đường bờ mái như ta thấy hiện nay.

Tôn giáo Tín Ngưỡng: Hình tượng Rồng đi vào lãnh vực trang trí, chạm khắc trong vật liệu cột, kèo xây dựng nơi đình, chùa, thánh đường, thánh thất, miếu, am và các cỗ kiệu sơn son thiếp vàng luôn có Rồng hiện diện.

Kiểm lại, ta thấy ngoài những xiêm y của vua chúa trong triều được thêu hình Rồng, Rồng còn thể hiện trang trí nơi đền, đài, ung đciện, đình, chùa, miếu nói lên sự cung kính của mọi tầng lớp, từ vua chúa, quan quyền đến người dân. Đặc biệt, khi các nghệ nhân tạc tượng hoặc khắc vẽ điểm tô cho hình Rồng đều phải cho đầu hướng lên trời cao, nói lên ý chí luôn tối thượng vươn lên.

Điểm Rồng nổi bật trong kiến trúc tại Tòa Thánh Tây Ninh Đạo Cao Đài mang hình tượng Long Mã bái sư. Đầu là mặt tiền tòa nhà nhìn thẳng ra phía Tây. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu là tòa nhà lầu ngồi trên lưng cọp và tòa sen. Bên trong Tòa Thánh, các cột đều trang trí chạm khắc Rồng uốn quanh với màu sắc rực rỡ, sáng bóng, càng làm nổi bật sự uy nghiêm lộng lẫy của nơi thờ tự Đấng Chí Tôn.

Nối kết tinh thần từ xa xưa của tiền nhân theo chu kỳ tuần hoàn của mặt trăng để làm lịch, nên gọi là “Âm Lịch”. Và cũng theo đó, mặt trăng mang tính âm. Còn con Rồng năng động biến hóa nên mang tính dương. Như vậy, biểu tượng “Lưỡng Long Triều Nguyệt” thuộc quẻ “Ly” là một biểu tượng của sự tốt lành, phù hợp với niềm tin của người Việt.

Khác với người Phương Tây, quan niệm cho Rồng là con vật thần quái to lớn, có cánh như Dơi, miệng phun lửa, mình dài như Rắn, có vẩy như Cá Sấu, tượng trưng cho sự gian ác, cần phải loại trừ. Trong khi đó, ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á lại cho Rồng biểu tượng cho sự cao quý, sức mạnh vô địch và lòng quả cảm tuyệt vời, tượng trưng cho ước vọng tự do vượt thoát bay lên.

Bởi vậy, ngoài “Lưỡng Long Triều Nguyệt (hai con Rồng chầu Mặt Trăng) ra, người ta lại thay đổi để hình “Lưỡng Long triều nhật” (hai con Rồng chầu Mặt Trời) với ý nghĩa ngọn lửa thiêng bảo vệ sự an lành cho mọi nơi, trước sự xâm nhập của tà ma. Thân hình Rồng mang hình dáng hoàn mỹ, mạnh mẽ, lại còn có ý nghĩa cầu xin trời mưa thuận gió hòa, mang lại mùa màng bội thu, từ đó đời sống con người có điều kiện tăng thêm phần yêu thương, đoàn kết gắn bó cùng nhau hơn, lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, cầu mong cho mọi thành phần trong gia đình luôn an khang, cùng đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, chung tay xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

                       Hoa Thịnh Đốn, những ngày cuối năm Quý Mão 2023