Luân lý bài 4: Các nhân đức

         Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

        (x. SGLC từ 1903 đến 1845) 

“Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen thì xin anh em hãy để ý và Thiên Chúa bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4,8-96).

Chúng ta tự hỏi: cái gì làm cho một việc, một hành động nhân linh thành tốt. Các bài trước đã bàn đến những nền tảng liên quan đến luân lý tính nơi con người: tự do, lương tâm, quyết định đúng đắn, trật tự những đam mê. Tuy nhiên vẫn còn một nền tảng nữa phải quan tâm. Cái gì làm cho chúng ta có thể gọi là tốt, không những một hành vi riêng lẻ nào đó nhưng là chính con người? Điều gì làm nên một người tốt?

Nơi con người, sự “tốt lành” không chỉ được đảm bảo đơn thuần bằng việc dự phần vào sự tốt lành nơi Thiên Chúa, nhưng còn phải đem ra thực hành trong đời sống. Sự tốt lành nơi con người còn liên hệ đến việc người đó vun trồng cái tốt thành điều vững chắc và bền lâu. Đây chính là điều mà truyền thống Kitô giáo gọi là “nhân đức”.

Thánh Tôma định nghĩa rất đơn giản: nhân đức là “cái làm cho một người thành tốt”. Nhân đức khiến cho một người không những làm điều này điều kia tốt, nhưng còn là nên người tốt. Nhân đức là những thái độ vững chắc, những xu hướng kiên trì, trở nên như bản tính thứ hai nơi người tốt (số 1804). Có được những thái độ và xu hướng này là nhờ tập luyện hoặc đón nhận như ân sủng. Những nhân đức nhân bản và Kitô giáo, gồm 4 nhân đức trụ và 3 nhân đức đối thần.

  Tùy theo đối tượng trực tiếp của nhân đức là Thiên Chúa và những ưu phẩm của Người hay con người và những thực tại liên hệ đến trật tự sáng tạo, ta sẽ có các nhân đức đối thần và các nhân đức luân lý. Truyền thống kể ra ba nhân đức đối thần, đã được thánh Phaolô xác định từ trước: tin, cậy, mến (1Cr 13,13 và các chỗ khác). Tuy nhiên, còn nhiều nhân đức khác lấy Thiên Chúa làm đối tượng trực tiếp, bởi đó cũng có thể gọi là các nhân đức đối thần. Trong số này, trước hết ta phải kể đến nhân đức thờ phượng, kế đó là các nhân đức bày tỏ lòng đạo như kính sợ Thiên Chúa…

Trong số các nhân đức luân lý, có bốn nhân đức cơ bản và quan trọng đã được người xưa nhận ra: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ. Bộ tứ này đã được nêu ra từ thời các triết gia Hy lạp (Platon, Aristoteles) và trong sách khôn ngoan của Cựu ước (Kn 8,7). Thánh Ambrôsiô gọi bốn nhân đức này là các nhân đức bản lề, vì chúng được coi như những bản lề, toàn bộ đời sống luân lý của con người sẽ xoay quanh 4 nhân đức này như những nhân đức ưu việt.

Đối với người Việt Nam, chữ Đức đóng một vai trò rất quan trọng, và Đức được hiểu là "cái biểu hiện tốt đẹp của đạo lý trong tính nết, tư cách, hành động của con người" (Từ điển tiếng Việt NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1988). Đã biết Đạo thì phải sống Đạo, và cuộc sống ấy thể hiện qua cái Đức. Quan niệm nầy thật gần gũi với người tín hữu Kitô.

Với Kitô hữu, nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên định để làm điều thiện. Người nhân đức là người hướng về điều thiện với tất cả năng lực thể xác và tinh thần. Vậy đâu là những nhân đức căn bản của đời sống Kitô hữu, và phải làm gì để có được những nhân đức ấy?

I. CÁC ĐỨC TÍNH CĂN BẢN

Các đức tính nhân bản là những xu hướng bền vững, dẫn đến thái độ kiên định và thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí; nhờ đó con người điều chỉnh các hành vi và cách sống của mình theo lý trí và đức tin. Có bốn đức tính căn bản: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ.

Khôn ngoan là đức tính giúp ta nhận ra đâu là điều thiện đích thực trong từng hoàn cảnh, và khi đã nhận ra thì biết chọn lựa phương thế thích hợp để đạt tới. Không nên nhầm lẫn khôn ngoan với nhút nhát và sợ hãi, lại càng không thể đồng hóa khôn ngoan với sự tráo trở, giả hình. Nhờ khôn ngoan ta biết ứng dụng lề luật luân lý vào những hoàn cảnh cụ thể để thi hành điều thiện cách tốt đẹp nhất.

Công bình là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, và trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Công bình đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng";  còn đối với con người, công bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người, đối xử công minh với mọi người và thực thi công ích.

Can đảm là kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện cho dẫu có nhiều khó khăn cản lối. Nhờ đó, ta cương quyết chống lại các cơn cám dỗ, vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý, chiến thắng sự sợ hãi, kể cả cái chết để dám sống cho chính nghĩa.

Tiết độ là biết điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng đúng mức những của cải trần thế. Nhờ đó, ta làm chủ được các bản năng tự nhiên và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng.

Những đức tính nầy được gọi là nhân bản, nghĩa là thuộc về con người. Đã là người, phải có những đức tính căn bản đó. Nhiều người tuy không có niềm tin tôn giáo nhưng vẫn có những đức tính đáng quý này. Người Kitô hữu lại cần phải có những đức tính nhân bản hơn những người khác, vì muốn làm con Thiên Chúa thì trước hết phải sống cho ra người.

Có được những đức tính nhân bản là nhờ giáo dục, sự kiên trì tập luyện và thực hành trong đời sống. Tuy nhiên, tội lỗi đã làm con người bị tổn thương; vì thế, ngoài những nỗ lực tự nhiên, ta còn cần đến ơn Thiên Chúa nâng đỡ nhờ cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và cộng tác với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

II. CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN

Gọi là nhân đức đối thần vì những nhân đức nầy quy chiếu trực tiếp về Thiên Chúa như căn nguyên, động lực và đối tượng. Đối với Kitô giáo, các nhân đức đối thần là nền tảng và linh hồn của toàn bộ đời sống luân lý. Thiên Chúa ban cho ta những nhân đức nầy, để ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. Có ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy và Mến (x.1Cr 13,13).

1. Đức Tin:

Đức Tin là một nhân đức nhờ đó ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Người nói và mạc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy ta phải tin. Đức Tin là một hồng ân nhưng đồng thời cũng là sự đáp trả của con người trước hồng ân của Thiên Chúa. Sự đáp trả ấy mang tính toàn diện nghĩa là của cả lý trí, tình cảm và hành động. Vì thế, đức tin phải được diễn tả ra ngoài bằng việc làm cụ thể. "Đức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ" (Gc 2,26).

Hơn thế nữa, người môn đệ Chúa Kitô còn phải can đảm làm chứng và truyền bá đức tin (x.GH 42). Đòi hỏi này xuất phát từ chính bản thân của đức tin, và là đòi hỏi cần thiết để được cứu độ "Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 10,32-33).

Tin là việc lý trí đón nhận tất cả mọi điều Chúa dạy vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng; Người không thể sai lầm và lừa dối ai. Tin như thế không phải là kết quả của lý trí loài người, nhưng là ơn của Chúa. Vì thế, đức tin là nhân đức siêu nhiên do Chúa ban và quy hướng về Chúa. Những điều phải tin được tóm tắt trong kinh Tin Kính.

    Tuy nhiên, tin không chỉ dừng lại ở lý trí, nhưng phải được tỏ lộ bằng hành động. Đức tin không hành động là đức tin chết tận gốc rễ (Gc 2,17). Vì thế, tin là quyết tâm thực hành lời Chúa, sống theo ý Chúa, phó thác cuộc sống cho Chúa và gắn bó theo Người. Chỉ có đức tin ấy mới đem lại ơn cứu rỗi. 

      Vậy tin là ơn Chúa ban giúp ta đón nhận mọi điều Chúa dạy và ra sức thực hành cùng phó thác đời mình trong tay Chúa.

2. Đức Cậy:

Đức Cậy là nhân đức nhờ đó ta khao khát Nước Trời, và sự sống vĩnh cữu như hạnh phúc của đời mình, tin tưởng vào các lời hứa của Chúa Kitô, và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Con người ta sống không thể không có hy vọng, nếu không nói là người ta sống nhờ hy vọng. Nhưng điều quan trọng là hy vọng vào ai, hy vọng cái gì? Và làm thế nào để đạt tới?

Đối với người Kitô hữu, đích điểm của hy vọng không chỉ là hạnh phúc trần thế, nhưng chính là Chúa, là Nước trời và sự sống vĩnh cửu. Đồng thời người Kitô hữu ý thức rằng tự mình không thể đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ấy, nhưng phải nương tựa vào Chúa. Chính vì thế hy vọng trở thành cậy trông.

 Đức cậy trông là cái neo chắc chắn bền vững của tâm hồn, là vũ khí bảo vệ ta trong cuộc chiến thiêng liêng, và mang lại cho ta niềm vui ngay giữa những gian truân thử thách. "Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân… " (Rm 12,12). Đời sống cầu nguyện vừa diễn tả vừa nuôi dưỡng đức cậy trông, vì thế ta cần phải đi sâu hơn mỗi ngày vào đời cầu nguyện.

Cậy trông là thái độ tâm hồn khiến ta chắc chắn sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời bên Chúa nhờ các phương tiện Chúa ban.

    Lý do khiến ta hy vọng chắc chắn như thế, vì Chúa là Đấng yêu thương muốn điều tốt cho ta và quyền năng có thể làm được mọi sự đã hứa với ta.

Niềm cậy trông như thế là kết qủa của ơn Chúa. Vì thế đức cậy trông là nhân đức siêu nhiên do Chúa ban để ta luôn biết đặt hy vọng nơi chính Chúa.

Giá trị của Đức Cậy

Trong thực tế, Đức Cậy giúp ta đừng bám víu vào của cải, danh vọng, thế lực đời này, nghĩ rằng chúng có thể bảo đảm hạnh phúc cho ta; nhưng coi chúng chóng qua và chỉ là phương tiện để ta đạt hạnh phúc đời đời mai sau. Đức Cậy giúp ta phấn khởi dùng mọi phương tiện Chúa ban để mưu tìm hạnh phúc bất diệt. Đức Cậy còn giúp ta nhẫn nại trong mọi thử thách đau thương vì đó là con đường Chúa Giêsu đã đi mà nay chúng ta phải đi để đạt tới hạnh phúc thật.

Như thế, Đức Cậy là ơn Chúa ban làm cho ta cậy dựa vào Chúa là Đấng ban hạnh phúc cho ta, nhưng không được ỷ lại vào lòng nhân lành của Chúa mà không lo làm lành lánh dữ.

3. Đức Mến

Đức Mến là nhân đức nhờ đó ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, ta yêu mến người thân cận như chính bản thân. Đức Mến thúc đẩy ta sống con thảo với Cha trên trời, và là anh em của mọi người.

Trong ngôn ngữ Việt Nam, người nhân đức là "kẻ có lòng thương người" (x. Từ điển tiếng Việt); nghĩa là lòng yêu thương được coi như cốt lõi của đạo đức. Quan điểm này thật gần gũi với đạo Kitô, vì Đức Giêsu đã đặt Đức Mến làm điều răn mới. Đức Mến được coi là "mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3,14), là linh hồn của mọi nhân đức, sự viên mãn của lề luật, là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức: "Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến" (1Cr 13,13).

Chúa Kitô chính là gương mẫu cao cả nhất. Ngài đã chịu chết vì yêu mến ta ngay lúc ta còn thù nghịch với Thiên Chúa (x.ra 5,10). Vì thế, Ngài mời gọi ta yêu thương như Người (x.Mt 5,44), yêu cả kẻ thù và đón nhận người bé mọn nghèo hèn như đón nhận chính Ngài (Mt 25,40-45).

Mến là thái độ tâm hồn, nhờ đó ta yêu Chúa hơn mọi sự vì Chúa là Đấng vô cùng đáng mến, và từ đó ta yêu thương mọi người vì Chúa muốn như vậy.

Yêu Chúa hơn mọi sự, nghĩa là đặt Chúa vào chỗ nhất trong tình yêu của ta. Khi cần, ta dám hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống mình, để chứng tỏ lòng yêu mến Chúa.

Như thế, Đức Mến là nhân đức Chúa ban làm cho ta yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương mọi người là hình ảnh của Chúa.

Giá trị của Đức Mến

– Đức Mến bao gồm mọi nhân đức. Ai có lòng mến là có đủ mọi nhân đức, như lời thánh Phaolô: “Đức Mến thì khoan dung, nhân hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”(1Cr 13, 4-7).

– Đức Mến đáng quí hơn mọi ân huệ khác Chúa ban: “Dù tôi nói được mọi thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có lòng bác ái thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay được cả lòng tin có thể dời núi chuyển non, mà không có lòng bác ái thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có thể đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có lòng bác ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13, 1-3).

– Đức Mến là nhân đức duy nhất tồn tại ở đời sau. Trên Thiên đàng, Đức Tin và Đức Cậy không còn nữa, vì đã thấy và đã chiếm hữu; nhưng lòng mến thì tồn tại muôn đời: càng được chiêm ngắm Chúa tốt lành, càng gia tăng lòng yêu mến Chúa.

Tóm lược

1. Đức Tin là gì? – Đức Tin là nhân đức siêu nhiên giúp ta vững lòng phó thác vào Chúa và chấp nhận những điều Chúa dạy và Hội Thánh truyền lại cho ta.

2. Đức Cậy là gì? Đức Cậy là nhân đức siêu nhiên giúp ta trông đợi vững vàng, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, ta sẽ được Chúa ban ơn đầy đủ để sống xứng đáng là con cái Chúa ở đời này và đời sau được hưởng hạnh phúc vô cùng.

3. Đức mến là gì? – Đức Mến là nhân đức siêu nhiên làm cho ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu mọi người như Chúa yêu ta.

III. NÊN THÁNH NHỜ CÁC NHÂN ĐỨC

 Ngoài ba nhân đức đối thần, Chúa Thánh Thần còn ban các hồng ân và hoa trái thiêng liêng, giúp người tín hữu dễ dàng sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 Bảy ơn Chúa Thánh Thần là: Ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn dũng cảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Chúa. Truyền thống của Hội Thánh cũng nói đến 12 hoa trái của Thần Thánh: "Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết" (Gl 5,22-23).

  Để thực tập các nhân đức, cần phải áp dụng các đòi hỏi của giá trị luân lý vào trong chính hoàn cảnh cụ thể. Đây chính là công việc của sự khôn ngoan. Khôn ngoan giúp con người nhận định đúng đắn, những biện pháp nào cần phải áp dụng để thỏa mãn những đòi hỏi của một nhân đức trong từng hoàn cảnh cụ thể. Khôn ngoan là nhân đức có liên hệ tới những phương tiện thích hợp hầu đạt tới mục tiêu như thánh Tôma đã nói. Đây cũng là vấn đề hiểu biết đúng đắn về những đòi hỏi của các giá trị luân lý. Muốn tập thành và vun trồng đức khôn ngoan, phải có sự hiểu biết thực tiễn, nhờ nghiên cứu lịch sử và các hoàn cảnh cụ thể, nhờ học hỏi từ kinh nghiệm bản thân. Đức khôn ngoan sẽ giúp con người chú ý tới tiếng gọi của Thiên Chúa và ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bởi vì đức khôn ngoan ấy đã được thấm nhuần lòng yêu quý các giá trị đích thật.

Tiếng gọi nên thánh và hoàn thiện là một bận tâm đặc biệt của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội của Vatican II. Hiến chế ấy khẳng định rất rõ “mọi tín hữu, bất luận sống trong hoàn cảnh và bậc sống nào, đều được Thiên Chúa mời gọi, mỗi người mỗi cách, đạt tới mức thánh thiện hoàn hảo như Chúa Cha là đấng hoàn thiện” (GH 11). Mọi thành phần trong Dân Chúa đều “có cùng ơn nghĩa tử, cùng ơn gọi nên thánh”, dù không phải mọi người đều đi cùng một con đường để đạt tới mục tiêu ấy (GH 32). Các nghị phụ Công Đồng đã không dừng lại với những tuyên bố vắn tắt ấy, mà còn dành cả một chương cho đề tài ấy. “Toàn thể Hội thánh được mời gọi nên thánh” (GH 39-42, chương V).

Chúa Giêsu là Thầy và là mẫu mực của mọi sự hoàn thiện, đã rao giảng sự thánh thiện cho mỗi người và mọi nơi, bất luận họ sống trong hoàn cảnh nào. Bởi đó, cũng ai thấy rõ mọi tín hữu của Đức Kitô, bất luận thuộc hàng ngũ hay bậc sống nào, đều được mời gọi đạt tới mức viên mãn của đời sống Kitô hữu và mức hoàn hảo của đức ái” (GH 40).

Thánh thiện bao gồm hết mọi nhân đức, nhưng không phải chỉ là các nhân đức cộng lại. Điều quan trọng hơn hết không phải là giữ điều này hay điều kia, thực hành các việc đạo đức này hay các việc đạo đức kia, mà là sự đổi mới của chúng ta, là trở thành “tạo vật mới trong Đức Kitô” (x. Giáo Lý 6,15). Đó là khi ta kết hợp với Đức Kitô qua “đức tin, hoạt động nhờ đức ái” (Giáo Lý 5,6) mà có được Thánh Thần nơi mình; Người là nguồn cội của mọi hành vi nhân đức. Sự hoàn thiện Kitô giáo là sự thánh thiện của Đức Kitô nơi chúng ta.